Trần Kim Thập
Perth, Western Australia – 6/7/2016
Sau cuộc họp báo do Chính phủ Việt Nam tổ chức ngày 30 tháng Sáu năm 2016 tại Hà Nội, được biết Formosa Hà Tĩnh đã chấp nhận đền bù thiệt hại gây nên trên 4 tỉnh miền Trung và được Chính phủ Việt Nam chấp nhận, 11.500 tỉ đồng tương đương với 500 triệu USD. Số tiền này sẽ nhằm mục đích “bồi thường thiệt hại cho dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường phục hồi mội trường biển”.
Theo thông tin từ Bộ Thủy sản thì cho đến nay, con số ngư dân, diêm dân, và người làm ăn trực tiếp với ngành hải sản, du lịch và dịch vụ biển bị thiệt hại trên 4 tỉnh miền Trung vẫn chưa được thống kê chính xác. Chỉ được biết con số 40 nghìn hộ dân với 186 nghìn người được chính quyền hỗ trợ gạo từ tháng 4/2016 đến nay.
Từ những con số trên, thử làm một bài tính về sự thiệt hại đã xảy ra và từ đó xem số tiền bồi thường này có tương xứng không? Và cũng từ đó chúng ta, tùy từng góc độ, có thể đặt ra những câu hỏi tiếp theo về những vấn đề khác nhau. Ở đây, tôi xin đưa ra một bài tính đơn giản và vài suy nghĩ thô thiển của tôi và xin được chia sẻ với quý anh chị và các bạn.
Giả định số ngư dân, diêm dân, người làm dịch vụ trực tiếp bị thiệt hại là 200 nghìn lao động. Chúng ta có thể giả định như thế vì 40 nghìn hộ dân được hỗ trợ gạo là ngư dân mà thôi. Như vậy sẽ có khoảng 60 nghìn hộ liên hệ làm ăn trực tiếp với ngư dân, thủy sản, dịch vụ biển… tổng cộng là 100 nghìn hộ dân bị thiệt hại. Mỗi hộ giả định có hai lao động chính. Vậy con số giả định 200 nghìn trên là hữu lý và chấp nhận được (?).
Mỗi lao động, giả định có lợi tức trung bình là 5 triệu đồng/một tháng = 60 triệu đồng/một năm.
Tính ra USD (1USD = 23.000 VND) số tiền thiệt hại của 200 nghìn lao động trong một năm là:
60×10^6x2x10^5/23×10^3 = 522 triệu USD (tính tròn).
Như thế thì con số 500 triệu USD bồi thường này chỉ vừa gần đủ cho số tiền thiệt hại một năm lao động. Đó là chưa bàn đến việc bồi thường một, hai, ba năm lao động hay hơn nữa, bao nhiêu là tương xứng và được người dân bị thiệt hại chấp nhận. Như vậy số tiền bồi thường cho 200 nghìn lao động có thể phải trên một, hai tỷ USD, nếu vấn đề giải quyết giữa luật sư của người bị thiệt hại với Formosa Hà Tĩnh và được các cơ quan pháp luật Việt Nam thực sự công tâm thực thi để bảo vệ người lao động Việt Nam.
Vậy thì số tiền hỗ trợ để chuyển đổi nghề nghiệp của 200 nghìn lao động này lấy từ đâu? Thử nghĩ một ngư dân ở độ tuổi 20-30 muốn chuyển đổi nghề nghiệp phải được học hành huấn luyện ít nhất là một năm. Đối với những người trên 30 tuổi, sự huấn luyện chuyển đổi nghề càng khó, nên chắc chắn đòi hỏi thời gian lâu hơn một năm. Số tiền này cũng tương đương với ít nhất là một hay hai năm lợi tức lao động nghĩa là tương đương với con số 500 triệu USD hay một tỷ USD nữa.
Còn việc phục hồi môi trường biển thì sao? Phí tổn như thế nào? Thời gian bao nhiêu năm? Chắc chắn đòi hỏi sự đầu tư của nhiều cơ quan khoa học chuyên môn về môi trường, cần thời gian có thể đến hàng chục năm mới có thể phục hồi. Có khi môi trường không thể được phục hồi. Ở đây người viết không có khả năng tính thử nhưng tin chắc rằng chí phí này sẽ rất lớn, đòi hỏi nhiều tỷ USD.
Đến đây chúng ta đều có thể thấy con số 500 triệu USD bồi thường từ Formosa Hà Tĩnh là một con số quá thấp. Chỉ riêng phần thiệt hại của 200 nghìn người lao động và chi phí chuyển đổi tay nghề cho họ mà thôi, số tiền này cũng chỉ bằng một phần mười thiệt hại đáng lẽ phải được bồi thường. Không hiểu hơn 100 nhà khoa học – chắc chắn tất cả đều có học hàm học vị tiến sĩ, giáo sư – thuộc 30 ban ngành của Chính phủ đã có những bài tính cụ thể như thế nào mà lại chấp nhận một con số bồi thường 500 triệu USD rẻ mạt, nếu không muốn nói khinh miệt sức lao động của người dân và coi rẻ môi trường tài nguyên đất nưóc như thế? Còn nhiều thiệt hại về sức khỏe y tế của nhân dân, tinh thần và xã hội khác mà chúng ta không lường trước được và không có thể lấy gì bù đắp được.
Nhưng nguy nhất là trong tương lai khi ngư dân 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh vào Thừa Thiên-Huế bị chuyển đổi nghề. Điều này cho chúng ta hình dung trong nhiều năm tới biển 4 tỉnh miền Trung này không còn bóng dáng ngư dân, diêm dân, du khách… Biển Việt Nam mà không còn ngư dân, diêm dân, du khách… là biển chết. Dân sẽ không có mắm muối cá tôm để ăn! Dân không có nơi để vui chơi nghỉ dưỡng! Biển có chủ mà vắng bóng chủ, tức là không còn chủ! Trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền trên biển Đông hiện nay, với mưu đồ chiếm đoạt biển Đông của bành trướng Bắc Kinh, nghĩ đến biển Việt Nam không còn bóng dáng ngư dân Việt Nam, tôi cảm thấy lạnh xương sống và nước mắt rưng rưng…
Đến đây người viết xin chân thành cám ơn sự quan tâm của quý bạn đọc và dành lại suy nghĩ cho mọi công dân Việt Nam trong và ngoài nước.
T.K.T.
Tác giả gửi BVN.