Ô nhiễm biển Việt Nam: Biểu tình tại Đài Loan đòi đóng cửa Formosa

Trọng Thành

clip_image002

Biểu tình tại Đài Bắc ngày 17/06/2016 đòi tập đoàn Formosa của Đài Loan điều tra và công bố kết quả điều tra về thảm họa cá chết hàng loạt ở Việt Nam. Reuters

Hàng chục người Việt Nam, ngày 07/09/2016 vừa qua, đã biểu tình tại Đài Bắc, trước trụ sở công ty Formosa, để đòi công ty đóng cửa cơ sở luyện thép tại Việt Nam, sau một loạt thảm họa về môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng trăm nghìn người.

Theo AFP, tất cả những người Việt Nam tham gia cuộc biểu tình nói trên đều hiện sống và làm việc tại Đài Loan.

Những người biểu tình giương các khẩu hiệu như: “Formosa cút đi”, “Phá hoại môi trường là giết người”… Anh Nguyễn Đức Huy, một người lao động Việt Nam có gia đình sống tại tỉnh Hà Tĩnh, nơi bị thảm họa ảnh hưởng cho AFP biết: “Dân chúng tại khu vực này phải chịu rất nhiều thiệt hại trong vụ này. Rất nhiều người mất hết công ăn việc làm, bởi vì không còn có thể đánh bắt cá ở biển. Công ty (Formosa) thật là vô trách nhiệm. Chúng tôi muốn họ rút khỏi Việt Nam và ngừng hủy hoại môi trường”.

Anh Huy cho biết thêm Formosa không chỉ làm ô nhiễm biển, mà còn đang chôn các chất thải độc hại ở khắp nơi. Theo báo chí Việt Nam, có đến hàng trăm tấn rác thải chưa qua xử lý được chôn cất như vậy.

Những người biểu tình chống Formosa tại Đài Bắc chỉ trích chính quyền Việt Nam thiếu minh bạch trong việc xử lý thảm họa lớn chưa từng có này. Họ yêu cầu chính quyền công khai các kết quả điều tra về biển nhiễm độc và giám sát chặt chẽ việc đền bù.

Hồi cuối tháng 6/2016, công ty Formosa – nổi tiếng toàn cầu về các hoạt động hủy hoại môi trường – chính thức thừa nhận sai lầm, xin lỗi và chấp nhận trả 500 triệu đô la tiền bồi thường. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng số tiền đó hoàn toàn không thấm gì so với các tổn hại môi trường do công ty này gây ra.

Cuộc biểu tình chống Formosa tại Đài Bắc diễn ra trong bối cảnh dư luận dường như có phần lắng xuống, sau khi Formosa chấp nhận xin lỗi và đền bù số tiền nói trên.

Theo AFP, cho đến nay, báo chí chính thức trong nước chỉ nêu ra duy nhất một người tử vong có thể do nhiễm độc biển miền Trung. Đó là trường hợp người thợ lặn Lê Văn Ngày. Nhiều nhà hoạt động xã hội, nhân quyền tố cáo chính quyền Việt Nam đã ngăn cản việc làm sáng tỏ tình trạng nhiễm độc môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe người dân khu vực miền Trung như thế nào. Cụ thể là không công khai các xét nghiệm y tế về thể trạng người thợ lặn nói trên, cũng như cản trở việc khám chữa bệnh đối với người dân nói chung tại khu vực này, bị ảnh hưởng sau khi tiếp xúc với môi trường nước biển hay cá biển.

Hôm 31/08, 18 tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam ra một tuyên bố chung, ủng hộ việc đưa “Formosa và các đồng phạm… ra trước vành móng ngựa”.

T. T.

Nguồn: http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160910-o-nhiem-bien-viet-nam-bieu-tinh-tai-dai-loan-doi-dong-cua-formosa

This entry was posted in Môi Trường. Bookmark the permalink.