Gần gũi với trẻ trong vấn đề Biển Đảo

Một năm trước tôi đã có dịp đến Trung Quốc. Tôi đi với mục đích du lịch thôi, nhưng cũng dùng cơ hội đó để quan sát sự phát triển của nước bạn ra sao. Lúc đó, Trung Quốc vừa tổ chức thành công Olympic mùa hè, và đang bắt đầu trang trí các băng rôn khẩu hiệu cho Thượng Hải Expo 2010. Những hình ảnh quảng cáo rất ngộ nghĩnh và khá gần gũi với giới trẻ. Những khẩu hiệu ngắn gọn và trẻ trung như “Better City, Better Life” được treo đầy trên phố. Tôi không còn nhìn thấy nước Trung Quốc xã hội chủ nghĩa với những biểu ngữ đa phần mang tính nghiêm trọng và màu sắc chính trị, hay những chữ vàng viết trên nền đỏ nữa. Trung Quốc dường như trẻ trung hơn, và hiện đại hơn trước nhiều.

Gần đây, nhiều sinh viên nước ta đã tỏ ý quan tâm đến các vấn đề biển đảo cũng như thời sự trong nước. Tuy vậy ta vẫn phải thừa nhận rằng kiến thức của họ về các vấn đề đó vẫn còn yếu. Thiết nghĩ, thế hệ này sẽ trở thành trụ cột cho Việt Nam trong tương lai, việc bổ sung cho họ những hiểu biết có chọn

lọc là một điều rất cần thiết. Một lần tôi có đọc về một bài báo khen và chê thế hệ 9x mà chỉ thấy buồn cười. Vì được tiếp xúc với kỹ nghệ, 9x rất mau lẹ trong việc học hỏi và thu thập các thông tin có cập nhật trên thế giới. Thời trang và âm nhạc là những gì họ quan tâm. Và bản thân tôi thật sự rất khâm phục nhiều bạn trẻ 9X đã có những mẫu thời trang, tranh vẽ digital, hoặc các kiểu nhảy rất hay được khen ngợi trên Youtube hoặc các trang mạng xã hội khác. Họ sôi động và sáng tạo trong việc thể hiện cái tôi của mình (và dân chủ, tự do cũng

phát triển từ cá tính muốn thể hiện đó). Tuy vậy, họ lại xem việc thời sự và các vấn đề nghị luận xã hội là cái gì đó xa xôi hoặc là công việc của người lớn mà họ thấy không cần thiết phải nghĩ tới.

Có lẽ nhiều người trong chúng ta đã cho rằng vì 9x còn quá trẻ, non nớt và ham vui nên không màng đến những tin tức loại hệ trọng ấy chăng? Nên nhớ rằng số đông trong họ đã là những người trưởng thành. Thậm chí họ đã có khả năng kinh doanh và tự lập về tài chính. Họ không quá trẻ và không non nớt đâu.

Thay vì chê trách sự lơ là của thế hệ trẻ về những vấn đề trọng đại của đất nước, ta nên nhận thức rằng ta đã khá lạc hậu

so với họ. Thay vì cho rằng họ chỉ chuộng hàng Tây hàng Tàu, thì hãy hiểu rằng ta đã trở nên già nua và nhàm chán. Nếu như nhìn thấy những gì mà Trung Quốc làm để trở nên gần gũi hơn với giới trẻ của họ, thì những việc ta làm trong việc truyền đạt niềm hăng say tìm hiểu các vấn đề xã hội cho giới trẻ của ta vậy là còn rất yếu kém.

Tôi có thể nói rằng người trẻ ở ta và người trẻ ở Tây hay Tàu đều có khả năng bộc lộ và chia sẻ suy nghĩ như nhau. Khả năng sáng tạo, tư duy của họ so với thế hệ trẻ nước ngoài không hề thua kém. Do vậy, tốt nhất là hãy để họ tự do phát triển ý tưởng theo những gì mà họ nhìn thấy ở xã hội bên ngoài, và từ đó họ sẽ hướng cái xã hội của chính họ

(hay cũng là xã hội tương lai của ta) theo quá trình chọn lọc của họ. Nhưng có thể làm được việc này không? Vấn đề cốt lõi là các bậc cha chú, và hơn thế nữa, thể chế của chúng ta có đủ bản lĩnh để tin vào giới trẻ hay không.

Người ta vẫn nói đến sự phân chia giàu nghèo trong xã hội, hay sự khác biệt giữa nông thôn và thành thị ở trong nước. Nhưng tôi thấy ở đây còn có một sự phân cách lớn khác, giữa thế hệ và thế hệ, giữa người lớn và trẻ con. Truyền đạt những chuyện nóng hổi về biển đảo cho giới trẻ là cần thiết, nhưng phải truyền đạt thế nào cho họ nghe và thẩm thấu được. Hãy theo phong cách của họ, gần gũi với họ, và cho họ thấy rằng ý kiến của họ được lắng nghe và quan tâm, thì sẽ có một ngày họ bớt thời gian xem nhạc k-pop Hàn Quốc của họ để

tìm hiểu xem đất nước họ đang mạnh ở những gì và yếu ở những gì, từ đó họ sẽ hướng trọng tâm suy nghĩ của thế hệ mình vào việc bổ cứu cái yếu phát huy cái mạnh cho đất nước. Có thế chúng ta mới có cơ sở bảo hiểm cho niềm tin chắc chắn rằng nước mình sẽ trường tồn chứ không thể mất.

NBV

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

This entry was posted in Hoàng Sa, Trường Sa and tagged . Bookmark the permalink.