Mai Quốc Ấn
(Dân Việt) Chủ tịch tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ đã nói: “Ngu gì không làm thép. Ngu gì không đầu tư?” và “Chúng ta chỉ có mỗi vụ Formosa mà đã lớn chuyện! Tại sao chúng ta lại quá sợ sệt như thế?”. Phát ngôn này xuất hiện trong đại hội cổ đông bất thường của tập đoàn này liên quan siêu dự án 16 triệu tấn thép/năm triển khai tại Cà Ná, Ninh Thuận.
Với công suất quá lớn này, có thể nói những “siêu lo lắng” xuất hiện không phải là không có cơ sở bởi luyện thép xả ra một lượng thải khổng lồ.
Thưa ông Lê Phước Vũ! Trước hết tôi phải khẳng định rằng mình không thuộc nhóm người chống sản xuất thép bằng mọi giá. Bất kể quốc gia nào cần phát triển cũng cần có sản xuât cơ bản. Và tôi đồng ý với ý kiến Việt Nam cần 20-30 triệu tấn thép/năm trong 10 năm tới mà ông đã nói trong khi hiện nay chúng ta đang nhập siêu thép từ Trung Quốc. Nhưng sự cảm tính từ quyết tâm làm thép với cam kết bảo vệ môi trường hàng của ông bằng tài sản vẫn chưa có gì đảm bảo chắc chắn bằng lý tính.
Ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch HĐQT Hoa Sen Group (thứ 2 từ phải qua) trò chuyện với cổ đông trong giờ giải lao. Ảnh Thuận Hải
Hiện nay chưa có đánh giá tác động môi trường cho dự án nên chỉ xin nhắc ông rằng không có gì là tuyệt đối cả cho cam kết kia. Mô hình luyện thép kết hợp nhiệt điện, luyện gang, sản xuất xi măng,… mà Tập đoàn Hoa Sen cung cấp trong các cuộc họp báo vừa qua là một mô hình khép kín (xin xem ảnh). Ở đó, công nghệ luyện thép lò cao đã được xác định và đây thực sự là một vấn đề đáng bàn.
(Nguồn Ảnh do Tập đoàn Hoa Sen cung cấp tại cuộc họp báo ở Ninh Thuận)
Công nghệ luyện thép lò cao (luyện coke, hay còn gọi là luyện cốc) được áp dụng khoảng 80% trên thế giới. Và phải khẳng định đây không phải là công nghệ mới mẻ gì vì các cường quốc về thép như Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ,… đã làm mấy chục năm nay. Càng luyện thép bằng công nghệ lò cao nhiều bao nhiêu thì số lượng xả thải càng nhiều bấy nhiêu.
“Với 1 tấn thép được sản xuất theo công nghệ lò cao thì lượng phát thải trung bình như sau: 1,5kg SOx;1,2kg NOx;15- 30kg hạt lơ lửng cho công nghệ lò thổi basic oxygene; 20kg bụi trong quá trình nung kết; 15kg bụi trong quá trình cán thép, 1,4-4,2 tấn CO2; 300-620kg chất thải rắn; 80m3 nươc thải với nhiều hoá chất độc hại như phenol, xyanua, ammonia, dầu, kim loại nặng,.v.v..” (trích số liệu của tác giả Hảo Võ, nghiên cứu sinh Đại học Arizona, Mỹ).
Vâng, thưa ông Vũ, đấy chỉ là số thải cho 1 tấn thép chứ chưa phải 1,5 triệu tấn thép chạy thử cho phân kỳ 1 của dự án (3 triệu tấn) hay tổng công suất 16 triệu tấn/năm mà tập đoàn Hoa Sen đã công bố.
Tôi phải thừa nhận, chủ tịch tập đoàn Hoa Sen lẫn đại diện UBND tỉnh Ninh Thuận đều nói “đúng quy trình” ở khâu bảo vệ môi trường từ việc xử lý tại nguồn và kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải từ giai đoạn đầu của quá trình sản xuất. Trong đó, việc tái tạo nước và nhiệt từ luyện thép được nhắc đến nhiều lần. Tuy nhiên, không vì thế mà sự lo lắng giảm xuống nếu biết rằng chỉ 65% chất thải rắn được tận dụng để làm vật liệu xây dựng. Và quá trình sản xuât vật liệu xây dựng hay nhiệt điện cũng tạo ra một lượng thải nhất định.
Phối cảnh tổ hợp “siêu dự án” nhà máy thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận nhìn từ trên cao.
Thưa ông Lê Phước Vũ! Formosa chỉ mới chạy thử đã có khoảng 300 tấn chất thải rắn nguy hại được phát hiện. Lượng nước 50.000m3/ngày đổ ra biển trong thời gian không lâu đã gây thiệt hại nặng nề cho 4 tỉnh miền trung khiến sinh kế hàng trăm ngư dân điêu đứng, hàng triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp. Thậm chí Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải lập hẳn một đề án để mỗi hộ có 1 người đi xuất khẩu lao động cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi cá chết.
Từ những người tự do vươn khơi, họ có tội lỗi gì để phải làm thuê xứ người kiếm sống? Liệu đấy chưa đủ lớn chuyện sao? Liệu đấy chưa đủ sợ hãi hay sao thưa? Thưa ông Lê Phước Vũ! Xin làm ơn hãy bớt nói về dự án, về các ưu đãi mà Ninh Thuận hứa kiến nghị cho chính phủ, về viễn cảnh tiền tỉ thu được,…
Khi làm thép, có 2 yếu tố hàng đầu cần được minh bạch hóa số liệu là ĐTM (đánh giá tác động môi trường của dự án) và quy trình kiểm tra, quan trắc môi trường nơi xả thải. Đó là các cơ sở lý tính để căn cứ vào đó mà tập đoàn Hoa Sen thuyết phục và cũng là căn cứ để các nhà khoa học phản biện. Chứ không phải sự thỏa thuận của tập đoàn của ông với địa phương và các bộ, ngành để làm đảm bảo cho một dự án thép mà trước đó thảm họa do Formosa đã thực sự ám ảnh. Và không thể bỏ qua ý kiến tham vấn của người dân Ninh Thuận. Lòng dân mới là thước đo chính xác nhất, thưa ông.
Siêu dự án thép “ngu gì không làm” ấy chứng tỏ ông rất khôn. Mà ông khôn thật khi đem thứ chưa có (lợi nhuận, bảo vệ môi trường) để bày ra còn thứ cần phải có (tham vấn dân địa phương, ĐTM, quy trình quan trắc) thì chưa thấy đâu.
Ông Lê Phước Vũ, ông khôn vậy thì ai ngu?
M. Q. A.
Nguồn: http://danviet.vn/ban-doc/sieu-du-an-thep-ca-na-ong-le-phuoc-vu-ong-khon-thi-ai-ngu-706751.html