Tương Lai
Khi đã mất niềm tin thì thật khó sống. Ấy vậy mà khủng hoảng niềm tin lại đang là đặc điểm nổi bật nhất của môi trường sống của chúng ta hiện nay! Khủng hoảng niềm tin đè nặng lên cuộc sống của mọi người, trước hết là những người đang đớn đau ưu tư về vận nước. Trong bối cảnh đó người ta lại làm ra vẻ thức tỉnh về cái gánh nặng gánh nhẹ gì đó mà lên giọng giáo huấn để rao giảng hãy “lấy lại niềm tin trước sự rộng lượng của nhân dân”!
Rộng lượng ư? Nhân dân thì bao giờ chẳng rộng lượng. Vì thế mà bọn sâu mọt đã khai thác triệt để sự rộng lượng ấy để “ăn của dân không từ một thứ gì”. Có kẻ ăn vội không kịp chùi mép. Đó là loại xoàng. Loại cao thủ thì chẳng những chùi rất sạch, lại vẩy thêm tí nước hoa đạo đức giả để tiếp tục khai thác sự rộng lượng của những người nhẹ dạ cả tin đang phẫn nộ về chuyện ăn không từ một thứ gì đó. Đây là chuyện ăn bẩn mà bà Phó Doan phải buột miệng nói ra tại một cuộc họp ngày 11.9.2012 chứ không phải là chuyện ăn cá biển đã được bà Bộ trưởng Y tế thông báo.
Một thông báo hết sức vi diệu: “Sau vời vợi mong chờ “câu hỏi cá” đã được Bộ Y tế đưa ra như báo Lao Động ngày 21.9.2016 viết. Đại ý: Cá tầng mặt, cá nuôi lồng có thể ăn. Trong khi đó tôm, tít, ốc mực, cá đuối, bạch tuộc, cua đá sống ở tầng đáy trong vòng 13,5 hải lý những loài “có phát hiện phenol” thì chớ có dại. Nhưng thông tin này sau đó đã đặt ra “cả tỉ câu hỏi”. Và, hỏi cũng chỉ là để tự hỏi nhau. Trách nhiệm thông báo của các Bộ đã xong, từ giờ phút thiêng liêng này, mỗi con cá, con cua phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về nơi sinh ra và lớn lên của mình, báo Lao Động bình như vậy để viết tiếp:
“Có một câu hỏi chính đáng của người dân thiết nghĩ không thể không đặt ra ở đây: Vậy làm thế nào để biết con cua nào trong vùng nguy hiểm 25km? Làm thế nào để tường đó là con ghẹ ở Campuchia chứ không phải là ghẹ từ vùng nguy hiểm? Thưa Bộ trưởng, người dân muốn trở thành “người tiêu dùng thông thái” lắm, nhưng chuyện phân biệt con cua an toàn, con ghẹ chứa phenol khó quá. Khó đến bất khả thi.” Và rồi tờ báo kết luận:
“Chẳng lẽ cứ phải ăn bằng niềm tin. Tin rằng biết đâu đó là một con ghẹ sạch?!”
Cái ông nhà báo đa sự này đặt ra câu hỏi cắc cớ, người đã không sạch thì ghẹ sạch làm sao được mà đòi người ta trả lời. Nhưng dù biển không sạch, cá tôm cua ghẹ không sạch nhưng vì một “quyết tâm chính trị” phải nói dối là sạch để an dân, đừng cho chúng nổi loạn lên, thì đã sao nào? Khi lời nói dối vừa ngọt ngào vừa thớ lợ đã được ban ra ngay từ đầu để trấn an người bạn vàng đối tác nhằm biểu tỏ quyết tâm sát cánh đến cùng cho dù biển của nước tớ có chết, dân nước tớ có điêu đứng gậy bị đi ăn mày, thì Formosa vẫn cứ được tớ bảo kê, vẫn vững như bàn thạch. Yên chí đi bạn mến thương.
Vì thế sao ghẹ lại không sạch được. Nó phải sạch ngay khi ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến “kiểm tra mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, khu dân cư mẫu nông thôn mới và tiến độ dự án Formosa” trong hai ngày 21 và 22.4.2016 như báo Nhân Dân đưa tin. Nghĩa là chỉ mười ngày sau khi cá chết nổi trắng bờ biển Vũng Áng rồi tiếp tục lan ra bờ biển các tỉnh phía Nam Hà Tĩnh. Ông Tổng Trọng đã không nói một từ về cá chết và hỏi thăm dân tình đang điêu đứng vì thảm họa này, mà chỉ khen tiến độ của “dự án Formosa”, để rồi mãi đến ngày 18.7.2016 trong Hội nghị tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp, lần đầu tiên ông mới nói đến chuyện này. Mà nói là vì “Sự cố cá chết… gây khó khăn cho công tác bầu cử”.
Đó là lý do để cho Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Võ Tuấn Nhân cung cúc chấp hành nghiêm lệnh mà tuyên bố ráo hoảnh vào ngày 27.4.2016: “Cơ quan chuyên môn đã thống nhất nhận định có hai nhóm nguyên nhân chính. Một là do tác động độc tố hoá học của con người và trên biển. Thứ hai là do tác động của hiện tượng tảo nở hoa hay thủy triều đỏ”. Ngoài ra, “Hiện chưa thấy mối liên hệ với hoạt động của Formosa và các công ty trong khu vực với tình trạng cá chết hàng loạt này”. Họ ngây ngô giả ngọng giả điếc trước lòng phẫn nộ trào dâng của ngư dân vùng biển đang gào thét trong các cuộc tuần hành liên miên với khẩu hiệu lên án thảm họa môi trường, đòi “dân cần biển sạch và chính quyền sạch”.
Họ cố tình không nghe tiếng gào thét của dân, nhưng thế giới thì lại nghe rất rõ. Chẳng thế mà ngay ngày 26.4.2016, một bản kiến nghị đăng trên trang web “We the People” của Nhà Trắng, đề nghị chính phủ Liên bang Mỹ hỗ trợ người dân Việt Nam bằng cách cung cấp đánh giá độc lập về tác động môi trường của nhà máy thép (Formosa). Đã có đề nghị Tổng thống Obama nêu vấn đề này với chính phủ Việt Nam trong chuyến thăm vào tháng 5. Tính tới tối 3.5. 2016 đã có hơn 138.000 người ký. Con số trên lớn hơn nhiều so với con số tối thiểu 100.000 chữ ký để Nhà Trắng phải lên tiếng.
Giới khoa học quốc tế cũng kịp thời lên tiếng. Ví như, Quỹ Ethecon báo cáo về vụ này đã tiếp xúc với nhà khoa học đã tham gia “Nhóm chuyên gia” của chính phủ Việt Nam, tiến sĩ Schroeder. Ông đã than phiền với Quỹ Bảo vệ Biển Đức (DSM) và với họ rằng, nhóm của ông đã không được phép tự lấy mẫu nước bị nhiễm độc, cũng như chỉ được báo cáo dựa trên những kết quả của các nhà khoa học trong nước trước đó. Quỹ kêu gọi Chính phủ Việt Nam phải bảo đảm sự minh bạch tuyệt đối về nguyên nhân, mức độ và phạm vi của thảm họa.
Dưới áp lực của công luận trong và ngoài nước, hoảng sợ trước sự phẫn nộ của dân, cuối cùng người ta cũng đành phải dàn xếp để “Formosa cúi đầu nhận tội”! Xin miễn phải nhắc lại đây sự khuất tất bỉ ổi giữa số tiền đền bù và tiền hoàn thuế mà Formosa nhận được. Trơ trẽn hơn, người ta lại kêu gọi sự “rộng lượng đối với người đã biết nhận tội” để hí hửng đếm vội tiền “đền bù”.
Lại rộng lượng!
Sao bỗng nhiên người ta lại lễ phép và nhu mì thế nhỉ. Chắc chẳng phải chỉ vì Chu Xuân Phàm đã bất ngờ nói toẹt ra cái sự thật mà từ người to nhất ở cấp chỉ đạo chiến lược gắn chặt với vùng “nhượng địa 70 năm” này cho đến các rô bốt từ cấp thấp hơn một tí cứ giấu như mèo giấu cứt. Để rồi giấu đầu hở đuôi. Rốt cuộc phải ngọng ngoẹo nói lên một phần sự thật.
Công bằng mà xét, trong cái hệ thống toa rập với nhau để quyết liệt nói dối một cách bỉ ổi về vụ Formosa với thảm họa môi trường này, người duy nhất còn chút liêm sỉ để không nói dối chính là tay Chu Xuân Phàm này đấy. Nếu “rộng lượng” thì ông ta mới là người đáng nhận được ân huệ đó chứ không phải là những kẻ theo đóm ăn tàn, lựa chiều để kiếm chác bằng chiêu thức mị dân mà công luận đã nhẵn mặt. Vả chăng, xét cho cùng, đã bão hòa với sự giả dối bịp bợm kéo dài và rộng khắp, dần dà kết đọng lại, trầm tích trong kết cấu hạ tầng tâm lý xã hội, khiến người ta chai lì với việc lộng giả thành chân nên cũng chẳng buồn phản ứng. Mà phản ứng chi cho mệt. Việc ta, ta biế; việc họ, họ làm. Chó cứ sủa, đoàn người cứ đi. Cứ ngỡ như sự vô cảm đang phả một làn sương buốt giá lên diện mạo xã hội trong chầu tàn cuộc của buổi chợ chiều “Hàng quán người về nghe xáo xác/ Nợ nần năm hết hỏi lung tung”! (Nguyễn Khuyến)
Vì thế mà tạm dừng cái chuyện to tát chẳng đặng đừng để phải nói đôi lời, xin trở lại với chuyện cá chết, “chuyện phân biệt con cua an toàn, con ghẹ chứa phenol khó quá. Khó đến bất khả thi” như báo Lao Động than vãn để rồi chán nản thốt ra: “Chẳng lẽ cứ phải ăn bằng niềm tin. Tin rằng biết đâu đó là một con ghẹ sạch”.
Phải ăn bằng niềm tin quá đi chứ, chẳng lẽ gì nữa. Không ăn cũng phải ăn. Ăn đến phát ọe ra cũng vẫn phải ăn. Vì đâu chỉ bị nhét vào mồm, mà còn đập vào mắt, hét vào tai hết ngày dài lại đến đêm thâu!
Có sự đầu độc tâm hồn, não trạng kể cả sự băng hoại của cảm xúc, thị hiếu con người thì mới dẫn đến sự đầu độc biển, đầu độc trời, đầu độc đất, đầu độc cá tôm cua ghẹ, đầu độc rau cỏ, hoa trái. Đầu độc bằng sự nói dối lừa mị triền miên, khởi đầu từ cái lớn nhất để dần dà đến những cái vừa vừa, rồi cái nhỏ nhất trong đời sống hàng ngày. Như chất axit ăn mòn từ ngoài da rồi ăn dần đến lục phủ ngũ tạng.
Chao ôi, rộng lượng cách nào đây khi mà sự bục vỡ lòng tin về cái giả biến thành cái thật được đóng dấu và rao giảng, người ngay sợ kẻ gian, pháp luật là một thứ trò hề cù không cười. Phiên tòa án vừa diễn ra tại Hà Nội xử nhà báo kiên trung Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh được một vị luật sư vạch rõ: “Đây là phiên tòa của thế kỷ 19. Vâng, đây không phải là phiên tòa văn minh của thế kỷ 21”. Chẳng còn gì để nói, đành mượn thơ nói hộ vậy.
Trong bài “Thơ nhậu” làm trên bãi biển Hà Tĩnh dạo tháng 4 năm nay, sau khi khuyên “ăn cá, ăn tôm, ăn mực… đi anh/ nếu có chết thì tháng sau, tuần sau, hay hôm sau mới chết”, Nguyễn Duy với cái cười của máu chảy trên đầu ngọn bút mà rằng “ăn Nghị quyết đi anh/ nếu có chết, nhiệm kỳ sau mới chết” thì chẳng phải đã “ăn bằng niềm tin” thì còn ăn cái gì nào? “Ăn” phải cái này thì chất độc còn ngấm sâu vào não trạng và tâm hồn, chứ chất độc trong cá e không có sức tác động ghê gớm như thế.
Và đâu chỉ một Nguyễn Duy “ăn” nghị quyết để “nhiệm kỳ sau mới chết”, mà vì chưa chết ngay tắp lự nên vẫn cón tí tởn làm thơ. Thế nhưng Chế Lan Viên, tác giả của câu thơ từng dậy sóng tâm hồn tuổi trẻ một thời “Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm/ Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng”, “Dẫu có bay giữa trăng sao cũng tiếc không được sống phút bây giờ/ Buổi đất nước của Hùng Vương có Đảng” viết năm 1965, thì trong Di cảo của hơn 40 năm sau, ông đã phải viết về chuyện “ăn” cái “Bánh Vẽ” trong giằng xé, đớn đau:
Chưa cần cầm lên nếm,
anh đã biết là bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn
Cầm lên nhấm nháp.
Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối
Đêm vui
Bảo anh không còn có khả năng nhai
Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc…
Thế thì đâu còn dịp nhai thứ thiệt?
Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn
Như không có gì xảy ra hết
Và những người khác thấy anh ngồi,
Họ cũng ngồi thôi
Nhai ngồm ngoàm…
Vâng, liệu chúng ta có đang nhai ngồm ngoàm cái bánh dù biết chắc đó là bánh vẽ.
Không chỉ ngồm ngoàm nhai mà còn cố nhịn nhục một cách vô sỉ để quyết “không ra khỏi tiệc”. Để gì? Để chờ có ngày “còn dịp nhai thứ thiệt”! Thứ thiệt cần nhai là thứ gì đây? Văn hóa khinh bỉ tham nhũng chăng? Hay văn hóa của cuộc “dâu bể đa đoan” làm sao cho “có liêm sỉ và có khát vọng cống hiến” để mà “trao mái chèo” đặng còn nhai ngồm ngoàm những lời mị dân chăng?
Một sự chờ đợi vô vọng. Tuy biết vô vọng mà vẫn chờ! Mà chỉ chờ, dù không biết đang chờ cái gì chứ không dám hành động để tìm một lối thoát, một bung phá để đi tới… Xem ra, “những người khác thấy anh ngồi, Họ cũng ngồi thôi” có hơi hướng của “Đợi chờ Gôđô” (“En attendant Godot”) của Samuel Beckett, nhà văn Pháp gốc Ireland, nhận giải Nobel văn chương năm 1969, thuộc trường phái kịch phi lý giữa thế kỷ XX của Châu Âu.
Thế nhưng “Đợi chờ Gôđô” khiến người xem buộc phải suy ngẫm lại chính mình, dần dần thấy ra sự vô nghĩa của một cuộc sống tầm gửi, không lối thoát. Còn ở đây, nhà thơ của một thời từng tự khẳng định “xưa phù du mà nay đã phù sa” để rồi khi chạm đến cái sự thật nghiệt ngã lại tự dựng lên cái thần thái phù du song thảm hại hơn về sự băng hoại của chính mình: “Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn/ Như không có gì xảy ra hết” để tiếp tục “nhai ngồm ngoàm”! Sự phản tỉnh muộn màng nhưng đã đủ dữ dội của giằng xé và phẫn nộ.
Vì thế, nếu bàn về niềm tin thì hãy tin vào sự phản tỉnh của lòng phẫn nộ đang nén chặt lại để đủ sức bung bật ra.
Ngày 25.9.2016
T. L.
Tác giả gửi BVN.