Việt Nam là đất nước của tệ nạn MÊ TÍN nặng nề?
Mạnh Trí
Đó là một chủ đề mà nhóm chúng tôi đã đề cập tới khá lâu rồi, khi mà phong trào phục hồi Lễ hội đang lên đến cao trào. Nhưng ngay lúc đó chúng tôi cũng chưa nhìn thấy trước rằng nội dung của chủ đề này lại là một phần quan trọng, liên quan đến chủ đề lớn “Niềm Tin bị đánh cắp” mà mới đây nhóm chúng tôi đã đề cập đến qua bài viết của anh Sắc Ly (NTKSML, kỳ 19, đăng tải trên BVN ngày 15/7/2016). Bây giờ chúng tôi đã nhận thức được rõ hơn, đây là một vấn đề không nhỏ trong thực tiễn đời sống xã hội của nước ta hiện nay, nó thuộc lĩnh vực văn hóa tinh thần của cộng đồng người Việt, nó phản ánh trình độ dân trí của người Việt sau hơn 70 năm dưới chính thể mới, và lại liên quan rất mật thiết đến sự phát triển của đất nước. Do đó rất cần phải được lý giải thấu đáo hơn để tìm hướng khắc phục.
Quả đúng Mê tín đang là một hiện thực khá đậm nét ở Việt Nam, như anh bạn Pie của anh Sắc Ly đã nêu nhận xét (đã được nhắc lại trong Câu chuyện thứ 19, với đại ý là Dân Việt ngày nay ngày càng có nhiều người Mê Tín hơn, có nguyên nhân từ sự khủng hoảng Niềm Tin!). Sự đậm nét nói trên không chỉ thể hiện ở việc phục hồi tùm lum hủ nạn mê tín cũ, mà còn có thêm nét đậm mới và khác nữa, tồi tệ hơn, nguy hại hơn. Không chỉ anh bạn nước ngoài đó, mà rất nhiều người Việt chúng ta cũng đã nhìn ra: đây là một tín hiệu rất bất thường trong đời sống tinh thần ở một đất nước vốn mang danh xã hội chủ nghĩa, vô thần và tự nhận là rất trí tuệ! Nếu quay trở lại thời kỳ đầu của thể chế mới (dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN), nhất là giai đoạn Cải cách ruộng đất, và đối chiếu với thực trạng hiện nay, thì đúng là hai thái cực. Từ chỗ đả phá triệt để các nhu cầu tâm linh, ở mức độ cực đoan, như bỏ cả nề nếp thờ cúng tổ tiên, xóa bỏ Lễ hội truyền thống, tùy tiện bài xích tôn giáo, phá bỏ gần như sạch hoặc bắt thu hẹp các cơ sở thờ cúng và hoạt động tôn giáo như đình, chùa, miếu, nghè, nhà thờ, nhà dòng… hoặc biến thành sân kho Hợp tác xã, bệnh viện, trường học, nhà văn hóa… Thì đến bây giờ lại gần như phục hồi lại tất tật, không có chọn lọc, và mở rộng thêm bát nháo, không có cân nhắc, kể cả những cái xấu, những cái không phải là văn hóa đúng nghĩa (trừ đất đai của các cơ sở tôn giáo thì chưa trả lại hết). Một sự phục hồi tràn lan có vẻ như là một sự sửa sai cho sai lầm ấu trĩ thời kỳ đầu của thể chế mới đã đi qua.
Nhiều câu hỏi đặt ra là, vì sao lại có sự xoay hướng 180 độ bất thường đó? Có phải đó là một sự nhận thức lại, một sự tỉnh ngộ thực sự của lãnh đạo về vấn đề tín ngưỡng, về văn hóa tâm linh không? Đó có phải là một chủ trương thực tâm, thiện chí của lãnh đạo không? Hay đang là một sự thử nghiệm, thăm dò, tính toán, để tìm kiếm giải pháp chính thức hơn, có lợi hơn cho sự cai trị? Hay là một sự bất lực thực sự của lãnh đạo trong thực thi chức năng quản lý văn hóa, xã hội, nên đành để cho dân tự phát xoay sở, hành động? …
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu thêm cho rõ!
Về khái niệm Mê Tín (anh Pie dùng từ Superstition) thì trong từ điển Tây hay Ta đều có cùng một nghĩa, hoặc có nghĩa gần giống nhau: tin một cách mù quáng vào thần thánh, ma quỷ, số mệnh, vào những điều huyễn hoặc, vào những điều quái lạ, không có thật, không đúng, không có cơ sở khoa học và thực tiễn…
Căn cứ vào định nghĩa trên thì đúng là hiện nay ở xứ Việt ta, cũng như trên thế giới, từ lâu rồi đã luôn tồn tại tệ nạn Mê Tín, dưới nhiều dạng thức. Xem xét ở Việt Nam thì nổi lên rõ nhất là hai dạng thức: Mê Tín mang màu sắc tâm linh (dạng 1), và Mê Tín mang màu sắc chính trị (dạng 2). Lâu nay nói đến Mê tín người ta chỉ hay nói đến Mê Tín dạng 1, ít biết đến dạng 2.
Quả đúng là dân Việt ta hiện đang lâm vào vấn nạn Mê Tín khá nặng nề!
Cái phong trào phục hồi và phát triển Lễ Hội tràn lan, cái hội chứng “nghiên cứu văn hóa tâm linh”, đề cao các nhà ngoại cảm, cái xu hướng thông thoáng thả nổi cho nạn mê tín dị đoan được phát triển tự do, cái “mốt” bói toán, xem số tử vi, xem ngày giờ, … từ việc tư cho đến việc công, … , nếu không gọi đích danh là Mê Tín thì gọi là gì? Một đất nước không lớn mà mỗi năm hiện nay có đến khoảng 8000 Lễ hội, lớn và nhỏ, cũ và mới (bình quân 20 Lễ hội/ngày), phải đầu tư vào đấy cơ man là tiền bạc, cơ man là thời gian, cơ man là nhân lực, … , mà không mang lại một giá trị văn hóa đích thực nào cả. Những giá trị văn hóa cao đẹp vốn có thì đều bị biến tướng, bị bóp méo, mà những cái gọi là “giá trị văn hóa mới” được tạo ra thì đều là những thứ phản giá trị, lai tạp, kệch cỡm, phi văn hóa. Những “nghiên cứu khoa học” về tiềm năng con người, về tâm linh, những kết quả hoạt động của các nhà ngoại cảm… trên thực tế đã mang lại những gì đáng ghi công đối với sự phát triển của đất nước đổi mới? Những hoạt động mê tín dị đoan thoải mái như đã nêu ở trên đã gây nên những trở ngại gì, tổn thất gì cho sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục… của đất nước, làm hạn chế thành quả của đổi mới như thế nào, thì chắc là đã quá rõ, trong công luận “lề phải” cũng như “lề trái”, không thể đánh giá khác được! Mà có một điều lạ là, ngay cả nhiều đảng viên cộng sản chính “mác”, các nhà trí thức (dởm), dù được mang danh là trí tuệ nhất, cũng rất tự giác xin được Mê Tín (dạng 1)! Họ có vẻ yên tâm hơn vì tin là các thần linh sẽ phù hộ, độ trì, giúp mọi việc sẽ hanh thông!
Rồi lại nữa, cái lý thuyết về Chủ nghĩa xã hội, cái ưu việt của mô hình xã hội chủ nghĩa, cái mục tiêu tổng quát Giầu – Mạnh – Dân chủ – Công bằng – Văn minh, … , cái sự “trí tuệ, đạo đức” của đảng viên cộng sản, kéo theo là cái sự sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, … , có thật đâu, có đúng đâu, mà dân vẫn cứ phải tin theo lời Đảng dạy, phải chấp nhận là chân lý, phải coi đó là niềm tin vĩnh hằng? Nhưng sự thật thì những cái đó đâu có phải là niềm tin khoa học và có tính hiện thực, mà thực chất chỉ là một sự Mê Tín đích thực và rất đúng nghĩa, một thứ Mê Tín bị áp đặt, chính là dạng Mê Tín mang màu sắc chính trị (dạng 2), mới xuất hiện từ sau 1975, anh em của dạng 1, như trên đã nói. Và đương nhiên là đã có vô khối các bậc “trí tuệ cao nhất nước”, trước hết là đảng viên cộng sản, tự nguyện làm tín đồ trung thành! Nhận xét của anh Pie chắc là cũng bao hàm cả khía cạnh rất đáng lưu ý này đây, không khác với đánh giá của chúng ta đâu!
Vậy thì vì đâu mà dân Việt ta lại lâm vào cái tệ nạn Mê Tín quái ác này?
Về cái Mê Tín dạng 1 (có màu sắc tâm linh), như anh Sắc Ly trong câu chuyện thứ 19, đã lý giải rất rõ và đúng: khi người dân bị mất đi Niềm Tin trần thế, thì tất phải đi tìm một niềm tin khác để thay thế, niềm tin siêu nhiên, trong cõi tâm linh sâu kín, dù biết là chưa đủ cơ sở khoa học và thực tiễn. Ai cũng biết rõ Mê Tín dạng 1 vốn là sản phẩm tinh thần của xã hội nguyên thủy thời tiền sử, khi con người còn mông muội, cuộc sống của họ hoàn toàn lệ thuộc vào thiên nhiên, con người bị thiên nhiên chế ngự, trí tuệ con người còn quá thấp kém, khoa học kỹ thuật chưa phát triển, nên chỗ dựa tinh thần của họ trước sức mạnh của thiên nhiên chỉ có thể là những biểu tượng siêu nhiên mà họ tưởng tượng ra. Hay nói cách khác thì Mê Tín dạng 1 là hiện thân cho một xã hội lạc hậu, mông muội! Con người ta từ thời xa xưa đó đã có nhu cầu tinh thần, trước hết là Niềm Tin. Qua nhiều ngàn năm phát triển và tiến hóa, con người vẫn phải sống cùng với Niềm Tin, chứ không thể sống mà lại trống vắng Niềm Tin ! Thời nay cũng vẫn vậy, nên khi người dân chúng ta mất đi Niềm Tin trần thế, tức là bị trống vắng Niềm Tin, thì lập tức Mê Tín dạng 1 sẽ chiếm lĩnh khoảng trống vắng đó. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự xuất hiện dạng Mê Tín này, chính là từ thực tiễn thối nát của thể chế chính trị, làm người dân mất đi Niềm Tin trần thế. Bên cạnh đó lại là thủ đoạn thả nổi, buông trôi, không chịu ngăn chặn của chính quyền trước sự lan tràn nạn Mê Tín dạng 1, với lý do công khai là để đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân. Nhưng thực chất ẩn ở phía sau lại là động cơ muốn “ngu dân hóa” để dễ bề cai trị, đồng thời cũng là tạo ra môi trường để trục lợi, với các thủ đoạn thương mại hóa trắng trợn nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng, từ phía giới chức cầm quyền bắt tay với bọn đại gia tham lam!
Còn về cái Mê Tín dạng 2 (có màu sắc chính trị) thì hình như nhiều người dân Việt vẫn chưa nhận diện ra được. Nhưng số đông người dân chúng ta thì đã quá rõ những thủ đoạn bẩn của giới chức cầm quyền, nhằm “ngu dân hóa”. Bằng nhiều chiêu trò tuyên truyền Dối Trá, Lừa Bịp, có tính áp đặt, … để cố nhồi nhét và đầu người dân những “tín điều” phản khoa học, phi thực tiễn, trái quy luật… thông qua các hoạt động của hệ thống chính trị giăng khắp đất nước! Với thủ đoạn nham hiểm này thì tất yếu dẫn đến hệ quả: hoặc là người dân phải chấp nhận Mê Tín dạng 2, hoặc là họ phải tìm đến Mê Tín dạng 1 để lấp khoảng trống vắng niềm tin cho cuộc sống! Nghĩa là dân ngày càng bị mất tỉnh táo, càng bị thiếu sáng suốt, ngày càng bị lầm lẫn và ngu đi, nên ngày càng bị giới cầm quyền “dắt mũi” dễ dàng! Mà chính bản thân giới chức cầm quyền là kẻ chủ mưu áp đặt Mê Tín (dạng 2) lên người dân và đời sống xã hội, và đương nhiên họ cũng vừa là chủ sở hữu thứ thiệt và “nặng ký” của Mê Tín (dạng 2 này). Bởi trước đó, và thường xuyên bọn họ đã được đào tạo, huấn luyện bài bản về lý luận “Mê Tín học” tại hệ thống các trường Đảng. Vậy là đã rõ, cả nước đều bị Mê Tín khống chế, chi phối, không dạng 1 thì dạng 2. Mê Tín bao trùm khắp nước, cả người dân và Đảng, Chính phủ đều vướng vào Mê Tín, hoặc bị áp đặt, hoặc có chủ tâm! Và bây giờ khi nói đến Mê Tín là phải hiểu đầy đủ, với nội hàm mới, bao gồm cả dạng 1 và dạng 2, quan trọng và đặc biệt lại là dạng 2.
Thế là bệnh độc Mê Tín đã lây nhiễm sang đến địa hạt Chính trị, quan trọng hơn, rộng lớn hơn, chứ không còn khu trú ở phạm vi hẹp của lĩnh vực tư tưởng, văn hóa như lúc khởi đầu nữa. Cứ nhìn lại lịch sử tiến hóa nhân loại thì ai cũng biết, ở đâu có hoạt động của con người là ở đó sự hiện diện của tư tưởng và đấu tranh tư tưởng, trong đó có các trận đấu dai dẳng giữa Mê Tín và Không Mê Tín, diễn ra gần như suốt chiều dài của lịch sử tiến hóa. Nội dung các cuộc đấu tranh tư tưởng này đã đi từ hẹp đến rộng, từ thấp lên cao dần. Lúc đầu là đấu tranh giữa tin vào thần thánh, ma quỷ hay tin và khoa học, vào thực tiễn; tin vào số mệnh hay tự tin và bản lĩnh, vào nội lực? Còn bây giờ, khi Mê Tín đã lây nhiễm sang lĩnh vực chính trị rồi, thì cuộc đấu tranh lại xoay quanh nhiệm vụ hoạch định và thực thi đường lối phát triển quốc gia, với nội dung chủ yếu là Tin vào các quy luật phát triển bền vững của thế giới hiện đại hay Mê Tín theo ý thức hệ đã lạc hậu, theo mô hình xã hội đã lỗi thời? Nên chi ngày nay Mê Tín không chỉ là nấm độc trong địa hạt văn hóa tinh thần, mà đã bị coi là con dao rất lợi hại đang thọc sườn các quốc gia lạc hậu, kém phát triển, mà lại bảo thủ, giáo điều và ngu lâu. Chính nó đang gây cản trở và kìm hãm sự phát triển tiến bộ của khá nhiều quốc gia thuộc diện này, trong đó có Việt Nam. Chính Mê Tín (dạng 2) đã từng làm cho nhiều quốc gia điêu đứng, tụt hậu khá xa, so với các quốc gia cùng hoàn cảnh, điều kiện và điểm xuất phát. Và do vậy, nhiệm vụ chống Mê Tín là rất quan trọng trên phạm vi toàn cầu, mà trọng tâm là các quốc gia diện nói trên, với mục tiêu quyết liệt là loại bỏ hẳn Mê Tín ra khỏi đời sống xã hội, bắt đầu khởi động từ lĩnh vực văn hóa tư tưởng, từ phương diện lý luận.
Suy cho cùng thì Mê Tín dạng nào cũng đều là một thứ thuốc độc đối với cộng đồng xã hội, nó là cái “bẫy” do nhà cầm quyền dựng nên hoặc dung dưỡng, bảo kê, lợi dụng, đều chỉ nhằm phục vụ cho lợi ích riêng của giới cầm quyền, gây tổn thất to lớn cho người dân và đất nước về nhiều mặt! Nhưng không phải người dân nào cũng bị “sập bẫy” Mê Tín, mà thường chỉ là những người thiếu bản lĩnh, kém hiểu biết, ít trải nghiệm thực tiễn đời sống chính trị – xã hội, tức là phụ thuộc vào trình độ dân trí. Ẩn chứa đàng sau của cái “bẫy” Mê Tín này, như trên đã nêu, là chính sách “ngu dân hóa”, với mục đích sâu xa là để “thuần hóa” dân cho dễ bề cai trị! Thâm độc là vậy, nhưng lại luôn được khoác cái vỏ bọc là “vì Nước, vì Dân”, là đáp ứng nhu cầu tinh thần của dân, là sự khuyên bảo dân những điều có ích, là giác ngộ cho dân những chân lý có tính thời đại…! Kẻ chủ mưu vừa đạt được mục đích chính trị, lại vừa được thu lợi về kinh tế không hề nhỏ!
Đến đây thì phải nêu thêm đôi ba nhận xét nữa về những nét bất thường trong sự phát triển của cái quốc nạn Mê Tín này, mà có lẽ đậm nét nhất là ở Việt Nam.
Đó là, về quy mô lâm nạn thì lúc đầu chỉ ít và trong phạm vi hẹp, còn bây giờ thì ngày càng nhiều và với phạm vi rộng hơn nhiều, ở đâu cũng có. Về đối tượng lâm nạn thì lúc đầu chỉ là dân nghèo, ít học, còn bây giờ thì có đủ các thành phần, kể cả người giàu, trí thức, quan chức… Lúc đầu chỉ có trong dân, còn bây giờ có cả Đảng và Chính phủ dẫn đầu.
Đó là, về nội dung Mê Tín thì lúc đầu chỉ là những “tín điều” trong đời sống thường ngày, còn bây giờ thì có cả các “tín điều” trong đường lối chính trị, kinh tế, đối nội, đối ngoại… của quốc gia, lúc đầu các “tín điều” (dạng 1) đều mang đậm các giá trị Chân – Thiện – Mỹ, còn bây giờ thì lẫn lộn, nhưng đa phần là các “tín điều” mang các phản giá trị Giả – Ác – Xấu, nhưng hình thức diễn đạt thì có vẻ trí tuệ, thánh thiện.
Đó là, về bản chất của Mê Tín, thì lúc đầu chỉ là biểu hiện của một sự thấp kém về trí tuệ của con người, chỉ với mục đích là tự an ủi, tự bảo vệ, còn bây giờ thì là biểu hiện của nhiều thứ hèn kém khác nữa của con người, cả trí tuệ và đạo đức: ngu dốt, bảo thủ, tham lam. ích kỷ… đã lẫn lộn, đan xen, quyện kết… để tạo ra các “tín điều” quái gở!
Đó là, về lộ trình phát triển Mê Tín thì lúc đầu chỉ là tự phát từ người dân, với các bước đi theo nhịp sống đời thường, còn bây giờ là đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của giới cầm quyền, có kế hoạch bài bản, với các bước đi đã được “quy trình hóa”.
Chúng ta hãy bàn cho rõ hơn về những tác hại và cách khắc phục với tệ nạn Mê Tín này. Trước hết, Mê Tín làm suy giảm nội lực, làm tê liệt ý chí vươn lên, nó mang đến tâm lý thụ động, ỷ lại, trông chờ sự may rủi của số mệnh, trông chờ vào ngoại lực… đối với những thực thể bị mắc nạn. Nó làm cho hành động của nạn nhân luôn phạm sai lầm, vì đã làm trái quy luật khoa học, nên càng không thể chủ động và có hiệu quả. Rồi tiếp nữa, nó sẽ làm thui chột đi, lụi tàn đi năng lực tư duy khoa học, năng lực lao động sáng tạo, và theo đó là suy giảm đi rồi tan biến mất Niềm Tin khoa học và thánh thiện vốn có. Hậu quả tất yếu là người dân cũng như đất nước sẽ mất định hướng trong cuộc sống, trong mọi hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, sẽ hành động một cách ngu muội, mù quáng, phản khoa học, đi ngược lại Triết lý Sống và Triết lý phát triển đất nước chuẩn mực, tiến bộ theo xu hướng chung của thời đại. Và kết quả cuối cùng sẽ là một sự trì trệ, một sự suy yếu, một sự tha hóa và thất bại, cho mỗi người và cho cả đất nước! Đất nước sẽ vẫn tiếp tục chìm đắm trong vòng tối tăm, lạc hậu, u mê, nghèo nàn! Mê Tín đã thực sự là kẻ thù kìm bước phát triển, tàn phá đất nước, tuy không mang theo gươm, súng, nên mọi người phải rất cảnh giác, không thể coi thường, nhất là với Mê Tín dạng 2!
Muốn phòng và chống lại được tai họa này thì trước hết, về phía chủ quan mỗi người dân phải biết cách tự “miễn dịch” để sao cho tránh được tai nạn bị “sập bẫy” Mê Tín. Biện pháp tự “miễn dịch” chỉ có thể là phải thường xuyên tự nâng cao bản lĩnh, thông qua việc chăm chỉ tự học suốt đời, về cả lý luận và vốn sống thực tiễn, và nhớ phải luôn Tự Tin! Về phía cộng đồng xã hội, phải chăm lo tốt việc nâng cao dân trí, và phải thực thi yêu cầu dân chủ hóa thể chế chính trị một cách thực chất, tạo điều kiện cho người dân được tham gia phản biện xã hội, thông qua các hoạt động của xã hội dân sự. Việc này đương nhiên nhà nước phải chịu trách nhiệm chính, nhưng xã hội dân sự và mỗi người dân cần chủ động vào cuộc, không nên trông chờ một phía! Điều quan trọng là Đảng cầm quyền phải thật sự tự đổi mới, dứt khoát từ bỏ Mê Tín, cùng với tà tâm ích kỷ và “lợi ích nhóm”, thực sự giác ngộ lý tưởng “Vì Nước, Vì Dân”!
Một xã hội văn minh thì không thể chấp nhận sự tồn tại của tệ nạn Mê Tín (dưới bất cứ dạng nào), bởi Văn minh luôn đi liền với Tiến bộ, với khoa học, với sự thông tuệ, còn Mê Tín thì lại luôn bị coi là hiện thân của sự mông muội, lạc hậu, ngu dốt. Ai đó, nước nào đó mà vẫn còn đang lạc bước trong rừng rậm Mê Tín thì coi như đang bị dẫn trở lại con đường ‘Tiến hóa giật lùi” đấy. Đừng để cho Mê Tín đóng vai trò “dẫn đường chỉ lối” trong đời sống đất nước, vì một đất nước như thế chỉ có thể là một đất nước hủ lậu và khốn nạn, không thể văn minh, không thể giàu mạnh! Chính vì thế mà Mê Tín đã tất yếu dẫn đến Phản Động, bởi nó chống lại sự phát triển tiến bộ! Mê Tín trong thời hiện đại chỉ có thể là dấu hiệu chuẩn xác nhất, “nóng và nhạy” nhất, của một thực thể phản phát triển, một sự xuống dốc và tụt hậu toàn diện! Vậy nên, ở Việt Nam hiện nay, chống Mê Tín quyết liệt và triệt để là thể hiện lòng yêu nước thực tâm nhất, thực chất nhất, và cũng là thấi độ khoa học nhất trước đòi hỏi thúc đẩy đất nước phát triển tiến bộ, bền vững!
Tháng 7 năm 2016
M.T.
Tác giả gửi BVN