Đốc Nguyễn
Từ tháng 4/2-016 vùng biển của bốn tỉnh miền Trung xuất hiện cá chết hàng loạt vì nhiễm độc, môi trường biển bị hủy hoại theo sự đánh giá của các nhà khoa học phải cần thời gian là 50 năm mới khôi phục lại được trạng thái ban đầu. Nhà nước đã chính thức công bố nguyên nhân cá chết vào ngày 30/6 và Formosa đã nhận tội với lời hứa bồi thường 500 triệu đô la.
Trước hậu quả nghiêm trọng về môi trường về lâu dài nếu để Formosa tiếp tục hoạt động là một vấn đề hiển nhiên không ai có thể tranh cãi. Do đó bức xúc về nhu cầu cần khởi tố vụ án Formosa nhằm chấm dứt việc xã thải trả lại biển sạch cho ngư dân là chính đáng.
Thế nhưng đi vào thực tế khi tiến hành vụ án Formosa có nhiều vấn đề kỹ thuật pháp lý cần đặt ra như khởi tố ai? ở cơ quan nào? dựa trên văn bản luật pháp nào? thời gian bao lâu? đó là những vấn đề mà hiện nay các giới luật sư cũng như những người có thẩm quyền chuyên sâu trong lãnh vực này cũng khó có câu trả lời chính xác bởi những lý do sau đây:
Hệ thống luật pháp hiện nay còn nhiều thiếu sót như là chưa quy định sự khiếu kiện tập thể, không quy định trách nhiệm pháp nhân về mặt hình sự, tòa án nào có thẩm quyền đối với một công ty thuộc Trung ương quản lý đại diện là Thủ tướng, có yếu tố nước ngoài, phạm vi thiệt hại vượt quá phạm vi một tỉnh thì như vậy tòa án nhân dân địa phương có thể không đủ thẩm quyền để khởi tố như một số luật sư trong nước đang đề ra trong vụ kiện Formosa hiện nay.
Vì thế con đường khiếu kiện trực tiếp Formosa là một đoạn đường tân khổ lâu dài có thể vượt quá giới hạn sức chịu đựng của ngư dân trong tình hình nóng bỏng hiện nay, có thể bùng nổ một cuộc nổi dậy của người dân là chuyện tương lai không ai có thể tiên liệu được.
Ở đây có hai vấn đề cần phân biệt rõ ràng:
– Khởi tố hình sự hay dân sự Formosa để đòi đền bồi thiệt hại môi trường, ngư dân và chấm dứt hoạt động của Formosa;
– Khởi tố để tạm ngưng hay ngưng vĩnh viễn hoạt động của Formosa nhằm chấm dứt việc xả hóa chất độc ra biển.
Đây là hai vấn đề liên quan nhau có thể có chung một mục đích nhưng là hai vụ án đi hai con đường khác nhau. Mọi con đường đều dẫn đến thành Roma.
Vụ án thứ nhất hiện nay đang được một số luật sư nghiên cứu tiến hành. Phạm vi bài báo này chỉ xin giới hạn trong vụ án thứ hai.
Trước khi đi sâu vào vụ án chúng ta cần phải biết rõ là Công ty Formosa thuộc quyền quản lý của cấp nào?
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 29 tháng 11 năm 2005 và Nghị định 108/2006/NĐ-CP Hà Nội, ngày 22 tháng 9 năm 2006 (1):
Điều 37. Dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.
1. Các dự án đầu tư không phân biệt nguồn vốn, quy mô đầu tư trong những lĩnh vực sau:
…
c) Thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí; thăm dò, khai thác khoáng sản;
…
2. Dự án đầu tư không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này, không phân biệt nguồn vốn và có quy mô vốn đầu tư từ 1.500 tỷ đồng Việt Nam trở lên trong những lĩnh vực sau:
a) Kinh doanh điện; chế biến khoáng sản; luyện kim.
Công ty Formosa khai thác khoáng sản và luyện thép do đó trực thuộc Trung ương quản lý, và chỉ có Thủ tướng Chính phủ mới có quyền cấp phép hoạt động.
Trên thực tế, ông Võ Kim Cự, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, thừa nhận việc Ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng cấp phép đầu tư với thời hạn 70 năm khi chưa được Chính phủ đồng ý là không phù hợp.(2)
Vụ phó Vụ Nuôi trồng Thủy sản, Bộ NN&PTNT Phạm Khánh Ly cho biết:
“Đoàn công tác không vào kiểm tra tại KCN Vũng Ánh vì đây là KCN có yếu tố nước ngoài, đoàn công tác không có thẩm quyền, chức năng kiểm tra tại khu vực này”.
Ông Ly thông tin thêm: “Chúng tôi vào làm việc với Sở Nông nghiệp PTNT tỉnh Hà Tĩnh với tư cách là cơ quan quản lý theo ngạch dọc. KCN Vũng Áng bao gồm nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng và KCN Formosa có yếu tố nước ngoài nên cần thành lập đoàn công tác liên ngành, có chỉ đạo của Thủ tướng thì mới tiến hành kiểm tra được”.(3)
Qua hai sự thú nhận của Bí thư Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tỉnh và Vụ phó Bộ NN& PTNT đã xác nhận Công ty Formosa thuộc quyền quản lý của Trung ương mà đại điện là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở thời điểm cấp phép.
Một điều quan tâm khác là dự án do Trung ương quản lý mà Bộ Khoa học và Công nghệ nói không thẩm định việc thiết kế xây dựng nhà máy Formosa ở Vũng Áng (Hà Tĩnh) mà việc này do Bộ Công thương thực hiện (4).
Qua những thông tin này cho thấy Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp Công ty Formosa theo thẩm quyền, nhưng đã thiếu trách nhiệm để cho Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng cấp giấy hoạt động 50 năm trái với quy định sau đó lại gia tăng lên 70 vượt cấp mà ông Nguyễn Tấn Dũng không hề có một động tác pháp lý hay hành chánh để điều chỉnh sự sai phạm nói trên.
Sai phạm trong qui trình cấp phép, ông Trưởng ban Quản lý cấp giấy phép trong khi dự án công nghệ thì do Bộ Công Thương duyệt trái ngành nghề và chức năng thẩm quyền của Bộ, trong khi trách nhiệm chính là của Bộ Khoa học và Công nghệ (nguyên văn: “Bộ Công nghiệp”, BBT BVN đính chính). Một sự đảo lộn nghịch lý là cấp bộ đi làm việc cho cấp tỉnh trong dự án đầu tư nước ngoài.
Ngoài thiếu trách nhiệm, ông Nguyễn Tấn Dũng còn độc quyền quản lý Formosa trên thực tế đó là ngăn cấm các cơ quan chức năng Trung ương đến thanh tra theo thẩm quyền chuyên môn như Vụ phó Vụ Nuôi trồng Thủy sản, Bộ NN&PTNT Phạm Khánh Ly cho biết không được vào kiểm tra tại KCN Vũng Ánh.
Với những chứng cứ này đã đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm. Người dân trong nước căn cứ vào điều 4 Bộ luật Hình sự:
Điều 4. Trách nhiệm đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm…
3. Mọi công dân có nghĩa vụ tích cực tham gia đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.
I- Tố cáo và truy tố nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra tòa án hình sự với…
Điều 285. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 144, 235 và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.
3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
II- Tố cáo và truy tố Trưởng ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng với tội danh của…
Điều 282. Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.
Ông Trưởng ban này đã cố ý lạm quyền hai lần cấp giấy phép cho Formosa trái với thẩm quyền và quy định của luật pháp.
Ngoài ra trong khi điều tra vụ án không loại trừ phát hiện dấu hiệu tham ô, hối lộ để dự án Formosa thông qua một cách nhanh chóng vượt cấp và vượt thẩm quyền gây tác hại nghiêm trọng và lâu dài.
Song song với việc khởi tố vụ án, các luật sư đại diện cho quyền lợi của ngư dân liên quan đến vụ án có thể với thủ tục khẩn cấp xin án lệnh tòa thi hành biện pháp ngăn chặn tác hại việc xã thải gây nguy hại cho môi trường bằng cách tạm ngưng giấy phép hoạt động Formosa vì có dấu hiệu vi phạm Luật Hình sự và Luật Đầu tư, Luật Môi trường ở Việt Nam trong khi chờ vụ án hình sự kết thúc. Giấy phép hoạt động của Formosa không có giá trị pháp lý vì người cấp giấy phép không có thẩm quyền.
Ngoài vụ án trên, cũng còn một phương cách nữa cũng hiệu quả không kém là tác động đến các đại biểu Quốc hội để nêu sự kiện môi trường biển miền Trung bị nhiễm độc ra Quốc hội, và yêu cầu Quốc hội buộc Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ra điều trần về sự kiện trên và trả lời vấn đề dựa trên cơ sở pháp lý nào Chính phủ chấp nhận lời hứa bồi thường của Formosa và chấp nhận cho Formosa tiếp tục hoạt động.
Kết quả việc điều trần này sẽ quyết định cho Nguyễn Xuân Phúc có đạt được số phiếu tín nhiệm trong cuộc bỏ phiếu sắp tới hay không? Nguyễn Xuân Phúc Thủ tướng Việt Nam làm việc vì lợi ích của dân tộc hay lợi ích của Formosa?
Trước khi kết thúc bài viết này có người đặt ra vấn đề nếu kết thúc hoạt động của Formosa liệu Việt Nam trong tình hình kinh tế kiệt quệ hiện nay có thể bồi thường nổi số tiền 30 tỷ hay hơn nữa cho Formosa theo như cam kết trong dự án đầu tư hay không? Vấn đề rất dễ giải quyết vì Formosa còn một món nợ trong vụ kiện bồi thường về tội hủy hoại môi trường cho Việt Nam và thiệt hại kinh tế cho ngư dân và các ngành nghề khác mà theo ước tính của các nhà khoa học có thể lên tới 1000 tỷ đô la, thì con số 30 tỷ bồi thường cho Formosa theo dự án đầu tư chỉ là con số lẻ mà thôi.
Còn một vấn đề nữa cũng liên quan đến Formosa nhưng nằm ngoài phạm vi bài viết này là xét lại tư cách và khả năng của Tổng bí Thư Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo đất nước để xảy ra sự việc gây tác hại lâu dài cho đất nước mà không có một thái độ tích cực nào; trái lại còn đi tham quan thúc đẩy tiến trình xây dựng Formosa đúng tiến độ thi công trong thời điểm đã xảy ra vụ cá chết Miền Trung. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói riêng và Đảng Cộng sản nói chung không nằm trong sự chế tài của luật pháp vì chưa có luật, nhưng không vì thế mà có thể thoát khỏi một cuộc trưng cầu dân ý xét lại Điều 4 Hiến pháp là điều có thể xảy ra trong tương lai.
Nếu các bạn đồng ý với bài viết này xin share rộng rãi trên các diễn dàn dân sự. Thành thật cám ơn.
08.07.2016
Đ.N.
__________
Chú thích:
Nguồn: http://danlambaovn.blogspot.com/2016/07/hien-ke-luat-su-trong-vu-lien-quan-en.html