Thời điểm của những bước đột phá (Mênh mông thế sự 38)

Tương Lai

Bước đột phá, đúng vậy. Nhưng không còn là và cũng không thể là bước đi hàng một, “theo lối đi rừng, người đi sau giẫm lên dấu chân của người đi trước, mắt mở mà không trông, tai lắng mà không nghe” chỉ lầm lũi theo người đi đầu như thuở nào cách nay quá nửa thế kỷ mà nhà văn Trần Đăng miêu tả để biểu tỏ một thái độ, một tâm thế.

Cách nghĩ đơn giản của một thời từng được rao giảng “Bác bảo đi là đi, Bác bảo thắng là thắng” được xem như là một cách thế sống của người cầm súng, rồi loang ra, thấm vào tim óc của cả một lớp người “đã được giác ngộ lý tưởng”! Trừ một số rất hiếm hoi kiểu như Nguyễn Hữu Đang để rồi bị đày đọa như một con thú bị tách ra khỏi đồng loại, còn số đông hăm hở dấn thân với một tâm thế hào hùng rằng mình đang là người đi tiên phong trong sự nhiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người.

Thế rồi vào một ngày đẹp trời nào đó người ta bỗng sững ra với suy ngẫm “đi theo lối đi rừng, mắt mở mà không trông, tai lắng mà không nghe” chỉ lầm lũi bước theo người đi đầu thì khác nào con lừa bị che mắt để chỉ được nhìn phía trước mà không thể nhìn được ra hai bên, như bầy cừu bị lùa đi theo cái gậy của người chăn dắt, thậm chí theo tiếng sủa của những con chó chăn dắt chuyên nghiệp đang nhắng nhít quần đảo quanh bầy cừu để buộc chúng phải bước theo cây gậy kia! Rồi thảm thương hơn là tiếng sủa này lại không chỉ “gâu, gâu, ăng ẳng” mà rất đa dạng, đa hình hài. Khi thì trần trụi quen thuộc đúng thân phận nguyên bản, nhưng rất nhiều, rất nhiều những biến thái đa dạng. Đạo mạo có, trơ trẽn có, vừa lấp liếm vừa dọa dẫm có, và tệ nhất là rất lắm những phiên bản đeo kính mượn màu trí thức nhằm đánh lừa người cả tin.

Liệu có phải ngày đẹp trời đó buộc phải xé mây đen để hiện ra không, mà đột nhiên, những ngôn từ lạ lẫm được văng ra: “tự do tư tưởng vẫn là giải pháp đầu tiên quan trọng nhất, mà nếu không có nó thì chắc chắn dân tộc ấy sẽ tụt hậu về tư duy, từ đó mà dẫn đến tụt hậu toàn diện. Chính tự do tư tưởng sẽ giúp cho lãnh đạo và cộng đồng tiếp cận đúng hơn với chân lý, lựa chọn những quyết định đúng nhất có thể, và nếu sai thì điều chỉnh nhanh nhất; đồng thời thông qua đó mà nhanh chóng trưởng thành về duy lý”. Không chỉ thế. Một sự thật giấu kín bấy lâu, hệ lụy của quyết sách bóp chết từ trong trứng những đòi hỏi tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do bày tỏ chính kiến vốn đã ghi trong Hiến Pháp, bỗng được vén ra: “Các nước tư bản phát triển là các nước gần nhất với CNXH. Còn nước ta đang ở giai đoạn đầu của nhóm thứ hai (các nước đang phát triển), còn rất xa để có thể đến được XHCN” (Vũ Ngọc Hoàng, Tự ái dân tộc và áp lực vượt vũ môn)

Mới đây thôi, chỉ một phần những điều vừa dẫn ra ở trên đã quá đủ để gọi là luận điệu của thế lực thù địch. Nếu chưa là thù địch thì chí ít cũng là “suy thoái đạo đức và tư tưởng cần phải xử lý” như ông Tổng Trọng phát biểu tại Vĩnh Phúc hôm nào!

Vậy thì sự trưởng thành về duy lý bắt đầu vào lúc nào vậy?

Vào lúc ông Trọng kiếm được một câu rất văn vẻ, trau chuốt của Theodore Roosevelt để nói ra ở Mỹ: “Khi tin là có thể, thì bạn đã đạt được một nửa thành công” chăng?

Hay là vào lúc linh mục Nguyễn Văn Lý được ra tù trước 3 tháng trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama? Đừng quên là linh mục Lý là người từng bị một bàn tay thô bạo bịt miệng trước Tòa án vốn đã được lan truyền rất nhanh trên mạng lưới truyền thông trong và ngoài nước. Oái oăm thay, đó lại là diện mạo đáng xấu hổ của Việt Nam trước công luận, một hình ảnh điển hình về “dân chủ đến thế là cùng” mà Nguyễn Phú Trọng nói về Đại hội XII trước báo giới quốc tế.

clip_image001

Nhưng không sao. Dù chỉ “đạt được một nửa”, thậm chí chỉ một phần rất nhỏ niềm tin về những sự thật bị bưng bít trong nhiều thập kỷ đã buộc phải hé lộ, cho dù là một ngẫu hứng bốc đồng, một ỡm ờ nửa kín nửa hở để muốn hiểu sao thì hiểu, hay một toan tính được cân nhắc.

Đốm lửa nhỏ đủ đốt cháy cả một đồng cỏ rộng, dù là do một tàn thuốc lá của người vô tâm hay một dụng ý có định hướng nhằm xả “xu páp”. Người ta sợ sự dồn nén đến ngưỡng có thể khó lường hậu họa! Cho nên buộc phải công khai khẳng định: “Mới sẽ có sức sống. Cũ sẽ không còn hấp dẫn”. Vì thế mà “Việt Nam phải phù hợp với thế giới đang thay đổi rất nhanh chóng” để có thể là “một bộ phận hợp thành của thế giới đó”.

Thế giới nào vậy? Chắc chắn không phải là cái thế giới của một siêu cường hung đồ với mộng bành trướng được kế thừa từ nhiều triều đại phong kiến Trung Hoa trước đây bởi hậu duệ xuất sắc của chúng là Tập Cận Bình, một “Frankenstein của thế kỷ XXI”.

bộ phận hợp thành của thế giới mới thì không thể đeo mãi cái mặt nạ cùng chung ý thức hệ với mười sáu chữ vàng bịp bợm và bốn phương châm lừa mị được. Xin trích một đoạn rất sâu sắc trong bài viết năm 2011 của Tống Văn Công nay vẫn còn nguyên giá trị:

Lúc thì phản đối “xâm phạm chủ quyền”, lúc thì liên minh với đồng chí “bốn tốt” chống lại “các thế lực thù địch”. Càng ngày chúng ta càng tỏ ra nghiêng về phía liên minh với đồng chí “bốn tốt” chống lại “các thế lực thù địch” rõ ràng hơn. Như vậy là nhân dân Việt Nam đang đứng trước hai kẻ thù: Một là kẻ thù Trung Quốc xâm lược đang uy hiếp sự toàn vẹn lãnh thổ từng ngày, mọi người Việt yêu nước nhắm mắt cũng cảm thấy được. Hai là kẻ thù ảo, hoặc đang trong bóng tối, do Đảng, nhà nước thường xuyên nhắc nhở là: “Các thế lực thù địch”.

Khi phải chống Trung Quốc xâm lược thì tìm đồng minh là Mỹ, phương Tây. Khi phải chống “các thế lực thù địch” thì tìm đồng minh Trung Quốc! Vậy thì người dân Việt phải mài sắc cảnh giác với kẻ thù nào đây?! Trong tình thế vận nước ngàn cân treo sợi tóc thì người Việt Nam lại phải phân thân để chống lại hai kẻ thù ở hai thái cực! Tình trạng này đẻ ra nhiều trạng thái “lưỡng phân” dở cười dở khóc, nhưng cuối cùng là… khóc!

Đã đến lúc phải chấm dứt trạng thái “lưỡng phân” đó.

Dân thì chắc chắn mong rằng mình không phải “phân thân” nữa. Vậy thì ai muốn duy trì trạng thái lưỡng phân để kiếm chác? Ai, chẳng cần điểm mặt chỉ tên cũng đã quá rõ.

Khi phải chống Trung Quốc xâm lược thì tìm đồng minh là Mỹ, phương Tây. Khi phải chống “các thế lực thù địch” thì tìm đồng minh Trung Quốc” vậy thì hôm nay đây, ai đó định toan tính những gì với chuyến thăm của Tổng thống Obama?

Đồng minh của Việt Nam, đồng minh có khả năng chặn đứng mối nguy mất nước bởi thế lực bành trướng Đại Hán lúc này là ai đây? Vậy thì cần tìm đến đồng minh này hay lại ngấm ngầm tìm đồng minh chống “các thế lực thù địch”, một sự đánh tráo khái niệm của quyết sách ngăn chặn tiến trình dân chủ hóa, một đòi hỏi tất yếu để trở thành một thành viên đích thực của TPP, điều mà Bắc Kinh hết sức lo ngại và tìm cách gây trở ngại để phá bỏ hoặc không thì làm chậm lại?

Ấy vậy mà, cách đây 71 năm, tiếp theo Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp đã khẳng định trước cả dân tộc và thế giới: “Mỹ là nước dân chủ, không có tham vọng về đất đai mà lại có công nhất trong việc đánh bại kẻ thù của ta… nên ta coi Mỹ như một người bạn tốt”. Và rồi 70 năm sau tại Mỹ, chẳng phải là Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến “đề nghị thiết lập quan hệ hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ hai phần ba thế kỷ trước để than rằng “thật đáng tiếc là có những cơ hội lịch sử đã bị bỏ lỡ” đó sao?

Vậy thì, vào thời điểm mà lòng dân đang nằm trong “thế đất lở” như Lê Quý Đôn từng cảnh báo, liệu cơ hội lịch sử có một lần nữa bị bỏ lỡ không? Trong “Quần thư khảo biện” nhà bác học của Việt Nam thế kỷ 18 nói rõ “lòng dân dao động mới là điều rất đáng sợ”, và chỉ ra: “nếu dân không được ở yên thì dễ sinh biến động chính là thế đất lở (Lê Quý Đôn. Quần thư khảo biện. NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1995, tr. 346, và 348).

Oái oăm thay, chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ lại diễn ra đúng vào lúc này!

Chắc không đến nỗi là “đi thì cũng dở, ở không xong”, nhưng cắc cớ lại ở chỗ, người ta chào đón vị sứ giả của hòa bình và tự do mà nhân dân nóng lòng mong đợi bằng những cuộc trình diễn công khai về sự đàn áp biểu tình. Rồi những hình ảnh tệ hại về trấn áp nhân quyền, một trong những đòi hỏi mang tính nguyên tắc của việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương cũng như vấn đề Việt Nam gia nhập TPP đã phơi ra trước ánh mắt và ống kính của các nhà báo, khách du lịch nước ngoài, nhân viên ngoại giao ở các sứ quán. Rồi cái thảm đỏ trải ra đón thượng khách làm sao che đậy được đây?

Mà hình như người ta cố tình không che đậy thì phải? Tại sao và để làm gì nhỉ?

Xem ra món võ Tàu được truyền dạy quả là thiên biến vạn hóa, phải có kính chiếu yêu may ra mới tỏ tường được. Những người phận mỏng cánh chuồn có khi lại dày mưu ma chước quỷ khó lường! Rồi ông Tổng thống sẽ bước trên cái thảm đỏ này đấy!

Tổng thống Obama đến Việt Nam với một chuyến thăm muộn màng. Trong những lý do dẫn đến sự muộn màng đó liệu có phải là thái độ ỡm ờ trong hành động “đu dây” của một bộ phận nào đó trong bộ máy quyền lực đang trong “trạng thái lưỡng phân dở cười dở khóc, nhưng cuối cùng là… khóc”?

Cũng phải sòng phẳng để nói rằng, nếu “hội chứng Việt Nam” chưa phai trong lòng nước Mỹ thì “hội chứng cuộc chiến tranh của Mỹ” cũng chưa thể nguôi trong lòng Việt Nam. Đã có những cố gắng từ cả hai phía để làm loãng đi và mong rồi sẽ tan biến trong quá trình vun đắp niềm tin chiến lược của mối quan hệ Việt-Mỹ.

Thế nhưng trong hội chứng chưa phai ấy, những người, những gia đình Việt Nam hôm nay đang phải gánh chịu nặng nề những tai họa ập xuống đời mình và con cháu mình từ cuộc chiến tranh đã lùi vào quá khứ vẫn có thể là chỗ dựa cho ai đó muốn cản ngăn mối liên minh ngày càng vững chắc giữa Mỹ và Việt Nam.

Cùng với chuyện đó, không thể không nói đến một số quyết sách, giải pháp hoặc cách xử lý sai lầm của người Mỹ đã để lại những di chứng nặng nề trong sự trải nghiệm của dân tộc Việt Nam, trước hết là trong trí nhớ, trong những suy ngẫm của nhiều trí thức người Việt. Chỉ gợi lên một vài ví dụ: Thông cáo Thượng Hải giữa Richard Nixon và Chu Ân Lai năm 1972, như ai đó nói một cách hình ảnh “được viết bằng máu của Việt Nam”!

Rồi sự im lặng của Tổng thống Mỹ Jimmy Carter với lời tuyên bố của Đặng Tiểu Bình “sẽ dạy cho Việt Nam một bài học” trong chuyến thăm Mỹ vào đầu năm 1979 trên thực tế là sự bật đèn xanh cho Đặng phát động cuộc chiến tranh xâm lược đẫm máu với hơn 60 vạn quân Trung Quốc tàn sát nhân dân sáu tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam.

Sẽ quá dài nếu phải dẫn đủ ra đây những chuyện đáng xấu hổ đã và đang để lại những dấu ấn nặng nề trong đời sống Việt Nam ở cả hai miền Bắc, Nam.

Chỉ xin nói thêm một chuyện riêng tư. Trong một số lần gặp gỡ những quan chức ngoại giao ở Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán Mỹ, một số nhà báo Mỹ, nhà nghiên cứu có hiểu biết nhiều về Việt Nam ở CSIS, người viết bài này đã thẳng thắn bày tỏ mối bận tâm về những di chứng nặng nề nói trên để nhấn mạnh rằng: các bạn hãy giúp tôi giải tỏa trong đầu một nỗi ám ảnh rằng, người Mỹ sẽ không “chơi” trên đầu chúng tôi một lần nữa.

Chúng tôi đã quá hiểu, để tránh thân phận phải làm một con tốt trên bàn cờ của các nước lớn, chúng tôi phải mạnh lên về mọi mặt, kinh tế, chính trị, ngoại giao, quốc phòng… Các mối quan hệ giữa các nước, muốn bền vững và phát triển, phải được xây đắp trên nền tảng lợi ích của cả hai phía. Việt Nam phải đến với thế giới bằng sức mạnh của chính mình, không thể dựa giẫm vào ai được, kể cả những siêu cường.

Đương nhiên, trong sự đa dạng của một thế giới đang hội nhập để phát triển, lợi ích chính đáng của mỗi một quốc gia đều gắn kết mật thiết với lợi ích của các quốc gia khác trong khu vực và thế giới. Tự cô lập mình là tự sát. Nhưng cũng chính vì thế, chọn bạn mà chơi là một phương châm ứng xử không bao giờ cũ.

Với Việt Nam hiện nay, người bạn Việt Nam muốn và cần chọn trước hết phải là Mỹ. Lý do thì như đã nói ở trên và e không phải nói thêm thì ai cũng đã biết. Thì chẳng phải chính Nguyễn Phú Trọng đã nói điều này tại Mỹ đấy thôi: “Một trong những quốc gia đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn thiết lập quan hệ hữu nghị chính là Hoa Kỳ”.

Với Hồ Chí Minh, bằng sự trải nghiệm và những bài học thấm thía sau nhiều năm bôn ba tìm đường cứu nước, lúc ở Châu Âu, lúc ở Mỹ, đặc biệt là nhiều năm sống tại Liên Xô, hoạt động tại Trung Quốc (kể cả có lúc tham gia cuộc trường chinh Diên An của Mao), vậy mà khi soạn Tuyên Ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã dẫn Thomas Jefferson trong Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ!

Tiếp theo đó, chỉ trong vòng hai tháng trước và sau ngày 2.9.1945, Hồ Chí Minh đã gửi 14 bức thư cho những nhà lãnh đạo Mỹ, trong đó có Tổng thông Harry S.Truman nhưng không có một hồi âm. Vào buổi đó e là Việt Nam chưa có tên trên bản đồ thế giới và các nhà lãnh đạo Mỹ chẳng thấy có lợi ích gì khi gắn bó với Việt Nam.

Với thời gian, thế giới đã đổi thay. “Thời gian làm cho mọi niềm tin nảy sinh, lớn lên, chết đi, chính nhờ thời gian, những niềm tin đạt được sức mạnh và cũng qua nó, những niềm tin mất đi sức mạnh của nó” như ai đó đã viết. Chính thời gian đã tích tụ vô vàn mảnh vụn của niềm tin, của ý chí mà từ đó nảy sinh tư tưởng của một thời đại. Để rồi trong thời đại của những biến động dữ dội, đầy bất ngờ này, người ta buộc phải suy nghĩ lại nhiều điều. Chỉ lẩy ra đây một ví dụ nhỏ: chẳng phải là Richard Nixon từng tuyên bố trên báo Times ngày 2.10.1975 rằng: “Nếu có điều gì đó tôi muốn làm trước khi chết, thì đó là đi Trung Quốc. Nếu tôi không đi được, tôi muốn các con tôi đi. Thế rồi trước khi mất, chính ông ta đã thổ lộ một suy nghĩ về Trung Quốc: “Chúng ta có thể đã tạo ra con quái vật Frankenstein”!

Chắc không phải Richard Nixon đã “trưởng thành về duy lý” như tác giả của bài viết trên Tuần Việt Nam đã dẫn ở trên, mà có lẽ ông ta ân hận vì lầm tưởng việc nối lại quan hệ với Trung Quốc và chắp cánh cho nước này bay lên sẽ khiến cho “một thời đại đã chấm dứt và một thời đại khác bắt đầu”. Trong “thời đại khác” đó, siêu cường hung đồ Trung Quốc đang gây lo lắng và phẫn nộ cho các nước trong khu vực và các quốc gia khác của thế giới, cũng đang thách thức chính nước Mỹ của ông ta.

Nhưng từ bài học của một vị Tổng thống Mỹ, chúng ta, trước hết là những người đang gánh vác trọng trách của đất nước phải “tiếp cận đúng hơn với chân lý, lựa chọn những quyết định đúng nhất có thể, và nếu sai thì điều chỉnh nhanh nhất; đồng thời thông qua đó mà nhanh chóng trưởng thành về duy lý”.

Chính sự “trưởng thành” ấy thúc đẩy và khơi dậy tinh thần dân tộc, lòng yêu nước truyền thống, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết và trước hết để biết tận dụng thời cơ đang mở ra trước chuyến viếng thăm của Tổng thống Obama trong ba ngày tới.

Còn có nhiều thách thức, gay cấn và phức tạp, nhưng lại một lần nữa mượn lời của Tổng thống Hoa Kỳ Theodore Roosevelt: “Khi tin là có thể, thì bạn đã đạt được một nửa thành công” mà ông Trọng đã dẫn ra trong bài nói tại CSIS ở Mỹ năm ngoái để mong rằng những người đón tiếp Obama đừng quên điều đó.

Hãy tin rằng, “chúng ta không thể thay đổi được quá khứ, nhưng chúng ta có thể sắp xếp lại tương lai”. Đây là một chân lý được Đạt lai Lạt ma nói với tất cả những ai có thiện chí muốn đem lại điều tốt lành cho con người trên quả đất này. Việc “sắp xếp” lớn lao đó đang mở ra cùng với chuyến thăm của Obama. Không được bỏ lỡ thời cơ một lần nữa với nhận thức nghiêm cẩn rằng, bỏ lỡ thời cơ lịch sử là sự bỏ lỡ oan uổng nhất, phải trả giá đắt nhất, là có tội lớn với lịch sử.

Thời! Thời! Thực không nên lỡ”, đó là lời của Nguyễn Trãi mà Võ Nguyên Giáp đã khẩn thiết nhắc nhở. Những người Việt Nam có lương tri không được phép quên!

T. L.

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.