Mai Tú Ân
Trong khi chính quyền Việt Nam, ngành ngoại giao, Cảnh Sát Biển…luôn luôn tự hào ca ngợi mình thành công, đáp ứng nhu cầu thời cuộc thì Biển Đông với liên tục những vụ việc đụng độ, tàu chìm, người chết luôn luôn là những sự kiện đau buồn chống lại điều đó. Chỉ trừ những người cầm quyền, những kẻ ăn theo thì làm như không thấy gì, còn tất thảy người dân Việt Nam đều đau buồn, và khó hiểu về những vụ việc đau lòng đã và đang xảy ra hàng ngày với người ngư dân Việt Nam ở Biển Đông…
Bao đời nay Biển Đông vốn là nơi kiếm sống, là vùng biển bình yên của những người ngư phủ Việt Nam để sáng sáng từng đoàn thuyền dong buồm phơi phới ra khơi đánh cá, những buổi chiều trở về, cá đầy khoang với điệu hò hạnh phúc nơi những vùng quê thanh bình. Nhưng giờ đây Biển Đông đã không còn yên tĩnh nữa với những người ngư dân hiền lành và chân chất đó.
Biển gần bờ thì bị một đòn trí mạng khi nhà máy Formosa xả độc giết sạch sành sanh tất cả các loài tôm cá. Biển xa bờ thì Trung Cộng coi như biển của họ và ngang nhiên ra lệnh cấm ba tháng với lý do bảo toàn hệ sinh thái. Các cuộc đụng độ, húc chìm tàu diễn ra như cơm bữa với phần thua thiệt rơi vào người ngư dân Việt Nam. Đã có người chết thảm bởi những vụ việc cố ý này, nhưng chính quyền Việt Nam như mọi khi, vẫn cho là tàu “lạ” của nước “lạ” nào đó, khiến cho không có cuộc điều tra nào được mở ra.
Nhưng giờ đây, khi những vụ việc đuổi và húc chìm tàu của ngư dân Việt Nam đã được xác định là do tàu Trung Quốc gây ra,như gần đây nhất là vụ tàu cá Quảng Ngãi tàu cá QNg 90479 TS của ông Võ Văn Lựu vào ngày 9/7/2016 đã bị hai tàu Trung Quốc số hiệu 46102 và 56103 đâm chìm. năm ngư dân phải trôi nổi nhiều tiếng đồng hồ mới được tàu bạn đến cứu thì vẫn như vậy. Không ai có trách nhiệm lên tiếng cả. Chính quyền im lặng không có một tiếng ho. Người phát ngôn cũng không, hoặc nếu có thì cũng chỉ là những câu vu vơ vào những cái đích vu vơ, giống như ném sỏi ao bèo hay như chó sủa ma.
Mất tàu đánh cá, suýt mất mạng thì cũng chỉ người ngư dân gánh chịu. Họ không thể trông nhờ vào chính quyền, hay cảnh sát biển Việt Nam, những tổ chức có nhiệm vụ bảo vệ họ. Cũng như các vụ bị húc chìm tàu, vụ người chết trước đây thì rồi tất cả cũng sẽ lại chìm xuồng, tất cả lại đi vào quên lãng với phần thua thiệt rơi vào người ngư dân Việt Nam.
Khi không có được sự bảo vệ của ai, của chính quyền lẫn của các lực lượng chấp pháp trên biển như thế thì việc gì đến sẽ phải đến. Đã bị người giày rồi thì tất sẽ có kẻ xéo. Một ngày sau vụ tàu Trung Quốc húc chìm tàu cá Quảng Ngãi, thì cảnh sát biển Thái Lan đã nổ súng bắn vào tàu đánh cá Việt Nam, khiến một người mất tích (có thể đã chết) và hai người bị thương. Tàu và thủy thủ bị bắt giam và chờ đưa ra tòa vì tội xâm phạm vùng biển trái phép. Thế là cùng với vụ bắn chết một ngư phủ Việt Nam năm ngoái, vụ bắn người gây thương vong này rồi cũng sẽ được quên đi bởi người ngư phủ Việt Nam giờ đây không còn được ai bảo vệ cho tính mạng, tài sản của họ được nữa. Họ không còn biết trông vào ai, kêu cứu vào ai nữa mỗi khi phải mạo hiểm dong buồm theo những đàn cá.
Nhưng than ôi. Biển Đông mà tổ tiên để lại giờ đây chật cứng những kẻ thù. Kẻ thù hung ác và đáng sợ nhất là Trung Cộng với hàng chục ngàn ghe thuyền đánh cá cùng với các tàu hải kiểm, giám kiểm nhưng sẵn sàng húc chìm bất cứ tàu cá Việt Nam nào. Rồi những người “bạn” của Việt Nam trong khối ASEAN cũng không bỏ qua cơ hội khi tấn công những thuyền đánh cá không được bảo vệ, cả về vật chất lẫn tinh thần. Thử hỏi trong những nước láng giềng Biển Đông như Mã Lai, Indonesia, Philippines,Thái Lan… có nước nào không tấn công, bắt giữ , thậm chí giết người đối với tàu cá Việt Nam hay không.
Những chính sách sai lầm, bảo thủ và không theo ai, không dựa vào ai cùng với việc không dám làm mất lòng ai của chính quyền Việt Nam trong thời gian gần đây đã mang lại hệ quả xấu khi đã tự vứt bỏ đi chính mình. Một chính quyền mà không biết bảo vệ chính đáng người dân của mình thì người dân của chính quyền đó sẽ phải khổ sở lắm trên con đường mưu sinh. Với Việt Nam chúng ta thì giờ đây người ngư dân và gia đinh của họ là những người khổ sở nhất, khốn cùng nhất…
M. T. A.
Tác giả gửi BVN.