Tại sao các nhà máy lọc dầu Việt Nam không thành công?

Kính Hòa, RFA

clip_image002

Lễ khởi công dự án nhà máy lọc dầu Nghi Sơn ở Thanh Hóa hôm 02/10/2014. Courtesy of NguoiLaoDong online

Giữa tháng 8/2016, báo chí đưa tin nhà máy lọc dầu thứ hai của Việt Nam là Nghi Sơn ở Thanh Hóa, mặc dầu chưa hoàn thành đã bị lỗ. Nhà máy lọc dầu thứ nhất của Việt Nam là Dung Quất cũng không hoạt động tốt.

Chưa xây xong đã lỗ

Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế sống ở Hà Nội, thì khi nhà máy lọc dầu Nghi Sơn được quyết định xây dựng, chính phủ Việt Nam có các đối tác nước ngoài, một công ty ở Trung Đông và hai công ty Nhật Bản.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói rằng, chính phủ Việt Nam đã cho dự án này rất nhiều ưu đãi:

Khi chính phủ chấp nhận các ưu đãi đó thì chưa xét đến hai tình hình, một là Việt Nam đang đàm phán để ký kết các hiệp định thương mại tự do. Trong đó có việc cạnh tranh tự do trên lĩnh vực xăng dầu, và do đó thuế xăng sẽ giảm ở mức rất thấp.”

Ông Doanh nói thêm là, trong sự ưu đãi này, chính phủ Việt Nam sẽ bù lỗ cho các đối tác nếu nhà máy lọc dầu Nghi Sơn bị lỗ.

Theo ông Vũ Văn Khôi, một kỹ sư có kinh nghiệm trên bốn mươi năm tại tập đoàn Total chuyên về dầu khí của Pháp, những khoản thuế nhập khẩu bị giảm trên các sản phẩm xăng dầu từ các quốc gia ASEAN đã góp phần vào việc làm cho nhà máy Nghi Sơn chưa vận hành mà đã thấy lỗ.

Và ông Khôi cũng có nêu lên chuyện trách nhiệm của chính phủ Việt Nam phải bù lỗ cho các đối nước ngoài như đã hứa để khuyến khích đầu tư.

Một điều quan trọng nữa, theo ông Lê Đăng Doanh là Bộ Công thương trình đề án, và cũng chính Bộ công thương đi đàm phán đề án, nhưng cuối cùng lại để xảy ra chuyện không biết đến việc thuế xăng dầu sẽ giảm.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói tiếp về điều bất lợi thứ hai mà khi nghiên cứu dự án Nghi Sơn, chính phủ Việt Nam chưa tính đến, đó là sự phát triển vượt bậc của các loại công nghệ tiết kiệm xăng dầu, làm cho nhu cầu xăng dầu trên thế giới giảm mạnh.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng việc giảm giá xăng dầu này trên thế giới cũng làm cho nhà máy lọc dầu thứ nhất của Việt Nam đã đi vào vận hành là Dung Quất cũng đang hoạt động một cách khó khăn.

Ông Vũ Văn Khôi cho rằng điều đó cũng đúng một phần, nhưng việc Việt Nam bị lỗ khi vận hành các nhà máy lọc dầu cũng có thể là do qui mô nhỏ so với các trung tâm lọc dầu lớn trên thế giới:

Các nhà máy lọc dầu thường mở ở những nơi có dầu hỏa rẻ tiền, chẳng hạn như Trung Đông. Họ có khuynh hướng xây những nhà máy lớn lắm. Nhà máy của mình nhỏ thì đương nhiên cái giá của mình phải cao hơn.”

Bên cạnh đó, theo ông Khôi, mặc dù giá xăng dầu có giảm nhưng nguyên liệu đầu vào là dầu thô cũng giảm so với trước đây, khi mà nhà máy Dung Quất bắt đầu vận hành.

Ngoài ra, theo ông Vũ Văn Khôi, thì có thể sự vận hành không có hiệu quả của nhà máy Dung Quất là do ở kinh nghiệm khai thác một nhà máy lọc dầu, thường rất phức tạp đòi hỏi nhiều nhân viên chuyên môn.

Một điều khác mà ông Vũ Văn Khôi lo lắng về chuyện sản xuất lỗ của nhà máy Dung Quất, một nhà máy do nhà nước sở hữu, là một mặt thị trường Việt nam có sự can thiệp nhiều của nhà nước, nhà máy Dung Quất lại là của nhà nước, cho nên nếu bị lỗ là điều cũng khó hiểu. Mặt khác theo ông Khôi là nếu thì trường ASEAN có thể tạo nên cung và cầu chung thì quyền lực của nhà nước Việt Nam ảnh hưởng lên thị trường của mình cũng bị hạn chế.

Hậu quả và tương lai hóa dầu VN

Khi được hỏi là liệu có nên duy trì nhà máy Nghi Sơn hay không khi mà biết chắc chắn rằng sẽ lỗ, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh trả lời:

Nếu tính toán mà phải bù lỗ đến 70 năm thì có lẽ phải xem xét lại có cần tiếp tục dự án này hay không vì cái giá phải trả là lớn quá, tôi nghĩ rằng đấy là một bài toán mà chúng ta cần phải đề ra và cần phải xem xét.”

Trước đây, khi Việt nam bắt đầu nghiên cứu các dự án lọc dầu, thì cũng đã có ý kiến cho rằng công suất lọc dầu của thế giới đang cao, Việt Nam đi vào lĩnh vực này sẽ không có lợi. Nhưng mặt khác cũng có ý kiến cho rằng cần phải tự chủ nguồn cung cấp xăng dầu cho quốc gia nên cần phải có các nhà máy lọc dầu.

Đứng trước nhu cầu xăng dầu của thế giới đang thấp, khi được đặt câu hỏi là Việt Nam nên tổ chức ngành dầu khí của mình như thế nào, từ chuyện khai thác cho đến chế biến, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói:

Tôi nghĩ đây là một thách thức rất là lớn. Mà nếu như giá dầu lại tăng lên, nhu cầu tăng lên thì việc đầu tư, để thăm dò và khai thác dầu khí cũng là một thách thức rất là quan trọng.”

Theo kỹ sư Vũ Văn Khôi, mặc dù các sản phẩm xăng dầu đang có giá thấp, nhưng vẫn có thể làm ra các sản phẩm khác từ dầu hỏa chẳng hạn như các chất nhựa:

Lúc này giá dầu thô đang kém, mà triển vọng lên cao không khả quan, vì thị trường nhất là thị trường Mỹ không bị thiếu, thành ra nên đặt vấn đề là vừa lọc vừa hóa dầu, tôi nhấn mạnh là phải vừa lọc vừa hóa, tức là chế biến thì nó cũng có ý nghĩa, vì bán dầu thô lúc này rất thiệt thòi.”

Ông Khôi vẫn lạc quan về một thị trường ASEAN với nhu cầu rất lớn về các sản phẩm hóa dầu trong tương lai mà Việt nam có thể cung cấp các sản phẩm của mình. Nhưng ông nghĩ rằng Việt Nam cần phải làm lớn để có thể có giá thành rẻ, chú ý đến việc đào tạo nhân lực, và điều rất quan trọng là hạn chế ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, nên lấy thảm họa Vũng Áng làm gương.

Xin được nhắc lại là nhà máy lọc dầu Dung Quất được xây dựng vào năm 2005 tại Quảng Ngãi, bắt đầu sản xuất vào năm 2009, khánh thành vào năm 2011, do nhà nước Việt Nam làm chủ. Phần công nghệ của nhà máy này do các công ty Pháp, Nhật Bản, Malaysia, và Tây Ban Nha xây dựng.

Dự án nhà máy lọc dầu Nghi Sơn ở Thanh Hóa, có qui mô lớn hơn Dung Quất, và nhà nước Việt Nam chỉ có một phần sở hữu, phần còn lại là của một công ty Kuwait và hai công ty Nhật Bản.

K.H.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-vietnam-refineries-failed-kh-09122016153707.html

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.