Sau chuyến thăm Việt Nam dưới hình thức cá nhân, bà Su Chih-feng, nhà lập pháp của đảng Dân Chủ Cấp Tiến (Đài Loan), đã kêu gọi chính phủ Việt Nam nên công bố minh bạch các chi tiết về trường hợp của Công ty Formosa Plastic Group. Canh bạc 500 triệu đô hẳn phần thắng chưa thuộc về chính phủ với các cáo buộc từ phía Formosa trên truyền thông Đài Loan. Và món nợ thảm hoạ môi trường, người dân 4 tỉnh ven biển miền Trung vẫn phải đang gánh chịu.
Trong phần trả lời thời báo Taipei Times cho bài phỏng vấn “Hà Nội lặng thinh về việc giải quyết vụ Formosa” (1). Bà Su Chih-feng cho biết các khó khăn như bị thu hộ chiếu, bị ngăn cấm đến Vinh bằng máy bay và bị theo dõi ở Hà Tĩnh mà không có câu trả lời thoả đáng vì sao như vậy từ giới chức Việt Nam.
Ngay cả sau chuyến thăm Formosa, thì đoàn của bà Su Chih-feng cũng không có thêm được thông tin gì về việc nhà máy gây nên ô nhiễm ngoài những gì đã được báo chí trình bày. Và bà muốn cuộc điều tra của chính phủ Việt Nam phải được minh bạch. Chính phủ Hà Nội cho biết nhà máy phải chịu trách nhiệm vì đã gây nên cá chết hàng loạt tại các khu vực của tỉnh và các khu hạ nguồn vào tháng Tư vừa rồi. “Chúng tôi không thể có kết luận gì rõ ràng về sự việc gây ô nhiễm này”, Bà Su nói. “Chính phủ Việt Nam nên công bố hết quả cuộc điều tra của mình”.
Rõ ràng Formosa không nhận sai như báo chí Việt Nam dẫn lời các quan chức chính phủ cho hay. Họ vẫn kiên trì với lập luận “tuân thủ luật pháp Việt Nam” và “các chỉ số vẫn nằm trong mức cho phép”. Đó là lý do tại sao một nhà lập pháp thuộc đảng cầm quyền ở Đài Loan lên tiếng yêu cầu Việt Nam phải minh bạch các bằng chứng buộc tội Formosa.
Trong lúc đó, báo Thanh Niên cho hay “trước khi thảm họa ô nhiễm môi trường xảy ra không lâu, đoàn thanh tra của Tổng cục Môi trường đã vào thanh tra Formosa trong… nửa ngày và đưa ra kết luận chung chung” (2). Sự cố tràn dầu và việc để lẫn chất thải nguy hại với chất thải thông thường tại khu vực thi công cảng Sơn Dương là những lỗi nghiêm trọng chỉ được nhắc tới sơ sài trong báo cáo….
Còn bao nhiêu chuyện hời hợt trong công tác quản lý, giám sát và kiểm tra Khu công nghiệp Vũng Áng, nhà máy Formosa nữa mà người dân không được biết?
Hai đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị là ông Trần Công Thuật và ông Hà Sỹ Đồng cũng đã lên tiếng về việc “phải làm rõ một số vấn đề như chỉ ra tập đoàn Formosa là ai, gồm các cổ đông nào”, “hướng xử lý kiên quyết của Chính phủ với những cá nhân có trách nhiệm để xảy ra thảm họa môi trường này”, và “việc xử lý trách nhiệm không chỉ với người còn đương chức mà ngay cả những người không còn tại vị” (3).
Câu hỏi đặt ra là liệu Bộ Chính trị có dám truy cứu trách nhiệm nguyên hệ thống hay không?
Formosa vẫn tiếp tục hoạt động. Ống xả thải ngầm ra biển vẫn tiếp tục tồn tại vì không thể đưa lên. Đó là kết quả của hệ thống đảng đã lựa chọn sau nhiều tháng đối phó với những yêu cầu bảo vệ môi trường nhân dân.
Quy trách nhiệm cho các cá nhân thì luôn dễ dàng hơn việc yêu cầu xử lý trách nhiệm của nguyên hệ thống đảng. Và xin nhắc lại, Formosa đã gây ra thảm hoạ chưa thể khắc phục tới tận hôm nay. Trách nhiệm đó không thể thuộc về cá nhân nào trong một hệ thống mà mọi quyết định đều nằm trong tay tập thể cán sự đảng. Và cần nhớ lời của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng – tất cả đều do Bộ Chính trị quyết. Dự án Formosa không nằm ngoài quy luật đó.
Formosa không còn là một dự án đầu tư đầy cơ hội của Hà Tĩnh nữa. Nó là món nợ của đảng Cộng sản với dân tộc này.
N.N.N.Q.
Link tham khảo:
1- https://danlambaovn.blogspot.com/…/ha-noi-lang-thinh-ve-vie…
2- http://thanhnien.vn/…/thanh-tra-formosa-chi-trong-nua-ngay-…
3- http://thanhnien.vn/…/nguoi-dan-dang-mong-cho-chinh-phu-xu-…
Nguồn: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1122428841180305&id=100002395992114