Người dân Hà Tĩnh chưa thể ra khơi sau thảm họa cá chết
Hiệu trưởng một trường mầm non ở thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, nói với BBC về chuyện cả ngàn học sinh tại địa phương này không đến trường trong năm học mới.
Kỳ Anh là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề do thảm họa cá chết và đổ chất thải do công ty Formosa gây ra.
Báo Hà Tĩnh hôm 5/9 tường thuật hơn 1.000 học sinh Kỳ Anh không dự ngày khai giảng “do phụ huynh ngăn cấm”.
Hôm 6/9, trả lời BBC từ Kỳ Anh, bà Lê Thị Hợi, hiệu trưởng trường Mầm Non Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh, nói: “Trong ngày khai giảng năm học mới này, riêng trường tôi thiếu đến 200 học sinh, hầu hết là con của các gia đình người Công giáo.”
“Các phụ huynh cho biết nguyên do là họ không đủ tiền đóng học phí cho con.”
“Mức học phí tại trường là 1.700.000 đồng/năm, được chính quyền trợ giúp 400.000 đồng còn 1.300.000 đồng nhưng họ vẫn không kiếm ra tiền vì hầu hết làm nghề muối và đánh bắt hải sản.”
Bà Hợi cũng cho biết thêm: “Sau khi vụ cá chết xảy ra, phụ nữ ở địa phương vào miền Nam hái cà phê thuê, đàn ông thì đi làm thuê làm mướn nhưng hiện tại họ vẫn không đủ tiền cho con đến trường.”
Theo bà, nhà trường đã đến vận động, thăm hỏi các gia đình khó khăn có con ở tuổi học mầm non nhưng “trước mắt không có giải pháp nào”.
‘Ngăn cản’
Cùng ngày, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn, người từng tham gia điều tra điều tra độc lập vụ cá chết tại Hà Tĩnh, nói với BBC: “Tôi đã đến xã Kỳ Hà ở Kỳ Anh và thấy nơi này rất nghèo, do người dân chủ yếu sống nhờ nghề làm muối.”
Một ngư dân Hà Tĩnh trong phóng sự về cá chết trên truyền hình Đài Loan
“Việc người dân không cho con họ đến trường là muốn yêu sách về vấn đề học tập chứ không nhằm tạo sức ép đòi bồi thường thiệt hại kinh tế nói chung do nạn cá chết.”
“Họ nói với tôi rằng chỉ muốn chính quyền miễn hoàn toàn học phí và các khoản phí khác cho học sinh tại 4 tỉnh miền Trung bị thiệt hại.”
Ông Tuấn cũng nói thêm rằng tình trạng thiếu niên nghỉ học phải vào miền Nam kiếm sống “đang lan rộng ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình” trong bối cảnh chính quyền chưa có động thái khắc phục.
Trước đó, báo Hà Tĩnh hôm 1/9 viết: “Người dân Kỳ Hà ngăn cản con em đến trường là vi phạm pháp luật!”.
Ông Trần Minh Đức, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kỳ Hà được báo này dẫn lời: “Ngoài số phụ huynh kiên quyết không cho con mình đến trường thì có một bộ phận phụ huynh đồng tình, muốn cho con em đến trường nhưng bị một số đối tượng ngăn cấm, cô lập nên không dám”.
VnExpress hôm 5/9 cho hay “xã Kỳ Hà ở Kỳ Anh là một trong 54 thôn xóm trên địa bàn chịu thiệt hại bởi sự cố môi trường biển. Chính quyền đang nỗ lực để thực hiện công tác đền bù, tuy nhiên một số người dân ở đây vẫn chưa hợp tác để kiểm kê, kiểm đếm thiệt hại”.
Hôm 1/9, nhiều người đã tham gia biểu tình tại thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh với yêu cầu đóng cửa Formosa và chi tiền đền bù cho người dân bị ảnh hưởng bởi vụ cá chết.
Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/09/160906_1000_pupils_stay_home