Gia Minh
PGĐ Ban Việt ngữ RFA
Mặc dù bị đàn áp, đánh đập, nhiều người vẫn tiếp tục tham gia biểu tình bảo vệ biển và môi trường sống. Photo: RFA
Hầu như tất cả những nhà hoạt động tại Việt Nam trong ngày 15 tháng 5 đều bị lực lượng chức năng dùng mọi biện pháp buộc không cho ra khỏi nhà. Mục đích biểu tình được công khai là xuống đường bày tỏ quan điểm về thảm họa môi trường gây cá chết hàng loạt ở Bắc miền Trung cách đây hơn một tháng mà đến nay chính quyền chưa công bố nguyên nhân.
Tuy nhiên họ tọa kháng ngay tại nhà. Trong khi đó ở một số nơi biểu tình cũng đã diễn ra.
Biện pháp ngăn chặn
Chốt chặn được dựng lên tại khu vực tư gia của những nhà hoạt động từ cuối tuần và được tăng cường vào ngày chủ nhật 15 tháng 5. Những nhà họat động khi ra khỏi nhà đều bị cưỡng bức trở vào như trường hợp của hai vợ chồng nữ nghệ sĩ Kim Chi từ Hà Nội. Vào lúc 9:30 sáng bà cho biết như sau:
“Chúng tôi đã ra cửa để đi nhưng họ vây đến hàng chục người. Có một an ninh quận, một an ninh khu vực, hai người phụ nữ và quanh đó 3-4 người đàn ông lạ mặt nữa. Chúng tôi cương quyết đi thì người phụ nữ già nói rằng thương tôi lắm, muốn bảo vệ tôi; thế nhưng tôi hất tay bà ta ra và nói tôi không cần bà ta thương tôi mà hãy thương dân, thương nước, lo có trách nhiệm. Còn cô trẻ, đẹp gái thì nói ‘cô ơi, mọi người yêu quí cô, muốn bảo vệ cô, cô ra ngoài đó làm gì để bị đánh’. Tôi nói hóa ra ngoài đó toàn lũ du côn à! Họ đánh hay giết tôi cũng được, và ông xã tôi bảo cứ đi. Nhưng thêm 4-5 tên nữa tràn từ ngoài ngách vào. Tôi đếm tất cả là mười mấy người và họ ấn tôi vào. Vì nhà tôi chỉ là độc đạo, có một cửa đi vào thôi. Tôi làm sao có đủ sức mạnh để chống lại họ?”
Trường hợp tương tự xảy ra với bác sĩ Đinh Đức Long tại Sài Gòn, dù rằng hôm nay là ngày trực bệnh viện của ông:
“Hôm nay có 5 người trên 4 chiếc xe máy họ chặn ngay đầu hẻm. Khi tôi ra đi làm bình thường thì họ chặn bắt tôi về. Hôm nay theo lệnh của bệnh viện, tôi trực cả ngày cả đêm tại bệnh viện; nhưng họ chặn như thế tôi không đi làm bình thường được. Điều này không chỉ vi phạm pháp luật của Việt Nam mà còn vi phạm các công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Họ đã chà đạp lên quyền tự do đi lại, quyền bày tỏ chính kiến của người dân.
Hôm nay là ngày bình thường tôi đi trực tại bệnh viện mà tôi không đến được thì không biết bệnh nhân có ảnh hưởng gì không?”
Có một số nhà hoạt động biết trước về tình hình ngăn chặn nên đã ra khỏi nhà từ vài ngày trước; thế nhưng tại nơi tạm trú họ cũng bị lực lượng chức năng vây ráp. Bà Nguyễn Thúy Hạnh ở Hà Nội trình bày tình hình của bà và một số người khác cùng cảnh ngộ:
“Để có được cuộc tuần hành vào ngày chủ nhật 15/5 chúng tôi đã phải đi ra khỏi nhà. Chúng tôi gồm mấy người, có người ở rất xa nhưng chúng tôi cũng đến ở được một chỗ. Thế nhưng khi chúng tôi mới đến được một lúc thì thấy họ đã phát hiện ra chỗ của chúng tôi. Họ canh gác ‘vòng trong, vòng ngoài’ suốt từ lúc ấy cho đến bây giờ. Họ liên tục gõ cửa (gần như đập cửa) nhưng chúng tôi không mở.
Thứ nhất hành động của họ đã trắng trợn vi phạm quyền con người cũng như vi phạm công ước quốc tế về nhân quyền. Vì sao họ có sự vi phạm như thế? Tôi cho rằng thứ nhất họ khinh thường người dân, khinh thường dư luận thế giới.
Và thứ hai chắc chắn phải có sự thật nào rất kinh khủng cho nên họ phải quyết liệt đàn áp dân, dẫm đạp lên tất cả dư luận để che giấu đi sự thật đó, sự thật về môi trường đang bị đầu độc và những sự thật khác nữa!”
Những cáo buộc ‘cũ’
Trong ngày 15 tháng 5, nhiều báo trong nước loan tin về kết luận của công an thành phố Hồ Chí Minh đưa ra vào chiều ngày 14 tháng 5 khẳng định đảng Việt Tân có trụ sở chính tại Hoa Kỳ tổ chức gây rối tại thành phố Hồ Chí Minh vào hai ngày chủ nhật 1 và 8 tháng 5 vừa qua.
Hình ảnh biểu tình vì môi trường vào ngày 8 tháng 5 vừa qua.
Bà Nguyễn Thúy Hạnh bình luận về những cáo buộc được truyền thông Nhà nước đưa ra đối với những người biểu tình:
“Đó là một sự bôi nhọ, sự vu khống trắng trợn và bẩn thỉu! Tôi thấy hoàn toàn không mới, từ xưa nay họ vẫn làm điều đó rồi. Bởi vì việc làm đó của họ quá cũ và sự vu khống đó không ai tin; tôi không nghĩ mọi người tin điều đó. Còn đối với chúng tôi thì tôi khẳng định đó là sự vu khống bẩn thỉu, và hành động của họ chỉ làm cho nhiều người biết đến tổ chức Việt Tân, tô điểm thêm cho tổ chức Việt Tân mà thôi. Tôi nghĩ họ làm thế là phản tác dụng, người dân sẽ càng coi thường họ. Cả một bộ máy chính quyền cũ kỹ mà luôn dựng nên một hình ảnh không có thật, đem ra để vu khống cho những người đấu tranh và đe dọa nhân dân. Chúng tôi cực lực phản đối.”
Nghệ sĩ Kim Chi cũng có ý kiến:
“Tôi chỉ buồn cười, buồn cười đến sặc luôn vì họ đánh tráo khái niệm. Những kẻ bán nước lên án những người đang giữ gìn đất nước. Họ làm được việc đó vì truyền thông, quân đội, công an, chính quyền, vũ khí, tiền bạc trong tay họ. Còn chúng tôi chỉ có chính nghĩa thôi!”
Và quan điểm của bác sĩ Đinh Đức Long:
“Từ trước đến nay mọi thành quả cách mạng đảng nhận do đảng lãnh đạo mà có, sao nay ‘thành tích’ cá chết, biển chết, dân biểu tình đảng không nhận mà lại đổ cho Việt Tân!
Về mặt pháp luật, khi kết tội phải có tòa; chứ báo chí không thể thay tòa kết tội bất cứ một cá nhân, tổ chức nào. Thứ hai nếu như đảng Việt Tân (có tồn tại) có thể kiện báo chí Việt Nam ra tòa về tội vu khống.
Trên thực tế bản thân tôi là một sĩ quan, nguyên trung tá quân đội nhân dân Việt Nam, một đảng viên từng sinh hoạt 32 năm; chúng tôi vì sự hiểu biết, vì tấm lòng của mình. Chính tôi nói trong đồn công an rằng chất độc thải ra môi trường cá ăn, rồi chúng ta ăn vào và bị ung thư. Con cái các anh và con cái chúng tôi có thể sinh ra là những người bệnh hoạn, quái thai, dị dạng thì các anh nghĩ sao. Và các anh nên nhớ rằng tôi và các anh trước sau gì cũng sẽ ra đi khỏi thế giới này; nhưng mai mốt con cháu các anh nhìn lên bàn thờ, ông tổ đời thứ bao nhiêu đó, đứng trong hàng ngũ bán nước, hại dân thì các anh nghĩ sao?!”
Tọa kháng & Biểu tình
Dù không được ra khỏi nhà hoặc nơi trú để có thể xuống đường biểu tình trong ngày 15 tháng 5; nhưng những người bị quản thúc tại gia như thế đã tọa kháng tại chỗ với những khẩu hiệu như ‘cá cần nước sạch, dân cần chính quyền minh bạch’. Hình ảnh tọa kháng với khẩu hiệu được đưa lên mạng xã hội.
Trong khi đó tại một số nơi vào sáng ngày 15 tháng 5 biểu tình đã được diễn ra. Tại giáo xứ Song Ngọc chừng 1 ngàn giáo dân và hai linh mục Nguyễn Đình Thục, Trần Đình Tề cùng tuần hành từ Nhà thờ đến Ủy ban Nhân dân xã với biểu ngữ như ‘chúng tôi cần tôm cá để sống’…
Thông tin còn cho biết tại Hợp Thành, Nghệ An cả trăm người tập trung tọa kháng về thảm họa cá chết. Một nhóm nhỏ tại Vũng Tàu cũng tập hợp và giăng biểu ngữ trên bãi biển tỉnh này yêu cầu bảo vệ môi trường.
Tại Hà Nội một nhóm người trẻ biểu tình ở Bờ Hồ nhưng nhanh chóng bị bắt đưa về đồn công an Long Biên.
Tại Sài Gòn một số người dự định biểu tình tại khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ, Công viên Quách Thị Trang và Phố Tây Bùi Viện từ lúc 3 giờ chiều. Tuy nhiên lực lượng chức năng phong tỏa hết các khu vực vừa nói từ sáng. Một nhóm chừng chục người vào lúc 4 giờ tuần hành trước Chợ An Đông. Một số khác tọa kháng tại những nơi khác nhau hay tại nhà. Tin cho biết có một số người bị câu lưu như nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, linh mục An tôn Lê Ngọc Thanh…
G.M