Tour du lịch Formosa: Sản phẩm du lịch hay lộ trình tẩy não?

Thiên Điểu

Sự mập mờ, đánh tráo ở đây chính là việc bỏ qua bản chất loại hình này trên thế giới đến vùng thiên tai – bất khả kháng, không thể ngăn chặn – khác hẳn về bản chất của “tour du lịch Formosa” với thảm họa môi trường do chính Formosa gây ra.

clip_image002

Vụ đầu độc biển của Formosa đang đứng trước sự thách thức giữa quan điểm “lề dân” và nhà nước. Việc hàng chục ngàn người xuống đường phản đối với hàng triệu người cả nước theo dõi, đồng tình và mới nhất là hàng trăm hộ dân bốn tỉnh miền Trung đồng loạt đưa đơn khởi kiện Formosa ra tòa án cho thấy quyết tâm của người dân không có ý tưởng chấp nhận sự tồn tại của Formosa sau vụ ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng đã xảy ra.

Giải pháp hợp lý và duy nhất là Formosa phải chấp nhận bồi thường thỏa đáng kèm theo một giải pháp đảm bảo triệt tiêu hoàn toàn nguy cơ tái diễn. Điều này chỉ có thể thành hiện thực khi Formosa muốn tồn tại, ngoài bồi thường thỏa đáng thì phải thay đổi hoàn toàn công nghệ, chuyển công nghệ luyện ướt sang công nghệ luyện khô. Mọi lý lẽ hay tính toán nhằm bảo vệ cho Formosa không đạt điều này đều là đi ngược lại lòng dân và đi ngược lại xu hướng khoa học và quan điểm phát triển bền vững.

Những người có học vấn, có lương tri cần nhận thức rõ tính pháp lý và phương án giải quyết sao cho có thể đóng góp vào sự ổn định xã hội, phát triển đất nước một cách khoa học, hợp lý. Từ đó vạch ra các giải pháp và hành động bảo đảm được lợi ích của đất nước, của nhân dân. Nhưng các nhà khoa học của Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững (STDe) lại đang manh nha đưa ra một sản phẩm mang tên “Tour du lịch Formosa – Huyền thoại cá thép hóa rồng”. với những lập luận hết sức hời hợt và mang tính ngụy biện hết sức nguy hiểm.

Xét về mặt mục tiêu kinh tế, trả lời trên Trí thức Trẻ, TS.KTS. Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển du lịch bền vững, chủ nhân của ý tưởng “Tour du lịch Formosa” cho rằng:

“Thời gian qua, bốn Tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa thiên Huế… đã và đang đứng trước những khó khăn thách thức có một không hai do thảm hoạ môi trường từ nhà máy thép Formosa.

Hiện tượng cá chết hàng loạt trong thời gian kéo dài đã dẫn đến nguy cơ sẽ chấm dứt sự tồn tại của các ngành kinh tế biển quan trọng như du lịch và hải sản…

Đáng lo hơn nữa là vấn đề lương thực, thực phẩm và công ăn việc làm của người dân 4 tỉnh miền Trung sẽ ra sao khi môi trường biển và các hệ sinh thái bị ô nhiễm nặng nề, khi không còn sự tồn tại của cá – một loài sinh vật biển quan trọng đã bao đời nay nuôi sống con người.

Để góp phần tháo gỡ khó khăn trên của 4 tỉnh miền Trung, chúng tôi với tập hợp liên ngành các nhà khoa học tâm huyết đã cùng nhau nghiên cứu và đề xuất “Tour du lịch Formosa” – Huyền thoại cá thép hoá rồng.

Đây là một hướng đi hoàn toàn mới cho việc khai thác tài nguyên biển tại 4 tỉnh miền Trung trong thời gian tới một cách thông minh hơn, sáng tạo hơn, hiệu quả và bền vững hơn so với các phương thức khai thác tài nguyên biển từng có trước đây”...

Thừa nhận “nguy cơ sẽ chấm dứt sự tồn tại của các ngành kinh tế biển quan trọng như du lịch và hải sản…” và lý giải ý tưởng lập tour du lịch Formosa như một phương án khai thác, tạo ra thu nhập kèm nhận thức bù đắp cho mục địch “tháo gỡ khó khăn” … theo lời bà Hương, có vẻ như ý tưởng “Tour du lịch Formosa” mang đầy tính trách nhiệm và ý nghĩa đạo đức lớn lao. Tuy nhiên, khi trả lời câu hỏi của phóng viên về nội dung cụ thể của sản phẩm, bà Hương cho biết như sau:

“Tour du lịch Formosa” đi qua 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế,… kết nối 5 điểm du lịch quan trọng nhất gắn với cuộc đời và quá trình tu tập của cá – thép trước khi hoá rồng.

Điểm du lịch 1 là làng chài “cá gỗ” – nơi nàng cá sinh ra và lớn lên (địa điểm tại bãi biển Thiên Cầm, Hà Tĩnh).

Tại đây du khách sẽ được tìm hiểu về tổ tiên, nguồn gốc và huyền thoại về loài cá gỗ (ông của nàng cá), được ăn thử bữa cơm làng chài với cá gỗ, được tham gia chế tác các tác phẩm điêu khắc về cá gỗ, được tìm hiểu những chuyện lạ về các loài cá cùng văn hoá chài lưới và nhiều phong tục tập quán độc đáo khác.

Điểm du lịch 2 là khu du lịch cá – thép. Nơi xảy ra mối tình của nàng cá và chàng thép. (Vị trí tại Đèo con, Khu Công nghiệp Vũng Áng, Hà Tĩnh).

Khách du lịch sẽ được chứng kiến mối tình của nàng cá – chàng thép và sự chung sống hài hoà của họ qua các hoạt động du lịch trải nghiệm như: đua mô tô cá thép, cafe cá thép, tàu ngầm tham quan bảo tàng cá thép dưới đáy biển, trải nghiệm ngủ 1 đêm trong bụng cá thép (khách sạn cá thép), tham quan bảo tàng các tác phẩm nghệ thuật từ cá thép…

Điểm du lịch 3 là khu du lịch cá – cát (Bãi biển Nhật Lệ, Quảng Bình).

Điểm du lịch 4 là khu du lịch “Thép đã tôi thế đấy…” là nơi chàng cá-thép tu tập để vượt cổng vũ môn (địa điểm: bãi biển Triệu An, Quảng Trị).

Điểm du lịch 5 là khu du lịch cá – rồng, nơi cá – thép tái sinh và hoá rồng (địa điểm là bãi biển Lăng Cô, Huế)”...

Toàn bộ các nội dung được tóm tắt, xâu chuỗi lại như sau: Từ câu chuyện châm biếm hài hước về con cá gỗ – điểm 1. “Tour du lịch Formosa” sẽ dẫn dắt du khách sự tưởng tượng về một mối tình thơ mộng manh nha giữa nhà máy thép và cá (biển). Kế tiếp là sự những cảm nhận về sự thăng hoa của một mối tình trai gái đời thường được lồng vào câu chuyện “chung sống hài hòa” giữa cá và thép. Cuối cùng là cuộc “chuyển kiếp” vô tiền khoáng hậu (vượt vũ môn) để cá chết và thép đi vào tâm thức với lời minh chứng “Thép đã tôi thế đấy” (!)

Một sản phẩm què quặt về mặt tri thức, ẩn chứa tư duy mị dân kiểu “tẩy não”

Du lịch là văn hóa, là sản phẩm mang lại giá trị thỏa mãn về nhãn quan của đời thường trước một giá trị hay ý nghĩa nào đó được khám phá. Qua du lịch, con người thỏa mãn được nhu cầu nghỉ ngơi và học hỏi, tìm đến những ý tưởng tốt hơn cho cuộc sống. Các “nhà khoa học” của Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững (STDe) có biết giá trị đích thực cũng như các ảnh hưởng của sản phẩm du lịch ra sao khi “nghiên cứu” ra một sản phẩm như vậy?

Xét về nội dung: các tác giả “Tour du lịch Formosa” đưa ra chủ đề xung quanh một quan hệ chỉ có mâu thuẫn sinh tử chứ không thể có “hòa hợp” là Cá và Thép, cá sống bởi nước và thức ăn trong nước, Cá không thể ăn và sống trong Thép, chết vì lưỡi câu bằng Thép thì con Cá nào yêu nổi “chàng Thép”? Sự hoang đường đầy mâu thuẫn như vậy lại được “các nhà khoa học” đặt lên con đường khởi đầu bằng câu chuyện Cá Gỗ – một câu chuyện hài châm biếm mà dù muốn dù không, người dân miền Trung vùng Hà Tĩnh – Quảng Bình ít nhiều khi nói đến đều cảm thấy bị xúc phạm, xấu hổ dù nó chỉ là câu chuyện dân gian từ xa xưa.

Xét về mục tiêu sản phẩm, tạm không bàn tới hiệu quả kinh tế vì không thuộc mục đích của bài viết. Điểm cuối của “Tour du lịch Formosa” là cuộc hóa thân “vượt vũ môn” của “mối tình Cá – Thép”. Tất nhiên, đến đây thì du khách chỉ còn thấy “Thép đã tôi thế đấy” khi nàng Cá đã chết. Kết quả để lại ngoài tiền vào túi của chủ dự án – tất nhiên – và kết luận “Cá chết thật xứng đáng”! Không còn lý do gì để phản đối Thép (Formosa). Phải chăng đây mới là giá trị “thông minh; bền vững” mà STDe mong muốn?

Điều đó lý giải khá rõ ngay trong câu trả lời của bà Hương về khái niệm “kinh doanh nỗi đau” khi nói rằng “thế giới đã làm nhiều” bằng các lý giải về các tour đến những vùng thiệt hại do thiên tai. Sự mập mờ, đánh tráo ở đây chính là việc bỏ qua bản chất loại hình này trên thế giới đến vùng thiên tai – bất khả kháng, không thể ngăn chặn – khác hẳn về bản chất của “tour du lịch Formosa” với thảm họa môi trường do chính Formosa gây ra.

Một tour du lịch Formosa nếu có, phải hướng tới ý nghĩa tương đồng thảm họa hạt nhân ở Hirosima và Nagasaki của Nhật Bản. Tour mà tới đó người ta hiểu và cảm nhận được sự thật khủng khiếp để hình thành nhận thức tránh xa thảm họa, ngăn ngừa nó bằng mọi giá chứ không phải để tẩy não, ru ngủ con người từ một thảm họa còn nguyên nguy cơ tái diễn đến thỏa hiệp, nhắm mắt làm ngơ .

T.Đ.

__________

Nguồn tham khảo: http://soha.vn/chu-nhan-y-tuong-tour-du-lich-formosa-chinh-thuc-len-tieng-20160928162710618.htm

This entry was posted in Môi Trường. Bookmark the permalink.