Chúng tôi nghĩ, ông võ Kim Cự còn nói cứng được vì thể chế CS không có tiền lệ truy tố những kẻ làm hại dân mà làm lợi Đảng. Ông Cự là một người đúng y boong hiện tượng bán nước bán dân lợi Đảng kiểu này. Nhưng, phải nói cho công bằng, rước Formosa vào tàn sát môi trường biển Việt Nam, làm cho ngư dân điêu đứng, để đánh đổi bằng những món béo bở, thì không phải ông Cự được ăn một mình. Phía trên ông Cự, còn những cái miệng khác và những cái miệng ấy phải được ngoạm những miếng béo bở hơn rất nhiều. Sức mấy mà ông Cự có thể tranh ăn lại với những cái miệng “thủng nồi trôi rế” ấy. Dựa trên ý kiến của TS Nguyễn Thành Sơn, chuyên gia khai khoáng, trong một bài viết rất nghiêm túc, công bố toàn bộ tiến trình đưa Formosa vào Vũng Áng với đủ công văn giấy tờ làm rất vội vã và sai không chỉ nguyên tắc và quyền hạn mà còn sai đến cả cái tối thiểu không được phép sai là là chính tả, thì có mấy cái tên sau đây đứng trên Võ Kim Cự: Trần Đình Đàn, Nguyễn Tấn Dũng. Khi đọc đến tên Nguyễn Tấn Dũng nhiều người nghĩ ngay đến một cái tên khác, tuy không có chút thực quyền nhưng hễ đã có “cỗ bàn” tất đều phải được dự phần ngang chứ không thua Ba Dũng – đó là Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư ĐCSVN từ khóa trước, người đứng đầu một tổ chức “lãnh đạo toàn diện” đối với mọi cơ quan cai trị khác trên đất nước ta. Vậy xin gợi ý trước bàn dân thiên hạ một danh mục như trên để cùng với ông Võ Kim Cự sẽ phải được “tính sổ” nay mai khi xử lý vụ Formosa mà theo chúng tôi nhất thiết phải đưa ra trước Tòa án Quốc tế. Bauxite Việt Nam |
Tôi định không viết gì thêm về vụ Formosa nữa. Nhưng, vì ông Võ Kim Cự đã lên báo hùng hồn tuyên bố, việc ông rước kẻ huỷ diệt vào Việt Nam, cho nó ngồi đó 70 năm không có gì sai, tôi đành thưa lại vài lời.
Ông Cự, hẳn ông chưa quên, ngày 26-8-2008, chính tay ông kí giấy phép đầu tư cho Formosa trong thời hạn 70 năm. Ông làm quan chức, ăn bổng lộc của triều đình bằng ngân khố quốc gia do nhân dân đóng góp, ông có run tay không khi giao đất, giao biển chừng ấy năm ròng rã vào tay một kẻ vốn đã vang danh về việc đặt tiền lên trên sự sống của con người?
Ông Cự, hẳn là ông chưa quên ngày 3-7-2014, khi lần đầu tiên bị vạch trần đã làm sai Điều 52 Luật Đầu tư. Đó là ngày Thanh tra Chính phủ kết luận việc cấp phép của ông là vượt thẩm quyền. Chữ kí của ông khi đó chỉ có giá tối đa 50 năm.
Ông nói ông không sai ư? Hay là ông Nguyễn Đức Hạnh, Phó Tổng thanh tra Chính phủ đã báo cáo sai? Hay ông cho rằng cán bộ Thanh tra Chính phủ năng lực kém?
Chính ông, chứ không phải ai khác đã đặt con số 70 năm chết tiệt kia vào thế đã rồi. Bằng chứng là sau kết luận thanh tra, Văn phòng Chính phủ phải giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét lại điều khoản cam kết 70 năm. Ông già đến mức đã quên rồi sao? Để tôi nhắc lại cho ông nhớ:
* Ngày 3-7-2014, Thanh tra Chính phủ kết luận sai phạm. Đề nghị giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét.
* Ngày 1-8-2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất tiếp tục giữ nguyên quy định cho Formosa ngồi ở Vũng Áng 70 năm với giá thuê rẻ mạt (0,4% giá thị trường).
* Ngày 14-11-2014, Thủ tướng Chính phủ thời điểm đó đã chấp thuận với đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Ông Cự, ông có vui không? Ông giỏi lắm, ông Cự ạ. Thành tích của Formosa hôm nay, ông có tự hào không? Ông có thanh thản không?
Có những sai lầm khi xin lỗi, người dân sẵn sàng tha thứ. Nhưng có những kẻ, nhân dân sẽ không bao giờ trao cho họ cơ hội được xin lỗi, bởi những gì họ làm không phải lỗi lầm, mà là tội ác.
Công hay tội? Nhân dân luôn công bằng. Lịch sử sẽ phán xét.
Sáng nay, Hà Nội có mưa. Sấm sét đùng đùng.
B.H.
Phụ chú:
Ông Võ Kim Cự chỉ nói 3 câu khi bị chất vấn về việc cấp phép đầu tư 70 năm cho Fomorsa
Hoàng Đan
Ông Võ Kim Cự. Ảnh: Báo Hà Tĩnh.
Về việc cấp phép đầu tư 70 năm cho Formosa, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết, Thủ tướng đã có kết luận và không sai.
Tại họp báo Chính phủ mới đây, Người phát ngôn Chính phủ, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chính thức thông báo:
Sau quá trình làm việc cẩn trọng, khoa học, khách quan, bài bản, ngày 28/6/2016, Formosa Hà Tĩnh đã thừa nhận trách nhiệm gây ra sự cố môi trường trên làm cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Liên quan đến thông tin này, trao đổi với chúng tôi vào sáng nay (4/7), ông Võ Kim Cự, hiện là Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết, kết luận của các cơ quan chức năng đã rất rõ ràng, ông không có ý kiến gì.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ công bố vào tháng 3/2015, dự án nhà máy Formosa được Ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng (nay là Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh) cấp phép đầu tư với thời hạn 70 năm khi chưa được Chính phủ đồng ý là vượt quá thẩm quyền, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Về thông tin này, ông Võ Kim Cự nêu rõ: “Không, Thủ tướng kết luận rồi, đồng chí xem lại hồ sơ, Thủ tướng có văn bản kết luận rồi. Đúng thôi. Trước đây, Thanh tra làm 2 – 3 đợt”.
Ông Cự cũng cho biết đang bận họp nên không thể trả lời thêm các thông tin có liên quan.
Ông Võ Kim Cự (áo xanh, thứ 2 từ trái sang, hàng trước) khi còn là Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đang kiểm tra dự án Formosa. Ảnh: Báo Hà Tĩnh.
Trước đó, tại buổi công bố kết luận Thanh tra của Thanh tra Chính phủ về dự án Formosa, theo Thanh tra Chính phủ, căn cứ Điều 52, Luật Đầu tư năm 2005, thời gian hoạt động của dự án có vốn đầu tư nước ngoài phải phù hợp với yêu cầu hoạt động của dự án và không quá 50 năm.
Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ quyết định thời hạn dài hơn đối với dự án nhưng không được quá 70 năm.
Đối chiếu với hồ sơ tại thời điểm thanh tra, theo Thanh tra Chính phủ, Chính phủ chưa có ý kiến cho phép thời hạn hoạt động của dự án trên 50 năm.
Đáng chú ý, đây là dự án FDI nằm trong khu vực khá nhạy cảm (cảng biển khu vực liên quan đến an ninh quốc phòng) nên cần phải được xác định rõ để tạo ra sự đồng thuận cũng như trong quá trình triển khai và quản lý hoạt động dự án sau đầu tư.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Võ Kim Cự, khi đó là Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, thừa nhận việc Ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng cấp phép đầu tư với thời hạn 70 năm khi chưa được Chính phủ đồng ý là không phù hợp.
UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản báo cáo giải trình Thủ tướng Chính phủ và Thanh tra Chính phủ.
“Sau khi xem xét báo cáo và giải trình của tỉnh Hà Tĩnh, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép tiếp tục giữ nguyên quy định thời hạn là 70 năm trong giấy chứng nhận đầu tư đã cấp cho dự án”, ông Cự, khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh nói.
Trong kết luật thanh tra lúc đó, Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ, Hà Tĩnh đã mắc một số khuyết điểm trong việc quy hoạch, chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định, phê duyệt và kiểm tra thực hiện tiến độ dự án tại “dự án cấp thoát nước cho khu kinh tế Vũng Áng”.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, tại một số dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt và việc quản lý, sử dụng đất đai ở một số dự án đầu tư khác trên địa bàn, Hà Tĩnh cũng mắc phải một số hạn chế, thiếu sót trong công tác bồi thường, hỗ trợ và giải phóng mặt bằng.
Liên quan đến những nội dung này, ông Võ Kim Cự và các lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã thừa nhận kết luận của Thanh tra Chính phủ là khách quan và cam kết sẽ nghiêm túc tiếp thu, khắc phục, chấn chỉnh những sai phạm.
Ông Cự cho biết: “Có cái đã xử lý, có cái đang xử lý và sẽ xử lý một cách nghiêm túc những khuyết điểm trên”.
Người được coi là đã có dấu ấn rất lớn trong quá trình triển khai xây dựng khu kinh tế Vũng Áng cũng như tổ hợp của Formosa chính là ông Võ Kim Cự. Ông từng là Trưởng ban Quản lý khu kinh tế Vũng Áng, sau đó là Chủ tịch UBND tỉnh rồi Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh
Trong “đại chiến dịch” giải phóng mặt bằng cho dự án khu liên hợp Formosa, rất nhiều câu chuyện thú vị và cả kịch tính đã được các cấp lãnh đạo Hà Tĩnh, trong đó có hình ảnh ông Cự, khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh thường xuyên có mặt trong những điểm nóng để chỉ đạo trực tiếp.
Sau này, như chính thừa nhận của một đại diện Formosa, nếu không có cách vào cuộc quyết liệt của các cấp lãnh đạo, việc giải phóng mặt bằng khó lòng đạt được kết quả như kỳ vọng.
H.Đ.