Châu An
Trong quá trình vận hành thử máy móc, cổ ống của một máy bơm hóa chất có chứa kiềm (xút) đã bị vỡ tràn ra ngoài.
Vô cùng nguy hại
Ngày 28/7, ông Ngô Xuân Lộc, Chánh văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông đã có phát ngôn chính thức về sự cố xảy ra tại Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ (thuộc Công ty Nhôm Đắk Nông-TKV, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp, Đắk Nông).
Thông tin cho báo chí, ông Lộc cho biết, vào 8h14 ngày 23/7, nhân viên vận hành khu chứa kiềm (A03) khởi động bơm kiềm S002b thì phát hiện tiếng kêu lạ nên cho dừng bơm. Sau đó, phát hiện cổ ống đẩy của bơm bị vỡ làm một lượng kiềm từ bồn A03-YH1S001b chảy ra ngoài.
Ngay sau đó, cán bộ Phòng An toàn môi trường của Công ty điện báo lãnh đạo và các phòng liên quan về sự cố trên; phối hợp với nhân viên vận hành trong ca của phân xưởng cô đặc khóa van đầu bơm không cho kiềm thất thoát ra ngoài. Khoảng 4 phút sau thì đã khống chế hoàn toàn tình trạng kiềm thất thoát ra ngoài.
Sự cố đã làm 9,58m3 kiềm tràn ra khu vực sân Nhà máy. Trong đó một phần được thu hồi, một phần thẩm thấu xuống nền đất xốp (có diện tích 600m2 liền kề) và một phần theo hệ thống thoát nước mưa chảy ra suối Đắk Dao qua cửa xả số 3 về phía hạ du.
Ống thải của Nhà máy Alumin ở Nhân Cơ |
Trước thông tin về sự việc, trao đổi với Đất Việt, tối ngày 28/7, PGS.TS Hồ Uy Liêm, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết: “Khi mới vận hành Nhà máy lượng hóa chất xút bơm lên còn ít, mà đã vỡ đường ống, thì liệu khi đưa vào vận hành toàn bộ Nhà máy, lượng xút nhiều hơn, không biết hệ quả sẽ ra sao.
Xút rất có hại cho sức khỏe con người, khi có sự cố phải cách ly, ngăn chặn sự lan rộng của tạp chất này. Xút dễ lan rộng và tan trong nước, mà bây giờ đang mùa mưa bão, thì nó sẽ tan ra, xuống sông suối.
Lượng xút đi đến đâu thì cây cối chết héo đến đó, động vật cũng sẽ sặc mà chết, đặc biệt là cá. Người dân chạm vào việc bỏng là đương nhiên”.
Bên cạnh đó, theo ông Liêm, từ trước đến nay, rất nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo công nghệ sản xuất alumin của Trung Quốc không hiện đại. Phía Trung Quốc cũng không có kinh nghiệm vì chưa bao giờ làm.
Đáng lo ngại hơn đó chính là, khi họ đưa ra những thiết kế không đảm bảo độ an toàn, các chuyên gia Việt Nam cũng không biết, nên khó kiểm soát, rồi xảy ra hàng loạt các sự cố.
“Từ tràn bùn đỏ ở Nhà máy Tân Rai, bục đường ống bauxite, giờ lại là vỡ đường ống chứa xút ở Nhân Cơ, để thấy hiểm họa ô nhiễm môi trường đang quá rõ nét ở vùng Tây Nguyên. Mức độ nguy hại của các sự cố cũng đang tăng dần lên, nhưng lại khó có cơ chế kiểm soát độ an toàn” – ông Liêm thẳng thắn.
Vị chuyên gia kiến nghị, sự việc ở Nhân Cơ đã xảy ra nên các cơ quan liên quan đến môi trường, cụ thể là Sở TN&MT tỉnh phải cử người xuống tận nơi, xem mức độ nguy hiểm thế nào, sự cố có gần khu dân cư, gần các khu hồ cá lớn hay không, để kịp thời xử lý.
Xút có tràn ra môi trường?
Trong một diễn biến liên quan khác, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND xã Nhân Cơ xác nhận, ngày 24/7, tại suối Đắk Dao xuất hiện nhiều cá chết bất thường. Người dân ở thôn 8 bị mẩn ngứa sau khi lội, tắm ở suối này.
Ngày 24/7, Sở TN&MT Đắk Nông cũng đã kiểm tra pH trên suối Đắk Dao cho thấy ngay tại cửa xả số 3 có chỉ số là 8,13, cách cửa xả 150 là 7,57 và cách 250 là 7,15 (nằm trong giới hạn cho phép).
Ngoài việc quan trắc kiểm tra độ pH trên suối Đắk Dao, Sở TN&MT cũng đã lấy mẫu nước khu vực nói trên để nhờ cơ quan chuyên môn phân tích.
Thận trọng khi nhận định về khả năng kiềm tràn ra môi trường, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đăk Nông cho biết, sự cố vỡ đường ống dẫn kiềm đã được khắc phục bằng các biện pháp khẩn cấp. Còn việc sự cố này có ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe của dân hay không, thì tỉnh đang tiếp tục kiểm tra và sẽ có biện giải quyết (nếu có).
Tuy nhiên, ông Lộc cũng thông tin: “Đêm đó có mưa to nên “có thể” có một lượng kiềm tràn ra. Có thể có ảnh hưởng đến môi trường nước. Tuy nhiên vấn đề đã được kiếm soát”.
C.A.