Đối tác thương mại, đối thủ chiến lược

LS Nguyễn Văn Thân

Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc bỏ ra nhiều tiền đầu tư vào cơ sở hạ tầng của nhiều quốc gia trên thế giới mà chính sách này nằm trong chiến lược Con đường Tơ lụa Hàng hải để xây dựng giấc mơ Trung Hoa vĩ đại của Tập Cận Bình. Ngoài cảng Darwin thì Trung Quốc cũng đã bỏ nhiều tiền đầu tư vào cảng Hambantota của Pakistan, cảng Gwadar của Pakistan để nắn gân Ấn độ và cảng Djibouti ở Châu Phi để đối trọng với hải quân Mỹ. Mục tiêu chính là để bảo đảm an ninh kinh tế và năng lượng cho Trung Quốc nhưng cũng để kiểm soát “huyệt đạo” của đối tác. Khi có xung đột, Trung Quốc chỉ cần đánh vào huyết mạch kinh tế là các cơ sở hạ tầng gồm có hệ thống truyền tin, giao thông và năng lượng, là có thể khống chế được đối thủ.

Úc cũng như một số quốc gia khác đang phải đối diện với một tình trạng mâu thuẫn chưa từng có trong lịch sử. Đó là vừa xây dựng và phát triển quan hệ đối tác thương mại nhưng vừa phải canh chừng Trung Quốc như là một mối đe dọa an ninh quốc gia trường kỳ. Thách đố lớn nhất là chuẩn bị cho ngày Trung Quốc trở mặt hoặc khai hỏa trên Biển Đông. Nếu không thận trọng thì sẽ có ngày Úc cũng như những quốc gia khác trong đó có Việt Nam có thể bị điểm tử huyệt mà chết không kịp ngáp.

Vào ngày Thứ sáu 15/8 vừa qua, Tổng trưởng Ngân khố Scott Morrison đã chính thức loan báo là Úc sẽ không cho phép Grid Corp và Cheung Kong Infrastructure (CKI) tham gia đấu thầu mua lại 50.4% của Công ty Ausgrid qua hợp đồng thuê mướn 99 năm ước lượng trị giá hơn 14 tỷ Úc kim. Theo Tạp chí Fortune, Grid Corp là một tập đoàn công ty quốc doanh của Trung Quốc lớn thứ hai trên toàn thế giới có thu nhập hàng năm lên tới 330 tỷ Mỹ kim và chỉ đứng sau Walmart của Mỹ với thu nhập hàng năm khoảng 482 tỷ Mỹ kim (hơn gấp đôi GDP của Việt Nam). Còn CKI là một công ty Hồng Kông do tỷ phú Lý Gia Thành (Li Ka-shing) làm chủ với đa số cổ phiếu.

Quyết định của Morrison tạo ra một cuộc tranh cãi sôi nổi trong dư luận Úc. Lãnh tụ đối lập tiểu bang NSW Luke Foley yêu cầu chính quyền trình bày “Kế Hoạch B”. Thủ Hiến Mike Baird phản pháo và chế nhạo thái độ đạo đức giả của đảng Lao động của Luke Foley là chống đối chính sách tư hữu hóa cơ sở điện lực nhưng lại chỉ trích Chính phủ khi chính sách này bị đình trệ. Thủ Hiến Baird cũng cho biết ông tự tin là Chính phủ sẽ thành công trong việc tìm người mua khác và sẽ dùng số tiền thu được cùng với 10.26 tỷ là giá tiền bán TransGrid cho Công ty Hastings Fund Management do Westpac làm chủ để tiến hành chiến dịch xây dựng cơ sở hạ tầng lớn nhất trong lịch sử tiểu bang kể từ Thế vận hội Sydney 2000.

Ông Bob Carr cựu Thủ hiến NSW và Ngoại trưởng liền lên tiếng đả kích quyết định của Morrison. Carr cho rằng đây là một quyết định chính trị vì Chính phủ liên đảng đang muốn ve vãn các đảng nhỏ trong Thượng Viện gồm có One Nation và Xenophone có quan điểm chống đối đầu tư từ nước ngoài vào cơ sở hạ tầng của Úc, đặc biệt là từ Trung Quốc. Nhưng Bộ trưởng Tài chính Mathias Cormann đã cho Carr “một bạt tai” và cải chính là Carr không nắm vững vấn đề khi cho rằng Chính phủ lo ngại về Pauline Hanson cũng như Carr nên tìm hiểu rõ hơn khi có những lời phát biểu như vậy trước công chúng.

AusGrid cung cấp điện cho 1.6 triệu gia đình và doanh nghiệp trong thành phố Sydney, Central Coast và khu vực Hunter/Newcastle – khoảng 50% mạng lưới điện của toàn tiểu bang NSW. Trong khi đó, Công ty Endeavour phục vụ dân cư và doanh nghiệp ở phía Nam Sydney và khu vực Illawarra. Ông Peter Jennings Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách Chiến lược Úc cho rằng nếu Trung Quốc mua được mạng AusGrid thì họ có thể sử dụng tin tặc để làm tê liệt cơ sở hạ tầng quan trọng của Úc khi có xung đột, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hãn tại Biển Đông và có ý đồ thách thức trật tự toàn cầu cũng như luật pháp quốc tế. Phát súng đầu tiên của chiến tranh trong thế kỷ 21 sẽ là tấn công vào mạng lưới truyền tin và cơ sở hạ tầng trọng yếu. Tương tự như vậy, trong bài diễn văn “State of the Union” vào năm 2013, Tổng thống Obama phát biểu rằng “kẻ thù của Hoa Kỳ đang tìm cách phá hoại hệ thống điện lực, tài chánh và kiểm soát không lưu” qua hình thức tấn công mạng. Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cũng cảnh báo tấn công mạng là một mối đe dọa lớn đối với khả năng cung cấp năng lượng cho người dân và Chính phủ Hoa Kỳ. Tuy không nói rõ tên nước nào, nhưng ai cũng biết tình báo mạng của Trung Quốc là một hiểm họa thực tế và nghiêm trọng đối với Hoa Kỳ cũng như Úc.

Trả lời phỏng vấn Đài ABC, Scott Morrison nhấn mạnh là ông chỉ sử dụng một nguyên tắc duy nhất là quyền lợi an ninh quốc gia khi đi đến quyết định ngăn cản công ty của Trung Quốc và Hồng Kông sở hữu AusGrid. Ông đã nhận được báo cáo của Ủy ban Giám sát Đầu tư Ngoại quốc (Foreign Investment Review Board) với kết luận chắc nịch là Chính phủ không nên cho phép hai công ty này kiểm soát mạng lưới điện như AusGrid. Quyết định này không nhắm vào hoặc mang tính kỳ thị với Trung Quốc. Có điều là các công ty quốc doanh của Trung Quốc đều có một đặc điểm giống nhau là có chi bộ Đảng và thành phần bán quân sự. Tiêu chí của họ là phục vụ cho Đảng và nhà nước Trung Quốc. Thành phần lãnh đạo của các công ty này thường gồm có đảng viên và giới quân sự. Có nghĩa là các công ty của Trung Quốc không thuần túy mang tính thương mại. Đảng Cộng sản và Nhà nước Trung Quốc có thể sử dụng phương tiện của các công ty bất cứ lúc nào khi cần thiết hoặc khi có chiến tranh mà không cần thông qua một tiến trình pháp lý.

Đây không phải là lần đầu tiên Úc ngăn cản đầu tư từ Trung Quốc. Vào năm 2012, chính quyền Gillard đã thẳng thừng ngăn cấm Công ty Hoa Vi đấu thầu trong công trình mạng lưới băng tần rộng (National Broadband Network) vì lý do “an ninh quốc gia”. Đây là lời nói ngoại giao thay cho quan ngại về hoạt động tình báo mạng của Trung Quốc. Từ cuối năm ngoái cho đến tháng tư năm nay, Morrison cũng quyết định ngăn cấm một tập đoàn đầu tư của Trung Quốc mua lại nông trại S Kidman & Co có diện tích tương đương với 1% lãnh thổ của Úc vì một phần đất của nông trại này nằm trong cấm địa quân sự Woomera Prohibited Area.

Thật ra, Công ty quốc doanh Grid Corp và một số công ty khác của Trung Quốc đang làm chủ và kiểm soát khá nhiều cơ sở hạ tầng trọng yếu của Úc. Ví dụ như Grid Corp hiện đang nắm 60% cổ phần của Jemena Gas, 34% của United Energy Network Victoria, 50% của Actew AGL, 19.9% của Ausnet Services và 45.56% của ElectraNet là mạng lưới điện của tiểu bang Nam Úc. Các công ty khác của Trung Quốc gồm có Sinopec làm chủ 25% Qld Liquified Natural Gas, State Power Investment làm chủ 100% của Pacific Hydro, Petro China làm chủ 50% của Arrow Energy và 10.67% của Browse LNG, CNOOC làm chủ 50% của QCLNG Train và China Huaneng làm chủ 50% của OzGen. Quyết định của Morrison không phải là ngăn cản mà nói với Trung Quốc rằng họ xâm nhập vào hệ thống cơ sở hạ tầng của Úc như vậy là quá đủ rồi.

Trung Quốc đã có phản ứng mạnh mẽ. Tuy nhiên với Trung Quốc thì khó phân biệt được cái nào là giận dữ thật sự và cái nào là giả tạo. Dĩ  nhiên Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép các công ty ngoại quốc mua lại hoặc kiểm soát hệ thống cơ sở hạ tầng của họ. Nhưng Trung Quốc thuộc về bậc thầy khi chế biến cảm xúc bị tổn thương. Hoàn cầu thời báo là một tờ báo lá cải của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong thời gian gần đây thường hay tru réo rằng Trung Quốc nên dạy cho hải quân Úc một bài học nếu Úc cũng tiến hành chiến dịch tuần tra và tự do hàng hải tại Biển Đông. Tờ báo này đã cảnh báo là quyết định của Morrison sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ kinh tế giữa Úc và Trung Quốc.  Tân Hoa xã, tờ báo được xem là phản ánh tiếng nói của Đảng Cộng Sản Trung Quốc cũng cho rằng Úc vẫn con mang tư tưởng chiến tranh lạnh lỗi thời khi cứu xét đầu tư từ Trung Quốc.

Có lẽ Úc đã học được một bài học sau vụ Lãnh thổ Bắc Úc cho Landbridge – một công ty Trung Quốc thuê cảng Darwin 99 năm với giá 506 triệu Úc kim. Hoa Kỳ rất ngạc nhiên và chính Tổng thống Obama đã bực mình than phiền trực tiếp với Thủ Tướng Malcolm Turnbull về việc này. Rồi đây sẽ có khoảng 2,500 lính thủy quân lục chiến của Mỹ mỗi lần ra vào cảng Darwin phải chào “hello” với nhân viên (hoặc lính tình báo???) của Trung Quốc. Sau sự việc này, Chính phủ đã bổ nhiệm ông David Irvine, cựu Giám đốc của cơ quan tình báo ASIO vào Ủy ban Giám sát Đầu tư Ngoại quốc. Có lẽ nhờ vào kinh nghiệm của Irvine nên Morrison mới đi đến quyết định một cách dễ dàng và tự tin như vậy.

Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc bỏ ra nhiều tiền đầu tư vào cơ sở hạ tầng của nhiều quốc gia trên thế giới mà chính sách này nằm trong chiến lược Con đường Tơ lụa Hàng hải để xây dựng giấc mơ Trung Hoa vĩ đại của Tập Cận Bình. Ngoài cảng Darwin thì Trung Quốc cũng đã bỏ nhiều tiền đầu tư vào cảng Hambantota của Pakistan, cảng Gwadar của Pakistan để nắn gân Ấn độ và cảng Djibouti ở Châu Phi để đối trọng với hải quân Mỹ. Mục tiêu chính là để bảo đảm an ninh kinh tế và năng lượng cho Trung Quốc nhưng cũng để kiểm soát “huyệt đạo” của đối tác. Khi có xung đột, Trung Quốc chỉ cần đánh vào huyết mạch kinh tế là các cơ sở hạ tầng gồm có hệ thống truyền tin, giao thông và năng lượng, là có thể khống chế được đối thủ.

Úc cũng như một số quốc gia khác đang phải đối diện với một tình trạng mâu thuẫn chưa từng có trong lịch sử. Đó là vừa xây dựng và phát triển quan hệ đối tác thương mại nhưng vừa phải canh chừng Trung Quốc như là một mối đe dọa an ninh quốc gia trường kỳ. Thách đố lớn nhất là chuẩn bị cho ngày Trung Quốc trở mặt hoặc khai hỏa trên Biển Đông. Nếu không thận trọng thì sẽ có ngày Úc cũng như những quốc gia khác trong đó có Việt Nam có thể bị điểm tử huyệt mà chết không kịp ngáp.

N.V.T.

Tác giả gửi BVN

 

This entry was posted in Trung Quốc. Bookmark the permalink.