Rick Newman, Yahoo Finance ngày 7/6/2016
Trần Ngọc Cư dịch
“Cách đây không lâu, Clinton là người ủng hộ tự do mậu dịch mạnh nhất và cũng là người ủng hộ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bây giờ bà lại tuyên bố chống TPP, một điều mà người ta có thể hiểu lý do tại sao, nếu nhìn vào hậu thuẫn Sanders nhận được từ cử tri của mình do việc ông chống các hiệp định tự do mậu dịch.”
– Rick Newman
Bernie Sanders đã thua. Dù ông có hứa hẹn tiếp tục chiến đấu gan góc đến thế mấy đi nữa, địch thủ Hillary Clinton cũng đã nâng số đại biểu của mình vượt quá con số cần thiết để trở thành đề cử viên tổng thống [nominee for president] của Đảng Dân chủ. Nhưng Sanders, ban đầu bị chế riễu là một ứng viên bên lề, đã tác động mạnh lên cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, một ảnh hưởng sẽ kéo dài đến hết tháng Mười Một và có lẽ vượt quá thời điểm đó.
Sanders chứng tỏ rằng một cuộc vận động tranh cử đặt cơ sở trên sự phẫn nộ thực sự của dân chúng về khoảng cách giàu-nghèo ngày càng lớn tại Mỹ có thể thu hút hàng triệu người ủng hộ mà không cần đến một đồng xu đóng góp từ các tập đoàn kinh tế. Sanders thắng 23 cuộc bầu cử sơ bộ tại các bang. Điều quan trọng hơn hết có lẽ là, ông đã giúp xác định những vấn đề thiết thân nhất của khối cử tri đang chán ngán chế độ, buộc Clinton phải thay đổi lập trường trên một số vấn đề. Đây là bốn lãnh vực mà Sanders có tác động mạnh mẽ nhất:
Thương mại. Sanders muốn tháo gỡ các hiệp định tự do mậu dịch như NAFTA, tranh luận rằng những hiệp định này đã đẩy đồng lương người Mỹ xuống thấp và hủy hoại công ăn việc làm tại Hoa Kỳ. Cách đây không lâu, Clinton là người ủng hộ tự do mậu dịch mạnh nhất và cũng là người ủng hộ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bây giờ bà lại tuyên bố chống TPP, một điều mà người ta có thể hiểu lý do tại sao, nếu nhìn vào hậu thuẫn Sanders nhận được từ cử tri của mình do việc ông chống các hiệp định tự do mậu dịch. Điều này có thể thật sự ảnh hưởng lên nền kinh tế Mỹ nếu vị tổng thống tiếp theo nói chung là một người chống lại các hiệp định tự do mậu dịch, tương phản với chính sách kinh tế của tất cả các tổng thống Mỹ chí ít kể từ thập niên 1960.
Bất bình đẳng lợi tức. Sanders đưa ra một thông điệp gay gắt liên quan đến mọi tình huống trong đó người dân bình thường đang bị đối xử bất công hiện nay – và cử tri nhiệt liệt bày tỏ sự đồng tình. Đặc biệt cử tri trẻ. Donald Trump cũng đưa ra một thông điệp tương tự, nhưng gần như nó đặc biệt nhận được sự hưởng ứng của giới đàn ông [da trắng] lớn tuổi hơn đang cảm thấy bị tước đoạt các quyền lợi kinh tế. Sanders cho thấy rằng nhiều người trẻ đang cảm nhận các nỗ lo lắng tương tự, và những người này đang rơi vào tầm ngắm của Clinton. Câu hỏi hiển nhiên là, liệu Clinton có đủ sức thu hút hay không để được họ quan tâm theo cung cách Sanders đã chiếm được cảm tình của họ trong các cuộc bầu cử sơ bộ.
Các đại ngân hàng. Kế hoạch “đánh vỡ các ngân hàng” của Sanders có phần thiếu mạch lạc, vì ông không bao giờ giải thích chính xác là ông sẽ biến các ngân hàng lớn thành các ngân hàng nhỏ bằng cách nào. Và một số nhà phân tích cho rằng các luật lệ mới dành cho các định chế tài chính đủ nghiêm khắc để các ngân hàng quá-lớn-không-thể-suy-sụp (too-big-to-fail banks) thậm chí không còn là vấn đề. Tuy nhiên, bằng cách đả kích dữ dội các ngân hàng này, Sanders cho thấy rằng nhiều người Mỹ vẫn cố tìm kiếm một kẻ thù để đổ lỗi về viễn tượng nghề nghiệp và phẩm chất cuộc sống đang xuống dốc của mình. Thông điệp dành cho Clinton là: các thân hữu của bà trên Wall Street vẫn là những persona non grata [những người không được chấp nhận] trong phần lớn xã hội Mỹ.
Những vấn đề không gây được âm hưởng. Trên con đường vận động của mình, Sanders đã thử nghiệm nhiều chủ đề, nhưng một số chủ đề không thật sự gây được âm hưởng, như chương trình “Bảo hiểm y tế cho mọi người”, miễn học phí đại học cho mọi người, và mạnh tay tăng thuế để có tiền chi phí cho những quyền lợi mới mà ông kêu gọi. Điều này cho thấy rằng dân Mỹ vẫn còn hoài nghi một chính phủ bao biện và nói chung là chống tăng thuế, như vậy Clinton vẫn có đủ không gian để chuyển động trở lại vị trí trung dung trên các vấn đề kinh tế. Tuy nhiên, để giành được ghế tổng thống, ít ra bà phải thu hút một số nhiệt tình viên được kích động của Sanders.
R. N.
Sách mới nhất của Rick Newman là cuốn Liberty For All: A Manifesto for Reclaiming Financial and Political Freedom (Tự do cho tất cả: Tuyên ngôn giành lại tự do tình chính và chính trị).
Dịch giả gửi BVN.