Một cách nhìn khác về thảm họa Formosa Hà Tĩnh

Trần Gia Ninh

Về khía cạnh chuyên môn, Trần Gia Ninh chắc là người làm công tác trong giới khoa học vì bài viết lập luận chặt chẽ, nghiêm túc, khách quan, có hàm lượng khoa học, những chỗ cần thiết minh chứng đều trích dẫn nguồn. Đây là bài viết soi vào “góc khuất” của Formosa, rất đáng suy ngẫm.

Tôi muốn nói rõ hơn, phenol và cyanide dù là hấp phụ (liên kết vật lý) hay tạo phức (liên kết hóa học) thì đều là cân bằng động dịch chuyển theo mũi tên hai chiều. Phenol khi dính với sắt tồn tại lâu hơn, và đi xa hơn cyanide nhưng cuối cùng vẫn bị nước biển pha loãng. Riêng cái ý anh Ninh nói là sắt ngăn cản sự phân hủy của phenol thì chưa được thuyết phục lắm.

Ngay từ đầu, khi xảy ra sự cố cá chết hàng loạt ở miền Trung, nhóm chuyên gia yêu môi trường đã đặt ra câu hỏi: Sắt ở đâu mà ra nhiều thế? Lượng các chất độc nào đủ lớn để làm chết cá trên một vùng rộng lớn như thế?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi súc rửa, sắt, rỉ sắt từ đường ống tan ra tạo thành muối sắt (II), ví dụ FeCl2. Sắt (II) này nằm trong môi trường có axit hữu cơ là axit citric (thành phần trong dung dịch tẩy rửa) thì Fe(II) tạo phức với nó, do tạo phức  nên bình thường không oxy hóa được thành Fe(III) (quá trình cần oxy) để tạo thành hợp chất sắt oxy-hydroxit (FeOOH) dễ lắng như trong công nghệ xử lý sắt trong nước ngầm.

Sắt sử dụng trong phản ứng Fenton là muối sắt (II), nó kết hợp với H2O2 để tạo ra gốc tự do OH, chất oxy hóa mạnh, phân hủy sâu được thành phần phenol và nhiều loại chất hữu cơ khó sinh hủy và các chất màu. Sau phản ứng, sắt (III) hình thành, nó dễ lắng khi không bị dính chất hữu cơ (ví dụ do hấp phụ) và tách ra dưới dạng bùn thải, v.v.

Vậy, ngoài chất độc đã được phát hiện phenol và cyanide, Fe2 nói trên mà thủ phạm là Formosa, còn lượng chất độc nào khác chưa bị lôi ra ánh sáng?

Tóm lại, bài viết của tác giả Trần Gia Ninh “Một cách nhìn khác về thảm họa Formosa Hà Tĩnh” rất đáng trân trọng vì tác giả đã có một cách tiếp cận khác, có chính kiến và cũng có lý, đòi hỏi những người trong cuộc cần tiếp tục nghiên cứu giải đáp, có chứng cứ tin cậy. Bài báo này cần được công bố rộng rãi càng sớm, càng tốt để rộng đường công luận.

Tô Văn Trường

Lúc này mà nói về một cách nhìn khác của thảm họa môi trường Formosa Hà Tĩnh e rằng sẽ bị phản ứng dữ dội của tất cả mọi thành phần, phe phái trong xã hội. Mọi quan điểm đánh giá của các phía: Nhà nước, Doanh nghiệp, Những nhóm xã hội kể cả cá nhân là đối nghịch và không thể dung hòa. Họ đều tuyên bố là vì người dân, vì biển, vì môi trường. Những thực thể này thì về bản chất là câm nên không thể lên tiếng tự bảo vệ được. Bài viết liều mạng này không chống, không ủng hộ ai, không vì cái gì cả mà hoàn toàn là nhìn từ ngoài vào trên góc độ hoàn toàn khoa học cả tự nhiên lẫn xã hội. Xin độc giả cố đọc hết rồi hãy đánh giá.

1- Formosa và môi trường

a) Ngành nghề sản xuất kinh doanh

Formosa Hà Tĩnh là một doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực Nhà máy điện, Cảng biển và Sắt thép. Đó đều là những ngành cổ điển, hữu ích và tối cần thiết cho xã hội. Đối với môi trường thì Cảng Biển, Nhà máy điện và Nhà máy sắt thép tổng hợp (cốc hóa, luyện sắt, chế thép) là nguy hại, phải cảnh giới ở mức độ đỏ (cao nhất). Trên thang điểm ô nhiễm môi trường (Pollution Index Score-100 là cực đại) thì Cốc hóa 70 (bẩn như chế tạo sơn, bột màu; sạch hơn Xi măng 75, Khách sạn 75); Cảng biển 85, Nhiệt điện 85 (sạch hơn lò mổ thịt 87, 5), Luyện sắt thép 90 (bẩn như tái chế giấy cũ, sạch hơn Hóa dầu 95, Giấy và Bột giấy 95, Công nghiệp dược phẩm 95…)[1]. Như vậy, về nguyên lý công nghiệp, Formosa Hà Tĩnh rõ ràng gây ô nhiễm lớn với môi trường, nhưng chưa tác hại bằng Dung Quất, Nghi Sơn, Bãi Bằng, Giấy & Bột giấy Hậu Giang.

b) Công nghệ và khả năng ngăn chặn ô nhiễm

Luyện sắt với than cốc là công nghệ cổ điển gần hai thế kỷ rồi, mới cũ không hơn kém nhau bao nhiêu. Các nhân tố gây ô nhiễm đã biết, khả năng xử lý ô nhiễm đã có sẵn, rất hiệu quả, không quá tốn kém, thế giới đã biết và bắt buộc thực thi từ lâu[2]. Vì thế, hàng ngàn đại nhà máy sắt thép nằm trên bờ biển đã và sẽ vẫn tồn tại và phát triển trên khắp thế giới. Vấn đề là ở chỗ người quản lý nhà nước có biện pháp bắt buộc doanh nghiệp tuân thủ quy định về môi trường hay không. Cái gì gây tốn kém cho doanh nhân mà không bị bắt buộc hoặc kiểm soát thì 99,9% các doanh nhân không tự vẽ việc ra để làm, thiên hạ là như vậy cả.

c) Các đơn vị Formosa Hà Tĩnh và thủ phạm gây ra thảm họa môi trường biển 4/2016

· Nhà máy nhiệt điện Formosa Vũng Áng 650MW, hoạt động từ 3/2015, cho đến trước khi cá chết đã được 01 năm. Khó là thủ phạm chính.

· Cảng sâu Sơn Dương: Cảng hoạt động từ 2001 (Việt Lào) đến nay đã có 5 bến hoạt động (không phải của Formosa). Các bến của Formosa (6 bến) đang xây dựng. Không có khả năng là thủ phạm chính.

· Lò cao: Nước thải từ khâu sản xuất này không lớn, chỉ khoảng 0,2m3/tấn gang trong đó chứa khoảng 10g chất rắn lơ lửng, 20g dầu, 1g cyanide và 2g kim loại nặng. Vậy lò cao có thể nhưng hiện chưa phải là thủ phạm chính

· Nhà máy luyện cốc Formosa hoạt động 11/2015, 5 tháng trước khi cá chết, bị nghi ngờ là một trong những thủ phạm chính, vì công nghiệp này có phát thải Phenol và Cianite (về lý thuyết là 150–2, 000 mg/l Phenol tức 0.3-12 kg/t coke, và Cyanite 0.1-0.6 kg/tấn cốc)[3] trùng hợp với việc trong cá chết, nước biển có dấu vết Phenol và Cyanite. Các kỹ thuật ngày nay không khó để xử lý về ngưỡng an toàn Cyanide (free) 0.03, Phenol 0.15 (đơn vị grams/tấn cốc). Vậy tại sao lại xảy ra thảm họa cá chết?

Formosa có công suất 10 triệu tấn thép, ít nhất phải dùng đến hơn 4 triệu tấn cốc. Vì Formosa mới sử dụng ¼ công suất lò luyện cốc[4] nên công suất hiện cỡ 1 triệu tấn năm, mỗi năm tối đa sản sinh 5000 tấn Phenol, tối thiểu 125 tấn (tùy thuộc vào nguyên liệu đầu vào và công nghệ luyện). Như vậy về nguyên lý, Formosa mỗi ngày thải ra tối đa 13,5 tấn, tối thiểu 0,35 tấn Phenol. Cho rằng nước thải không được xử lý, công nghệ và nguyên liệu của Formosa tệ nhất thế giới, đồng thời Phenol không phân hủy thì lò cốc của Formosa đã giết chết cá từ lâu chứ không phải đã chạy được 5 tháng an toàn. Như vậy đánh giá của các nhà khoa học Việt Nam vừa qua là hợp logic, rằng đây là một sự cố cấp tính do hai yếu tố: i) Hệ xử lý nước thải không hoạt động một thời gian ngắn, và ii) có thêm một chất thải khác (hydroxyt sắt…) được đổ vào đồng thời làm Phenol không phân hủy được. Tuy vậy, cũng thấy chưa thật ổn, vì tối đa 5 ngày mất điện cũng chỉ có 50 tấn Phenol (nên nhớ Phenol không phải quá độc), với dòng sông hay hồ nước còn khả dĩ giết chết sinh vật, đây là ở biển rộng, sóng to gió lớn, lượng Phenol như vậy chưa thấm gì, có thể đặt dấu hỏi liệu ngoài Hydroxyt sắt (không độc lắm) còn có chất độc cấp tính mạnh nào nữa không? Cianua cũng rất độc, nhưng phân hủy nhanh trong biển nên riêng từ lò cốc là chưa đủ, phải đổ cấp tập thêm một lượng rất lớn mới đủ tác dụng.

2- Những kết luận có thể tin cậy về khoa học và kinh tế kỹ thuật

· Đầu tư xây dựng khu công nghiệp sắt thép lớn ở bờ biển không phải là thảm họa, không có gì phải chê trách. Xin nhắc lại, ở đây không nói đến vấn đề an ninh, vấn đề âm mưu Trung Quốc… vấn đề tham ô, hối lộ, móc ngoặc của quan chức, vấn đề di dân, đền bù, giá cả và thời hạn thuê đất.

· Việc ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường là khả thi về mặt khoa học, kinh tế, kỹ thuật. Không phải là khó khăn gì ghê gớm không vượt qua nổi. Trừ khó khăn do con người tự tạo ra.

· Vẫn có thể chọn cả thép và cá chứ không phải chỉ được chọn một thứ.

· Thảm họa cá chết vừa qua là một sự cố cấp tính.

3- Những câu hỏi cần phải trả lời

a) Vì sao những vấn đề về bảo vệ môi trường, bảo vệ biển với một khu liên hợp như Formosa không có gì mới mẻ, không quá khó khăn… mà các cơ quan quản lý Việt Nam vẫn không làm được hay là không chịu làm?

b) Thảm họa này muốn xảy ra được phải hội tụ hai điều kiện: Dừng hoạt động hệ xử lý nước thải và phải đổ vào đó những chất ngăn chặn Phenol phân hủy. Tại sao mấy ngày đó lại có sự trùng hợp ngẫu nhiên như vậy?

c) Tại sao thảm họa lại xảy ra vào cuối tháng tư 2016?

4- Thử tìm câu trả lời

Câu hỏi a) đã có quá nhiều phân tích chí lý rồi, xin không nhắc lại nữa.

Hãy thảo luận về câu hỏi b) với mục đích trả lời cho câu hỏi kiểu hình sự: thảm họa này là ngẫu nhiên hay là cố ý? Mất điện vài ngày là lý do được cho là làm dừng hệ thống xử lý. Lý do này nghe được, nhưng với một khu công nghiệp có nhà máy điện riêng thì khó chấp nhận. Tại sao đúng lúc mất điện lại có một lượng lớn Hydroxyt sắt được đổ vào, gây nên hậu quả Phenol không phân hủy được? Khó tin được đây là sự sắp đặt của tạo hóa chứ không phải là do bàn tay con người!

Để trả lời cho câu hỏi c), tại sao thảm họa lại xảy ra vào cuối tháng 4/2016, chúng ta hãy nhớ lại sự kiện biểu tình đập phá của công nhân Việt Nam tại sự kiện Trung Quốc kéo dàn khoan nổi HD981 vào lãnh hải Việt Nam 1/5/2014. Rõ ràng người dân Việt Nam, công nhân Việt Nam không mong muốn và tự mình gây bạo loạn đập phá nhà máy. Chỉ có một lực lượng ngầm cực mạnh mới có thể xoay chuyển được sang tình thế như vậy? Ai được lợi từ sự kiện này, chắc chắn là chủ nhân của giàn khoan HD 981 rồi. Đến đây thì ai cũng rõ họ chính là chủ nhân của lực lượng ngầm được bảo kê để gây nên sự cố này.

Tháng Tư 2016 ở Việt Nam có nhiều sự kiện, nhưng quan trọng nhất vẫn là sắp xếp nhân sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thứ nữa là chuyến thăm của Tổng thống Obama. Ai muốn gây sức ép lên Việt Nam tất sẽ nhân dịp này tạo một thảm họa để cảnh cáo và trục lợi. Và họ sẽ không ra mặt mà sử dụng lực lượng ngầm. Formosa đã úp mở rằng thảm họa này là do lỗi của một nhà thầu phụ. Bây giờ thì đã rõ nhà thầu phụ đó là MCC[5], một công ty quốc doanh của Trung Hoa Đại lục. Nhìn kỹ lại, thì thảm họa này nếu không phải là ý chúa thì tất phải do bàn tay của MCC dàn dựng. MCC và 4, 5 nhà thầu phụ Trung Quốc tại Formosa chính là một lực lượng ngầm khoa học công nghệ của Trung Hoa, nguy hiểm hơn rất, rất nhiều những đội quân ngầm cài cắm nhan nhản khắp các cơ quan, lãnh thổ của Việt Nam.

Xét cho cùng thì thảm họa này nằm ngoài suy nghĩ của Nhà nước và quan chức Việt Nam, dù Nhà nước đó có tham nhũng, bất lực đến mấy đi nữa. Nó cũng năm ngoài ý nghĩ của chủ nhân và lãnh đạo tập đoàn Formosa, dù họ có hám lợi và táng tận lương tâm đến mấy đi nữa. Chỉ có lãnh đạo Trung Quốc hiện nay là hưởng lợi từ thảm họa này.

Cả dân Việt Nam, cả nhà nước của Đảng Cộng sản Việt Nam, cả Formosa, cả dân Trung Hoa nghèo khổ đều đang nằm trong cỗ máy nghiền của tập đoàn lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện thời. Đấy là sự thật và cũng là lý do mà tác giả đã viết bài này. Tất nhiên, có phần nào đó mang màu sắc của lý thuyết âm mưu, tin hay không tùy người đọc.

Người viết bài này chỉ là một nhà chuyên môn con dân nước Việt, không màng đến chính trị, quyền lực nên cũng chắng cần chê bai hay ủng hộ quan chức Việt Nam làm gì. Bản thân đã từng được người dân Trung Quốc nghèo khổ cưu mang, nuôi dưỡng mình từ tuổi ấu thơ cho nên đã và luôn luôn nhớ ơn và yêu mến người dân Trung Hoa. Vì vậy cũng hiểu về văn hóa Trung Hoa, về Đảng Cộng sản Trung Hoa không kém gì hiểu biết về Việt Nam. Thật là khó khăn khi phải viết về sự kiện này như một người ngoài cuộc. Tuy nhiên, người viết đã cố hết sức có thể, mong nhận được những ý kiến phê phán nghiêm cẩn nhằm giúp những người có lương tri có cơ sở khoa học & kinh tế kỹ thuật… để dễ dàng phản biện.

7/2016

T. G. N.

Tác giả gửi BVN.


[1]Final Document on Revised Classification of Industrial Sectors Under Red, Orange, Green and White Categories (February 29, 2016) Table G-2: Final List of Red Category of Industrial Sectors, p.18 http://envfor.nic.in/sites/default/files/Latest_118_Final_Directions.pdf

[2] The Steel Making Industry http://www.istc.illinois.edu/info/library_docs/manuals/primmetals/chapter2.htm

[3] Coke Manufacturing, p.287 http://www.ifc.org/wps/wcm/connect/9ecab70048855c048ab4da6a6515bb18/coke_PPAH.pdf?MOD=AJPERES

[4] http://thethaovanhoa.vn/xa-hoi/cong-bo-moi-formosa-ha-tinh-co-tat-ca-53-hanh-vi-vi-pham-hanh-chinh-n20160711202044168.htm

[5] MCC là Metallurgical Corporation of China Ltd. Tập đoàn Công ty Luyện kim Trung Hoa. www.mcc.com.cn/mccen/index/index.html

http://boxitvn.blogspot.com/2016/07/ke-ao-mo-chon-bien-ca-va-nguoi-viet-ten.html

This entry was posted in Môi Trường. Bookmark the permalink.