Hồng Hải
Ông Nguyễn Hùng Long & Ngụ Ngôn Con Ếch Và Nồi Nước Sôi
Báo Dân Trí, ngày 13-6-2016, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) trấn an dân chúng:
“một người Việt Nam bình thường (nặng 50-55kg) ngày nào cũng ăn 2 lạng cá thì hàm lượng 0,037mg chất phenol trong 1kg cá nục vẫn là an toàn”.
Nghe quan nói thế, mọi người cũng hơi bị… an tâm.
Dẫu sao cũng xin kể ngụ ngôn Con Ếch Và Nồi Nước Sôi hầu bà con.
Kể rằng, con ếch bắt về bỏ ngay vào nồi nước sôi, nó sẽ nhảy bổ ra ngoài; còn nếu không nhanh chân, nó chịu ngoẻo. Ngược lại, ta cứ bỏ nó vào nồi nước lạnh, bắc lên lò lửa, cho nước ấm dần lên: 30 rồi 40 độ, thì chàng ếch ta cứ vô tư ngồi nghe tiếng lửa lách tách, thây kệ nước lên 45 rồi 50 độ. Đến khi hiểu ra, thì đã muộn…
Vâng, thì dân Việt Nam ta cứ theo phận chú ếch, mà ngồi. Chả sao cả đâu!
Dân trí Nếu một người Việt Nam bình thường (nặng 50 – 55kg) ngày nào cũng ăn 2 lạng cá này thì hàm lượng 0,037mg chất phenol trong 1kg cá nục vẫn là an toàn. Phenol cũng xuất hiện tự nhiên trong một số loại củ quả và xúc xích, gà rán.
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) chiều 13/6, trước những thông tin lo ngại Phenol có trong cá nục là độc, có thể gây hại cho sức khỏe con người.
Trước đó, Chi Cục An toàn thực phẩm Quảng Trị công bố 1 mẫu kiểm nghiệm cá nục có hàm lượng Phenol là 0,037mg/kg và đã có báo cáo lên Sở Y tế.
Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm khẳng định Phenol trong cá nục không gây hại cho sức khỏe. Ảnh: H.Hải
Trước lo lắng của người dân về việc Phenol có trong cá nục, ăn vào có độc, ông Long cho biết, Phenol là chất rắn không màu, màu trắng, có thể tạo dung dịch và Phenol có thể được tổng hợp hoặc tạo thành trong tự nhiên, có trong nước, không khí do chất thải công nghiệp chứa thải ra, ngay trong nước ngầm cũng có Phenol. Phenol được sử dụng phổ biến trong nhiều ngành công nghiệp.
“Đặc biệt, trong thực phẩm, Phenol hoàn toàn có mặt tự nhiên trong một số loại thực phẩm phổ biến. Theo đó, Phenol có thể tìm thấy trong xúc xích, thịt hun khói, ba chỉ rán, gà rán và một số loại trái cây như cà chua, táo lạc, chuối, cam, ca cao, nho đỏ, một số loại quả có màu sẫm đều sẵn có phenol, với hàm lượng khá cao”, ông Long nói.
Vì thế, con người có thể bị tiếp xúc với Phenol qua rất nhiều đường khác nhau qua không khí, đất, nước, trong môi trường làm việc sản xuất các nilong, nhựa… và ăn một số thực phẩm trên đều có thể có phenol.
Tuy nhiên, theo TS Long, các nghiên cứu hiện tại chưa có bằng chứng Phenol gây ra ung thư. Viện nghiên cứu ung thư quốc tế, cơ quan quản lý môi trường của Mỹ không xếp Phenol vào nhóm hóa chất gây ung thư ở người. Liều gây chết cho khoảng 50% sinh vật thử nghiệm ở trên loài ngặm nhấm là dùng Phenol ở ngưỡng 300 – 600mg/1kg thể trọng.
“Vì thế, trong tiêu chuẩn Codex (Việt Nam theo tiêu chuẩn này), người ta không đưa ra mức giới hạn của Phenol trong hải sản. Tại các nước, chưa một cơ quan, tổ chức nào quy định mức giới hạn của phenol trong hải sản. Duy chỉ có cơ quan quản lý thực phẩm của Châu Âu có nghiên cứu về lượng ăn vào hàng ngày của cơ thể người qua thực phẩm là 0,18microgam(0,00018mg)/1kg cân nặng của cơ thể (tức là nếu 1 người cân nặng 50kg thì sẽ có thể hấp thụ 9mcrogram, tương đương là 0.009mg) là an toàn. Tuy nhiên, họ cũng không đặt ra ngưỡng cảnh báo”, TS Long cho biết.
“Vì thế, với 1 mẫu cá nục tại Quảng Trị, phát hiện với hàm lượng 0,037mg/kg, nếu so sánh với ngưỡng mà Cơ quan Quản lý thực phẩm châu Âu nghiên cứu thì một người Việt có cân nặng khoảng 50 – 55kg ngày nào cũng ăn 200gram cá có chứa 0,037mg phenol/kg (tương đương nạp vào cơ thể 0.0074mg phenol) thì vẫn ở dưới ngưỡng này và không có ảnh hưởng đến sức khỏe”, TS Long khẳng định.
Hiện tại, Cục An toàn thực phẩm cũng đã chỉ đạo Chi cục An toàn thực phẩm Quảng trị lấy thêm 5 – 7 mẫu cá nục từ lô cá nục đã tìm ra Phenol để kiểm nghiệm chéo. Còn lô sản phẩm này hiện thời tạm niêm phong chưa lưu thông, khi nào có kết quả kiểm nghiệm nếu không cao hơn mức cơ quan quản lý thực phẩm Châu Âu thì có thể lưu thông.
Cũng theo ông Long, nhận định của Chi cục An toàn thực phẩm Quảng Trị có thể nói là hơi vội vàng. Đúng là nếu Phenol ở liều rất cao là độc, chứ không phải cứ hiện diện trong sản phẩm là gây độc. Vì thế, quan điểm của Cục Quản lý An toàn thực phẩm, trước các vấn đề có tác động sức khỏe chúng ta phải thận trọng, xem xét kỹ những yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, mức độ nào rồi mới công bố, tránh tác động tiêu cực đến nhà sản xuất, kinh doanh và gây hoang mang người tiêu dùng.
“Khi nhận được mẫu, chúng tôi sẽ giao Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm xét nghiệm chỉ khoảng 2 ngày sẽ có kết quả và sẽ công bố”, ông Long nói.
Nhận định về khả năng nguồn cá nục nhiễm Phenol, ông Long cho biết có thể có tự nhiên trong cá, nhiễm tự nhiên từ môi trường và Phenol chưa được đưa ra về giới hạn. “Nhưng nếu uống phải phenol có hàm lượng rất cao có thể phá hủy đường ruột, gây tử vong, phá hủy da.. . Tuy nhiên liều rất cao là bao nhiêu thì trong các tài liệu chuyên môn chúng tôi tham khảo họ không công bố”, ông Long nói.
H. H.