Bạn đọc đều biết 2 bài viết mới công bố của TS Vũ Ngọc Hoàng trên vietnamnet. BVN đã đăng lại 2 bài ấy trên trang của mình (xin xem ở đây, và ở đây). Một vài ngày gần đây, ý kiến về hai bài viết nói trên bỗng trở nên rôm rả. Chúng tôi xin chọn đăng lại một vài trong các đối thoại đa chiều, đa sắc đó, để chúng ta cùng tham khảo. Bauxite Việt Nam |
1. Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn
Trong bài: “Có những người bán rẻ Tổ quốc để giữ ngai vàng” TS Vũ Ngọc Hoàng đã nói chính xác về nguyên nhân của mọi nguyên nhân là thể chế hiện nay thiếu sự kiểm soát quyền lực. Vấn đề kiểm soát quyền lực là vấn đề cốt tử, sinh tồn của Đảng CSVN. Thực hiện việc này về kỹ thuật đâu có khó: Chỉ cần xây dựng thể chế theo mô hình một bên có quyền cầm dao chia bánh, một bên có quyền chọn bánh sau khi bên kia chia. Đó là cơ chế phân quyền trong lý thuyết trò chơi tạo ra sự công bằng tự nguyện, vì anh có quyền cắt bánh, muốn mình không bị thiệt thì phải cắt cho đều. Đó chính là cơ chế phân quyền trong xã hội dân chủ mà Đảng dán nhãn thế lực thù địch để không ai có thể nhắc đến. Cấu trúc quyền lực phi khoa học hiện tại được duy trì bằng cơ chế truyền thừa kiểu giang hồ, cho nên, trước và sau Đại hội 12, tôi đã hai ba lần tư vấn cho Đảng về bài toán chia bánh nổi tiếng này, nhưng Đảng CSVN vẫn không theo. Vì như vậy thì nhóm lợi ích tham nhũng quyền lực sẽ mất đi chỗ dựa pháp lý tù mù từ quán tính lịch sử Đảng áp đặt lên lịch sử dân tộc mà bản chất là lấy đạo lý “Ơn Đảng, ơn Bác” làm nền tảng siêu pháp lý để Đảng tồn tại siêu hợp pháp trên số phận dân tộc từ mấy thập kỷ nay sau khi thống nhất đất nước.
Thực trạng mất kiểm soát quyền lực mà ông Vũ Ngọc Hoàng chỉ ra thực chất là phương thức tồn tại mang bản chất “ăn không” sự nhớ ơn các tiền bối cách mạng của dân tộc để tạo nên logic tiếp nối quyền lực theo cách giang hồ, mặt khác việc mua bán quyền lực diễn ra hai ba thập kỷ nay dẫn đến thực trạng quyền lực đa phần rơi vào tay bọn người không có đóng góp gì trong chiến tranh cách mạng, lại thiếu đạo đức, tư cách trình độ, tham nhũng, ngu dốt, độc ác, lệ thuộc ngoại bang, bán đất đai, bán chủ quyền, bán môi trường, bán tương lai con cháu, cướp bóc tài sản của dân và đàn áp nhân dân. Bọn người này cứ liên tục “ghế trên ngồi tót sỗ sàng” chiếm lĩnh các quyền lực quan trọng nhất ở các cấp mà ông Vũ Ngọc Hoàng gọi chung là Ngai Vàng. Trong khi làm mọi trò để miễn dịch quyền kiểm soát của Đảng và nhân dân với chúng, thì chúng cũng đánh mất hay buôn bán quyền kiểm soát di sản Đất-Biển-Trời-Đạo lý-Văn hoá mà tổ tiên và các thế hệ CM tiền bối trao truyền lại. Vì thế, nhân dân hy vọng vào những hành vi hướng đến cuộc cách mạng thể chế rón rén có khả năng kiểm soát quyền lực của TBT và các vị lãnh đạo cao cấp trong Đại hội 12. Nhưng rất tiếc việc đó đã bị lãng quên ngay sau khi Đại hội khai cuộc vì những toan tính đấu đá cá nhân và phe nhóm.
Bây giờ giữa nhiệm kỳ rồi, Đảng chỉ có thể ban phát, phân chia hay đấu thầu quyền lực cho nhau trên đầu nhân dân, lấy đâu ra cơ hội và cảm hứng của Phật tổ Như Lai để tạo ra sự kiểm soát quyền lực cho chính bản thân mình? Và hơi đâu Đảng tạo ra xiềng xích luật pháp và đạo lý cho người của chính mình? Ngồi chung mâm với nhân dân mà đám người ấy cứ gắp lia lịa hết thức ngon vào bát mình, rồi thỉnh thoảng xin lỗi vì cái xương mang nước bọt của kẻ nhồm nhoàm rơi xuống mâm cơm chung mà không xin lỗi vì sự tham ăn thô lỗ, thì dân vốn ý tứ, nhịn nhục và tế nhị đâu thể cầm tay chặn đũa của bọn người súc vật ấy. Nhưng dân ngày càng khinh bỉ. Khi người trí thức đã muốn sống tử tế trong phận sự nhân dân, thì muốn hợp tác xây dựng với Đảng CSVN cũng bất khả thi, huống chi đòi kiểm soát quyền lực của Đảng như ông Vũ Ngọc Hoàng và toàn dân mong muốn.
Ông Vũ Ngọc Hoàng đã đóng vai trò tích cực trong Đại hội để thống nhất Đảng, xoá bỏ tình trạng đa đảng chui (các phe cánh xung khắc ở tầm các đảng phái có chiến lược và nhân sự trái chiều), góp tiếng nói tỉnh ngộ muộn màng nhưng ngày càng quyết liệt, chính xác, sâu sắc và hợp với lòng dân.
Đ.M.T
Nguồn: FB Đỗ Minh Tuấn
2. Facebookker Tongbui Son
Nguyên lý thì ông chỉ mới nói đúng một nửa!
Quyền lực từ đâu mà có?
Cơ chế tạo nên quyền lực, trong từng giai đoạn lịch sử?
Trong từng thời kỳ, và do quy luật nào tạo nên?
Thể hiện quyền lực là thể hiện điều gì trong nhân bản?
Bản chất của quyền lực là từ khế ước xã hội, cộng đồng, và sự tuân thủ khế ước, và những định chế, chế tài cho những mặt hoạt động của xã hội và cộng đồng, tạo nên quyền lực ?
Những định chế đó được lập ra do điều kiện khách quan, do tính nhân văn và trí tuệ của nhân loại tạo ra.
Sự giành giật nhau để sinh tồn, đối với thế giới tự nhiên và hoang dã đã giúp cho con người tự kết tụ lại với nhau, và hơn hẳn loại động vật bản năng đó là khả năng phát triển trí tuệ, qua đó tạo thành một tập hợp xã hội… đưa ra khế ước, để giải quyết một cách hòa bình những mâu thuẫn nội tại trong cộng đồng của loài người. Cũng từ đó mà khả năng tập hợp trí tuệ và sức mạnh của từng cá thế tạo nên thế và lực kỳ diệu để chinh phục thế giới tự nhiên, từ đó hình thành những chuyên ngành những sự phân nhánh và phức tạp mà ta gọi là thượng tầng kiến trúc để đối phó với rất nhiều bài toán đặt ra, giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với con người, (hay nói khác là giữa con người với tự nhiên, – kể cả tự nhiên bản năng tiềm ẩn trong con-người, và cả giữa con người với con người khác – hay giữa quần thể con người này với quần thể con người khác).
Những câu ông kết luận như một “tiên đề”:
“…Mặt tiêu cực, nó luôn làm tha hóa những con người và bộ máy sử dụng quyền lực nhưng lại yếu kém về nhân cách và không có cơ chế tốt để kiểm soát quyền lực”.
thoạt nghe có vẻ đúng, nhưng lại rất mơ hồ. Ngay cả từ “nhân cách” cũng là một định nghĩa định tính mơ hồ… không thể định lượng để giải quyết nó như nào là đúng mực, như nào là sai… và như nào là chuẩn mực để khỏi tha hóa (!)???
Lấy những cái chưa rõ, chứa đựng những phần mơ hồ để định nghĩa suy diễn tiếp… thì không những sai mà còn lẫn lộn… cuối cùng là bế tắc… nó giống như cha ông có câu, đường đi hay tối, nói dối hay cùng.
Cái sai căn cơ chính là ở đây, trong lập luận CNXH của Đảng.
Thực ra, những lý luận của Marx và thực tế của Lênin, tại nước Nga, và sau này là LX đều đã sai lầm từ gốc. Dựa vào một cái mơ hồ, để đẩy xã hội loài người vào cuộc đấu tranh nhau, một mất một còn (vốn dĩ thì nó đã luôn như thế) với quy mô toàn cầu, tiêu diệt nhau, vì nói rằng CNXH là tiến bộ nhất của Hình thái phát triển của tổ chức xã hội loài người, và cho rằng muốn có CNXH trước hết phải có con người XHCN….
Bởi lẽ con người là quyết định tất cả, và chính con người là mục tiêu và cũng là động lực để đẩy tiến bộ loài người lên đỉnh cao. Mà con người xã hội chủ nghĩa lại là một con người có những thuộc tính quá lý tưởng… coi đó là tốt đẹp, (như có người nói đại ý là những siêu nhân như các vị Khổng Tử, Đạt Ma, Giê Xu, Mô-ha-mét, Mác, Lênin, nhiều người khác nữa nếu họ ngồi với nhau thì cái gì cũng có thể bàn được và thống nhất được). Ý là những con người như những triết gia vĩ đại điển hình cho người nhất của loài người, có quan điểm sống vị tha nhất, có khả năng tư duy tối thượng… siêu việt, cho mọi điển hình khả năng trí tuệ của con người thì sẽ gặp nhau tại một điểm là họ sẽ cho một xã hội lý tưởng nhất.
Cho nên, từ đó mà chính CNXH sụp đổ chỉ là một sớm một chiều, bởi lẽ nó không có trong thực tế, dù anh có cố tình gán ghép vào thế nào để tạo ra mô hình đó.
Một quy luật vận động là mọi thể chế đều bị thay đổi, chu trình đó dài ngắn khác nhau, càng dài thì càng ít thay đổi (hay tiến bộ) càng trì trệ bảo thủ.
Sự thay đổi hiển nhiên đó, nó có thể tuần tự (và êm nhẹ, bởi sự đấu tranh nội tại diễn ra thường xuyên và có sự loại trừ nhau… (như hình thức cạnh tranh công khai của các kỳ bầu cử ở các nước phương Tây) hay nó chậm chạp và biến thành “big bang” của một “vụ nổ” là cách mạng vũ trang… và tạo nên những thảm họa cho loài người.
Nhỏ thì trong một quốc gia (gọi là can qua) một dân tộc, to thì là chiến tranh thế giới nhằm hủy diệt đối lập. Tạo dựng những mô hình theo lẽ tự nhiên.
Quyền lực chính là để duy trì sự ổn định (Nếu không muốn nói là trì trệ) tạm thời.
Thường thì quyền lực là phải tự giành (giật) lấy, chứ không phải là mọi người trong cộng đồng mặc nhiên ủy quyền cho, họ biết khi bỏ phiếu tức là họ đã phải từ bỏ quyền lực của chính mình rồi, kể cả quyền được quyết định cái chết của mình.
Cho nên, từ cái sai này sẽ dẫn đến những ứng xử thiếu khách quan của một bộ máy cầm quyền, mà dẫn đến hậu quả can qua…
Chẳng ai có thể nói NHÂN DÂN kiểm soát được quyền lực của bộ máy cai trị cả, chỉ có thể nếu để NHÂN DÂN làm việc đó thì chỉ là lật đổ.
Còn muốn sự không thay đổi đột ngột, bắt buộc phải san sẻ quyền lực và minh bạch hóa nó, làm cho các mâu thuẫn về cạnh tranh quyền lực “mềm” hơn, đó là quy luật bất biến….của sự vận động tiến bộ của Nhân loại.
Hay nói khác đi, quyền lực sẽ nhẹ như bấc nếu như trong một giai đoạn ngắn phải có sự thay đổi cho phù hợp; hay nói khác đi, những nhiệm kỳ ngắn hơn so với hiện nay, làm sao để chọn được tối ưu, chẳng hạn nước Mỹ chỉ 4 năm thôi, là phải có sự điều chỉnh.
T.B.S.
Nguồn: FB Tongbui Son
3. GS Trần Ngọc Vương
Gửi FB Tongbui Son
Một bài báo viết đưa ra công luận chính thống chẳng bao giờ chuyển tải hết những nd mà bạn đòi giải đáp, trong khi những vấn đề mà bạn nêu ra đụng đến những nhận thức cốt tử về triết học lịch sử, cần được bàn luận để đạt tới sự thống nhất về nhận thức ở cấp cuối cùng. Bài báo chính trị không bao giờ có thể giải quyết, mà trong trường hợp tối đa, chỉ có thể “đụng chạm” tới những nguyên lý chính trị, mà thôi.
Gửi các bạn khác: trong tri nhận cá nhân, tôi từng công khai nói rằng Anh Vũ Ngọc Hoàng là người hiếm hoi trong giới lãnh đạo tuyên giáo “có khuôn mặt người” – mượn lối diễn đạt của bà đầm thép M. Thatcher về M. Gorbachov. Anh ấy có trí, có tầm và có tâm đấy. Cũng không phải là người “chờ về hưu mới lên tiếng” như nhiều người phán. Trong bối cảnh xã hội – chính trị – kết cấu quyền lực bê bối hiện nay, “gỡ tay vướng” để nói lên được ngần ấy chuyện, là tốt lắm! Mong rằng mọi người like thật nhiều vào!
T.N.V.
Nguồn: Comment Vuong Tran Ngoc
4. Facebookker Trần Viết Hòa
Cho dù ở mô hình xã hội nào thì cũng chỉ với một hình thức là Sở hữu và Lệ thuộc (Một dạng phân ngôi giữa Thống Trị và Nô Lệ).
Nếu không có bản năng thống trị thì không thể tạo quyền lực cho bản thân mà ko có quyền lực thì không thể làm lãnh đạo (Thống Trị).
Chỉ có điều: Một kẻ thống trị khôn lanh thì lấy sự phát triển kinh tế cộng đồng để tạo ổn định xã hội và từ đó được cộng đồng ban cho quyền lực bền vững như Lý Quang Diệu là điển hình. Nhưng trước khi đạt được điều đó, ông ấy đã nhẫn tâm gạt bỏ bất kỳ điều gì làm cản trở kế hoạch của ông, từ khi ban sơ của vai trò là mắt xích trong xã hội cho đến khi ông thành công.
Tất nhiên là những sự việc xảy ra trong quá trình thực hiện, những thứ tiêu cực được che giấu còn những tích cực được thổi phồng, và kết quả cuối cùng đã làm lu mờ tất cả những tiêu cực trong suốt quá trình.
Ở ta có gương điển hình là Nguyễn Bá Thanh. Nhưng tiếc là ông đã không đi được xa vì quá tự tin vào sự ủng hộ của nhân dân. Nhân dân thì giúp được gì trong quá trình tranh giành quyền lực?
T.V.H.
Nguồn Comment Trần Viết Hòa
5. Nhà báo Trương Duy Nhất
Từ bản sớ “liêm sỉ khát vọng” của Trương Tấn Sang, đến luận chương “quyền lực” của Vũ Ngọc Hoàng
Một lối văn phong học trò, dạng tập làm văn, ê a như bản sớ về “liêm sỉ khát vọng” – Bài của cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (Phụng sự Tổ quốc, có liêm sỉ và khát vọng cống hiến – Vietnamnet).
Rồi lại bài “Có những người bán rẻ tổ quốc vì quyền lợi cá nhân”, loạt “luận chương quyền lực” dài hơi của cựu quan Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương Vũ Ngọc Hoàng.
Lạ. Mấy bài viết, dạng tập làm văn của vài cụ hưu, lại được thiên hạ khen. Cứ như thể những đấng “minh quân”. Dù mới ngày trước, chiều qua thôi, trước khi rời ghế – cũng vô tích sự, ăn tàn phá nát chẳng thua chi những “đồng chí X’ thối tha của họ.
Ở nghĩa khác. Có người dựa vào đó, lại luận rằng “sắp đánh nhau to”. Mơ! Chỉ là hưu, nói cho sướng mồm thôi – Ấy cũng là dạng tiếc tham quyền lực.
T.D.N.
Nguồn: Blog Một góc nhìn khác