Cấp phép Formosa 70 năm là “đúng luật”: Thủ tướng Phúc tìm bài gỡ tội cho Hà Tĩnh?

Thiên Điểu

(VNTB) – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục phạm luật khi ít nhất trong câu trả lời của ông có hai điểm sai là “dự án lớn” và cho rằng “nếu đem khởi tố thì bao nhiêu năm sau chưa bắt được, chưa thu hồi được…”.

clip_image002

Mới đây trong buổi tiếp xúc cử tri Hải Phòng, trước câu hỏi của cử tri về việc cấp phép cho Formosa với thời hạn 70 năm là đúng hay sai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định là “đúng luật”. Đoạn video phát trên kênh VTV cho thấy ông Nguyễn Xuân Phúc khá chủ động trong nội dung trả lời nhưng thái độ lộ rõ có đắn đo trước khi đi vào kết luận cho câu trả lời.

Điều  đáng nói hơn ở đây là chính ông Phúc ít nhất đã 3 lần khẳng định sẽ xử lý vụ việc liên quan Formosa trên tinh thần “sai tới đâu, xử tới đấy”. Việc xử lý đầu tiên của ông chính là chấp nhận nhận của Formosa số tiền 500 triệu dollars trước khi có ý kiến của hai chủ thể bị hại chính là ngư dân và nhà nước. Đây là một hành động trái luật rất rõ ràng. Về phía ngư dân, phương án mà Chính phủ do ông đứng đầu đưa ra phương án “chuyển đổi nghề và xuất khẩu lao động” cũng gây ra nhiều tranh cãi trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động xâm lược, bành trướng ở Biển Đông núp sau hoạt động dân sự là lực lượng ngư dân được chính quyền Trung Quốc hỗ trợ  ở mức “bao trọn gói” từ phương tiện tới mọi thứ, miễn là đồng ý ra biển. Quyết sách chuyển đổi nghề và xuất khẩu lao động đối với ngư dân bị ảnh hưởng bởi Formosa xả độc được coi như một kế hoạch [rút lui bỏ trống lãnh hải một cách ngu xuẩn – BVN] tạo điều kiện cho Trung Quốc độc chiếm hoàn toàn Biển Đông.

Việc xử lý tiếp theo chính là lý do mà ông Phúc đưa ra để giải thích việc cấp phép cho Formosa 70 năm là “đúng luật”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục phạm luật khi ít nhất trong câu trả lời của ông có hai điểm sai là “dự án lớn” và cho rằng “nếu đem khởi tố thì bao nhiêu năm sau chưa bắt được, chưa thu hồi được…” (?)

Về qui mô dự án, đúng là Luật đầu tư có qui định ưu đãi thời gian tới 70 năm đối với dự án có qui mô lớn và đầu tư vào vùng đặc biệt khó khăn, nhưng là để phát triển kinh tế chứ không phải để gây thiệt hại kinh tế, tàn phá môi trường – hai hành vi bị chế tài trong Luật hình sự và Luật Bảo vệ môi trường. Chưa nói đến mức độ thiệt hại mà Formosa gây ra chắc chắn lớn hơn nhiều lần giá trị dự án, điều mà lẽ ra trên phương diện người quản lý, bất cứ ở cấp nào cũng không thể chấp nhận huống hồ là Chính phủ.

Là người đứng đầu Chính phủ, ông Phúc khẳng định “nó đã nhận lỗi, cúi đầu nhận tội trước nhân dân” nhưng lại nói “nếu đem khởi tố thì bao nhiêu năm sau chưa bắt được, chưa thu hồi được…”  thì quả thật kỳ lạ. Chưa dừng lại ở đó, ông Phúc đặt ra một chữ “nếu” kỳ lạ không kém nếu không nói là hết sức ngây ngô rằng “Nếu tái phạm sẽ đóng cửa(!)”. Chỉ riêng một lần “sai phạm” mà hàng triệu người dân đã điêu đứng, môi trường biển suốt 4 tỉnh miền Trung bị tàn phá khủng khiếp, viễn cảnh biển đảo lọt vào tay Trung Quốc khi trên biển vắng bóng ngư dân đã rõ ràng như vậy. Chữ “nếu” mà ông đặt ra tái hiện một lần nữa thì dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam đi về đâu?

Trên thực tế, ngay khi Chính phủ công bố Formosa là thủ phạm xả độc gây ô nhiễm, đồng thời chấp nhận mức bồi thường 500 triệu dollars, bất cứ ai cũng hiểu rằng Formosa sẽ tiếp tục tồn tại, vụ việc sẽ bị “chìm xuồng” bằng nhiều cách nào đó. Nhưng câu trả lời của ông Phúc đặt ra không ít điều để suy gẫm. Nó lý giải câu chuyện suốt một thời gian dài truyền thông liên tục hướng trách nhiệm cấp phép 70 năm cho Formosa gắn với trách nhiệm của ông Võ Kim Cự chỉ là động tác làm giảm độ nóng của dư luận, tương tự việc trì hoãn với lý do “đang điều tra” suốt 3 tháng trước thời điểm công bố thủ phạm. Nó cũng giải thích tại sao ông Võ Kim Cự ung dung trước cơn bão đang xoáy quanh mình để bước tới chiếc ghế phụ trách kinh tế ở Quốc hội. Phải chăng khi ngọn lửa “ô nhiễm môi trường” trong dân đã có xu hướng giảm độ nóng, khi sau một thời gian, lời kêu gọi đứng lên khởi kiện Formosa và Chính phủ chưa có một cá nhân hay tổ chức nào chính thức thực hiện thì Chính phủ đã yên tâm đủ khả năng “cho qua” việc nhận 500 triệu dollars từ Formosa trái luật?

Xét về mặt chiến thuật kiềm chế dư luận, các bước đi của chính quyền trong vụ Formosa là bài bản và hiệu quả, nhưng điều gì cũng có hai mặt của nó. Những “con sóng” truyền thông của cả hai phía sẽ để lại dư âm là như những bờ cát lắng đọng tạo nên nền tảng của phù sa. Sự góp nhặt những hoài nghi và phẫn nộ sẽ dẫn đến tích tụ tinh thần đối kháng, bất hợp tác bất chấp cả đúng sai. Viễn ảnh về luồng tư tưởng đối nghịch giữa dân với chính quyền mà nhiều quan chức cấp cao từng cảnh báo trước đây đã chính thức xuất hiện cùng những cách thức xử lý và phát ngôn như vậy.

T.Đ.

Tham khảo: http://vtv.vn/trong-nuoc/formosa-ha-tinh-duoc-cap-phep-70-nam-la-dung-luat-20160803142453964.htm

Nguồn: http://www.ijavn.org/2016/08/vntb-cap-phep-formosa-70-nam-la-ung.html

This entry was posted in Môi Trường. Bookmark the permalink.