09:19 – 09/08/2016
Dân ở đây thì không có đất trồng trọt, nhiều người phải bỏ đi nơi khác làm thuê làm mướn, trong khi đó chẳng biết quan chức ở đâu về, bành trướng ra 40 – 50 héc ta, dân thắc mắc thì họ chìa bìa đỏ ra hẳn hoi. Chẳng biết làm từ khi nào?
(PL+) – Xảy ra hiện tượng người tố cáo bị “lâm tặc” đe dọa, chính quyền xã truy tìm người phản ánh vụ việc, dân không dám đấu tranh làm rõ sự thật ?
Ngay sau khi Phapluatplus.vn đăng tải bài viết: Hàng chục héc ta rừng nguyên sinh rơi vào tay “lâm tặc ” dân kêu cứu, nhiều cuộc điện thoại gọi về cho phóng viên từ thôn Gốc Mít (xã Đông An, huyện Văn Yên) phản ánh họ bị các đối tượng phát phá rừng truy xét gặng hỏi và dọa nạt.
Hàng chục khối gỗ rừng các loại còn bỏ lại ven đường
Trước đó bà Lê Thị Mơ là trưởng thôn Gốc Mít, cùng các ông Trần Văn Đỗ, Trương Công Chuyền, và các hộ dân khác phản ánh với phóng viên Phapluatplus.vn về tình trạng phá rừng hàng loạt tại đỉnh Khe Phầy (thôn Gốc Mít, xã Đông An, huyện Văn Yên).
Nội dung bà Mơ chia sẻ: Cả thôn có hơn 3 chục hộ, thì 24 hộ ăn nước ở khe đầu nguồn chảy về, bây giờ họ chặt phá trên ấy thì ruộng dưới này không còn nước canh tác mà phải chuyển đổi sang trồng ngô, dân rất bức xúc bởi họ xả nước thải phân tro xuống khiến nguồn nước bị ô nhiễm, tôi đã đề nghị với Ủy ban, các anh ấy bảo cũng có ngăn chặn, nhưng thực trạng phá rừng vẫn diễn ra, mỗi ngày họ thuê 40 – 50 người, phát phá chặt hết gỗ hết vầu mang đi bán, rồi bây giờ lại tiếp tục dựng trang trại để chăn nuôi.
Dân ở đây thì không có đất trồng trọt, nhiều người phải bỏ đi nơi khác làm thuê làm mướn, trong khi đó chẳng biết quan chức ở đâu về, bành trướng ra 40 – 50 héc ta, dân thắc mắc thì họ chìa bìa đỏ ra hẳn hoi. Chẳng biết làm từ khi nào?
Video trích đoạn: Bà Lê Thị Mơ – Trưởng thôn Gốc Mít, nói lên những thiệt thòi, bức xúc của người dân nơi đây.
Căn cứ theo đơn đề nghị của các hộ dân, và nội dung trao đổi trực tiếp với bà trưởng thôn Gốc Mít, nhóm Phóng viên Phapluatplus.vn đã tiếp cận hiện trường, từ đường nhựa rẽ vào khoảng gần 1 km, đi theo một con đường đất mới mở, chúng tôi phát hiện nhiều đống gỗ rừng xếp rải rác không rõ chủng loại cũ mới lẫn lộn.
Có lẽ do mưa đường trơn mà lâm tặc chưa kịp vận chuyển, toàn bộ cây cối bị tận diệt xung quanh đó ước tính hàng chục héc ta, có khoảnh đã đốt cháy nham nhở, sâu vào phía trong rừng, tiếng cưa xăng vọng ra ầm ĩ chứng tỏ việc phá rừng vẫn đang diễn ra bình thường.
Đúng như phản ánh, các đối tượng đã dựng lán trại, kéo điện lưới rải theo mặt đường mà không hề mắc lên cột, khiến cho người dân qua lại nơi đây rất hoang mang vì bị đe dọa tính mạng .
Nhận thấy mức độ nghiêm trọng sự thiệt hại của rừng là quá lớn, phóng viên lập tức liên hệ với Chính quyền địa phương, ông Hoàng Mạnh Hùng- Chủ tịch UBND xã Đông An cho biết : “Chúng tôi có một công văn của huyện, tức là khi cung cấp làm việc tất cả mọi cái với nhà báo phóng viên, đều phải qua huyện, vậy các anh cứ lên huyện làm việc xong về đây chúng tôi sẽ cung cấp thông tin đầy đủ”.
Ông Hoàng Mạnh Hùng – Chủ tịch UBND xã Đông An.
Thật ngạc nhiên, khi phóng viên gọi điện cho lãnh đạo huyện thì ông Vũ quang Hải – Chủ tịch huyện tỏ vẻ bất ngờ: “Tôi chưa thấy xã Đông An báo cáo gì về việc phá rừng trong ấy đâu, nếu có tôi phải chỉ đạo chứ, thôn Gốc Mít là địa danh của xã Đông An thì đúng rồi. Nhưng giáp với xã Xuân Tầm nên phải kiểm tra thực địa xem nó phá ở xã nào, tôi sẽ cho anh em đi kiểm tra ngay để có cơ sở báo cáo”.
Tại buổi làm việc với Hạt Kiểm lâm huyện Văn Yên ngày 2/8/2016, phóng viên được ông Trần Kinh Tài – Phó Hạt trưởng cho hay: Ngay từ đầu năm, ngày 18/2/2016 chúng tôi đã phát hiện tại thôn Gốc Mít một đối tượng phát nương rẫy với diện tích vi phạm là 200 mét vuông, tên là Đặng Văn Dung trú tại thôn Trà (xã Đông An) đã lập biên bản đình chỉ cấm đốt dọn trồng trọt, giao cho xã nhưng không hiểu sao đến nay chính quyền xã vẫn chưa xử lý được? (Biên bản lập ngày 25/2/2016 )
Khi phóng viên cho biết, diện tích đất rừng tự nhiên ở thôn Gốc Mít đã bị xâm hại nghiêm trọng, hàng chục héc ta bị phát trắng, có chỗ đã bị đốt, hàng ngàn khối lâm sản các loại “biến mất” khỏi rừng.
Vậy cơ quan nào đã cấp phép vận chuyển? ông Tài đưa ra một tờ báo cáo không số của UBND xã Đông An, đề ngày 11/7/2016, và cho rằng đã vi phạm thì không có ai cấp phép vào đấy cả.
Ông Trần Kinh Tài – Phó hạt trưởng Kiểm lâm huyện Văn Yên
Báo cáo của UBND xã Đông An gửi UBND huyện Văn Yên đề ngày 11/7
Quay trở lại UBND xã Đông An, ông Lê Huy Quang – Phó Chủ tịch xã cung cấp cho phóng viên một số thông tin liên quan vụ phá rừng rầm rộ này như sau: “Trong thời gian vừa qua, UBND xã Đông an có nhận được phản ánh của nhân dân thôn Gốc Mít, tố cáo một số đối tượng phát phá rừng, ngày 9/7 chúng tôi tiến hành đi kiểm tra thì phát hiện đúng là có thật, đã bắt được hai trường hợp đang đánh đường và phát phá, chúng tôi đã tiến hành lập biên bản để xử lý hành chính.
Nhưng đến ngày 27/7, UBND xã lại nhận được tin báo, khi vào kiểm tra thì vẫn là đối tượng trước đó bị lập biên bản nay tiếp tục tái phạm, lúc ấy diện tích bị phát phá được xác định vào khoảng 8 héc ta, hiện đang lập hồ sơ để báo cáo huyện”.
Ông Lê Huy Quang – Phó Chủ tịch UBND xã Đông An.
Tiếp đó, việc người dân phản ánh bị các đối tượng phá rừng đe dọa dằn mặt, thậm chí Chính quyền xã Đông An cũng có động thái truy tìm người tố cáo, chiều ngày 8/8/2016, phóng viên Phapluatplus.vn, đã liên lạc với ông Vũ Quang Hải – Chủ tịch UBND huyện Văn Yên để tìm hiểu thực hư, nhưng vị lãnh đạo này không nghe máy.
Vậy Chính quyền xã Đông An và Huyện Văn Yên, có biện pháp giải quyết vụ phát phá, vận chuyển lâm sản như thế nào? Diện tích thực sự rừng bị xâm hại là bao nhiêu?
Phapluatplus.vn sẽ tiếp tục thông tin.
Nhóm PVĐT