Kính Hòa, phóng viên RFA
Người dân ủng hộ Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 25 tháng 5 năm 2016. AFP PHOTO
Liên tục từ cuối tháng tư đến nay nhiều sự kiện được truyền thông Việt Nam đưa ra với cách thức không đồng bộ như trước đây, thậm chí sau khi đồng loạt đưa tin thì im lặng, hoặc có cả những bài của các cán bộ cao cấp của đảng bị gỡ đi. Đó là các sự kiện chuyến thăm Việt Nam của ông Obama, cá chết hàng loạt ở biển miền Trung, ông Bob Kerrey, xe Lexus.
Bên cạnh đó, giới bất đồng chính kiến dường như lại bị đàn áp mạnh hơn trước.
Trái khoáy của truyền thông
Ông Phạm Chí Dũng, một nhà báo độc lập tại TP HCM có nhận xét rằng từ cuối tháng tư năm 2016 đến nay, truyền thông Việt Nam cho thấy có một sự phân hóa.
“Sự phân hóa truyền thông liên quan đến sự phân hóa chỉ đạo, sự phân hóa này liên quan đến lực lượng chỉ đạo truyền thông cũng bị phân hóa nốt. Và tôi cho rằng Ban tư tưởng trung ương, tức là Ban tuyên giáo trung ương không còn đóng vai trò là đầu mối chỉ đạo truyền thông như thời gian trước đây, mà chỉ đạo truyền thông bây giờ bao gồm cả những lực lượng khác. Chúng ta có thể thấy một bằng chứng minh chứng rõ rệt nhất cho chuyện này là bài phỏng vấn ông Đinh La Thăng liên quan đến vụ ông Bob Kerrey.”
Ban Tuyên giáo trung ương không còn đóng vai trò là đầu mối chỉ đạo truyền thông như thời gian trước đây, mà chỉ đạo truyền thông bây giờ bao gồm cả những lực lượng khác.
– Nhà báo Phạm Chí Dũng
Bài phỏng vấn ông Bí thư thành ủy TP HCM, Đinh La Thăng, do báo Tuổi trẻ TP HCM thực hiện, thể hiện quan điểm của ông chấp nhận ông Bob Kerrey đóng vai trò hàng đầu trong trường Đại học Fulbright Việt Nam. Ông Kerrey là một cựu chiến binh Mỹ, từng thú nhận dính líu vào vụ thảm sát hơn 20 dân thường thời chiến tranh Việt Nam.
Bài phỏng vấn ông Đinh La Thăng sau đó bị gỡ bỏ.
Câu chuyện về ông Bob Kerrey được đưa ra đầu tiên bởi một tờ báo mạng tên là Zing thuộc sở hữu của công ty Vinagames. Theo một nguồn tin chưa được xác định từ trong giới nhà báo tại Việt Nam thì công ty Vinagames này có một số cổ đông quan trọng là những nhà đầu tư từ Trung Quốc.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động dân sự tại Hà Nội phân tích các trường hợp liên quan đến truyền thông vừa qua. Theo ông cách truyền thông đưa tin vụ cá chết hàng loạt thể hiện sự yếu kém và lúng túng của nhà nước. Còn chuyện gỡ bài của ông Đinh La Thăng thể hiện sự đấu đá nội bộ bên trong Đảng Cộng sản.
“Những việc vừa qua phản ảnh đúng thực trạng của Việt Nam hiện thời, trong đội ngũ lãnh đạo, từ trước đến nay, và bây giờ càng hiện rõ chuyện bè phái. Các bè phái ấy hục hặc lẫn nhau, và chính sự hục hặc đó có thể dẫn đến những chuyện trái khoáy mà anh có thể gọi là trục trặc về truyền thông. Tôi nghĩ sự trục trặc truyền thông đó chỉ là bề nổi bên trên.”
Theo nhà báo Phạm Chí Dũng thì trường hợp gỡ bài của ông Đinh La Thăng, một ủy viên Bộ chính trị nhiều quyền lực, là chưa có tiền lệ trong những năm gần đây, điều đó chứng tỏ có một thế lực nào đó còn mạnh hơn vai trò đứng đầu một cơ quan đảng quan trọng như đảng bộ TP HCM.
Đàn áp bất đồng chính kiến
Tuy nhiên việc đàn áp giới bất đồng chính kiến vẫn là một yếu tố thống nhất trong hành động của đảng cộng sản Việt Nam.
Có thể kể ra những hoạt động đàn áp diễn ra trong một khoảng thời gian rất ngắn gần đây.
Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng và ông Bob Kerrey trước ngày trao quyết định thành lập Trường ĐH Fulbright.
Đó là việc các tổ chức xã hội dân sự không do nhà nước quản lý đã bị ngăn trở không cho gặp Tổng thống Obama khi ông ở Hà Nội. Một người nông dân mất đất thường xuyên lên tiếng chống đối sai phạm của chính quyền là bà Cấn Thị Thêu đã bị bắt.
Bản thân Tiến sĩ Nguyễn Quang A bị cơ quan an ninh mời làm việc hoặc cưỡng ép làm việc nhiều lần từ tháng Ba đến tháng Sáu.
Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, một gương mặt bất đồng chính kiến nổi tiếng từng nói với đài Á Châu Tự Do ngay sau khi ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được nước Mỹ đón tại Nhà Trắng rằng kể từ thời điểm đó giới bất đồng chính kiến ở Việt nam sẽ đối diện với sự đàn áp mạnh mẽ hơn.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng sau khi quan hệ Việt Mỹ nồng ấm hơn, chính quyền của đảng cộng sản đã trở nên tự tin hơn trong việc đàn áp những người bất đồng chính kiến.
“Chắc chắn là họ tự tin hơn. Trong cuộc viếng thăm của Obama vừa rồi, và những ý kiến rất xác đáng của ông ấy rằng chuyện của Việt Nam do người Việt Nam quyết định. Những người cộng sản Việt Nam đúng là đã cảm thấy tự tin hơn để đàn áp những người hoạt động nhân quyền và dân chủ. Và cái điều đấy được thể hiện một cách rất rõ rệt, có thể cảm nhận thấy từ sau đại hội của đảng cộng sản Việt Nam vừa qua.”
Ông Nguyễn Quang A nói thêm rằng mặc dù quan hệ nồng ấm Việt Mỹ là một phần trong nguyên nhân của tình trạng xuống cấp về nhân quyền như hiện nay, nhưng nguyên nhân chính vẫn là bản chất đàn áp của chế độ.
Trật tự mới
Đó là về mặt đối nội, còn trên phương diện đối ngoại, sau khi xích lại gần hơn với Hoa Kỳ sau những chuyến viếng thăm chính thức, nhất là sau khi lệnh cấm võ khí sát thương được dỡ bỏ, theo các nhà quan sát thì nhà nước Việt Nam phải có một cách tiếp cận mới. Qua chuyện tranh cãi về vai trò của ông Bob Kerrey, có ý kiến cho rằng Việt Nam đang bước vào một giai đoạn mới trong quan hệ với Mỹ, mà quan điểm về quan hệ đó chưa rõ ràng.
Những người cộng sản Việt Nam đúng là đã cảm thấy tự tin hơn để đàn áp những người hoạt động nhân quyền và dân chủ.
– Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Nhà báo Phạm Chí Dũng nhận xét:
“Tôi cho rằng đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam hiện nay không biết làm thế nào. Họ chuyển từ thái độ chính trị, đối ngoại đu dây trước đây giữa Trung Quốc và Mỹ, sang trạng thái không hẳn là đu dây nữa mà chưa biết làm thế nào để không phải đu dây.”
Ông Phạm Chí Dũng nói thêm là trạng thái mới này sẽ thay đổi để trở nên rõ ràng hơn khi mà Trung Quốc lấn ép Việt Nam hơn nữa trong tương lai.
Một nhà quan sát người Việt ở nước ngoài là Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm lại nói rằng thực ra từ trước đến nay mọi thái độ, chính sách của Việt nam đều nằm trong một tình cảnh không rõ ràng.
Một nhà báo Việt Nam cho chúng tôi biết rằng qua những cuộc phỏng vấn các quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời gian gần đây, thì tâm lý nghi ngại nước Mỹ vẫn còn lớn trong nhận thức của các quan chức này. Chứng minh cho tâm lý này là việc từ chối sự giúp đỡ của Hoa Kỳ ngay sau khi hiện tượng cá chết hàng loạt được phát hiện, và sau đó khi Đại sứ Mỹ tiết lộ việc này thì truyền thông Việt Nam cũng im lặng không trích dẫn.
Trong khi đó thì Tiến sĩ Nguyễn Quang A lại nhận xét rằng câu chuyện tranh cãi về ông Bob Kerrey là một dấu hiệu tốt cho thấy các ý kiến khác nhau được đưa ra tranh luận công khai.
Như vậy một giai đoạn mới vừa mở ra cho Việt Nam, có nhiều hứa hẹn cho sự thay đổi, nhưng cũng có thể còn nhiều lực cản trì kéo tiến trình thay đổi này.
K. H.
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/failed-vietnamese-media-n-new-balance-kh-06152016102634.html