Tôi muốn sống, và tôi không muốn…

Phạm Đoan Trang

Đọc những dòng Nguyễn Anh Tuấn (Green Trees) viết mà thấy như đang nghe tiếng kêu thương của một người dân Việt Nam:

“Tôi muốn hít căng lồng ngực – nhưng không khí bị nhiễm khói bụi nhiều quá. Tôi muốn uống nước thật nhiều – nhưng nước máy thì bẩn, nước đóng chai đắt quá, mà giờ mỗi Lavie là có vẻ còn đáng tin cậy. Tôi muốn ăn, cho con ăn ngon và đảm bảo sức khoẻ – thực phẩm nào bây giờ còn thực sự an toàn? …

… TÔI KHÔNG CHỈ MUỐN TỒN TẠI, TÔI MUỐN SỐNG”.

* * *

Tôi cũng muốn sống. Và tôi không muốn…

Tôi không muốn nhìn thấy cảnh biểu tình nắng nôi, dân phòng lăng xăng bắt người, vẻ mặt hung hãn, người biểu tình vừa chống cự vừa la hét phẫn uất.

 

Tôi không muốn nhìn thấy những khoa phòng bệnh viện, nơi mùi thuốc tẩy uế nồng nặc, bệnh nhân nằm la liệt, ánh mắt đờ đẫn trên những khuôn mặt hốc hác.

Tôi không muốn rùng mình, sởn gai ốc phải nhớ đến những câu nói tình cờ nghe được: “Thuốc này đắt đấy, nhà liệu lo được không?”. “Dạ, bác sĩ chờ, để em về xem còn cái gì, em bán nốt… à hình như còn cái quạt trần”. Những câu nói mà chỉ nghe một lần thôi, sẽ bị ám ảnh suốt đời.

Tôi không muốn trông thấy cảnh vùng vẫy tuyệt vọng của những người bệnh ung thư trước khi chết, có khi còn rất trẻ. Cứ nghe nói ở đâu có thuốc, có hy vọng sống, là thân nhân lặn lội đưa họ đi chữa: từ xuống tóc đi tu, đến áp dụng chế độ ăn lạ, rồi tìm đến “khu vườn bí ẩn” ở một nơi nào đấy. Rồi chết vẫn hoàn chết.

Tôi không muốn thấy cảnh những ông bố bà mẹ nông dân đưa con đi thi đại học, thất thần và lo lắng.

Tôi không muốn phải nhận những email, tin nhắn điện thoại “nhà báo ơi, cứu dân”; những bức thư chưa đọc đã biết nội dung: “Kính gửi tòa soạn báo…, chúng tôi là… Nay chúng tôi khẩn thiết đề nghị…”.

Tôi không muốn phải nghe những nhân viên công quyền nói với nhau: “Hôm nay sinh nhật T. mà khổ rồi, không tổ chức được rồi, nó đang ở chỗ cưỡng chế. Hôm nay có hẳn 500 bà tụt quần ăn vạ cơ”.

Tôi không muốn phải thấy những nơi người dân mất đất tập trung lại như “làng kháng chiến”, và họ hỏi nhau: “Hôm nay báo đưa tin về mình chưa?”. “Chưa gì cả”. “Giời, thế mà hôm nọ đến phỏng vấn như đúng rồi”.

Tôi không muốn nhìn thấy ánh mắt của những người lính hải quân trẻ, những cảnh sát biển Việt Nam, khi đối đầu với tàu Trung Quốc đồ sộ, to lừng lững, luôn sẵn sàng phun vòi rồng xối xả vào những chiếc tàu nhỏ bé của Việt Nam.

Tôi không muốn thấy sự căng thẳng của những nhân viên ngành dầu khí mỗi khi nhận tin khẩn: “Nó lại cắt cáp mình rồi!”.

Và còn hơn thế nữa…

Tôi không muốn phải nhìn thấy những thanh niên trẻ trung, trong độ tuổi lao động, ngồi cắm mặt bấm bấm điện thoại – có lẽ là chơi game hoặc lướt facebook – dưới cổng nhà tôi suốt ngày. Chức năng, nhiệm vụ của họ đấy. Còn việc gì vô vị, vô tích sự như thế không? Với sức trẻ ấy, tuổi ấy, trình độ ấy, thời gian ấy, họ lẽ ra đã có thể làm rất nhiều điều có ích.

Tôi không muốn phải đối diện với những gương mặt hầm hầm hoặc giả bộ hầm hầm: “Đi đâu? Đi đâu? Hôm nay, ‘trên’ có lệnh yêu cầu chị ở nhà”.

Tôi không muốn phải viết những status công kích một cái đảng và một cái ngành đã và đang gây ra quá nhiều oán hận bởi chúng đã và đang cản phá quyết liệt mọi sự vận động theo hướng dân chủ hóa của xã hội.

TÔI KHÔNG CHỈ MUỐN TỒN TẠI, TÔI MUỐN SỐNG.

CHÚNG TÔI MUỐN SỐNG.

P. Đ. T.

Nguồn: FB Phạm Đoan Trang

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.