Vài suy ngẫm nhân đọc bài : “Chỉ có Khoa học và Công nghệ mới đưa Việt Nam bứt phá”

Tiến sĩ Nguyễn Quân, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Ảnh: P.V.

Tiến sĩ Nguyễn Quân, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Ảnh: P.V.

Tôi có đọc trên mạng bài cùa Thuận An phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Quân, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ với tựa đề: “Chỉ có KH&CN mới đưa Việt Nam bứt phá”.

Đọc xong bài, tôi có vài suy ngẫm về kết luận của Tiến sĩ Nguyễn Quân:

“Xin minh họa bằng một kinh nghiệm thời kháng chiến chống Mỹ. Khi Mỹ phong tỏa cảng Hải Phòng bằng thủy lôi, Nhà nước giao cho Giáo sư Vũ Đình Cự lập nhóm GK1 với cơ chế tự chủ cao, nghiên cứu giải pháp phá thủy lôi. Trong thời gian rất ngắn nhóm GK1 đã thành công, sau này công trình được Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ngày nay, ta cũng có thể áp dụng tương tự, bằng cách giao cho một nhà khoa học chủ trì một dự án lớn, được giao một khoản kinh phí đủ lớn, được quyền chủ động mời và trả lương cao cho các nhà khoa học khác cùng làm việc, chủ động mua sắm thiết bị, tham dự các cuộc hội nghị quốc tế, mời chuyên gia nước ngoài hợp tác… Nhà nước chỉ quan tâm đến sản phẩm của dự án. Theo kinh nghiệm của các nước, có như thế mới có thể triển khai thành công các dự án lớn”.

Đọc đến đây suy nghĩ thứ nhất đến với tôi là “theo kinh nghiệm của nước ta’’thì cách đây vài chục năm Nhà nước đã từng áp dụng mô hình này.

Tôi xin dẫn một đoạn trong bài “Tính trung thực của người nghiên cứu đăng trên Tia sáng ngày 04/09/2008 của tác giả Vũ Cao Đàm:

“Đây là câu chuyện ở giữa thủ đô Hà Nội. Một vài nhà khoa học lân la đến được mấy vị lãnh đạo rất cao trong Đảng và trong Chính phủ, thuyết phục thế nào đó, lập được một Viện trực thuộc Chính phủ. Viện có công an đứng gác và được sử dụng mật phí 1 và được cung cấp ngoại tệ (một chế độ đặc đãi chưa có tiền lệ ở đâu) để nghiên cứu những vấn đề trọng đại của quốc gia. Sau một vài năm, chúng tôi hỏi nhau về những thành tựu mà Viện đã cống hiến cho quốc gia, thì được một vị Vụ trưởng ở Ủy ban KH&KT Nhà nước cho biết: “Đơn vị nghiên cứu vật lý màng mỏng của Viện này đã sản xuất được… bộ thiết bị làm bánh đa nem; đơn vị về điện tử gì đó thì có thêm chức năng buôn xe máy… second hand từ nước ngoài, chất đầy một nhà kho cũng được công an gác cẩn mật; một đơn vị gì đó nữa thì mở cơ sở sản xuất nước tương… xì dầu… Còn những khoản ngoại tệ được giao sử dụng thì không quyết toán được; một kho máy tính mua bằng ngoại tệ mạnh thì bỗng nhiên bốc cháy”. Sau ít năm, Thủ tướng quyết định nhập Viện này vào một bộ, không được “trực thuộc Chính phủ” nữa. Cho đến ngày nay đã trên hai mươi năm, không ai nghe nói Viện đã có thành tựu nào đóng góp cho quốc gia, cũng không có bài báo nào công bố gây tiếng vang quốc tế. Còn các nhân vật chủ chốt – tác giả của sự phù phép đó – thì được đưa lên những chức vụ rất cao và ngồi đó bàn thảo chính sách khoa học và phán xét lập trường, tư tưởng, đạo đức của những người làm khoa học chân chính”.

Chuyện vài chục năm trước có thể không phải là chuyện hôm nay nhưng cũng đáng để suy nghĩ khi có những quyết sách về KH&CN.

Suy nghĩ thứ hai của tôi là về: “… kinh nghiệm thời kháng chiến chống Mỹ. Khi Mỹ phong tỏa cảng Hải Phòng bằng thuỷ lôi, Nhà nước giao cho Giáo sư Vũ Đình Cự lập nhóm GK1 với cơ chế tự chủ cao, nghiên cứu giải pháp phá thủy lôi. Trong thời gian rất ngắn nhóm GK1 đã thành công, sau này được Giải thưởng Hồ Chí Minh”.

Tôi thấy ở đây có chuyện chưa hiểu thấu đáo ngọn ngành của Cuộc chiến chống phong tỏa bằng thủy lôi của Mỹ cho dù đây là cuộc chiến về KH&CN giữa Mỹ với Quân và Dân ta.

Không phải năm 1972 Mỹ mới phong tỏa cảng biển và luồng lạch vào cảng mà chúng tiến hành phong tỏa bằng thủy lôi từ giai đoạn 1967- 1968.

Ngày 26/2/1967 Mỹ bắt đầu thả thủy lôi ở khu 4 thì chỉ hơn một tuần sau Hải quân (HQ) đã tháo gỡ được nguyên vẹn 2 quả thủy lôi MK-50 và MK-52. Bộ phận kỹ thuật của HQ đã phanh phui chúng và đã tìm ra nguyên lý hoạt động sau một thời gian mày mò nghiên cứu.

Việc Mỹ phong tỏa bằng thủy lôi cản trở rất lớn đến việc hoàn thành nhiệm vụ được giao của Cục Vận tải đường biển (CVTĐB) là tiếp nhận hàng viện trợ của các nước anh em và vận tải hàng phục vụ công cuộc xây dựng XHCN ở miền Bắc và chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Vì vậy CVTĐB đã sát cánh cùng HQ lao vào cuộc chiến chống phong tỏa. Hai vị chỉ huy tối cao là Tư lệnh Nguyễn Bá Phát và Cục trưởng Lê Văn Kỳ cũng sát cánh bên nhau chỉ huy cuộc đấu trí về KHKT đầy gay go, thử thách về trí thông minh, sáng tạo và lòng dũng cảm, không sợ hy sinh để đánh thắng giặc Mỹ. Từ rà phá thô sơ bằng tôn, sắt thép, nam châm ta đã nhanh chóng cho ra đời các thiết bị phóng từ đạt hiệu quả cao như HDL-9; HT-5; HT-6 của HQ;  PĐ-67-1; PĐ- 67-2; PĐ-67-3 của CVTĐB. Với gần 50 bộ,  PĐ-67-3, phổ biến chung với tên gọi PĐ-67, đã có mặt ở hầu hết các trọng điểm, nhanh chóng quét sạch thủy lôi thông luồng. Trong thủy lôi có bộ phận nhận dạng để điều khiển nổ đánh trúng tàu. Chúng tôi đã tạo các tín hiệu giả phát đi làm  bộ phận điều khiển thủy lôi tưởng có tàu đi qua lập tức điều khiển nổ. CVTĐB có tổ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các thiết bị rà phá và 3 đơn vị trực tiếp rà phá, tháo gỡ thủy lôi là Ty Bảo đảm hàng hải; cảng Hải Phòng và cảng Bến Thủy. Đợt phong tỏa 1967-1968 HQ đã phá gỡ được 1240 quả thủy lôi; CVTĐB đã phá gỡ được 1000 quả. Với hơn 2200 quả thủy lôi được phá gỡ chứng tỏ không những HQ và CVTĐB đã thành công trong việc tìm ra giải pháp phá thủy lôi mà còn thiết kế, chế tạo các thiết bị rà phá và trực tiếp phá gỡ thủy lôi.

Năm 1972 Mỹ lại tiến hành phong tỏa các cảng trong đó có cảng Hải Phòng, nơi tiếp nhận chủ chốt hàng viện trợ. Ngày 9/5/1972 Mỹ bắt đầu phong tỏa thì ngay ngày 15/5/1972 ta đã tháo gỡ được nguyên vẹn quả MK-52 đầu tiên của thời kỳ này để nghiên cứu. Kết quả cho thấy đã có một số cải tiến, độ nhạy giảm nhiều so với trước. Tất cả những thay đổi này không vượt quá tầm giải quyết của các đơn vị đã tham gia chống phong tỏa lần thứ nhất.

Ngày 28/6/72 CVTĐB cũng phối hợp tháo gỡ được một quả MK-52 và được giữ lại để nghiên cứu.

Viện Kỹ thuật quân sự (VKTQS); Hải quân; Công binh (CB) chuyển cho CVTĐB những thông tin mới về những cải tiến trong thủy lôi. Giải pháp phá thủy lôi được bổ sung phù hợp với thình hình mới.

Là lưc lượng nòng cốt trong cuộc chiến chống phong tỏa, ngày 15/6/1972 HQ cho ra đời tàu T150. Ngày 15/6 tàu này phá nổ quả MK-52 đầu tiên ở khu vực phao số 24 Hoàng Châu.

Tiếp theo HQ chế tạo tàu phóng từ mạnh V412 và tàu này đã phá nổ MK-52 ngày 27/7/72.

CVTĐB cũng tích cực cải tiến các thiết bị trước và chế tạo các thiết bị mới. Ty Bảo đảm hàng hải, đơn vị rà phá chủ lực của CVTĐB, đã có 14 phương tiện rà phá. Các phương tiện rà phá này đều do CVTĐB tự lực thiết kế chế tạo.

Ông Kha, Vụ trưởng Vụ KHKT bộ GTVT cuối tháng 6/1972 có dẫn một số cán bộ của Đại học Bách Khoa xuống gặp Cục trựởng Lê văn Kỳ để đề nghị được tham gia nghiên cứu về thủy lôi. Được sự đồng ý của Cục trưởng, ngày 05/7/1972 nhóm ĐHBK xuống Hải Phòng tìm hiểu về thủy lôi trên quả MK-52 của CVTĐB. Đ/c Thái Phong của CVTĐB là người trực tiếp hướng dẫn nhóm ĐHBK về nguyên lý hoạt động cũng như cho thủy lôi hoạt động trở lại để nhóm đo đạc các thông số. Ngoài ra tổ nghiên cứu của CVTĐB còn trao đổi với nhóm ĐHBK các tài liệu của Viện KTQS, của HQ, của CB… và đặc biệt một tài liệu rất có giá trị về MK-42 cùng với sơ đồ mạch. Sự giúp đỡ tận tình này đã giải thích rõ điều đã nêu trong phần minh họa trên: “trong một thời gian rất ngắn nhóm GK1 đã thành công …” mà theo tôi thì phải sửa là: “… Trong một thời gian rất ngắn nhóm GK1 đã… thuộc bài…”.

Độc giả nhớ cho ngày 05/7/1972 nhóm ĐHBK mới bắt đầu tìm hiểu về thủy lôi thì ngày 02/6/1972  tàu TN của CVTĐB đã phá nổ quả MK-42 đầu tiên của đơn vị và tàu T150 của HQ đã phá nổ quả MK-52 đầu tiên ngày 15/6/72 khi nhóm ĐHBK còn chưa nhìn thấy các loại thủy lôi Mỹ.

Thật sai lầm lớn khi ngộ nhận thủy lôi phá được trong thời kỳ này là do ĐHBK đã “nghiên cứu thành công giải pháp phá thuỷ lôi”.

Suy ngẫm trong tôi chẳng lẽ đã có chữ “Đạo” trong vụ này.

Thiết nghĩ Bộ KH&CN nên vào cuộc để giải quyết ngọn ngành về những nghi vấn trong cuộc chiến chống phong tỏa trong những năm chống Mỹ cứu nước.

NNL

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập  

This entry was posted in Khoa Học, kinh tế. Bookmark the permalink.