Tháng 2/2008, dưới chân núi Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, HN) một dự án “nuốt” tới gần 200 ha đất nông nghiệp, trong đó có gần 100 ha được dùng để làm sân golf đã được khởi công rất hoành tráng. Đó là Dự án khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí Tuần Châu Hà Tây.
Tuy nhiên, lễ khởi công đó cũng chính là những gì dự án thực hiện được cho đến bây giờ sau hơn 2 năm.
Số ít người dân “lỡ” giao đất thì bức xúc vì dự án không thực hiện lời hứa hẹn, số nhiều chưa giao thì kiên quyết không giao đất trồng lúa vì không muốn bị lâm vào hoàn cảnh của những người hàng xóm.
Họ lo sợ hơn, khi giao đất rồi thì không biết lấy gì để sinh sống bởi không có nghề phụ, chỉ dựa vào công việc đồng áng. Đến bây giờ, họ nhận được thông tin là dự án bị đình chỉ vì chiếm quá nhiều đất nông nghiệp.
Thế nhưng thấy dự án vẫn tiếp tục đổ đất san nền, những người nông dân ấy đã lập lều, chia nhau canh giữ đất.
Thất nghiệp và làm được cái… công trình phụ!
Đã hơn 2 năm nay, chị Phan Thị Đông (50 tuổi, thôn Đa Phúc) lâm vào cảnh thất nghiệp khi ruộng đất trồng lúa đã bị các dự án chiếm hết. Nhà chị có 5 sào ruộng, tuy không thể làm ăn khấm khá gì nhưng cũng có thể lo cho 4 nhân khẩu trong gia đình.
Thế rồi năm 2006, dự án Khu đô thị mới Quốc Oai đã lấy đi của chị 2 sào. Số tiền đền bù ít ỏi chị chẳng làm được gì. Cuộc sống cả nhà chỉ trông chờ vào 3 sào ruộng còn lại.
Nhưng rồi, đến năm 2007, chị bàng hoàng nhận được tin 2/3 sào ruộng còn lại của gia đình đã nằm trong quy hoạch của Dự án Tuần Châu Hà Tây.
Khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí Tuần Châu Hà Tây được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty CP Tuần Châu Hà Tây từ 3/3/2007 tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai với tổng diện tích chiếm đất là 198,2ha.
Dự án được khởi công vào ngày 25/2/2008. Theo kế hoạch, dự án này chia làm 6 dự án thành phần: sân golf (93ha); vui chơi giải trí (22ha); trung tâm thương mại quốc tế (180 nghìn m2); khu biệt thự (54ha); còn lại là khách sạn 5 sao, trung tâm hội nghị quốc tế và chung cư cao cấp…
Nghe lời hứa hẹn của dự án là sẽ trả đất dịch vụ 10%, đào tạo nghề, nhận vào làm tại công ty, chị Đông cũng như hàng trăm hộ dân ở thôn Đa Phúc lúc đó đã nhận tiền đền bù, giao đất cho dự án và trở thành những người thất nghiệp bởi sào ruộng duy nhất còn lại thì chẳng thể nuôi sống gia đình chị.
Vậy mà, đã hơn 2 năm trôi qua, không lời hứa hẹn nào của chủ đầu tư cũng như chính quyền địa phương được thực hiện. Số tiền đền bù 2 sào ruộng chỉ được 54 triệu đồng (54 nghìn/m2), chị chẳng làm được gì.
Thấy có người hỏi thăm chị liền nói thẳng: “Đã gần 3 năm rồi chúng tôi không cấy được phải bỏ ruộng đây này. 54 triệu đền bù thì chú bảo đầu tư được cái gì trong thời điểm bây giờ. Về xây được mỗi cái công trình phụ thôi.
Bây giờ còn có 1 sào thì làm sao mà đủ được, phải đi làm linh tinh kiếm thêm để ăn thôi. Nếu chính thức Nhà nước chưa cắm đất dịch vụ thì mỗi tháng phải trả chúng tôi mấy chục ký gạo để chúng tôi ăn chứ chứ biết xoay xở vào đâu?”.
Tìm hiểu thêm thì chúng tôi được biết, Dự án Tuần Châu Hà Tây trực tiếp ảnh hưởng tới 3 thôn tại xã Sài Sơn. Nhưng đến trước ngày khởi công, dự án mới chỉ thuyết phục được duy nhất thôn Đa Phúc nhận tiền đền bù với diện tích 23 ha. Còn lại 2 thôn Thụy Khuê và Phúc Đức thì đa số người dân đều phản đối.
Lập lều canh giữ đất
Sau hơn 2 năm “nằm im”, đến đầu năm 2010, chủ đầu tư Dự án Tuần Châu Hà Tây đã cho xe đổ đất lên phần ruộng đã trả tiền đền bù. Thấy vậy, người dân làng Đa Phúc đã lập tức phản ứng. Họ kéo nhau ra ngăn cản không cho đổ đất lên phần ruộng, dù đã bỏ hoang từ lâu.
Chủ đầu tư rút lui, người dân vẫn không tin tưởng nên đã dựng lều ngay cạnh bờ ruộng, kiên quyết không cho đổ đất đến khi nào dự án này thực hiện lời hứa thì thôi.
Cũng lâm vào tỉnh cảnh mất ruộng cho dự án Tuần Châu Hà Tây là gia đình chị Nguyễn Thị Mến, 59 tuổi, cũng ở thôn Đa Phúc. Năm 2007 dự án này đã lấy đi của chị Mến 4 trong tổng số 6 sào ruộng đủ nuôi 6 miệng ăn.
Sau 2 năm giao đất, đến giờ chị vẫn không nhận được số đất dịch vụ 10% theo quy định. Chị Mến bức xúc nói: “Lúc đó dự án hứa là sẽ cấp đất dich vụ 10% với giá dân đóng góp vào là 200 nghìn/m2 nhưng đến nay chẳng thấy đâu. Dân chúng tôi giờ khổ quá, vừa rồi dự án tiến hành đổ 3 xe đất lên ruộng thì người trong làng mới chạy ra không cho đổ. Sau đấy còn lập lều canh giữ đất, nhất là về ban đêm”.
“Họ hứa với dân chúng tôi là sẽ trả đất dịch vụ 36m2/1 sào để dân mất ruộng lấy cái để sinh sống đấy. Mình có thể làm quán, làm nhà để sau này già rồi thì còn có chỗ mà tựa. Thế giờ gần 3 năm rồi chả có gì. Lúc chưa lấy được đất thì chủ đầu tư hứa là sẽ cắm đất trả ngay cho dân, đến giờ không có gì”, chị Mến như nghẹn lại.
Đành liều… cấy trộm!
Đồng ruộng ở thôn Đa Phúc bị thu hồi nhưng chủ đầu tư chỉ mới khoanh 2 ha để làm lễ khởi công, số còn lại thì để hoang. Nhìn cảnh ruộng đồng bỏ hoang, nhiều người dân đã đánh liều cấy lúa để kiếm sống.
Tuy vậy, không phải ai cũng dám cấy trộm nên có một số diện tích đất ruộng bị bỏ hoang hóa từ lâu.
Nhìn vào những ruộng đồng ngay trước nhà mình một thời là “bờ xôi ruộng mật” nay thì hoang hóa, người nông dân Nguyễn Thị Lại không thể kìm được nước mắt.
Gia đình chị Lại là một trong số ít mất 100% đất nông nghiệp cho dự án này. Cuối năm 2007, nghe thông tin Nhà nước thu hồi đất trao cho doanh nghiệp để làm dự án kinh doanh. Tuy không đồng ý nhưng lúc đó chị cũng phải đi nhận tiền đền bù như các hộ dân khác.
“Chúng tôi phải đi lấy tiền nếu không thì họ bảo đưa vào ngân hàng”, chị kể.
Từ khi mất 4 sào ruộng, chị Lại cứ như người “mất hồn”, ngày ngày cứ thẩn thờ ra đứng nhìn ruộng đồng ngay trước cửa nhà mình rồi ngậm ngùi. Trước đó, cả gia đình của chị cũng chỉ sống nhờ vào 4 sào ruộng. Khi không còn nữa, chị trở nên thất nghiệp. Chồng chị cũng đành phải đi làm thuê, nhưng rồi do tuổi đã cao nên không thể đáp ứng được việc nặng nhọc.
Trong nỗi ấm ức, chị kể: “Nhà tôi bị thu gần 4 sào, được hơn 100 triệu. Rồi thấy người ta nói ai mà mất 100% số ruộng thì được 12 tháng gạo hỗ trợ, mỗi tháng 30 cân gạo/ 1khẩu. Nhưng đến giờ chưa được cân nào, tiền cũng không có.
Đất san lấp đã rào tôn rồi, chỉ còn hơn 1 sào khu vực chưa rào lại nên chúng tôi cứ liều xuống cấy. Vừa rồi họ bảo không cho cấy, nếu không sẽ cắt nước. Tôi nói đất dịch vụ thì chưa có mà ruộng thì bỏ không nên chúng tôi cứ cấy. Vừa rồi thì người ta về đổ đất thì chúng tôi không cho đổ, chúng tôi lập lều giữ đất”.
Ông Đào Quang Thắng, chồng bà Lại thì kể cho chúng tôi nghe chuyện mà ông nói là khó tin. Đó là việc khu đất dự án rào tôn để hoang hơn 2 năm, cỏ gianh, cây cối mọc um tùm nên gia đình ông bà đã nghĩ thêm nghề để tăng gia. Đó nghề cắt cỏ, nhặt củi.
“Tôi nói các anh khó tin chứ ở rừng già mới có cỏ gianh cao ngập đầu chứ ở đây cỏ đấy cao ngập đầu. Mất ruộng rồi thì như bà nhà tôi cứ đi tăng gia cắt cỏ, lấy củi về đun”, nói rồi ông Thắng chỉ vào đống củi, cỏ ông bà “thu hoạch” chưa dùng hết.
Tiếp xúc với phóng viên, rất nhiều người dân thôn Đa Phúc đều cho rằng họ bị dự án này “lừa” (?). Sau hơn 2 năm triển khai “treo”, đến nay họ chưa thấy được bất kỳ một lợi ích nào từ dự án này, ngược lại còn nhận thêm “quả đắng”.
NPVĐT
Nguồn: http://vietnamnet.vn/psks/201005/Nong-dan-lap-leu-canh-dat-tranh-thu-cay-trom-910843/