Thuan Tranvuong
1. Năm mình còn nhỏ, đi học, có một giáo viên đã để lại vết hằn trong lòng mình, vĩnh viễn, ngay cả khi mình đã đủ lớn để biết giáo viên ấy cũng là mong muốn điều tốt cho mình và bạn bè. Giáo viên ấy thường phạt đòn chúng tôi vào mỗi cuối tuần, những đứa trẻ 14, 15 tuổi bị nằm trên bục giảng, bất chấp cả nữ sinh mặc váy mà dụng roi gia hình.
Tôi chấp nhận bị một lần đòn, rồi không chịu được nữa, tôi từ chối học và chịu tác động của giáo viên ấy. Câu chuyện chính, để tôi bày tỏ thái độ quyết liệt là khi giáo viên bắt phạt chúng tôi bằng cách cho chúng tôi tự tát nhau, nếu tát nhẹ phải tát lại gấp đôi, và cho chúng tôi tự tát chính mình và cũng không được tát nhẹ. Tôi thấy cảnh bạn gái, vừa khóc vừa tát nhau thật lực, nỗi đau và ức làm tăng lực giáng cánh tay vào mặt bạn mình. Tôi thấy anh bạn mình đã tự tát mình đến chảy máu miệng, trong cái nghiến răng. Trong tôi lúc đó, đã lờ mờ nhìn thấy rằng đó không phải là hình phạt học sinh, đó là trò của các trại tập trung, thứ hình phạt phá vỡ tất cả tính tự trọng, dìm nhân cách xuống bùn, đập nát tất cả sự bảo toàn của một cá nhân, tiêu diệt sự gắn kết và để lại một nỗi ân hận không thể nguôi, thứ ân hận có thể biến đổi cả một nhân tính, một cuộc đời. Nhưng dù sao, ngày ấy, tôi chỉ cần đi ra khỏi lớp học, tôi tự chặt đứt mình và mối liên kết với môn học đó để bảo toàn bản thân.
Và bây giờ, tôi lại thấy, ở cấp độ lớn hơn, khi tàu hải cảnh Trung Quốc buộc tàu cá này của Việt Nam tông vào tàu cá kia của Việt Nam, và khi không tông được, chúng buộc ngư dân này phải đứng nhìn ngư dân kia (có người đã 75 tuổi, trời ơi) bập bênh trên cái mũi thuyền đang chìm, chới với trong sóng dữ mà không dám đến cứu. Tôi nhớ lại cú tát bật máu của bạn tôi năm ấy, tôi đã ân hận vì không đứng lên hét “mày đừng làm như vậy nữa, không ai có quyền bắt mày làm như vậy!”, nỗi ân hận theo tôi đến giờ, thì hôm ấy, nếu có người ngư dân chết, nỗi ân hận của các ngư dân buộc phải đứng nhìn thế nào. Những người bạn của tôi tát nhau năm ấy, đến giờ nhắc lại, vẫn vô thức đưa bàn tay lên má mình, nếu ngư dân tông nhau chìm hết, thì liệu khi sống sót trở về, họ có sờ tay lên ngực mình vĩnh viễn không?
Hơn cả sự đốn mạt, hơn cả việc cố tâm cướp hay chứng tỏ quyền, trò chơi của tàu cảnh sát Trung Quốc là thứ chà đạp lên thứ cuối cùng một con người cần giữ-nhân phẩm, như các tay Đức Quốc Xã buộc các tù nhân Do Thái đánh nhau đến chết để mua vui. Thứ cướp lớn nhất của chúng là cướp cả thân phận làm người của các ngư dân ấy. Tôi không tin một thứ chính sách man rợ được thực thi bởi bọn biến thái đến mức ấy, có thể đại diện cho một điều gì tốt đẹp. Tôi nhìn thấy dáng những ngư dân ủ rũ trở về, những giọt nước mắt ấy không phải chỉ cho chiếc thuyền bị chìm, không phải chỉ cho món nợ vài tỉ đồng đang vây họ, mà còn cho một phần nhân phẩm, một phần giá trị con người họ đã bị bọn cướp mang danh cảnh sát kia tước đoạt, vĩnh viễn. Thứ trò cười bật máu của bọn chúng đã để lại trong họ một vết hằn, một vết hằn mà không thứ thuốc Bắc gia truyền nào chữa trị nổi.
2. Tấm ảnh là sự minh bạch của anh Khiem Do về huyền thoại rời khỏi phủ thủ tướng của ông Cameron, vốn được dân mạng Việt Nam ca tụng mấy hôm nay. Chính trị, không có thần tượng, không có hình mẫu, không có sự trình diễn, chính trị đích thực là các giá trị tốt đẹp mà bạn muốn có, làm nhiều việc để những giá trị ấy được tôn vinh qua các thực thi. Nước Anh trở thành nước Anh không phải vì có Cameron tự bưng đồ, tự dọn phòng, nước Anh trở thành mạnh mẽ vì người dân Anh biết các giá trị của bản thân, các giá trị của sự văn minh, bền vững. Nhưng dù sao, nếu chưa mạnh được ngay như nước Anh, thì việc lãnh đạo xứ ta tự bưng đồ cũng là điều nên làm, chí ít là có sức khỏe và bớt bọn nịnh nọt!
Nguồn: FB Thuan Tranvuong