Nhóm phóng viên tường trình từ VN
Trẻ em Làng Na, bên sông Son Quảng Bình. RFA photo
Câu chuyện trẻ em miền núi phía Tây Quảng Bình bỏ học đi làm thuê khắp nơi, thậm chí có nhiều em theo cha sang tận Trung Quốc để làm thuê tuy chưa phải là câu chuyện nổi cộm của báo chí trong nước hiện nay. Nhưng có vẻ như vấn đề đang ngày càng trầm trọng hơn khi cha mẹ xem việc con cái bỏ học làm thuê là chuyện bình thường. Trong đó, những người này ở miền núi nhưng nguyên nhân lại do biển gây ra. Đó là một câu chuyện đáng lo.
Bỏ học, chuyện bình thường?
Bà Phúc, sống ở Bố Trạch, Quảng Bình, chia sẻ: “Trẻ con bỏ học nhiều, miền núi thì nhiều hơn miền biển. Những vùng đồng bằng như Hoàn Lão, Đại Trạch, Hoàn Trạch – Quảng Bình thì bỏ học ít. Nhưng những vùng ven biển như Nhân Trạch, Tây Trạch, rồi Minh Hóa, Tuyên Hóa cũng bỏ học nhiều. Bỏ qua Trung Quốc để làm, chưa đủ tuổi nên băng rừng để đi. Mỗi tháng cũng được bảy triệu, tám triệu, mỗi ngày làm 16 đến 17 tiếng đồng hồ.
Bà Phúc cho biết trong số năm đứa con của bà, đã có hai đứa bỏ học, một đứa theo cha đi làm bên Lào được nửa tháng thì hết việc, lại quay về quê và tìm đường sang Trung Quốc để làm thuê. Thời gian gần đây, nghe tin Trung Quốc có nạn buôn người, mổ nội tạng, bà rất lo sợ. Nhưng hiện nay chồng và con trai của bà vẫn chưa chịu về nhà, dù bà có khuyên gì họ vẫn ở lại để làm việc. Bởi theo như chồng bà nói thì về quê lấy gì để sống, một mảnh vườn nhỏ với vài chục gốc ổi, vài gốc mít thì không đủ để mua gạo chứ đừng nói tới mua thức ăn.
Khoảng 45% trẻ em ở đây đều bỏ học hết, nghỉ lớp 9. Người thì vào Nam làm, hoặc ở nhà phụ mẹ, hoặc đi xuất khẩu lao động chui rứa đó. Dân ở đây xuống dưới biển làm thuê cũng nhiều!
– Một cô bé tên Lê
Tình trạng thiếu lương thực có tính xâu chuỗi của phần đông người lao động trên khắp tỉnh Quảng Bình kể từ khi biển chết, hải sản chết đã lây lan đến miền núi. Trước đây bà Phúc đi buôn hải sản nhỏ lẻ. Sáng bà dậy từ ba giờ sáng và chạy xe máy xuống bến cá ở Nhật Lệ để mua cá về bán lại ở các chợ Bố Trạch. Mỗi ngày bà Phúc kiếm được từ 200 ngàn đồng đến 300 ngàn đồng. Đây là số tiền khá lớn đối với gia đình bà cũng như nhiều gia đình vùng núi khác giống gia đình bà.
Thế nhưng từ khi biển bị nhiễm độc, hải sản chết hàng loạt, cùng chung tình trạng với bà Phúc là các ngư dân đánh cá thuê, những người bán quán thuê từ Bố Trạch xuống Nhật Lệ, Quảng Trạch làm việc đều thất nghiệp. Nhưng gia đình bà Phúc và các ngư dân đánh cá thuê, người đi làm thuê đều không thuộc diện cứu trợ của nhà nước nên cũng chẳng nhận được ký gạo hay lít dầu ăn nào sau ba tháng thất nghiệp. Chính vì vậy mà phần lớn trẻ em gia đình ngư dân phải bỏ học, trốn sang Lào hoặc Trung Quốc để làm thuê.
Chị Yến, hiện sống tại Phong Nha, Kẻ Bàng, chia sẻ: “Vác gỗ thì cực lắm, vác trên vai cả ngày. Cơm thì mình mang theo, cơm mè cơm muối gì đó. Như sức đàn ông thì làm được chứ như sức tui thì không làm nổi. Như đàn bà mình đây thì chỉ có cầm rựa mà phát mấy rừng gần đây thôi.”
Chị Yến cho biết thêm, hiện nay, đàn ông trong làng đã đi làm thuê tứ xứ, những ai còn ở nhà thì đi lên rừng vác gỗ thuê, tìm gỗ sưa đỏ để bán. Chuyện đi tìm gỗ sưa đỏ cũng giống như đi tìm trầm, có khi cả tháng trời lòng vòng trong rừng chỉ tìm được vài que rễ, gọi là đầu cánh cổ, mang về bán chưa tới một triệu đồng. Tính ra, số tiền một triệu đồng chưa đủ cho một nửa số ngày công để đi tìm. Nhưng việc tìm gỗ sưa cũng giống như là đi cầu hên xui may rủi nên người ta vẫn cứ mãi miết đi tìm, biết đâu trong một ngày đẹp trời nào đó lại được đổi đời.
Một bé gái bán hàng lưu niệm ở khu mua vé tham quan Phong Nha Kẻ Bàng. RFA photo
Chị Yến cho biết thêm là cả làng Na, nơi chị đang sống, có cả hơn một ngàn người đi tìm gỗ sưa đỏ, còn gọi là gỗ huỳnh đàn, trong đó chỉ có hai người là trúng đậm và xây nhà cửa đàng hoàng, số còn lại vẫn tiếp tục cầu may trong suốt nhiều năm nay, nhà cửa tuềnh toàng, con cái học hành dang dở vì kinh tế bất ổn.
Và để duy trì việc tìm gỗ sưa, các đàn ông, trai tráng trong làng Na chấp nhận đi vác gỗ thuê cho lâm tặc. Mỗi khúc gỗ nặng từ 50 đến 70 kg được thuê vác từ đỉnh núi xuống tới nơi tập kết tốn chừng một ngày và một đêm. Người vác gỗ phải tự mang theo cơm mo, cơm nắm để ăn. Và nhận được số tiền là 70 ngàn đồng. Hai mươi bốn giờ vác gỗ, lăn gỗ và kéo gỗ xuống dốc núi, nhận được 70 ngàn đồng là con số quá nhỏ nhoi, chỉ bằng 25% tiền công lao động dưới đồng bằng nhưng người ta vẫn chấp nhận làm với hi vọng trên đường đi sẽ phát hiện ra một khúc gỗ sưa đỏ qui cách, bán ra thị trường với giá 40 triệu đồng trên một ký lô và được đổi đời.
Nhưng, con số đổi đời thì quá nhỏ mà con số ê chề, thất nghiệp, đói khổ và con cái bỏ học là con số phổ biến, và dường như người dân nơi đây vẫn chưa tìm được lối ra. Nhất là trong thời gian biển nhiễm độc, hải sản chết hàng loạt khiến cho việc kiếm cơm của mọi gia đình từ miền biển đến miền núi càng thêm khó khăn, cạn kiệt hơn.
Và khi kinh tế gia đình quá khó khăn, việc nộp phí học tập cho con cái trở thành gánh nặng không thể kham nổi, nhất là chi phí cho việc học thêm, học kèm để đuổi kịp bạn bè… Hầu hết các gia đình có con bỏ học đều xem đó là chuyện bình thường, chuyện bỏ học của con cái giống như vứt bớt một gánh nặng cho gia đình.
Trẻ em nói gì?
Một cô bé tên Lê, bỏ học trước thi học kì năm học 2015 – 2016 vừa rồi, chia sẻ: “Khoảng 45% trẻ em ở đây đều bỏ học hết, nghỉ lớp 9. Người thì vào Nam làm, hoặc ở nhà phụ mẹ, hoặc đi xuất khẩu lao động chui rứa đó. Dân ở đây xuống dưới biển làm thuê cũng nhiều!”
Lê cho biết thêm là em cũng chưa biết sau khi nghỉ học sẽ làm gì. Ở trường, em thuộc diện học sinh khá, tuy học phí không cao lắm nhưng bù vào đó tiền học thêm, thời gian đi học thêm khiến em chẳng còn thời gian để phụ giúp gia đình. Trong ba tháng nay, kinh tế gia đình em khó khăn vì cha không đi biển nữa, mẹ cũng không đi buôn cá dưới biển về nên em không dám xin tiền nộp học thêm. Hiện tại, sau khi nghỉ học, em đi buôn trái cây, mỗi sáng em vào vườn mua các loại trái như mít, xoài, ổi, dứa rồi tự hái, tự mang ra tuyến đường du lịch nối với Phong Nha để bán.
Trung bình mỗi ngày kiếm được từ một trăm đến một trăm rưỡi ngàn tiền lãi, số tiền này em giúp đỡ được cho gia đình rất nhiều. Khi nghe chúng tôi hỏi về dự tính tương lai, Lê cho biết là chưa có dự tính gì cả vì tương lai là thứ rất đau đầu đối với em. Nhưng em đang lo là mùa mưa sắp tới, làm sao để bán được trái cây và trèo cây. Vì để kiếm được lãi, mỗi ngày em phải tự trèo lên cây để hái từ năm đến mười trái mít, nếu trời mưa thì việc này rất khó.
Khi nghe chúng tôi hỏi thêm là số bạn bỏ học giống như em ở đây có nhiều không, em lắc đầu nói rằng cũng không nhiều lắm đâu, chỉ vài chục đứa thôi! Nghe đến đây, chúng tôi chỉ biết im lặng. Và cũng chẳng dám cầu chúc gì cho em bởi cả em và chúng tôi đang sống trên một đất nước quá khó khăn, trong khi đó, nhiều kẻ ăn không hết lại có nhiều người làm cả đời cũng không ra!
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/children-drop-out-in-quang-binh-ttvn-08172016145345.html