Nếu truy xét, hãy truy xét người đã làm ra cuộc chiến tranh này!

Đặng Huỳnh Lộc
Liên quan đến chuyện vị trí “Chủ tịch Hội đồng Uỷ/Tín thác FUV” của ông Bob Kerrey, mình đã đọc khá nhiều bài và các tút trên FB. Nhưng mình chú ý nhất 4 ý kiến của 4 người:
– 2 tút trên báo lề dân (Facebook) của 2 nhà báo rất có tiếng cùng quê (chỉ chênh nhau 1 thế hệ học trò): Truong Huy San (Osin Huy Đức) và Nguyễn Đức Hiển Hiển Đức Nguyen (Bố Cu Bi);
– 2 bài trên báo lề đảng của 2 cựu quan chức cũng nổi tiếng: GS. Nguyễn Minh Thuyết và Đại sứ Tôn Nữ Thị Ninh,…
4 người là đại diện điển hình cho 2 giới: truyền thông và công chức chính quyền; họ ít nhiều có vai trò ảnh hưởng đến thế hệ trẻ…
Người Việt Nam thuộc các thế hệ mà 4 vị này đại diện, ai chẳng trải qua những cái chết và mất mát do chiến tranh của anh em, bạn bè, dòng họ.
Trong 4 người anh Huy Đức từng có điều kiện để tìm hiểu sâu một trong những cuộc (tự) diệt chủng (gennocide) lớn nhất hành tinh thế kỷ 20, ở Cambodia…
Nhưng cả 4 ý kiến này, minh không thấy ai “truy” căn nguyên chính của các tội ác xảy ra trong cuộc chiến Việt Nam.
Hôm nay, đọc được ý kiến của một NGƯỜI TRONG CUỘC(*), bác Đặng Huỳnh Lộc, với câu: “Nếu truy xét, hãy truy xét người đã làm ra cuộc chiến tranh này. Một cuộc chiến nồi da xáo thịt, hai bên đều được giúp sức bởi ngoại bang. Người lính không có sự chọn lựa….”.
Hoá ra những người lính từng đối mặt với sự lựa chọn sinh tử trong cuộc chiến lại là người có góc nhìn bao dung và hướng tới tương lai nhất!
Suy cho cùng, tất cả chúng ta đều là nạn nhân cho đến hôm nay.
Và như Nhà thơ Nguyễn Duy viết: “Trong các cuộc chiến tranh, bên nào thắng thì người thua cuộc vẫn là nhân dân”.
(cuộc chiến truyền thông liên quan đến ông Bob Kerrey, cũng như thế!)
______
(*) “Người trong cuộc” là người đã từng tham gia cuộc chiến đối diện với bên kia và có nguy cơ bị diệt.
Hào Song Trần

Tôi là người lính từng đối đầu với nhiều đơn vị tác chiến Mỹ, nhiều đơn vị có Mỹ làm cố vấn… Ba tôi hy hy sinh trong chiến tranh, bà Nội ngã gục bên mâm cơm vì một mảnh đạn pháo của Mỹ, thân tộc tôi gần 50 người ngã xuống vì vũ khí của đế quốc… Mỹ, bản thân tôi cũng đã từng đổ máu cho cuộc chiến tranh này. Nhưng chiến tranh đã đi qua hơn nửa đời người. Khi ấy nếu là người lính thì anh, tôi hay bất kỳ ai cũng phải làm tròn sứ mạng người lính.

Nếu truy xét, hãy truy xét người đã làm ra cuộc chiến tranh này. Một cuộc chiến nồi da xáo thịt, hai bên đều được giúp sức bởi ngoại bang. Người lính không có sự chọn lựa. Kẻ may mắn theo “bên thắng cuộc”. Tôi biết có người lính từng phất cờ quét sạch gần Trung đoàn 32 thuộc Sư đoàn 21. Bạn có biết gần một trung đoàn được cơ cấu cơ hữu hoàn chỉnh cả D hậu cần, D công binh, 3 D tác chiến… là bao nhiêu người không? Chẳng lẽ người lính đã giết người hàng loạt không phải là sát nhân? Vâng. Đúng. Không phải! Trong chiến tranh, đứng phía bên này xem đó là thành tích, là anh dũng; đứng phía bên kia đó là tội ác, là sát nhân…
Tôi hiểu. Không phải bỗng dưng kẻ nhận tội chọn lựa nơi mình từng thực hiện hành vi phạm tội để làm một việc gì đó có ích. Ông ta có quyền chọn lựa một nơi khác, thậm chí là không làm gì như một người đã giết người hàng loạt mà tôi biết giờ cũng không làm gì, là kẻ vô công rồi nghề.
Đ.H.L.
This entry was posted in Sử Liệu. Bookmark the permalink.