Trần Văn Chánh
Trong một bài viết trước (viet-studies 4.9.2016), chúng tôi đã cố gắng phân tích, chứng minh khá rõ về tính cách vô dụng (nếu không muốn nói có hại) của việc nghiên cứu-giảng dạy chủ nghĩa Mác-Lênin theo phương thức giáo điều cũ kỹ được áp dụng hơn nửa thế kỷ nay tại các trường cao đẳng-đại học miền Bắc Việt Nam từ năm 1954 và trên toàn quốc từ sau năm 1975, từ đó nêu lên yêu cầu cấp bách cần phải có sự cải tổ một cách căn bản việc giảng dạy chủ nghĩa Mác-Lênin tại Việt Nam.
Đại khái, sở dĩ có đòi hỏi cấp bách như trên là vì “gần 100% sinh viên đều cho biết họ phải học nó một cách hết sức trầy trật vất vả, chán nản…”; “với kết quả thật éo le và buồn cười: sau khi được trang bị chủ nghĩa Mác-Lênin bằng cách giảng dạy-hấp thụ cũ kỹ như từ trước, thực tế đầu óc các em sinh viên chẳng những không vỡ vạc ra điều gì mới mẻ về thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp làm việc…, trái lại còn trở thành những kẻ nô lệ đáng tội nghiệp, từ đó thui chột hết tinh thần phê phán và óc sáng tạo, đâm ra chán ghét không chỉ triết học Mác-Lênin mà còn chẳng thiết gì đến mọi hoạt động tư tưởng hay tư duy triết học khách quan và tự do nữa”.
Còn về mục đích của yêu cầu cải tổ, chúng tôi cũng chưa nói gì cao xa, chỉ nêu đại khái, “ít nhất/trước nhất cũng để cho sinh viên Việt Nam tại các trường cao đẳng-đại học đỡ khổ, mà có điều kiện tập trung lo trau dồi những loại kiến thức khác bổ ích hơn vừa cho bản thân các em, vừa cho cả toàn xã hội”.
Bây giờ nghĩ lại, mới thấy, nêu ra yêu cầu thì dễ quá, nhưng làm sao hiện thực hóa yêu cầu mới khó, và còn cả những vấn đề tế nhị-phức tạp khác kèm theo, chẳng hạn, như phải tiến hành cải tổ theo một lộ trình cụ thể như thế nào…, chứ không thể nói khơi khơi được! Điều này, nếu đặt trong bối cảnh thể chế chính trị Việt Nam, với phương thức mọi thứ đều lấy quyết định tập thể, dường như không phải chỉ riêng chuyện cải cách môn học Mác-Lênin (mà nhiều người đã từng đặt ra ở những mức độ khác nhau), mà mọi sự cải cách (hay còn gọi “đổi mới”) đều khó khăn, trầy trật/kéo dài ngang nhau, kể cả những trường hợp xem ra có vẻ dễ hơn nhiều vì ít “chính trị” hơn, như tự chủ đại học (còn gọi “tự trị đại học”), hay cải cách chương trình và sách giáo khoa bậc trung-tiểu học chẳng hạn…
Trên thực tế Việt Nam vài chục năm nay, lấy năm 1975 đất nước thống nhất làm mốc căn bản, chưa hề có một cuộc cải cách, cải tổ, hay đổi mới nào cả, mà chỉ có sửa sai! Như thôi làm tập thể hóa nông nghiệp, chuyển từ chế độ bao cấp sang kinh tế thị trường… thì chỉ sửa sai thôi chứ không phải cải cách, đổi mới. Ngay cả khi đã quyết định “giao đất” cho dân thì cũng còn nhập nhằng giữa quyền sở hữu với quyền sử dụng, mục đích sử dụng… (vì vẫn giữ nguyên tắc “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý”); khi quyết định chuyển sang kinh tế thị trường thì cũng còn ráng vớt lại cái đuôi định hướng XHCN (vì vẫn chưa bỏ hẳn nguyên tắc “kinh tế quốc doanh chủ đạo”)… Cũng vậy, nghị quyết Đảng lần sau chẳng qua chỉ sửa sai cho lần trước bằng cách chỉnh sửa vài câu chữ, còn nội dung/ tinh thần của chúng thì trong suốt mấy chục năm, căn bản/cốt lõi vẫn không có gì khác trước. Thậm chí, đôi khi người ta còn lấy cái sai này để sửa cho cái sai khác; hoặc đã sửa đúng, nhưng rồi cũng chẳng thực hiện được bao nhiêu! Đây có thể được coi là nguyên nhân, chưa phải gốc, của tất cả mọi sự trì trệ mà người ta bàn hoài, tốn biết bao công sức, mồ hôi nước miếng, giấy mực và các cuộc hội nghị/hội thảo/tọa đàm, vẫn tiếp tục nằm trong cái vòng luẩn quẩn không thấy lối ra.
Đa số người dân ít để ý, nên khi trông thấy nhà cửa, đường sá, cầu cống, trường học, bệnh viện… ngày càng được xây dựng nhiều thêm thì tưởng có đổi mới, nhưng kỳ thực không phải. Chẳng qua chỉ là việc phát triển cơ sở hạ tầng mà bất cứ quốc gia nào không cần chủ trương đổi mới gì cả cũng phải làm! Riêng tại Việt Nam, vì có chuyện “giao” và “thu hồi” đất các loại nên việc sử dụng đất còn bị các phần tử đặc quyền đặc lợi lạm dụng; tình trạng tham nhũng diễn ra trong ngành xây dựng được ghi nhận ở mức cao, gây bất mãn trong dân; ấy là chưa kể đến thủ đoạn quy hoạch treo quá ác nghiệt, hoặc lối quy hoạch xây dựng bát nháo vô nguyên tắc gây nên những hậu quả nghiêm trọng như ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường… ở các khu đô thị, vô phương cứu chữa!
Trở lại chuyện giảng dạy chủ nghĩa Mác-Lênin, người ta kể có một ông hiệu trưởng đại học nọ, kinh nghiệm đầy mình, thấy nó quá tào lao nên đã cho giảm giờ dạy trên thực tế bằng cách vẫn trả đủ tiền giờ dạy theo quy định cho số giáo viên phụ trách môn học này, để họ không phản ứng vì bị mất quyền lợi. Đây là một thí dụ, có thể còn nhiều thí dụ khác tương tự, cho thấy việc duy trì bộ môn Chủ nghĩa Mác-Lênin (còn gọi bộ môn Lý luận Chính trị) như hiện trạng với số giờ dạy rất nhiều của nó trong các loại trường đại học (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, các chuyên ngành lý luận…) không chỉ đương nhiên liên quan nhu cầu chính trị của chế độ, mà còn có chuyện quyền lợi theo kiểu “lợi ích nhóm”, ở đây là số giáo viên phụ trách giảng dạy. Điều này có nghĩa, trong điều kiện mới của tình hình thế giới và của đất nước hiện nay, giả định nếu có một số người miệng vẫn luôn nói Mác-Lênin, muốn duy trì lề lối giảng dạy Mác-Lênin theo kiểu cũ, thì chưa chắc họ thật sự tin yêu chủ nghĩa Mác-Lênin, mà do nếu có sự thay đổi lớn thì quyền và lợi của họ cũng bị mất/ giảm theo. Tương tự như vậy, mọi ý đồ cải cách chân chính trong lịch sử đều gặp khó khăn bước đầu vì bị ngăn cản cách này cách khác từ các thế lực bảo thủ, chủ yếu vì lý do “lợi ích nhóm” nhưng được che giấu khéo léo dưới lớp vỏ trách nhiệm cao cả hay lý tưởng này khác. Việc cải cách sách giáo khoa trung-tiểu học theo hướng phải có nhiều bộ sách giáo khoa, bàn tới bàn lui mấy chục năm vẫn chưa đi đến đâu, xét cho cùng một phần quan trọng cũng vì lý do tương tự, bởi ngành giáo dục tuy về mặt quan điểm/chủ trương có muốn phá bỏ thế độc quyền, nhưng đã bị không ít cán bộ lâu nay vốn được hưởng lợi trong công tác biên soạn, in ấn, xuất bản, phát hành sách giáo khoa tìm mọi cách trì kéo lại. Khuynh hướng chung vị lợi này chính Các Mác cũng đã từng phát biểu, đại khái rằng khi người ta hành động thì thường tìm cách đưa ra những chiêu bài cao siêu này khác, nhưng thực tế chỉ là để tranh chấp nhau về quyền lợi, của cải vật chất.
Ở Việt Nam, chưa thấy tài liệu thống kê chính thức số lượng giảng viên bộ môn Mác-Lênin (hay Lý luận Chính trị) trên toàn quốc là bao nhiêu, nhưng được biết, chỉ riêng khoa Lý luận Chính trị (tiền thân là khoa Mác-Lê nin) của Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội vào năm 2014 đã có tới tổng cộng 33 người, gồm cán bộ, giảng viên, và viên chức. Theo danh sách liệt kê rất cụ thể của Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, Việt Nam hiện nay có khoảng trên dưới 700 trường cao đẳng-đại học-học viện công tư các loại. Nếu tính trừ hao và bình quân cho chắc, mỗi trường chỉ có 6 cán bộ, giảng viên thôi thì tổng cộng trên toàn quốc cũng lên đến trên dưới 4.200 người. Một con số, hay cũng có thể gọi là thế lực, không nhỏ!
Trong lộ trình cải cách, không thể không cân nhắc thận trọng nhiều khía cạnh, và một cách thông cảm, trong đó có vấn đề liên quan đến công ăn việc làm đi cùng với quyền lợi thiết thực và chính đáng của nhóm người này, mà một số trong họ vì hoàn cảnh cũng thật sự bị rơi vào tình trạng bất đắc dĩ phải dạy cái môn buồn ngủ “thầy không muốn dạy và trò không muốn học” rất quái ác này.
Nhưng như ở đoạn trên phân tích, nếu chỉ sửa sai sơ sơ như những trường hợp khác đã nêu thì chưa thể gọi là cải cách hay đổi mới. Muốn đạt sự cải cách thật sự toàn diện và căn bản, vừa mau lẹ vừa ít tốn kém, có nội dung thực chất nhằm mang lại lợi ích thiết thực nhất, theo thiển ý chúng tôi, không gì nhanh gọn bằng quyết định bãi bỏ ngay bộ môn Mác-Lênin trong hết thảy các trường cao đẳng-đại học, chỉ giữ lại nó như một phân môn cho chuyên khoa Triết bậc đại học, hoặc cho các trường/viện chuyên khoa về lý luận chính trị. Nhưng tại những nơi cần được giữ lại này, muốn cho đất nước và dân tộc không tiếp tục bị tàn hại thêm vì bệnh giáo điều (như đã trình bày rõ trong bài viết trước), môn triết học Mác-Lênin cũng cần được học tập/giảng dạy theo chiều hướng tiến bộ, phi giáo điều hóa, với óc sáng tạo và tinh thần phê phán khách quan trong điều kiện thế giới mới đầy biến chuyển, để khám phá cho ra đầy đủ những nét tinh túy, nhân bản tốt đẹp nhất chứa đựng trong chủ nghĩa Mác, tương tự như một số trường đại học và học giả trên thế giới tiến bộ đã làm.
Về lộ trình, có hai vấn đề căn bản nhất cần giải quyết:
(1) Biên soạn lại chương trình-sách giáo khoa Mác-Lênin mới;
(2) Giải quyết công ăn việc làm cho số giảng viên bộ môn Mác-Lênin trong giai đoạn đầu cải cách.
Về vấn đề thứ nhất, nên tham khảo các sách của nhiều nước trên thế giới (không loại trừ Nga, Đức, Trung Quốc) để biên soạn lại bộ giáo trình, theo đường lối tạm gọi là “chiết trung”. Việc này giao cho một hoặc vài nhóm biên soạn, có thể bao gồm số giảng viên Mác-Lênin hiện hữu, và một số cán bộ của Viện Triết học (thuộc Viện hàn lâm KHXH Việt Nam), lựa trong số những người có tài năng và tinh thần tiến bộ thật sự. Ngoài ra, cũng chấp nhận cho tư nhân/cá nhân mỗi giảng viên có quyền biên soạn giáo trình riêng để dạy cho học trò mình (tương tự như ở các đại học miền Nam trước 1975, với các giáo trình về triết học Mác của GS Nguyễn Văn Trung, GS Trần Văn Toàn…). Trong trường hợp cá nhân biên soạn, để tránh sự lệch lạc có hại có khả năng xảy ra trong giai đoạn đầu cải cách, có lẽ cũng cần đến một hội đồng hay tiểu ban duyệt sách do Ban giám hiệu của nhà trường hữu quan lập ra, chịu trách nhiệm trước Bộ Giáo dục & Đào tạo.
Vấn đề thứ hai, khi bắt đầu bãi bỏ chung bộ môn Mác-Lênin trong các trường cao đẳng-đại học, thì có thể:
– Trường nào có chuyên khoa Triết thì chọn số ít người còn yêu nghề/ hiếu học/ ham đọc và có óc cầu tiến trong số giảng viên hiện hữu để tiếp tục giảng dạy, sau khi đã qua một lớp tập huấn ngắn hạn do Bộ giáo dục chủ trì, và được cung cấp thêm nhiều tài liệu mới để tham khảo.
– Số bị dôi ra vì dư người hoặc do không có khoa Triết trong trường thì vẫn được ở lại trường làm việc, lãnh lương căn bản như mức cũ, và xử lý bằng một trong 3 cách: (1) Lập thành một ban nghiên cứu Triết học hay gì gì đó cho những người ham thích, ban này sẽ được cung cấp đầy đủ các loại sách tham khảo mới mua từ trong nước và nước ngoài; đây cũng là lực lượng dự trữ để điền khuyết cho khoa Triết/ Lý luận Chính trị ở bất kỳ trường/ viện nào có nhu cầu giảng dạy; hoặc họ cũng có thể tham gia biên soạn sách giáo khoa môn Triết để tùy nghi sử dụng; (2) Người nào đã ngán Triết học thì cho dạy môn khác, nếu có, tùy khả năng; hoặc cho đi đào tạo để phụ trách những môn học mới (thế nào cũng có, trong quá trình cải cách giáo dục toàn diện ở một tương lai không xa); (3) Những người không phù hợp với cả hai loại công việc nêu trên thì cho ở không ăn lương, có thể cho chuyên trách ngoại khóa về đạo đức học đường (một lĩnh vực đang rất cần và rất thiếu hiện nay), hoặc phụ trách hướng dẫn các dạng sinh hoạt học đường khác cho sinh viên (như thể thao, báo chí…); ai có khả năng tự bơi được để kiếm sống thì có thể xin nghỉ việc, để chuyển sang một nghề tự do khác.
Thay đổi như vậy với không thay đổi, so ra các loại nhà trường công cũng như tư vẫn không tốn thêm quỹ lương, trong khi đó xã hội được lợi vì không bị phun thêm nọc độc Mác-Lênin theo lề lối giảng dạy giáo điều cũ bấy lâu nay. Nhưng được lợi trực tiếp hơn cả vẫn là sinh viên các trường cao đẳng-đại học, vì các em khỏi phải ngáp vắn ngáp dài để nuốt lấy một môn học hầu như vô ích, để tập trung thời gian và tâm trí cho những môn học khác thiết thực, bổ ích hơn.
12.9.2016
T.V.C.
Nguồn: http://www.viet-studies.info/kinhte/TranVanChanh_banThemMacLenin.htm