Tình tiết mới vụ Securency

Ngân hàng Trung ương Úc nắm một nửa cổ phần của Securency

Ngân hàng Trung ương Úc nắm một nửa cổ phần của Securency

Xuất hiện tình tiết mới trong vụ Cảnh sát Úc điều tra cáo buộc về công ty Securency, rằng hãng này đã “mua” quan chức nước ngoài bằng tiền và gái.

Cảnh sát liên bang Úc châu đang điều tra các cáo buộc Securency hối lộ quan chức nước ngoài để giành hợp đồng, tuy không nói rõ là các quốc gia nào, nhưng có tin trong đó có Nigeria, Malaysia và Việt Nam.

Tình tiết mới được một nhân chứng giấu tên, là cựu nhân viên của Securency, cung cấp cho báo chí. Người này nói rằng ông ta đã giữ nhật ký ghi lại chi tiết các hành vi liên quan.

Hãng thông tấn AFP trích lời nhân chứng này nói trên chương trình Four Corners của đài truyền hình ABC, rằng năm 2007, một người môi giới mà Securency thuê đã nói với ông ta là sẽ hối lộ Thống đốc ngân hàng trung ương của một quốc gia Á châu không rõ danh tính.

Cũng nhân chứng này cho hay năm 2008, một đồng nghiệp tại Securency tiết lộ cho ông ta rằng Công ty này đã chi trả những khoản tiền lớn cho môi giới ở Nigeria nhằm lấy được hợp đồng in tiền polymer tại quốc gia châu Phi này.

Trong một trường hợp khác nữa, một người quản lý của Securency yêu cầu nhân chứng trên tìm “vệ sỹ nữ”, được hiểu là gái làng chơi, cho Phó thống đốc một ngân hàng trung ương nước ngoài khi vị này tới thăm Melbourne.

Securency International là Công ty do Ngân hàng Trung ương Australia (Reserve Bank of Australia – RBA) sở hữu 50%.

Cả Securency và RBA chưa đưa ra bình luận gì về các tình tiết cáo buộc mới này.

Tuy nhiên, phát ngôn viên của cảnh sát Úc nói với AFP rằng cảnh sát “coi việc hối lộ nước ngoài là vô cùng nghiêm trọng”.

Liên quan Việt Nam

Năm ngoái, một tờ báo lớn của Úc là The Age, đặt ở Melbourne, đã đưa ra cáo buộc môi giới viên cho hãng Securency đã “trả hàng triệu đôla tiền hoa hồng cho công ty CFTD của Việt Nam, có Công ty con Banktech thuộc quyền quản lý của con trai Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vào lúc ngân hàng này quyết định chuyển sang loại tiền polymer năm 2002”.

Cảnh sát liên bang Úc sau đó đã vào cuộc điều tra.

CFTD là Công ty đã tham gia việc thực hiện bộ tiền mới và cung cấp vật tư, thiết bị in tiền ở Việt Nam.

Thông tin liên quan đến tiền polymer một hồi gây xôn xao dư luận Việt Nam

Thông tin liên quan đến tiền polymer một hồi gây xôn xao dư luận Việt Nam

Cáo buộc của báo The Age đã hâm nóng lại cuộc tranh cãi quanh đồng tiền polymer ở Việt Nam ba năm trước đó.

Một số bài báo trong giai đoạn này chuyển đi các thông điệp rằng tiền polymer chất lượng kém và giá thành cao và đề cập tới sự liên hệ trong khâu in tiền ở một công ty có sự tham gia của ông Lê Đức Minh, là con trai Thống đốc Lê Đức Thúy.

Tháng Mười 2006, ông Lê Đức Thúy, khi đó còn là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đã phải ra thông cáo dài giải thích với công luận.

Ông Lê Đức Thúy nói từ khi phát hành bộ tiền mới, cùng với những kết quả trong đấu tranh với tội phạm buôn bán tiền giả, tình hình tiền giả trong lưu thông đã giảm xuống.

Nhưng thông cáo không nhắc gì đến các tin đồn rằng con trai của Thống đốc, ông Lê Đức Minh, có công ty liên quan đến công nghệ in tiền.

Đến tháng Sáu 2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ông Lê Đức Thúy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cùng các Phó Thống đốc làm kiểm điểm sau khi có kết luận thanh tra nhiều nội dung tại cơ quan này.

Báo cáo của thanh tra nói đề án Bộ tiền in bằng chất liệu polymer là một công việc hệ trọng của ngân hàng nhưng không được Thống đốc Lê Đức Thúy, Bí thư Ban cán sự Đảng, đưa ra thảo luận trong tập thể lãnh đạo và chính trong ban cán sự Đảng.

Tuy thanh tra kết luận là việc sử dụng tiền mới bằng giấy polymer không gây ra hậu quả xấu về kinh tế và việc tham gia của con ông Thống đốc vào dự án in tiền không trái quy định của pháp luật; nhưng vụ việc đã gây nghi ngờ về tính khách quan, minh bạch của Thống đốc Lê Đức Thúy.

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/05/100524_securency_update.shtml

This entry was posted in tham nhũng. Bookmark the permalink.