Nhân dịp kỷ niệm ba năm thành lập Diễn đàn Xã hội Dân sự (23-9-2013), xin nhắc lại 9 nguyên tắc (giá trị cốt lõi), phương thức tổ chức và khẩu hiệu của Diễn đàn Xã hội Dân sự (CSF) đã được thống nhất và công bố khi thành lập.
Mục tiêu duy nhất của Diễn đàn Xã hội Dân sự, sau đây gọi là Diễn Đàn, là để nâng cao dân trí, tạo cơ hội học tập, tranh luận lành mạnh và tiến hành nhiều loại hoạt động nhằm “góp phần chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa”.
Diễn đàn có một Nhóm Cố vấn và chỉ định một Nhóm Trị sự để giúp Diễn đàn hoạt động hiệu quả hơn. Các nhóm này thường xuyên được bổ sung bởi những người nhiệt tình, có điều kiện tham gia. Dưới đây là những nguyên tắc hoạt động của Diễn Đàn và các giá trị mà Diễn Đàn coi trọng và mong muốn được nhiều người, nhiều tổ chức cũng coi là của mình.
1. Những nguyên tắc hoạt động (giá trị cốt lõi) của Diễn đàn.
Diễn đàn và các thành viên hoặc tổ chức thành viên của Diễn đàn tuân thủ 9 nguyên tắc chính sau đây trong hoạt động của mình bên trong Diễn đàn:
a) Hợp pháp: Diễn đàn và các thành viên của nó hoạt động một cách hợp pháp, tôn trọng pháp luật, không chống nhà nước, không nhằm chống bất cứ ai hay bất cứ tổ chức nào. Tính hợp pháp nêu ở đây được hiểu là sự phù hợp với các công ước quốc tế, với các quyền con người, với Hiến pháp, các Luật và các văn bản dưới luật nếu chúng không mâu thuẫn với các văn bản có hiệu lực cao hơn. Nói cách khác Diễn đàn hoạt động theo nguyên tắc: mọi người dân có quyền bất tuân những quy định vi hiến, vi phạm luật quốc tế, vi phạm các văn bản pháp luật cao hơn trong việc thực hiện các quyền (con người và công dân) của mình và coi việc thực thi các quyền đó là hợp pháp và đồng thời tích cực đề xuất, tìm cách sửa chúng cũng như mạnh mẽ lên tiếng đòi sửa đổi chúng nhằm đảm bảo các quyền con người.
b) Tự trị: tất cả các thành viên của Diễn đàn đều có quyền và nghĩa vụ như nhau trong hoạt động của Diễn đàn, không ai có thể yêu cầu một thành viên làm một việc mà thành viên đó không muốn. Ngoài việc tuân thủ các nguyên tắc của Diễn đàn, mỗi thành viên hay mỗi nhóm thành viên hoạt động một cách tự trị với sự sáng tạo, sáng kiến và cách làm của riêng mình nhằm đạt mục tiêu của Diễn đàn. Diễn đàn tôn trọng và khuyến khích sự tự trị đó.
c) Chính danh: Tất cả các thành viên của Diễn đàn hoạt động một cách chính danh và tự chịu trách nhiệm về hành động của mình. Việc sử dụng bút danh, nghệ danh là có thể miễn là chúng xác định rõ người mang bút danh hay nghệ danh đó. Mọi hình thức nặc danh, mạo danh đều không được Diễn đàn chấp nhận.
d) Công khai: Diễn đàn là mở và hoạt động công khai. Không có gì cần che giấu và đây cũng là nguyên tắc cho mỗi thành viên trong hoạt động của Diễn đàn.
e) Bất bạo động: Diễn đàn và các thành viên trong hoạt động của Diễn đàn tuân thủ nguyên tắc bất bạo động. Nguyên tắc bất bạo động gồm có 2 khía cạnh. Thứ nhất, Diễn đàn và các thành viên trong hoạt động của Diễn đàn không sử dụng bạo lực để nhằm đạt được mục tiêu của mình. Thứ hai, Diễn đàn và các thành viên trong hoạt động của Diễn đàn dùng mọi biện pháp bất bạo động, hợp pháp của mình, cùng những người hay tổ chức khác, để thuyết phục những người chủ trương bạo động thay đổi chủ trương của họ, để ngăn cản, chống lại hành động bạo lực của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào. Bạo lực không chỉ là việc dùng sức mạnh thể xác, vũ khí mà cả việc dùng từ ngữ ác khẩu, gây hận thù, kích động bạo lực cũng được coi là hành động bạo lực và phải tránh.
f) Khoan dung: chấp nhận những ý kiến khác nhau, nhất là tôn trọng các ý kiến thiểu số, là nguyên tắc bắt buộc nếu chúng ta muốn xây dựng một nền dân chủ đa nguyên.
g) Chân thật: Diễn đàn và các thành viên bên trong Diễn đàn tuân thủ nguyên tắc chân thật. Mọi thông tin đều cần kiểm chứng ở mức chính xác nhất có thể. Mọi sự ngụy tạo, giả mạo, bóp méo, dối trá đều không được chấp nhận.
h) Tin cậy: Tin cậy lẫn nhau là một nguyên tắc, nó không khuyến khích bất cứ thủ tục, biện pháp nào gây ra sự ngờ vực. Diễn đàn không sợ sự thâm nhập của bất kỳ lực lượng nào (kể cả lực lượng an ninh) vào Diễn đàn, thậm chí họ được hoanh nghênh miễn là họ tuân thủ các nguyên tắc chính của Diễn đàn và tán thành mục tiêu của Diễn đàn như bất cứ thành viên nào khác.
i) Đoàn kết: xây dựng tinh thần đoàn kết trong hoạt động của các nhóm, của toàn Diễn đàn; đoàn kết với các nhóm và tổ chức khác nhất là khi một thành viên nào đó, hay bất cứ ai bị ngược đãi.
2. Phương thức hoạt động của Diễn đàn.
Diễn đàn không phải là một tổ chức có thứ bậc, không ai là cấp trên của người khác. Hoạt động quan trọng nhất của Diễn đàn là hoạt động kết nối (các nhóm, các tổ chức sẵn có và các nhóm các tổ chức mới ra đời). Về mặt kỹ thuật nó hoạt động như một mạng, một “hệ thống tự tổ chức” trong đó các “lãnh đạo” những người hoạt động tích cực, có ý tưởng hay được nhiều người chấp nhận, sẽ tự “nổi lên” như các hub. Nói cách khác Diễn đàn hoạt động một cách thực sự dân chủ. Nhóm trị sự chỉ làm công việc thuần túy kỹ thuật và sự vụ (nhận bài, chuyển bài, đăng bài, chuyển thông tin) và không có chức năng quản lý hay quản trị nào cả. Diễn đàn hoạt động trên cơ sở chia sẻ các giá trị chung như tự do, dân chủ, pháp trị, các quyền con người và tuân thủ một số nguyên tắc chính được nêu ở trên. Do nguyên tắc tự trị, các thành viên hoặc các tổ chức thành viên của Diễn đàn có thể có rất nhiều hoạt động phong phú khác nhau, trên các địa bàn khác nhau, trong các lĩnh vực khác nhau, có thể có những mục tiêu khác nhau nhưng có chung một mục tiêu được nhắc tới ở trên và tuân thủ các nguyên tắc chung, thí dụ các nguyên tắc nêu trên (và có thể thêm các nguyên tắc đặc trưng riêng của mỗi nhóm, thí dụ nhóm trẻ, nhóm phụ nữ, nhóm môi trường, nhóm sinh viên vân vân hay mỗi địa bàn, địa phương) nhằm từng bước đạt mục tiêu của Diễn đàn. Chính vì thế chúng ta không thể có tham vọng nêu dù chỉ một phần nhỏ của các hoạt động có thể của Diễn đàn.
3. Năm Khẩu hiệu của Diễn đàn.
Diễn đàn Xã hội Dân sự kêu gọi các thành viên của mình, các tổ chức khác và người dân hãy hành động theo tinh thần của năm khẩu hiệu dưới đây, trong đó ba khẩu hiệu 2, 3 và 4 dựa vào tinh thần cải cách của nhà cải cách xã hội vĩ đại nhất Việt Nam, cụ Phan Châu Trinh, bậc tiền bối đánh kính của tất cả chúng ta.
1. Thực thi Dân quyền (Exercise the Rights of the People): Sử dụng, thực thi các quyền của người dân, các quyền con người và quyền công dân. Chúng ta KHÔNG ĐÒI CÁC QUYỀN NÀY, vì chúng là quyền tự nhiên hoặc hiến định và được coi là quyền hiển nhiên, vốn có của chúng ta, nên chúng ta đơn thuần nắm lấy, sử dụng, thực thi các quyền này và đấu tranh chống lại bất cứ mưu toan nào của bất cứ ai, bất cứ tổ chức nào nhằm cắt xén các quyền đó (chiến thuật “cứ như”). Tuy nhiên, chúng ta ĐÒI nhà nước phải tôn trọng các quyền đó; đòi nhà nước thực hiện nghĩa vụ của mình được nêu rõ trong các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và trong Hiến pháp để người dân có thể thực thi đầy đủ quyền của họ; đòi nhà nước tạo khung khổ pháp lý, tạo môi trường để người dân thực thi các quyền của mình sao cho không ảnh hưởng đến quyền của người khác và phục vụ lợi ích chung.
2. Nâng cao Dân trí (Raise the Intelectual Standard of the People): thúc đẩy động viên tất cả mọi người học tập, thảo luận, mở mang đầu óc, kiến thức, thảo luận nhằm nâng cao dân trí để phục vụ chính mình cũng như xã hội.
3. Chấn hưng Dân khí (Enliven the Spirit of the People): nâng cao tinh thần, ý chí, dũng khí của người dân trong việc sử dụng các quyền của mình, trong mọi hoạt động của mình.
4. Cải thiện Dân sinh (Improve the Welfare of the People): là lĩnh vực hoạt động thường xuyên của mọi người dân. Chúng ta động viên, khuyến khích mọi người tự chủ, sáng tạo trong hoạt động để cải thiện dân sinh, mưu cầu hạnh phúc của mình và tìm mọi cách để bảo vệ dân sinh.
5. Xây dựng Dân chủ (Building Democracy): hoạt động tích cực theo tinh thần của bốn khẩu hiệu trên là chúng ta góp phần vào việc xây dựng dân chủ ở Việt Nam.
Nguồn: FB Diễn đàn Xã hội Dân sự