Obama cần biết Trần Huỳnh Duy Thức

Ngô Nhân Dụng

Giới truyền thông ở Mỹ và thế giới sẽ loan tin chuyến đi Việt Nam của Tổng Thống Mỹ Barack Obama. Nhưng cảnh Obama ở Hà Nội mấy ngày chắc sẽ không được báo, đài tả nhiều chi tiết, chiếu nhiều hình ảnh, và mời nhiều người phê bình, nhận xét bằng mấy giờ ngắn ngủi khi ông thăm thành phố Hiroshima trong cùng cuộc du hành. Có thể nói, chỉ có người Việt Nam, trong nước và ở ngoài, mới coi việc ông Obama đến bắt tay các ông Nguyễn Phú Trọng hay Nguyễn Xuân Phúc là một biến cố lớn cần theo dõi. Bản tin ông Obama đến trễ một ngày được báo chí Việt Nam loan tin ngay, còn báo, đài ở Mỹ hầu như không ai chú ý. Ði Việt Nam trễ hay sớm một ngày thì có thay đổi cái gì không?

Tại sao giới truyền thông Mỹ lại thiên lệch giữa Việt Nam và Hiroshima như vậy?

Có lẽ một phần vì nước Nhật lớn hơn nước Việt. Hoặc vì dân Mỹ biết đến ông Shinzo Abe nhiều hơn ông Nguyễn Xuân Phúc, mặc dù nghe tên ông Phúc chắc họ sẽ dễ nhớ hơn là tên Shinzo. Nói đến Hiroshima khích động dân Mỹ hơn. Barack Obama sẽ là vị tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm đài kỷ niệm nơi trái bom nguyên tử đầu tiên quân Mỹ dùng, để chấm dứt chiến tranh (Tổng Thống Jimmy Carter chỉ tới viếng sau khi rời Tòa Bạch Ốc).

Còn vụ Obama đi Việt Nam? Ðã có tiền lệ. Hai vị tổng thống Mỹ trước ông đều đi Việt Nam trước khi mãn nhiệm để ghi vào tiểu sử. Bill Clinton năm 2000 và George W. Bush năm 2006, hai cuộc công du trên không đánh dấu một biến cố ngoại giao nào đặc biệt.

Nhưng chuyến đi Việt Nam của ông Obama năm nay quan trọng hơn hai vị tổng thống tiền nhiệm, bởi hai lý do. Một là Cộng Sản Trung Hoa đang diễu võ thị uy trong vùng Biển Ðông Nam của nước ta, sau khi chính quyền Obama đã tuyên bố “chuyển trục” hướng về Châu Á. Một đề tài được chú ý là chính quyền Việt Nam đang yêu cầu chính phủ Obama bán “vũ khí sát thương” cho quân đội Việt Nam. Quyết định có thể được ông Obama công bố trong dịp qua Hà Nội. Hai là thỏa ước Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mới được ký kết, hứa hẹn gia tăng hoạt động thương mại, đầu tư giữa Mỹ và Việt Nam. Các doanh nhân nào ở Mỹ sẽ tháp tùng ông tổng thống, đó là một dấu hiệu cho người Việt.

Nhưng đối với người Việt Nam thì chúng ta rất ít khả năng gây ảnh hưởng trên hai vấn đề trên. Cho nên nhân dịp ông Obama đến Sài Gòn và Hà Nội, đối với người Việt trong và ngoài nước, thì một mục tiêu đáng nỗ lực nhất là tranh đấu quyền làm người cho dân Việt. Trong vấn đề này, người Việt có thể gây tiếng vang trên dư luận dân Mỹ, ảnh hưởng trên chính sách chính phủ Mỹ và làm áp lực trên chính quyền Cộng Sản Việt Nam.

Ðối với Biển Ðông, đây là một vấn đề chiến lược trong cuộc bang giao Mỹ và Trung Quốc. Chúng ta rất khó ảnh hưởng trên tương quan giữa hai nước giàu nhất nhì thế giới này. Cũng khó ảnh hưởng trên các đại biểu Quốc Hội Mỹ để thúc đẩy họ thông qua Hiệp Ước TPP trước khi ông Obama mãn nhiệm đầu năm 2017. Ảnh hưởng trên các kế hoạch mua bán và đầu tư của các công ty Mỹ càng khó hơn nữa.

Trong việc thi hành Hiệp Ước TPP, người Việt sống ở Mỹ cũng có thể ảnh hưởng trên nhiều vấn đề liên can đến quyền người lao động được tự do lập nghiệp đoàn, các luật lệ và cơ chế bảo vệ môi trường, đừng để diễn ra những vụ cá chết khác. Nhưng đó là các cuộc vận động diễn ra sau này. Ngay bây giờ, trong dịp ông Obama đến Việt Nam, chúng ta nên dồn các nỗ lực gây ảnh hưởng trên dư luận dân chúng Mỹ về tình trạng những nhà hoạt động đòi dân chủ đang bị Cộng Sản cầm tù.

Dư luận Mỹ đang chú ý tới tình trạng các nhà tranh đấu tự do dân chủ ở Việt Nam đang bị đàn áp. Nhật báo Washington Post, trong bài Quan Ðiểm ngày Thứ Sáu tuần trước đã đưa lên bức hình blogger Nguyễn Hữu Vinh và cô Nguyễn Thị Minh Thủy đứng trước tòa án ngày 23 Tháng Ba năm nay để biện minh lời khuyến cáo tờ báo gửi Tổng Thống Obama trước khi ông đi Việt Nam: “Ông Obama phải chú ý đến tình trạng tồi tệ về nhân quyền tại Việt Nam!” (Mr. Obama must pay attention to Vietnam’s dismal record on human rights). Họ nói rõ: Chế độ Cộng Sản không cho người dân được tự do và “cai trị bằng bạo lực” – thay vì cai trị bằng luật pháp. Washington Post mô tả tình trạng ở Việt Nam: “Ðảng Cộng Sản chiếm độc quyền thống trị và ngăn chặn các quyền căn bản như tự do ngôn luận, tự do phát biểu, báo chí, hội họp và tín ngưỡng; luôn luôn sử dụng bạo lực đe dọa và quấy nhiễu. Ðạo luật hình sự của nước này cũng liệt kê việc sử dụng các quyền căn bản của con người là phạm tội.”

Báo Post ở thủ đô nước Mỹ nêu các minh chứng cụ thể. Nhiều người làm blog, nhiều luật sư, những nhà vận động đã bị bắt hoặc mới bị bắt bỏ tù. Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ vẫn bị quản thúc sau mấy chục năm; tờ báo nhắc lại, hòa thượng mới đích thân gửi thư cho Tổng Thống Obama để yêu cầu ông “lên tiếng cho hàng ngàn người Việt Nam đang bị ‘trừng phạt’ vì muốn sống với tự do tôn giáo, dân chủ và nhân quyền.” Báo Post nhấn mạnh: Ông Obama đừng bỏ qua không làm theo lời yêu cầu đó.

Một sự kiện mà nhiều người Việt Nam không chú ý cũng được tờ báo nhắc tới để chứng tỏ chế độ Cộng Sản đang chà đạp quyền công dân của dân Việt. Ðó là rất nhiều công dân Việt Nam đã nộp đơn ứng cử Quốc Hội, nhưng họ bị ngăn cản bởi guồng máy thanh lọc nhiều tầng của đảng Cộng Sản, nhằm gạt bỏ các ứng cử viên không tuân lệnh đảng. Báo Post nêu tên ca sĩ Mai Khôi, một ứng cử viên bị hệ thống bầu cử của chế độ Cộng Sản ngăn chặn. Tờ báo yêu cầu “Ông Obama phải gặp cô Mai Khôi, và yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do cho Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ.”

Báo Washington Post chú ý tới vấn đề Mỹ bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương, nhưng đặt điều kiện về nhân quyền trước khi ông Obama quyết định: “…việc bãi bỏ có thể hữu lý, nhưng Ông Obama cần nhấn mạnh rằng ông chỉ quyết định nếu chính quyền Việt Nam cải thiện về tình trạng vi phạm nhân quyền!” Tờ báo thách thức: “đừng để cho những người cầm đầu Cộng Sản Việt Nam được ‘vào cửa miễn phí.’”

Trước khi chính phủ Obama loan tin ông sắp đi Việt Nam, bà Vũ Minh Khánh, vợ Luật Sư Nguyễn Văn Ðài đã điều trần trong Quốc Hội Mỹ, đã nêu rõ những điều luật vô lý trong Luật Hình Sự Việt Nam nhằm ngăn chặn quyền con người. Có dấu hiệu đã có tiếng vang dội lại. Ðại Biểu Ed Royce từ California đã cảnh cáo ông Obama chưa quan tâm đủ về vấn đề nhân quyền. Nhưng Bộ Ngoại Giao Mỹ đã đáp ứng. Phụ tá bộ trưởng ngoại giao, Daniel Russel phụ trách vùng Ðông Á và Thái Bình Dương, và ông Tom Malinowski, đặc trách về các vấn đề nhân quyền, đã đi Việt Nam chuẩn bị trước. Tại Hà Nội, ông Russel đã nói rõ ràng là điều kiện quan trọng nhất cho quyết định bãi bỏ bớt lệnh cấm bán vũ khí sát thương là chính quyền Việt Nam phải cam kết tôn trọng các tiêu chuẩn về nhân quyền và “tiến bộ trong việc cải thiện luật pháp.” Bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết ông Malinowski sẽ yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do các tù nhân chính trị vô điều kiện, và khuyến khích họ làm sao cho luật pháp đúng với tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền.

Có thể kết luận, chuyến công du của ông Obama là cơ hội để người Việt Nam vận động nhân quyền thúc đẩy cuộc tranh đấu tiến nhanh hơn. Người Việt trong nước sẽ tổ chức những cuộc biểu tình nhân dịp ông Obama tới. Người Việt ở Mỹ cần hành động song song. Trong các cuộc biểu tình này, hãy trương hình ảnh và tên họ những tù nhân chính trị còn đang bị giam cầm với khẩu hiệu vắn tắt: Ðòi Tự Do!

Một tù nhân chính trị đáng được đưa lên là Trần Huỳnh Duy Thức. Anh đã bị cưỡng bức chuyển từ nhà tù Xuyên Mộc đến nhà tù số 6 tỉnh Nghệ An đầu tháng này. Tại nhà tù Nghệ An, anh Thức đang bị công an ép buộc thúc đẩy anh xin định cư tại Hoa Kỳ. Anh đã khôn ngoan dùng lý do này để yêu cầu được gặp toàn thể gia đình anh gồm 14 người vào ngày Thứ Bảy 14 Tháng Năm vừa qua. Gặp gia đình, anh Thức bác bỏ ý kiến đi Mỹ định cư như cái giá trao đổi để hưởng sự tự do của mình, đồng thời thông báo với cha anh là nhà giáo Trần Văn Huỳnh, rằng anh đã quyết định tuyệt thực kể từ ngày 24 Tháng Năm, đúng bảy năm kể từ ngày anh bị giam cầm.

Ngày đó, ông Obama sẽ đi Nhật Bản. Trước khi ông rời Việt Nam, ông có được biết Trần Huỳnh Duy Thức sắp tuyệt thực hay không? Chúng ta phải làm mọi cách để cho ông ta biết!

N. N. D.

Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=228311&zoneid=7

This entry was posted in Nhân Quyền. Bookmark the permalink.