Trần Quí Cao
Dòng thế cuộc hơn nửa thế kỷ nay cho thấy mỗi lần nước Việt Nam có cơ hội hòa binh, ổn định và phát triển về hướng văn minh giàu mạnh là xuất hiện những cản trở. Những cản trở ấy, suy xét kỹ, lại có cùng điểm xuất phát: quốc gia ngàn năm không thôi dã tâm chiếm nước Việt!
Sau chiến tranh Pháp Việt, năm 1954, nước Việt bị chia đôi bởi hiệp định Genève, tạm hình thành hai nước theo hai thể chế khác nhau. Miền Nam theo thể chế dân chủ tự do kiểu các nước Hoa Kỳ và Tây Âu, miền Bắc theo thể chế chuyên chính cộng sản chủ nghĩa theo kiểu các nước Cộng sản Liên Xô, Trung Quốc và Đông Âu. Thời đó chính thể cộng sản chưa bộc lộ các điểm yếu chết người của nó như những năm 1989-1990 lúc nó bị Liên Xô và các nước Đông Âu vứt bỏ.
Việt Nam nằm đúng trong thời cơ có dịp thử nghiệm hai kiểu thể chế khác nhau, và tận dụng thời cơ được ủng hộ bởi hai khối Tự do (ủng hộ Miền Nam) và Cộng sản (ủng hộ Miền Bắc) để phát triển đất nước và dân tộc trong hòa bình! Viễn cảnh Tổ quốc hùng mạnh hiện rõ trước mắt thì ai đã xúi giục và đổ vũ khí cho Miền Bắc động viên trai tráng kéo binh vào Miền Nam? “Hai mươi năm nội chiến từng ngày” phá tan nát gian san. Kẻ châm dầu vào cuộc chiến lợi dụng lúc hai nửa nước Việt đánh nhau, tiến quân chiếm một số đảo của Việt Nam, với sự đồng ý của một nửa nước Miền Bắc!
Hòa bình lập lại, đất nước càng điêu tàn bởi các chính sách sai lầm gây thù trong, giặc ngoài. Mười một năm sau đó, chính sách Đổi Mới, dù chưa triệt để, cũng nâng cao được nội lực Tổ quốc. Thời cơ đổi mới triệt để hơn những năm 1989-1990 để đưa đất nước vào thế giới Tự do đã bị đánh mất bởi Hội nghị Thành Đô!
Cuối thế kỷ trước, Việt Nam có cơ hội vào WTO. Ai cũng biết Trung Quốc đã ngăn chặn Việt Nam lấy thời cơ lúc đó, và Việt Nam chỉ gia nhập WTO năm 2007, sau Trung Quốc và lỡ thời cơ phát triển!
Bang giao Việt Nam – Hoa Kỳ luôn là cái gai trong con mắt Trung Quốc. Trung Quốc luôn can thiệp vào công việc ngoại giao của Việt Nam một cách không cần giấu diếm. Trước khi một lãnh tụ Việt Nam (cộng sản) công du Hoa Kỳ, thế nào vị ấy cũng phải lãnh chỉ dụ Thiên triều (Trung Cộng). Hoặc sang chầu mẫu quốc, hoặc thiên sứ bay sang.
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama gần đây cũng vậy. Cuối năm ngoái, trước chuyến đi được đồn đoán của ông Obama, ông Tập Cận Bình bay sang truyền chiếu chỉ và phủ dụ cả tứ trụ. Từ đó đến tháng 5 năm nay là một loạt các nhân vật cao cấp Trung Quốc sang Việt Nam trong khi các hành động chiếm biển đảo của Việt Nam vẫn được Trung Quốc dồn dập đẩy mạnh.
Ông Obama đến Việt Nam nửa sau tháng 5/2016, người ra đón ông tại chân cầu thang máy bay là Thứ trưởng Ngoại giao! Nhưng việc dân chúng nô nức như trẩy hội chào đón vị Tổng thống Hoa Kỳ mới thực là ngoài tưởng tượng của chính quyền Hà Nội. Ông Obama tuyên bố gỡ bỏ hoàn toàn việc cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Và sau đó lễ ra mắt Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) được tổ chức trọng thể tại TP.HCM.
Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) là một dự án dài hơi trong lãnh vực giáo dục, hứa hẹn đem tới Việt Nam môi trường giáo dục tiến bộ và khai phóng của Hoa Kỳ. Việc này mở ra cơ hội để Việt Nam đưa dần xã hội của mình rộng mở hơn, dân chủ hơn, gần gũi hơn với các giá trị văn minh thời đại.
Trong khi dân chúng Việt Nam trông chờ sự thành công của dự án, thì các thế lực thù ghét bang giao Việt – Mỹ đánh hơi thấy dự án này cần được đánh phá. Trong khi dự án đề cử ông Kerrey, một nhân vật có rất nhiều uy tín tại Mỹ, có kinh nghiệm lãnh đạo nền giáo dục khai phóng, đã tâm huyết góp phần lớn dựng nên dự án này, nghĩa là người có nhiều khả năng đưa dựa án lớn mạnh và thành công, vào vị trí Chủ tịch Hội đồng Tín thác, thì các hận thù thời chiến tranh được lôi ra để ngăn cản sự bổ nhiệm!
Ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP.HCM, tuyên bố trên báo Tuổi trẻ ủng hộ ông Kerrey ở vị trí này vì rất có ích lợi cho đất nước. Bài báo Tuổi trẻ bị gỡ xuống. Và bài viết tiếp theo của bà Tôn Nữ Thị Ninh bài xích ông Kerrey một cách hằn học hơn, lại được đăng lên!
Nhân vật nào có đủ quyền lực gỡ bài của ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM? Thế lực nào đủ mạnh để buộc nhân vật đó làm điều này?
Không biết ý đồ bên trong của bà Tôn Nữ Thị Ninh là gì, nhưng các bài viết, các tuyên bố của bà rất thuận chiều với ý muốn của thế lực đó.
Trước năm 1975, bà Năm Chơn, vợ ông Trần Bạch Đằng, bị bắt giam. Bà viết hai câu thơ nhắn chồng:
Giữa ngàn thác lũ nghiêng trời đất
Mà cánh đào kia vẫn ngược dòng!
Cánh đào Tôn Nữ Thị Ninh lại rất thuận dòng với những thế lực luôn cản trở nước Việt Nam bước chân về hướng văn minh và giàu mạnh. Xin bà Ninh cân nhắc thử xem có đồng ý chút nào với nhận xét của tôi về thế lực đó không?
T.Q.C.
Tác giả gửi BVN.