Nguyễn Quang Duy
Đa đảng thì loạn? Giả sử có 2 đảng như Đảng Cộng sản thì chuyện gì xảy ra?
Trước tháng 8-1945, Việt Nam đã có đa đảng cách mạng, nhưng sau đó ít lâu các lãnh tụ và thành phần ưu tú đảng khác đều bị cộng sản giết hoặc thủ tiêu, tiềm lực đảng khác đều bị tiêu diệt.
Ở Trung Hoa, Quốc dân đảng đã liên minh với Đảng Cộng sản nhưng rồi lại chiến tranh tiêu diệt lẫn nhau. Thua trận Quốc dân đảng phải rút sang Đài Loan.
Trong một thời gian dài Quốc dân đảng độc quyền cai trị Đài Loan, họ mới trả lại quyền tự quyết cho người dân trong mấy năm gần đây.
Đảng cách mạng
Nói đến đảng là nói đến tổ chức. Các đảng cách mạng tổ chức theo hàng dọc từ trên xuống dưới. Hình tượng lãnh tụ được dựng lên làm thước đo cho cả tổ chức.
Đoàn kết thống nhất chỉ thực hiện với những ai chấp nhận tham dự vào guồng máy của đảng, nếu không họ sẽ bị loại trừ hay bị tiêu diệt.
Mọi thành viên phải tuyệt đối trung thành với đảng, thường xuyên học tập các tài liệu và thi hành các chỉ thị từ trên đưa xuống. Các thành viên cấp thấp thường không có cơ hội để đề đạt ý kiến cá nhân.
Sức mạnh của đảng dựa trên kỷ luật sắt, sự trung thành và khả năng thực hiện các chỉ thị của tầng lớp lãnh đạo.
Các đảng cách mạng nghiêng về việc vũ trang cướp và nắm chính quyền. Khi các đảng cách mạng nắm được chính quyền họ dễ trở thành độc tài đảng trị.
Nếu các đảng cách mạng không chấp nhận chuyển biến thành các đảng chính trị thì các điểm yếu sẽ bộc lộ để rồi bị đào thải.
Đảng chính trị
Còn các đảng chính trị thì liên tục thay đổi người lãnh đạo. Các thành viên gắn bó với nhau dựa trên lý tưởng, đường lối, chính sách, quyền lợi… khi có mâu thuẫn họ giải quyết bằng cách thương lượng hay theo quyết định đa số.
Các thành viên thường không bị đòi hỏi phải tuyệt đối trung thành với đảng, với lãnh đạo. Ở Úc cựu Thủ tướng Tự Do Malcolm Fraser chính thức bỏ đảng Tự Do. Nhiều đảng viên chuyển từ một đảng sang đảng khác vẫn được đảng mới trọng dụng.
Đoàn kết thống nhất theo hàng ngang bằng cách thuyết phục và thương lượng với nhau nhằm đưa ra nhóm lãnh đạo và đường lối thích ứng với từng thời kỳ.
Các phe cánh trong đảng luôn công khai tranh luận về đường lối và chính sách của mỗi đảng.
Ở Úc 2 đảng chính trị Tự Do và Quốc Gia tạo nên một liên minh bền vững; họ thường xuyên điều chỉnh chính sách và quyền lợi tránh những mâu thuẫn gây rạn nứt giữa hai đảng.
Trong khi các đảng cách mạng lo định hướng dư luận thì các đảng chính trị liên tục tìm hiểu nguyện vọng quần chúng, nguyện vọng thành viên để đề ra những chính sách thích hợp nhất nhằm cạnh tranh với nhau.
Ở Hoa Kỳ hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ thật ra bao gồm hàng ngàn tổ chức chính trị nhỏ. Bằng cách công khai tranh luận chính sách, các ứng cử viên lôi kéo các nhóm nhỏ này nhập vào đảng chính trị, xây dựng sức mạnh chiến thắng đối phương.
Mục tiêu cao nhất của các đảng chính trị là được cầm quyền bằng lá phiếu của người dân để thực thi những chính sách do đảng đề ra.
Bởi thế các thành viên đảng chính trị phải luôn luôn đổi mới bản thân bằng cách học hỏi và thay đổi liên tục. Sự thay đổi tạo nên sức mạnh đảng chính trị và dẫn đến sự không ngừng phát triển của đất nước.
Cách mạng không đổ máu
Nếu định nghĩa cách mạng là thay đổi toàn diện thì đảng chính trị cũng giữ vai trò cách mạng.
Tại Miến Điện đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) Myanmar là một đảng chính trị do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo. Đảng này đã giành khoảng 75% trong tổng số ghế Quốc hội, làm nên cuộc cách mạng thay đổi toàn diện nền chính trị Miến Điện.
Trở lại Việt Nam, phương cách vũ trang bạo động đã bị đào thải từ những năm cuối 1980. Ngày nay không mấy người còn tin vào phương cách này.
Nhưng các đảng chống lại cộng sản xét cho cùng vẫn mang nặng bản chất cách mạng, thiếu thực lực, không làm được những việc cụ thể và chưa thay đổi chính bản thân để có thể tham dự vào các sinh hoạt chính trị dân chủ trong tương lai.
Một tổ chức chưa dân chủ nội bộ, chưa dân chủ trong môi trường hải ngoại thì thật khó tin họ sẽ mang lại dân chủ cho Việt Nam.
Tổ chức dân sự
Trong vòng 10 năm nay cách mạng Việt Nam chuyển hướng lấy đấu tranh bất bạo động làm phương tiện đấu tranh. Muốn có chiến thuật có chiến lược thì cần có tổ chức mạnh nhưng chúng ta lại chưa có, nên sinh hoạt hầu như âm thầm, tự phát, vô tổ chức.
Năm 2016 khi Khối 8406 thành lập liền bị đàn áp, trên 50 thành viên Khối bị bắt, nhưng ngày nay đã có khá nhiều tổ chức dân sự độc lập công khai hoạt động.
Khá tương tự với Miến Điện, tại Việt Nam đã hình thành một xã hội dân sự sơ khai với thật nhiều tổ chức dân sự hoạt động công khai.
Các tổ chức này hoạt động vô vụ lợi với nhiều mục đích khác nhau bao gồm tổ chức tôn giáo, công đoàn, hướng đạo, đồng hương, từ thiện, môi trường, nghiên cứu, các câu lạc bộ, du ca, các nhóm thân hữu…
Các tổ chức xã hội dân sự này đang tập trung sức mạnh thành viên và đào tạo thành phần lãnh đạo tạo nền tảng cách mạng Việt Nam.
Các tổ chức dân sự sẽ trở thành một phần của hệ thống chính trị tương lai. Họ sẽ vận động các đảng chính trị, vận động chính trị gia thúc đẩy chính phủ đề ra những chính sách mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội, cũng như cho quyền lợi của các thành viên trong tổ chức dân sự.
Ngược lại các đảng chính trị cũng sẽ vận động các tổ chức dân sự hỗ trợ họ cầm quyền thực thi các chính sách đảng chính trị đó đề ra.
Ai lãnh đạo công nhân?
Công đoàn là một tổ chức có tiềm năng mạnh nhất. Mỗi năm xẩy ra hằng ngàn cuộc đình công nhưng không có cuộc đình công nào do Liên đoàn Lao động một tổ chức ngoại vi của Đảng Cộng sản đứng ra tổ chức.
Sáng ngày 23-8-2016 trả lời Bí thư Đinh La Thăng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. HCM ông Trần Kim Yến cho biết đã có những cuộc đình công kéo dài đến bảy ngày nhưng cuối cùng không tìm ra được ai là người phát động, đại diện cho nhóm đình công.
Điều đáng để ý là ông Đinh La Thăng yêu cầu Liên đoàn Lao động nếu chưa tổ chức đình công thành công thì cứ mạnh dạn đứng ra tổ chức cho thành công. Ông cũng cho rằng chưa thành công là do tổ chức công đoàn (quốc doanh) chưa mạnh dạn làm việc đó.
Rõ ràng đã có một sự cạnh tranh vai trò đại diện cho công nhân. Những người phát động đình công chính là những người đang âm thầm xây dựng và lãnh đạo các công đoàn tự do.
Bạo động và bạo loạn
Diễn biến hòa bình là một quá trình đòi hỏi Đảng Cộng sản phải tự thay đổi, phải tự cách mạng. Như đã giải thích bên trên Đảng Cộng sản vẫn muốn giữ bản chất của một đảng cách mạng nên việc thay đổi chính trị gần như không có.
Không thay đổi chính trị thì luật pháp vẫn đặt dưới đảng quyền. Thiếu tướng công an Phan Anh Minh tiết lộ nếu không có sự đồng ý của đảng, chỉ thị 15 không cho phép công an tiến hành điều tra các đảng viên. Đảng trở thành lá chắn, ổ chứa tội phạm.
Vụ nổ súng ở Yên Bái giết chết 3 cán bộ lãnh đạo địa phương cho thấy tình trạng bất ổn trong đảng đã đến lúc bộc lộ. Các phe cánh trong đảng không thể thu xếp chuyện nội bộ, hành vi bạo lực là phương cách để giải quyết vấn đề.
Điều đáng quan tâm là trước ba người chết, người dân vì đã quá ngao ngán nhưng không làm được gì, nên đón nhận tin tầng lớp lãnh đạo cộng sản giết nhau như một tin mừng. Vô hình trung nó khuyến khích giải quyết các mâu thuẫn bằng phương cách bạo lực.
Đời sống người dân mỗi ngày một cơ cực hơn: đồng bằng sông Cửu Long bị nhiễm mặn, cao nguyên Trung phần bị hạn hán, môi trường biển miền Trung bị hủy hoại, môi trường các nơi khác cũng bị ô nhiễm, người thất nghiệp ngày càng đông, dân oan mất đất ngày càng nhiều…
Không giải quyết được các vấn nạn nói trên, nhà cầm quyền tiếp tục sử dụng bạo lực cách mạng trấn áp các cuộc biểu tình bất bạo động. Tức nước vỡ bờ [trong tương lai có thể] ngày càng xuất hiện nhiều cuộc biểu tình bạo động mang khuynh hướng bạo loạn.
Càng bạo loạn thì việc ổn định lại đất nước càng khó khăn hơn. Những người cầm quyền bằng bạo lực vốn đã độc tài càng dễ tăng thêm độc tài, tiếp tục sử dụng bạo lực để cai trị thay vì xây dựng một nhà nước hiến định và pháp trị. Các giải pháp chính trị sẽ tốt hơn cho Việt Nam.
71 năm (1945-2016) “cách mạng mùa thu” đất nước trong cảnh tang thương, thiết nghĩ đã đủ chứng minh con đường cách mạng bằng bạo lực là con đường đưa dân tộc đến chỗ diệt vong.
Các đảng cách mạng cần tự cách mạng bản thân để trở thành các đảng chính trị cạnh tranh nhau xây dựng lại Việt Nam.
N.Q.D.
Melbourne, Úc Đại Lợi
26/08/2016
Tác giả gửi BVN. Bài viết được đăng với tinh thần bàn bạc, trao đổi trong một diễn đàn chung, trong đó quan điểm và phong cách ngôn từ là thuộc về từng người viết.