VÌ SAO BỘ LUẬT HÌNH SỰ MỚI BỊ HOÃN THI HÀNH?

Lê Công Định

Hôm qua lúc nghiên cứu vấn đề hoãn thi hành Bộ Luật Hình Sự gần đây, tôi đã phát hiện ra nguyên cớ chính của hành động vội vã triệu tập các Đại biểu Quốc hội, theo một trình tự vi hiến (về điều này tôi sẽ sớm đưa ra phân tích), nhằm biểu quyết dừng áp dụng bộ luật này ngay lập tức.

Như chúng ta đều biết, ngày hôm nay 1/7/2016 là thời điểm lẽ ra Bộ Luật Hình Sự ban hành năm 2015 bắt đầu có hiệu lực thi hành. Gần 100 lỗi trong bộ luật này thật ra mà nói đã được giới chuyên môn phát hiện và công bố từ lâu, nhưng không được nhà cầm quyền quan tâm và nhất là chưa thấy cần thiết phải hoãn thi hành để sửa đổi.

Vậy vì sao còn vài ngày trước 1/7/2016 bỗng dưng nhà cầm quyền cuống cuồng quyết định hoãn cấp tốc việc áp dụng Bộ Luật Hình Sự mới? Câu trả lời nằm ở sự kiện Formosa buộc phải thừa nhận lỗi gây ô nhiễm môi trường vào ngày được lựa chọn cẩn thận là 30/6/2016.

Theo Điều 2 của Bộ Luật Hình Sự mới, lần đầu tiên pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự. Theo luật hiện hành thì chỉ cá nhân mới bị truy tố và trừng phạt do phạm một tội hình sự, còn pháp nhân thì không.

Theo Điều 76 của Bộ Luật Hình Sự mới, trong số các tội phạm mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự có “Tội gây ô nhiễm môi trường” quy định tại Điều 235.

Điều 235 tại Khoản 5 quy định như sau về pháp nhân thương mại phạm “Tội gây ô nhiễm môi trường”:

“Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đến 10.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm.”

Đối với hành vi phạm pháp và năng lực tài chính của Formosa, thì số tiền phạt nêu tại điều khoản trên quả thật không đáng là bao, nên cả Formosa và nhà cầm quyền Việt Nam đều không quan tâm. Tuy nhiên, Điểm (d) của Khoản 5 Điều 235 quy định khả năng Formosa bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn mới là điều cả đôi bên cần tránh tuyệt đối, bởi lẽ Formosa đã đầu tư quá nhiều tiền bạc vào dự án này và các quan chức Việt Nam hẳn cũng đã được đầu tư quá nhiều tiền bạc để bảo đảm Formosa không thể bị đóng cửa.

Điều 79 tại Khoản 1 quy định như sau:

“Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.”

Như vậy, vì biết rất rõ chính Formosa là thủ phạm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và lâu dài tại miền Trung, và cũng vì kiên quyết bảo vệ Formosa bằng mọi giá bất chấp thiệt hại mà toàn dân gánh chịu, nhà cầm quyền Việt Nam buộc lòng hoãn thi hành Bộ Luật Hình Sự mới một cách cuống cuồng, nhằm tránh áp dụng những quy định luật pháp hoàn toàn bất lợi cho Formosa, mà nếu chúng có hiệu lực pháp lý thì trong tư cách một chính quyền họ không thể đương nhiên miễn áp dụng đối với Formosa.

Bộ Luật Hình Sự hiện hành tiếc thay hoàn toàn không thể động chạm đến lợi ích và hoạt động của Formosa. Nên bộ luật này sẽ mặc nhiên tiếp tục hiệu lực thi hành (dù đã dự trù bị thay thế từ hôm nay) cho đến khi nào vụ Formosa chìm xuồng hẳn nhờ số tiền 500 triệu USD được mang ra đổi chác hôm qua và chia chác ngày mai.

Một cách thẳng thắn, nhà cầm quyền Việt Nam rõ ràng ngày càng mất tính chính danh khi cố tìm cách bảo vệ một doanh nghiệp ngoại bang và không giấu diếm thái độ chống lại toàn thể nhân dân Việt Nam. Dừng thi hành vào phút cuối một bộ luật đồ sộ mà vẫn dám làm, thì còn điều gì là không thể đối với họ?

L.C.Đ.

Nguồn: https://www.facebook.com/LSLeCongDinh/posts/1724737721133338

This entry was posted in Pháp Luật. Bookmark the permalink.