Có những kẻ, không làm nhà báo thì vốn dĩ đã như là một con chó, đi đánh hơi theo lệnh và nhận miếng ăn từ chủ, mà nếu còn đi làm báo, mà lại như một con chó nữa, thì quả là đáng sợ vì kẻ đó sẽ thành “quái Cẩu lưỡng đầu” – Luân Lê. Có lẽ cũng không nên chỉ trích ông Nguyễn Như Phong quá nặng lời vì xét cho cùng, ông Phong đã có công gọi đúng thực chất sự tha hóa khủng khiếp nhất mà thể chế cộng sản ở bất kỳ đâu trên thế giới đã gây ra cho một phần nhân loại không may rơi vào cái nhà tù do thể chế ấy dựng nên – đó là việc biến người thành chó. Nếu cần nhắc nhở thì nên nhắc ông Như Phong rằng đây không phải là phát hiện của ông. Đúng 90 năm trước, một nghệ sĩ Nga lừng danh, nhà văn Mikhail Bulgakov, vừa mới trải nghiệm thực tế chủ nghĩa cộng sản đầu tiên trên trái đất có mấy năm đã nhìn ra sự thật nghiệt ngã này trong tiểu thuyết nổi tiếng Trái tim chó. Tất nhiên, cũng phải nói rõ hơn chút nữa, rằng giữa Nguyễn Như Phong và Bulgakov hoàn toàn không phải là sự lặp lại của một cách nghĩ, cách nhìn. Ở nhà văn Nga kiệt xuất sống vào thời kỳ đầu của Nhà nước xô viết Nga thì quy trình biến người thành chó của chế độ cộng sản theo chủ thuyết Mác Lênin được cảnh báo như một hiểm họa ở thì tương lai mà tinh thần nhân đạo nồng nàn trong lòng nhà văn kiên quyết chống lại: do một sự thí nghiệm bất cẩn của nhà bác học lãng mạn Preobrajensk, đem bộ não một tên vô sản lưu manh cấy vào thể xác một con chó dữ, bất ngờ biến thành một thứ hình thù không ra người không ra chó Sarikov với đủ các thói tật cặn bã cũng như những toan tính cá nhân hung bạo nhất, nhưng hễ mở miệng là sủa ra mấy chữ “đồng chí”, đến nỗi ngay người tạo ra nó cũng suýt mang họa vì nó, cuối cùng lại phải dùng trí tuệ và sức lực để loại bỏ nó đi, tránh cho nhân loại một nguy cơ khôn lường. Còn ở ông Nguyễn Như Phong thì hệ quả người – chó là một sự đã rồi, sau gần một trăm năm chủ nghĩa cộng sản tồn tại hiện thực giữa trần gian. (Cũng cần lưu ý là tuy ông Phong chỉ giới hạn hệ quả này trong giới phóng viên, nhân ngày báo chí cách mạng, nhưng khi diễn giải ông đã nhìn nhận “phẩm chất cao quý” của loài chó, chủ yếu là phẩm chất “tôn thờ chủ”(1), như tiêu chí tuyệt vời để mọi con người – đương nhiên con người trong chế độ cộng sản – lấy làm mẫu mực). Vì thế, cứ luận bàn theo ông Phong, thì đó còn là một hạnh phúc mà mỗi con người, không riêng nhà báo, phải tự nguyện nhận lấy, còn hơn cả định mệnh trời phú cho mình. Hãy thử tưởng tượng nếu như ông Tổng bí Nguyễn Phú Trọng đi ra đường có lỡ đánh rơi cái gì đó thì các thân phận chó do chủ nghĩa cộng sản Việt Nam tạo thành với cái bản năng trung thành tuyệt đối “Bất luận vào những hoàn cảnh nào, khi bị chủ mắng, thậm chí bị đánh đòn nó chỉ đau khổ cúp đuôi chui vào một xó, nhưng rồi chỉ ít phút sau nó lại ngoe nguẩy đuôi để đón chủ về”, “Chó phải biết sủa lên khi có tiếng động lạ, để cảnh báo cho chủ có sự bất thường sắp tới mà cảnh giác. Nó phải biết sủa lên ngăn cản chủ khi phát hiện ra món đồ ăn có chất độc, hay một túi đồ có ma túy hay có thuốc nổ… Và khi chủ có nguy cơ bị xâm phạm, nó phải lăn xả vào chống trả kẻ thù để bảo vệ chủ”(2), hẳn nhiên phải lập tức chồm tới, và… “dọn” ngay cho sạch sẽ. Đó, chỗ cách biệt một trời một vực giữa một bậc thầy của chủ nghĩa nhân đạo là Bulgakov và một bậc thầy của… “chủ nghĩa chó đạo” kiểu Nguyễn Như Phong là ở đấy. Bauxite Việt Nam |
(1) “Chó tôn thờ chủ, yêu chủ bằng một tình cảm trong sáng, vô tư không bao giờ có tính hai mặt.
Chó biết vui cùng chủ và cũng biết buồn cùng chủ.
Đã có biết bao nhiêu câu chuyện cảm động rơi nước mắt về những chú chó nhịn đói ngồi chết bên mộ chủ; những chú chó lăn xả vào hiểm nguy để cứu chủ; những chú chó sẵn sàng tấn công lại kẻ địch để bảo vệ chủ. Và những chú chó sẵn sàng chờ đợi chủ về ngày này qua tháng khác ở một sân ga, hay một bến tàu. Rồi chó giúp đỡ những người tàn tật trong cuộc sống thường ngày, kể cả chuyện đi chợ cho chủ, đưa chủ đi chơi…” (Nghề phóng viên là phải như con chó ấy).
(2) Nghề phóng viên là phải như con chó ấy.
Bỉ vỏ
Luân Lê
Tôi nghĩ rằng, đây đang là lúc xã hội này tích luỹ về lượng để rồi sau đó sẽ thực hiện bước nhảy để dẫn đến chuyển biến về chất của một xã hội tốt hơn.
Quá nhiều thứ chất xấu xa, đồi bại, tha hoá diễn ra mà nhiều thứ còn ngang nhiên, thách thức. Hệ thống quyền lực chính trị thì bất lực với chính cơ chế độc đảng, toàn trị duy nhất của mình.
Ông Trọng sống được bao lâu để dọn sạch rác trong đảng và loại bỏ những cán bộ tha hoá của mình khi đã 72 tuổi đời? Với chức vị Tổng bí thư ông cũng chỉ đứng đó vỏn vẹn một vài năm nữa thì nhường lại cho người khác. Vậy ông sẽ làm gì trong khi mọi sự ngổn ngang, chồng chất mà thành một hệ nếp bảo thủ đến khủng khiếp thế này. Người có quyền to như một chính phủ mà còn không thể chống lại nổi đám tham nhũng và cường quyền, và nếu có sai sót nào đó xảy ra người ta vẫn luôn bảo rằng nó đúng quy trình, vậy thì pháp luật ở đâu? Vai trò người dân làm chủ ở chỗ nào?
Nhân chuyện một nhà báo bị tước thẻ vì lý do hết sức ngộ nghĩnh và vô lý, bên cạnh đó là một nhà báo khác lại ví nhà báo, phóng viên như như một con chó, tôi lại thấy buồn thay cho cả làng báo vì sự ví von đó mà hình như họ không còn tự trọng mà lên tiếng để cho kẻ đó phải xin lỗi hay bị xử lý theo luật về đạo đức mà họ đang dùng cho người khác hiện tại. Giống như một nhà báo bị xử phạt vì ví gái miền Tây xinh nhưng gắn với ba chữ N – Ngon, Ngoan và Ngu. Hay báo Tiếp thị thế giới bị phạt đình bản ba tháng vì bài viết “Nhân dân luôn là người đến sau” của nhạc sỹ Tuấn Khanh. Nhưng một bài báo sẵn sàng đưa tin về thuỷ triều đỏ để đánh lạc hướng dư luận trong vụ thảm hoạ cá chết hàng loạt ở miền Trung bằng cách photoshop màu đỏ nước biển một cách thô thiển và dối trá thì lại ngang nhiên tồn tại mà không bị làm sao.
Và họ sẵn sàng im lặng khi bị chính đồng nghiệp ví cả một nghề đầy cao quý như một con chó.
Con người, khác con chó là ở ý thức và trách nhiệm danh dự, còn loài nào cũng phải kiếm ăn để sinh tồn, nhưng con người là thứ sinh vật có ngôn ngữ và tâm hồn để biểu đạt, lên tiếng phản biện để bảo vệ mình. Con chó bị đánh đau còn biết kêu ăng ẳng và có thể cắn lại kẻ đã xâm hại nó. Một xã hội không có tự do báo chí được thể hiện đúng đắn và rõ ràng nhất qua việc họ im lặng cho sự xúc phạm đến bẽ bàng và công khai nghề báo, người làm báo giống như con chó, một cách thản nhiên.
Có những kẻ, không làm nhà báo thì vốn dĩ đã như là một con chó, đi đánh hơi theo lệnh và nhận miếng ăn từ chủ, mà nếu còn đi làm báo, mà lại như một con chó nữa, thì quả là đáng sợ vì kẻ đó sẽ thành “quái Cẩu lưỡng đầu”.
Một nhà báo, cầm bút lên, đặt bút viết, phải dành chữ tâm và [chữ] nhân vào trong mỗi bài viết, mỗi con chữ bằng trách nhiệm của một con người chân chính. Và một nhà cầm quyền cần phải tôn trọng tự do báo chí, tự do ngôn luận, vì nó có lợi cho một nhà nước tốt, thúc đẩy sự phát triển, như nhà báo Phan Đăng Lưu đã nói, mà ông Obama mới đây lại khẳng định lại điều ấy ngay trên đất nước này: tự do ngôn luận, báo chí sẽ chỉ giúp cho nhà nước hoàn thiện và phát triển hơn lên chứ không có hại bất kể điều gì. Cũng như những giá trị nhân quyền phổ quát của nhân loại, nếu được thi hành đúng nghĩa, khiến con người và xã hội trở nên văn minh thực sự.
Chỉ tiếc rằng, thông qua một bài báo với sự ví von người làm báo như là một con chó, trước sự im lặng của những con người trong đó, họ đã tự xác nhận thân phận của chính mình trước thực tại và các rào cản quyền lực chi phối, hay có thể hiểu, một phần của sự im lặng chính là sự khinh bỉ đến bế tắc ngôn từ biểu đạt và diễn kiến (?).
Dù thế nào, tất cả sẽ chỉ là một giai đoạn và mang tính lịch sử ngắn hạn, bất kể đó là gì, ngoại trừ Tổ quốc và nhân dân, nó sẽ thay đổi, hoặc phải thừa nhận mặt đối lập mà tốt lên, hoặc bị triệt tiêu và biến mất để thay thế bằng một cái khác hữu trị.
Nên hãy sống để ngẩng cao đầu với con cháu, với hậu thế mai sau, chứ đừng sống để rồi người đời nguyền rủa hay tự mình phải đau lòng mà phỉ nhổ vào chính mình, vào một ngày nào đó, khi tất cả không còn xấu xa như trước nữa.
L.L.
Nguồn: https://www.facebook.com/luatsuluanle/posts/1761500474093730