KS Nguyễn Sáng
Tôi phải viết bởi một nguy cơ đang lớn dần, nguy cơ sẽ giết hàng triệu người Việt Nam qua nạn đói, và chất độc… Bô xít Tây Nguyên hàm lượng ôxít nhôm trung bình là 50% như vậy cứ 1 tấn alumin được sản xuất thì sinh ra 1 tấn bùn đỏ. Hai dự án bô xít là Nhân Cơ và Tân Rai, mỗi dự án có hai hồ chứa bùn đỏ mỗi hồ có dung tích một triệu tấn, trong đó công suất của Tân Rai 650.000 tấn/năm và Nhân Cơ lên 600.000 tấn/năm. Như vậy chỉ ba năm là các hồ chứa bùn đỏ sẽ đầy, nguy cơ phát tán ra môi trường là rất lớn. Và để càng lâu thì quả bom sẽ càng nguy hiểm…
Sự điện ly của nước – pH – kiềm và axit
Bạn có thể không cần đọc qua phần này nếu ghét hóa.
Kiềm là nhưng hợp chất tan trong nước và phân ly ra ion OH-. Axit thì ngược lại nó cũng hòa tan trong nước nhưng lại phân ly ra ion H+ hay chính xác hơn là H3O+. Tích số nồng độ 2 loại ion này trong nước luôn là một hằng số:
[H+] . [OH-] = 10-14
Nếu là nước tinh khiết thì nồng độ là:
[H+] = [OH-] = [H+] . [OH-] = 10-7
pH chính là đối số của logarit thập phân nồng độ ion H+ trong nước:
pH = – lg [H+]
pH của nước tinh khiết là 7, nếu nước nhiễm kiềm thì sẽ pH vào khoảng 7-14 ngược lại pH 0-7 là nước nhiễm axit.
Kiềm hóa nguồn nước là hiện tượng mà số pH của nước gia tăng.
Sự đe dọa kiềm hóa tới thực vật và nông nghiệp
Thực vật xuất hiện trên trái đất từ rất sớm trải qua hàng triệu năm tiến hóa và thích nghi theo môi trường. Các loại thực vật ven biển như ở rừng ngập mặn (đước, sú, vẹt, mắm, bần, dà) thường chịu được trị số pH cao từ 7.5 – 8.5. Điều này là do thích ứng với môi trường nước biển với trị số pH 8.1 ± 0.2. Nước sông thường có độ pH = 7, điều này khiến cho các thực vật ven sông thích ứng với độ pH 7 ± 0.5.
Nước mưa có độ pH nhỏ hơn 6 một chút, đơn giản là do nó hấp thụ điôxít cacbon trong khí quyển, nó bị điện ly một phần trong nước, tạo ra axit cacbonic. Ở một số sa mạc, các luồng không khí vận chuyển cả cacbonat canxi lên không trung, do đó nước mưa ở đây có thể là có pH bằng hoặc cao hơn 7, nhưng trong bài này tôi chỉ nói đến Việt Nam, chứ không phải là một quốc gia Tây Á hay Châu Phi. Nhìn chung các loại cây trồng thích ứng với nước mưa đều chịu đựng trong ngưỡng pH thấp hơn 7.
Dưới đây tôi đưa ra bảng phạm vi pH của một số loại cây trồng. Và có đánh đậm những cây trồng quan trọng của người nông dân Việt Nam. [1]
Cây trồng | Phạm vi pH | Cây trồng | Phạm vi pH |
Lúa nước | 5,5-6,5 | Khoai lang | 5,5-6,8 |
Bắp | 5,7-7,5 | Cây hồ tiêu | 5,0 -6,5 |
Rau ăn lá | 6,0-7,0 | Cây cà phê | 5,5 – 6,5 |
Rau ăn quả | 5,5-7,0 | Cây chè | 4,0 – 5,5 |
Rau ăn củ | 5,8-7,0 | Các loại đậu | 5,5-7,0 |
Rau gia vị | 5,5-7,0 | Cây ăn trái | 5,0-7,0 |
Khoai tây | 5,0-6,0 | Cây hoa | 5,5-7,0 |
Các loài cây vốn đã thích nghi với một khoảng pH cố định, nếu môi trường sống của nó và cụ thể là nguồn nước cung cấp bị thay đổi về trị số pH thì cây trồng sẽ yếu đi dân đến phát triển chậm và dễ nhiễm bệnh hơn, hoặc sẽ bị chết nếu độ pH thay đổi mạnh.
Hiện trạng kiềm hóa nguồn nước trong lúc này
Như đã nói ở trên kiềm hóa nguồn nước là hiện tượng mà số pH của nước gia tăng. Nước thải từ các nhà máy công nghiệp của chúng ta thường được xử lý một cách qua loa mà không đạt tiêu chuẩn dẫn đến việc kiềm hóa các con sông. Mặt khác do hạn hán và sự chặn dòng sông Mê Kông khiến cho lưu lượng nước giảm mạnh dẫn tới nồng độ kiềm càng tăng đặc biệt là vào mùa khô.
Theo sự hiểu biết của tôi thì trong mấy năm gần đây các các con sông của Việt Nam thì đều có độ pH trung bình vào 7.2-7.4 vào mùa mưa, và mùa khô thì trung bình vào khoảng 7.5-7.7, đặc biệt tại một số con sông có khi pH đạt tới 8.2. Điều đó cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều thảm thực vật ven sông Việt Nam bị phá hủy.
Bùn đỏ – quả bom kiềm
Bùn đỏ alumin, tôi thêm alumin là để phân biệt với bùn đỏ titan vì hai loại bùn này khác nhau về thành phần cũng như tác hại. Tôi sẽ có một bài khác để nói riêng về bùn đỏ titan, trong phạm vi bài này tôi dùng bùn đỏ là để chỉ bùn đỏ alumin.
Bùn đỏ được tạo ra do quá trình sản xuất nhôm bằng công nghệ Bayer, công nghệ này có ba công đoạn: 1 hòa tách, 2 kết tủa, 3 nung, và giai đoạn hòa tách chính là giai đoạn thải ra bùn đỏ. Tại công đoạn này thì quặng bô-xít sau khi làm giàu được nghiền nhỏ trộn với xút (NaOH) trong thùng chứa nhiệt độ cộng với áp suất cao.
Ở nhiệt độ và áp suất cao, nhôm hidroxit hòa tan trong xút thành aluminat natri – NaAl(OH)4 nổi lên trên [đúng ra: dạng dung dịch – BVN]. Các thành phần không tan như ô xít sắt, ô xít titan, ô xít silic, các tạp chất khác thì lắng xuống và thải qua đáy thùng cùng với một lượng xút (NaOH), aluminat natri dư. Hợp chất ấy là bùn đỏ.
Các kim loại nặng trong bùn đỏ thì không nhiều chỉ gấp khoảng 7 lần của đất thường. Nhưng nguy hiểm là ở chỗ natri ôxít phản ứng với nước và [natri hydroxit – BVN] phân li ra ion OH điều này khiến cho bùn đỏ có tính pH rất cao vào khoảng >12.5. Theo ông Nguyễn Hoài Anh Trưởng phòng TN-MT huyện Bảo Lâm thì sau sự cố Tân Rai khi xét nghiệm nước cống được kết quả pH 12.6.
Đối với mỏ bô xít Tây Nguyên hàm lượng ôxít nhôm trung bình là 50% như vậy cứ 1 tấn alumin được sản xuất thì sinh ra 1 tấn bùn đỏ. Hai dự án bô xít là Nhân Cơ và Tân Rai, mỗi dự án có 2 hồ chứa bùn đỏ mỗi hồ có dung tích một triệu tấn, Trong đó công suất của Tân Rai 650.000 tấn/năm và Nhân Cơ lên 600.000 tấn/năm. Như vậy chỉ ba năm là các hồ chứa bùn đỏ sẽ đầy, và để càng lâu thì quả bom sẽ càng lớn.
Nền nông nghiệp từ dặt dẹo sang ẹo tử, khi siêu bom kiềm nổ
Nền nông nghiệp dặt dẹo. Sự quy hoạch đất đai bừa bãi ở cả đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ làm mất một diện tích lớn đất nông nghiệp. Không chỉ thế có những loại đất rất quý cho nông nghiệp mà GS.TS. Nguyễn Lân Dũng gọi là “đất có cấu tượng”. Loại đất này có các hạt cấu tạo không nhỏ như đất sét và không to như như đất cát, để có thể giữ được chất dinh dưỡng cùng với nước. Và thời gian hình thành loại đât này phải mất vài trăm năm.
Mặt khác sự khống chế dòng Mê Kông từ phía Trung Hoa, bằng việc xây dựng thủy điện họ đã chặn một loạt đập nước gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới lưu lượng nước, gây ra hạn hán tại khu vực hạ lưu. Nên nền nông nghiệp của chúng ta hết sức dặt dẹo, giờ thì ẹo tử sẽ xảy ra khi siêu bom kiềm nổ.
Nhà văn Nguyên Ngọc viết:
“Tây Nguyên, như ai cũng biết, là nóc nhà của Đông Dương. Và chỉ có nước từ nóc nhà Tây Nguyên đổ xuống các vùng chung quanh, chứ không có nước nào chảy ngược lên được nóc nhà Tây Nguyên. Một trong những đặc điểm của địa hình Tây Nguyên, là đường phân thủy trên cao nguyên rộng lớn này nằm xế hẳn về phía Đông, tức sườn Tây Trường Sơn rộng hơn hẳn sườn Đông Trường Sơn, có nơi gấp ba, bốn lần. Cũng tức là nước từ Tây Nguyên đổ về các sông ở miền Nam Trung bộ (như Thu Bồn, Trà Khúc, Đà Rằng…) ít hơn hẳn nước đổ về phía Tây, về sông Mê Kông, để từ đó đổ về Nam Bộ. Cũng có thể nói, nước của Tiền Giang, Hậu Giang, nước ở Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau… cũng là nước Tây Nguyên…” (Bạn có biết sông Sêrêpok không chảy ra biển mà chảy vào Biển Hồ của Campuchia rồi lại về Mê Kông?)
Nếu quả bom này nổ thì không chỉ là Tây Nguyên ảnh hưởng nguồn nước kiềm này sẽ lan xuống Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, dọc đường đi nó sẽ giết toàn bộ thực thực vật ven sông. Khi đến Nam Bộ thì sẽ giết các cánh đồng lúa và cây ăn trái vốn quen với pH thấp, và đặt dấu chấm hết cho ngành trồng trọt phía Nam. Rồi lúa sẽ không còn trồng được dẫn đến khủng hoảng lương thực như tại Venezuela.
Nhưng Nam Bộ may mắn hơn Tây Nguyên là họ có thể chuyển sang nuôi thủy hải sản ngay vì những loài này có thể chịu được pH kiềm vào khoảng 7.5-8.5 [2], và chỉ trong một năm là thu hoạch.
Trong khi đó Tây Nguyên với các loại cây cà phê, cây hồ tiêu, cây điều và cả cao su có phạm vi pH từ 5- 6.5 đều là ưa nước axit thì sẽ được tưới bằng nước kiềm. Các loại cây này sẽ chết dần chết mòn [3]. Các loại cây này đều không phải là trồng thì được thu hoạch ngay mà nó là những loại cây lâu năm. Thời gian từ lúc trồng đến khi thu hoạch của các cây công nghiệp trên như sau: cà phê và hồ tiêu là 3-4 năm, cao su và điều là 5-6 năm. Những người dân Tây Nguyên sẽ bị phá sản trong một năm và không thể phục hồi ngay lại được. Và các nông dân sẽ trở nên giống với ngư dân miền Trung trong một tương lai không xa khi các đường ống bùn đỏ đã bị lão hóa. [4]
Kiềm hóa không khí và sức khỏe con người
Máu của của người có pH tầm 7.40 ± 0.05 và dao động khác nhau với mỗi cơ quan. Theo quy chuẩn nước sạch thì có thể uống nước có nồng độ pH 6,5-8,5. Khi thấy các thông số này bạn sẽ an tâm hơn một chút. Hãy cứ yên tâm nếu bạn ở Nam Bộ nơi chỉ có nguồn nước bị kiềm hóa. Cùng lắm là khi lọc nước kiềm với pH > 8,5 nếu trong nước có hợp chất hữu cơ thì dễ tạo thành hợp chất trihalomethane gây ung thư. Nhưng bạn vẫn sẽ sống lâu.
Vì bạn uống nước qua dạ dày thì nó sẽ được trung hòa bằng axit clohydric nên không sao. Nhưng vấn đề là ở không khí, nếu bùn đỏ phát tán ra ngoài dưới dạng lỏng và khô lại, theo gió lốc cuốn lên nó sẽ phát tán khắp Tây Nguyên. Và khi hít phải bụi bùn đỏ khô có tính kiềm mạnh phổi bạn có thể bị bỏng kiềm nếu như hít quá nhiều. Còn không về lâu dài nó sẽ khiến bạn mất cân bằng toan kiềm khi vượt ngưỡng chịu đựng của các hệ đệm protein, cacbonat… như vậy sẽ rất nguy hiểm.
Xin hãy đóng cửa ngay bô xít Tây Nguyên vì người dân cả nước.
Đà Nẵng, ngày 1 tháng 6 năm 2016
N.S.
___________
Chú thích:
[1] http://dolomitengocchau.com/tai-lieu-ky-thuat/128-ph-dat-va-cay-trong.html
[2] http://moitruongtoanphat.com.vn/tai-lieu/anh-huong-cua-do-ph-trong-nuoc-va-cach-dieu-chinh-do-ph
[3] http://www.tintaynguyen.com/bat-an-sau-su-co-vo-ong-dan-nuoc-co-chua-xut-tai-to-hop-bauxit/132575/
[4] http://baodatviet.vn/khoa-hoc/quan-diem/buc-duong-ong-bauxite-tan-rai-he-qua-cong-nghe-trung-quoc-3300338/
Nguồn: https://www.danluan.org/tin-tuc/20160602/kiem-hoa-moi-truong-hiem-hoa-khon-luong-tu-bun-do