Đại mà tiểu, ngẫm mà lo (Mênh mông thế sự 43)

Tương Lai

Đại là đại quốc, nước có dân số lớn nhất, từng là một trong những nền văn minh cổ nhất thế giới, đang có tham vọng là một siêu cường. Còn “tiểu” là “tiểu nhân” do cung cách ứng xử ngoại giao không giống ai mà tờ báo The Wall Street Journal dẫn lời Cục Quân báo Hoa Kỳ (DIA) “Trung Quốc luôn đẳng cấp”. Nói sát sạt ra là những toan tính đã được xếp đặt rất bài bản của một thứ nghi lễ ngoại giao hạ cấp giữa một thế giới văn minh.

Theo BBC, khi Tổng thống Barack Obama đến Hàng Châu dự G20, không có nghi lễ thảm đỏ và không có cầu thang để ông xuống máy bay.

clip_image002

Tổng thống Mỹ Obama đi cầu thang thường trong khi Thủ tướng Anh Theresa May đi thang có trải thảm tại sân bay ở Hàng Châu. Ảnh: CNN

Ngay sau khi máy bay Tổng thống Mỹ hạ cánh, đã xảy ra cãi vã, và một viên chức Trung Quốc đã chặn phóng viên và giới chức Mỹ muốn đi qua hàng rào an ninh. Trung Quốc đột nhiên cắt giảm số lượng nhà báo Mỹ đưa tin về sự kiện này, từ 6 người xuống còn 3 người rồi 1 người. Sau tranh cãi nảy lửa, phía Trung Quốc miễn cưỡng đồng ý 2 người.

RFI dẫn lời ông Jorge Guajardo, cựu Đại sứ Mêhicô tại Trung Quốc, để tin rằng việc đối xử tệ với tổng thống Obama là hành động bạc đãi có tính toán của Bắc Kinh, chứ đây “không phải do thiếu sót. Điều đó không bao giờ xảy ra với Trung Quốc […] Tôi biết chính xác những việc này được tổ chức ra sao, được chỉ đạo cặn kẽ cho đến những chi tiết nhỏ nhất. Đó không phải là một thiếu sót, mà là một hành động coi thường”.

Theo ông Guajardo, “thái độ đó thể hiện một sự ngạo mạn mới của người Trung Quốc, một kiểu kích động chủ nghĩa dân tộc. Một cách để nói là Trung Quốc đang đi lên thành một siêu cường. Vâng, một siêu cường hung đồ! Có thể vị cựu Đại sứ không nhớ đến lời tự thán mang tính cảnh báo của cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon “Chúng ta có thể đã tạo ra con quái vật Frankenstein” mà rồi thế giới sẽ phải trả giá cho những gì mà siêu cường hung đồ này toan tính.

Cũng theo RFI ngày 4.9.2016, đáp trả hành vi kém ngoại giao của Trung Quốc và việc phóng viên Mỹ bị cản trở trong công việc, nhân cuộc họp báo sáng, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã khéo léo nhắc nhở rằng điều rất quan trọng là để báo giới đưa tin về những gì G20 đang làm, và để các phóng viên được đặt những câu hỏi trong công việc đưa tin. Chủ nhân Nhà Trắng quan niệm là “dù có đi ra nước ngoài, người Mỹ luôn mang theo những giá trị cơ bản của họ”.

Đúng vậy, không chỉ người Mỹ mang theo những giá trị của họ vì họ tự hào về giá trị đó. Mỗi một người có lương tri lương năng đang sống trên hành tinh này đều có lòng tự tôn dân tộc để nhớ về nguồn cội! Ngay đến con cá cũng nhớ đến mùi vị quê hương để định vị đường bơi từ biển trở về nơi chúng được sinh ra. Đấy chuyện mà Mênh mông thế sự từng kể về con cá hồi đỏ, sống ở nước mặn và sinh sản ở nước ngọt, để rồi cá con bơi ngược sông, vượt qua các dòng nước chảy xiết trong hành trình dài gần 500km từ biển về lại sông Adams cùa Canada. Nhưng xin dẹp bớt chuyện “mênh mông” này mà trở về với chủ đề “đại” và “tiểu”.

Không ai có thể phủ nhận được những giá trị lớn lao mà nền văn minh Trung Hoa từng cống hiến cho nhân loại. Và chắc chắn rằng các bậc thức giả chân chính của Trung Quốc hiểu rõ điều đó. Nhưng cũng không ai khác là đại văn hào của Trung Quốc, nhà văn Lỗ Tấn của thế kỷ XX đã từng máu chảy ra ngọn bút, mượn Nhật ký người điên mà viết rằng Mình là một kẻ có truyền thống ăn thịt người trên bốn nghìn năm… Mình đã sống bao nhiêu năm ở một nơi mà người ta ăn thịt lẫn nhau từ bốn nghìn năm nay. Nhật ký người điên là một kiệt tác của Lỗ Tấn in trong Gào thét xuất bản năm 1923.

Theo ông, căn bệnh tinh thần của người Trung Hoa không thể chữa trị bằng y học, vì thế đang học ở ngành Y tại Đại học Tokyo, Lỗ Tấn bỏ về nước để “Gào Thét” bằng ngọn bút. Có thể đọc thấy điều này trong Lời tựa tập truyện ấy: “Dân mà còn ngu muội, hèn nhát thì dù thân thể có khỏe mạnh, cường tráng chăng nữa, cũng chỉ có thể làm thứ người mà người đưa ta đưa ra chém đầu thị chúng và làm thứ người đứng xem cuộc thị chúng vô vị như thế kia mà thôi. Cho nên, điều chúng ta cần phải làm trước là biến đổi tinh thần họ, và theo tôi hồi đó, thì muốn biến đổi tinh thần họ, tất nhiên không gì bằng dùng văn nghệ….

Lỗ Tấn làm việc “biến đổi tinh thần” nhân dân Trung Quốc bằng AQ chính truyện, kiệt tác đưa ông lên tầm văn hào thê giới, khắc họa một người nông dân cùng khổ, ngu muội và khờ khạo nhưng lại mang trong đầu một thứ “quốc dân tính” luôn tự huyễn về mình bằng “phép thắng lợi tinh thần”, vừa bi thương vừa thảm hại, suốt đời chỉ là công cụ cho mọi tham vọng của một lũ tiếm quyền bằng họng súng và trị nước bằng bạo lực với kế sách ngu dân. Ngu dân theo cách thông thường và ngu dân theo cung cách hiện đại.

Lưu Hiểu Ba, học giả được tặng giải Nobel hòa bình năm 2010 kế thừa và phát triển tư tưởng của Lỗ Tấn qua nhiều công trình trong đó có bài viết ngày 2.1.2015 dưới nhan đề Hôm qua làm chó không nhà, hôm nay làm chó gác cửa: cái nhìn đúng về cơn sốt Khổng Tử hiện nay ở Trung Quốc đã vạch rõ: “Người Trung Quốc đang đẩy mạnh sự trỗi dậy của một siêu cường. Sự đi lên của kinh tế dẫn tới sự đi lên văn hóa với túi tiền to mang đi rải khắp toàn cầu kèm theo việc xuất khẩu sức mạnh mềm… bỏ ra khoản tiền khổng lồ xây dựng các học viện Khổng Tử nhằm quảng bá sức mạnh mềm đó… Tâm lý muốn làm bá chủ thiên hạ sau khi bị đè nén hơn trăm năm nay lại được phát tiết ra ngoài là sự làm sống lại truyền thống sùng bái thánh nhân, một phần trong kế hoạch đẩy mạnh làn sóng dân tộc cựa đoan trong nước.

Mà nguyên nhân chính là từ sau vụ thảm sát Thiên An Môn 4.6.1989, nhà nước một mặt chống lại xu hướng tự do hóa và chống lại diễn biến hòa bình, một mặt khác thì châm ngòi, chổng mông thổi bùng lên làn sóng dân tộc cực đoan. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã trở thành một trong những rường cột chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc về mặt ý thức hệ phối hợp với ngày hội của tầng lớp trung lưu đã đẩy chủ nghĩa dâng cao một cách tràn lan”.

Lưu Hiểu Ba nhắc lại lời của Lỗ Tấn: “Khổng Phu Tử ở Trung Quốc là kẻ được quyền thế nâng đỡ dậy, là thánh nhân của đám cầm quyền hay đám đang muốn lên cầm quyền, giữa họ với dân chúng bình thường không có một chút quan hệ nào” để phân tích những toan tính bá quyền của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán thời Tập Cân Bình qua việc đặt tượng và xây dựng các Viện Khổng Tử trên nhiều nước, trong đó Việt Nam, đang được xúc tiến gấp!

Phải dài dòng nhắc lại những điều trên là do một liên tưởng. Khi đọc dòng tin của Reuters về cách hành xử của một quan chức ngoại giao Trung Quốc, bỗng bật nhớ đến hình ảnh A Q của Lỗ Tấn! Theo tin Reuters đưa: Khi Cố vấn an ninh Mỹ Susan Rice đang đi qua khu vực dành cho truyền thông báo chí và tiến tới đoàn xe hộ tống Tổng thống, thì một quan chức Trung Quốc mặc đồ tối màu tiến tới cản đường và hét lên giận dữ: “Đây là đất nước của chúng tôi. Đây là sân bay của chúng tôi”, người này tuyên bố bằng tiếng Anh, chỉ tay và hét lớn với quan chức Nhà Trắng. Sau đó, bà Rice bình luận: “Họ đã làm những việc không thể lường trước”.

Từ cách hành xử của người Trung Quốc trong nghi lễ đón tiếp một nguyên thủ quốc gia trên sân bay nước mình đến lời bà Cố vấn, phải chăng người Việt Nam chúng ta, và cũng mong sao các vị đang gánh trọng trách trong bộ máy quyền lực, cần hiểu rõ tâm địa tiểu nhân được dung dưỡng trong một chế độ toàn trị phản dân chủ là nguy hiểm đến mức nào.

Trong bài Mênh mông thế sự đầu tiên (đã in trong Mênh mông thế sự tập I cuối năm 2015) người viết đã nói về sự ngạo ngược của hai từ “trung nguyên” theo nghĩa là đứng giữa “thiên hạ”, là tâm của trời đất, còn lại xung quanh đều là bọn Man, Di, Nhung, Địch mọi rợ cả. Nói lại để mượn lời cảnh báo của Lý Giác, một sứ Tàu đời nhà Tống thế kỷ thứ X, một thức giả Trung Quốc hiếm hoi thuở ấy từng nhận ra rằng: “thiên ngoại hữu thiên, ưng viễn chiếu” tạm dịch là “ngoài trời còn có trời, đừng có coi thường”. Trong thế kỷ XXI này liệu có phải bên ngoài “trời” của “thiên triều” họ Tập còn có “trời” khác rộng lớn và văn minh hơn, trong đó có bầu trời của Việt Nam đang nối liền với thế giới văn minh đó.

Thế nhưng cái tâm thức di căn của AQ được thăng hoa trong chủ nghĩa bành trướng Đại Hán với “Tập Cận Bình, một vị chủ tịch mang hình bóng của Mao” như tờ nhật báo Công giáo La Croix ngày 7.9,2016 thẩm bình, thì đúng là “Họ đã làm những việc không thể lường trước e rồi họ cũng sẽ làm những điều không lường trước được! Bởi lẽ, Tập Cận Bình đang lãnh đạo Trung Quốc theo đường lối của Mao Trạch Đông.

Theo nhận định của tờ La Croix, cho dù Tập Cận Bình không giết người hàng loạt, không đẩy dân chúng vào nạn đói và không đẩy giới trẻ Trung Quốc vào một cuộc đấu tranh vì hệ tư tưởng cách mạng như Mao Trach Đông, nhưng ông Tập giống Mao ở chỗ ông “khóa chặt” cả bộ máy chính trị Trung Quốc, muốn nắm mọi quyền lực. Không có quyết định nào của Thường vụ Trung ương Đảng là do các ủy viên thông qua. Tất cả đều là quyết định của Tập Cận Bình. Ông Tập thâu tóm mọi quyền lực trong tay, giữ mọi chức vụ quan trọng nhất tại đất nước theo chế độ Cộng sản: Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Tổng Tư lệnh quân đội, Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Quốc gia, … Nhật báo La Croix nhận xét: “Cho dù là chính trị, quân đội, kinh tế, hay xã hội, thì không gì có thể thoát khỏi tay ông ta”.

Ấy vậy mà hiện nay, như những gì thu thập được trên các báo chính thống cũng như trên các trang mạng trong nước và ngoài nước, thì một bộ phận quan trọng trong bộ máy quyền lực đất nước ở cấp cao nhất lại đang muốn học tập kinh nghiệm của Tập Cận Bình, đang muốn noi theo họ Tập thì đất nước rồi sẽ đi về đâu khi đã chui vào cái thòng lọng Bắc thuộc mới. Thì chẳng phải thế ư?

Những gì đang diễn ra trong cuộc chiến quyền lực đã gây nên một tâm trạng bất an trong nhân dân, trong cán bộ đảng viên. Những phát súng Yên Bái làm bục vỡ cái ung nhọt trong một cơ thể ẩn chứa nhiều trọng bệnh đã di căn, tiếp theo lại ló mòi ra vụ việc bùng nhùng Trịnh Xuân Thanh giấu đầu hở đuôi, đánh chuột chưa đâu vào đâu mà chuyện vỡ bình e khó tránh, càng khiến dân tình xao động. Thêm vào đó chuyện nhỏ nhưng trở thành rất nhạy cảm khiến dư luận xôn xao về một quan điểm được nêu lên trong bài nói chuyện của Phó GS-TS Đại tá Trần Đăng Thanh, giảng viên Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng Việt Nam: “Việt Nam phải mang ơn Trung Quốc”, và “Mỹ là một nước gian ác, sự giúp đỡ trong giáo dục đối với Việt Nam là hành động Diễn biến hòa bình cần phải cảnh giác” đang nửa kín nửa hở tung ra như một toan tính đáng ngờ.

Trả lời phỏng vấn của RFA, ông David Brown, người vừa có bài viết về vấn đề này trên báo Asia Times Online đã cho rằng: “có rất nhiều sắc thái ý kiến khác nhau trong Đảng, và ý kiến của ông Thanh đại diện cho một dòng ý kiến quan trọng trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam”. Nếu nhận định của người đã từng có đóng góp quan trọng trong chuyến đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong đến Mỹ, người tổ chức buổi nói chuyện của ông Tổng Bí Thư tại CSIS (Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế) ở Washington (tại đây ông Trọng đã dẫn lời của Tổng thống Hoa Kỳ Theodore Roosevelt: “Khi tin là có thể, thì bạn đã đạt được một nửa thành công” để khẳng định: “Tôi tin tưởng rằng, chúng ta có thể cùng nhau xây dựng một tầm nhìn tươi sáng cho quan hệ hai nước trong tương lai, để hai dân tộc chúng ta, con cháu chúng ta luôn là bạn và đối tác tốt của nhau”) là đúng thì đây sẽ là một diễn biến cực kỳ xấu, ngược lại những gì ông Trọng đã nói tại Phòng Bầu dục trong Nhà Trẳng, tại tất cả các cuộc tiếp xúc trong chuyến thăm Mỹ của ông ấy. Điều này, trong Mênh mông thế sự số 39 đã đề cập đến trong bài Của tin còn lại được gì?, xin không phải nhắc lại.

Vậy là đã quá dài cho một bài bình luận vắn để mở đầu cho một ĐIỂM TIN, nhưng lại quá vắn cho một chủ đề rất lớn về nghịch cảnh của vị thế địa – chính trị oái oăm phải nằm bên cạnh một đại quốc mà cung cách ứng xử tiểu nhân đã thâm căn cố đế, khó bề trù liệu sao cho vẹn toàn được. Càng gay cấn hơn khi mà căn tính tiểu nhân đó lại được khoác cho cái áo “cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa” với mười sáu chữ bịp bợm “Sơn thủy tương liên, Lý tưởng tương thông, Văn hóa tương đồng, Vận mệnh tương quan”. Những “tương liên, tương thông, tương đồng, tương quan” mật ngọt chết người ấy lại đang là chỗ bấu víu cho một số ai đó quyết bám lấy cái ghế quyền lực đã rệu rã, thì rồi ra còn phải lao tâm khổ tứ tìm hiểu, phân tích để chỉ rõ những hệ lụy khủng khiếp đang tới rất gần.

Lực bất tòng tâm, mong được lượng thứ.

Ngày 10.9.2016

T. L.

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in Quốc Tế. Bookmark the permalink.