Gạt tay quá mạnh hay là cưỡng hình đoạt lý

Lê Ngọc Sơn

Sự việc hình ảnh, video các phóng viên bị đánh chảy máu mồm và đập máy ảnh nhẽ ra đã là một ví dụ điển hình để đốn chỉnh kỉ luật của lực lượng Công an Hà Nội, bảo vệ uy tín nghề nghiệp và sự chính trực của lực lượng. Tiếc rằng, cách giải thích kiểu “cưỡng hình đoạt lý” của Công an Hà Nội về việc công an chỉ “gạt tay trúng má”, “gạt tay vào máy quay”,… đã không phải là một cách giải thích hợp lý để giải quyết cuộc khủng hoảng này.

clip_image002

Hình ảnh phóng viên Quang Thế của Báo Tuổi Trẻ bị “gạt tay vào má”. Ảnh: Minh Chiến

 

Trước hết, tôi cho rằng, để xảy ra vụ xô xát là một việc không đáng có, mà sai phạm có thể đến từ cả hai phía. Tôi cho rằng đây là một cuộc khủng hoảng, và Công an Hà Nội nhẽ ra có thể đưa ra cách xử lý tốt hơn.

Trong ngôn sử, có truyền lại câu chuyện rằng: có một bạo chúa, mải mê gái gú quên việc triều chính. Tầm sáu giờ chiều mới bắt đầu việc thiết triều. Một viên quan đứng ra khuyên bảo, không nên bắt đầu việc thiết triều khi mặt trời gác núi phía Tây, coi thường việc nước là một đại hoạ.

Bạo chúa tự ái, lên mặt: – Ta không cho rằng mặt trời gác núi phía Tây, đó là lúc mặt trời mọc: Mặt trời mọc ở đằng Tây, lặn ở đằng Đông. Kẻ nào nói ngược, đem trảm. Rồi đem chém tất cả những người cương trực, dám cãi lời. Tự cho mình phán mặt trời mọc ở đằng Tây lặn ở đằng Đông, và bắt buộc mọi người phải tin, là việc của những kẻ thô bạo, cậy quyền, lộng thế.

Việc những bức hình phóng viên bị đánh được lan truyền trên mạng rõ ràng, nhưng Công an Hà Nội “định nghĩa lại” theo ý kiến của người có quyền – về bản chất, chẳng khác nào việc phán “mặt trời mọc ở đằng Tây lặn ở đằng Đông” vậy. Cưỡng hình đoạt lý là một cách làm của những người cậy nắm trong tay quyền thế. Nhưng trong một xã hội dân chủ mà ta đang hướng tới, đây là việc làm để lại những hậu quả khôn lường.

Dưới góc nhìn của một người làm nghiên cứu về quản trị khủng hoảng, tôi cho rằng đây là một cách giải quyết không ổn, để lại những thiệt hại to lớn và vô hình.

Thứ nhất, người dân có thể nghĩ rằng quyền lực thuộc về kẻ mạnh, không tin vào sự công chính bình đẳng cho tất cả mọi người, điều mà mọi nhà nước dân chủ đều tôn thờ như lẽ sống còn. Việc này kéo dài và dồn tích đủ lớn, sẽ bào mòn tính chính danh của quyền lực Nhà nước.

Thứ hai, việc “cưỡng hình đoạt lý” chỉ góp phần dồn tích các ẩn ức xã hội. Những ẩn ức này gia tăng đến một ngưỡng cộng hưởng nào đó, sẽ rất nguy hiểm cho sự an nguy của quốc gia.

Thứ ba, những hành vi bạo lực là hoàn toàn lạc lõng trong một xã hội văn minh, pháp quyền tối thượng. Nuông chiều, bảo vệ cho những hành vi đó không có lợi cho hình ảnh của Công an Hà Nội lẫn sự tiến bộ của đất nước.

Thứ tư, cưng chiều sai phạm của cấp dưới sẽ là cảm hứng của nạn kiêu binh. Những viên công an thuộc cấp sẽ nghĩ rằng dù mình làm sai cũng có cấp trên che đậy. Họ ảo tưởng về quyền lực được nhân dân (mà đại diện cho dân là Nhà nước) giao phó.

Thứ năm, cố “bới lông tìm vết”, nặn cho ra mọi lỗi để gán cho anh phóng viên và phạt bằng được, dễ làm công chúng cho rằng đó là sự nhỏ nhen và sử dụng công quyền tuỳ tiện, như là một sự “dằn mặt” đối với giới báo chí. Điều này, một lần nữa khiến công chúng nghĩ đến sự tuỳ tiện khi sử dụng công lực.

Quyền lực của bất kỳ nhà nước nào tất lẽ đều thuộc về nhân dân. Đó là sự công chính và lẽ trường tồn của mọi nhà nước. Sử dụng quyền lực, vì vậy, cũng phải công chính và đại diện ý chí của người dân. Sử dụng vũ lực thô bạo tuyệt nhiên không phải là mong muốn của người dân nước Việt, và càng không phải là ý chí thực sự của Nhà nước ta.

Tôi còn nhớ, khi còn là một sinh viên báo chí, thầy giáo luôn dạy: “Phải luôn nhớ báo chí là miệng lưỡi của Đảng và Nhà nước”. Ông nhấn mạnh liên tục, và dặn dò khi thi phải có câu này mới được điểm cao. Báo chí là miệng lưỡi, nhưng những ngày này “miệng lưỡi” bị “những cánh tay” rượt đuổi, đánh hộc máu mồm.

Có lẽ, về vai trò thực sự của báo chí, để không phải chỉ là khẩu hiệu suông, cần nghiêm chỉnh xử lý những kẻ kiêu binh thách thức tự do báo chí. Chỉ một khi chúng bị trừng trị đích đáng, sự tôn nghiêm của pháp luật mới được đảm bảo, việc làm hao tổn tính chính danh của quyền lực sẽ được ngăn chặn, mới hạn chế được suy nghĩ rằng trong xã hội mọi công dân đều bình đẳng, nhưng có một số nhóm công dân bình đẳng hơn một số nhóm công dân khác.

Mọi nền tảng của một xã hội văn minh, thượng tôn pháp luật cần xây dựng trên sự khoan dung, trí tuệ, thay vì dung dưỡng sự bạo cường của nhân viên công lực.

Dùng mẹo “cưỡng hình đoạt lý” để xử lý cuộc khủng hoảng, Công an Hà Nội đang đối diện với một cuộc khủng hoảng thứ cấp, mà khó có thể có tên gọi nào khác hơn là: cuộc khủng hoảng niềm tin.

L.N.S.

Nguồn: http://danviet.vn/tin-tuc/gat-tay-qua-manh-hay-la-cuong-hinh-doat-ly-712311.html

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.