Nhà báo, nhà hoạt động chính trị Nguyễn Minh Cần đã từ thế tại Moskva vào hồi 5 giờ sáng (giờ địa phương) thứ Sáu, ngày 13 tháng 5 năm 2016. Nguyễn Minh Cần sinh năm 1928 tại Huế; tham gia Cách mạng tháng Tám năm 1945; gia nhập ĐCS Đông Dương năm 1946 và đảm nhiệm nhiều chức vụ trong chính quyền. Năm 1962 ông sang Moskva theo học Trường Đảng cao cấp. Trong bầu không khí hậu Đại hội 20 của ĐCS Liên Xô những năm tháng này, ông tán thành chủ trương của Nikita Khrushchev, điều đã khiến ông, cùng hàng trăm người khác cùng chí hướng, sau đó bị khép tội “xét lại chống Đảng” khi ĐCS Việt Nam thanh trừng nội bộ. Nguyễn Minh Cần xin ly khai ĐCS và cư trú chính trị tại Moskva từ đó, hành nghề dịch sách, viết báo, thông tín viên, dạy học; đồng thời khi lặng lẽ khi tích cực, trọn nửa thế kỷ tận hiến cho lý tưởng tự do, dân chủ của người Việt bằng nhiều hoạt động khác nhau. Nguyễn Minh Cần thuộc thế hệ đi trước mà những người đang đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam hôm nay hằng kính trọng, biết ơn. Thành kính cầu mong hương hồn ông an nghỉ trong niềm tin vững chắc rằng thế hệ tiếp bước sẽ không phụ ý chí của ông, quyết làm cho tâm nguyện của ông sớm thành sự thật! Bauxite Việt Nam |
Nguyễn Minh Cần sống mãi
Ngô Nhân Dụng
Nguyễn Minh Cần sống như một dòng suối trong veo. Anh được đào tạo theo mẫu những anh hùng liệt sĩ Việt Nam. Như Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân hai lần khởi nghĩa, hai lần bị quân Pháp bắt, thong dong dặn giò vợ con trước khi chịu tử hình. Như Giải nguyên Nguyễn Cao khi bị bắt và được dụ hàng đã khẳng khái từ chối, rồi tự mổ bụng ném vào mặt quân giặc, nói: Ruột gan tôi như thế này, ai cũng biết cả rồi! Nguyễn Minh Cần là con người khẳng khái, minh bạch như hai “nhà nho tráng sĩ” hai thế kỷ trước.
Năm 17 tuổi Nguyễn Minh Cần đã tham dự cuộc Cách mạng tháng Tám giành độc lập ở Huế, quê hương ông. Năm sau ông đã vào Đảng cộng sản vì tưởng đây là con đường duy nhất để cứu nước. Sau này, khi biết Chủ nghĩa cộng sản là sai lầm, chế độ cộng sản gây tai họa cho nhân loại, ông đã dứt khoát từ bỏ, dùng quãng đời còn lại vận động chấm dứt chế độ đó trên quê hương Việt Nam. Ngoài 20 tuổi ông đã làm Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên. Rồi ra Bắc hoạt động ở ngoại thành Hà Nội, sau năm 1954 làm Ủy viên Thường vụ Thành ủy Hà Nội, kiêm Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính Thành phố. Trong khi ông đang học Trường Đảng Cao cấp ở Moskva, cộng sản Việt Nam thanh trừng nội bộ bằng chiến dịch chống Chủ nghĩa Xét lại. Năm 1964 Nguyễn Minh Cần ra khỏi Đảng, xin tị nạn chính trị ở Liên Xô, làm nghề dạy học, phiên dịch và viết sách, có khi ký tên là Alikanov để qua mắt công an Việt Cộng. Ông và vợ là bà Inna Malkhanova đã tham dự các cuộc biểu tình vào tháng Tám năm 1990, khi chế độ cộng sản Liên Xô đang sụp đổ. Ông thường kể rằng trong đời mình đã dự hai lần “Cách mạng tháng Tám!” Từ đó, ông tham gia tích cực vào cuộc vận động tự do dân chủ cùng với người Việt khắp thế giới. Ông tham dự các tập họp chính trị, viết sách viết báo cho đồng bào trong nước và hải ngoại đọc, lúc nào cũng lo gây dựng tình đoàn kết giữa những người cùng lý tưởng dân chủ tự do.
Mấy năm rồi tôi vẫn tính đi Nga thêm một chuyến; để có cơ hội được gặp anh Nguyễn Minh Cần. Gặp một lần nữa trước khi anh ra đi. Khi cùng đi với Lan Hương đến thăm anh ở Moskva lần chót, đã thấy anh rất yếu, sau đó lại có tin anh phải vào bệnh viện mấy lần. Mỗi lần ở nhà thương ra, anh lại viết thư ngay, báo tin anh vẫn khỏe để giúp bạn bè yên tâm! Viết thư, anh lại bàn ngay về những tin tức mới nhận được, anh muốn mọi người phải chú ý theo dõi, phải loan báo rộng rãi và phải công khai bầy tỏ ý kiến. Anh là một gốc cây già đứng vững qua bao nhiêu cơn bão táp. Phan Khôi đã mô tả cây cau là mẫu người lý tưởng của nhà nho Việt Nam, có thể gẫy chứ không uốn cong. Anh Nguyễn Minh Cần sống đúng theo mẫu mực đó.
Con người Nguyễn Minh Cần chứa một tấm lòng nhiệt thành, tận tụy vì lý tưởng; một tâm hồn ngay thẳng, đĩnh đạc, bộc trực gần như nóng nảy. Anh giản dị, chân thành, lo lắng cho công việc chung, cho tất cả bạn bè anh em. Hỏi tới chuyện nào anh cũng sẵn sàng nói và anh biết rất nhiều; không thấy anh ngần ngại hay tỏ ra muốn giữ kín một điều gì bao giờ. Anh và chị Inna là những con người trong suốt tràn đầy tình thương, là hiện thân của điều Thiện, như pháp danh của anh chị được thầy Như Điển khéo đặt, Thiện Mẫn và Thiện Xuân.
Tôi chưa nghe anh chị nói nặng lời về một ai bao giờ, trừ hai nhân vật, với chị Inna là Stalin, với anh Cần là Hồ Chí Minh. Nhưng thực ra họ cũng không bao giờ dùng tới những tiếng nặng nề. Họ chỉ nhắc tới những tội ác của hai lãnh tụ với giọng bình thản, khách quan, qua những kinh nghiệm cụ thể, các con số. Một tiếng chị Inna hay dùng nhất là “kinh khủng,” chị nhắc đi nhắc lại. Khi Vladimir Putin lên cầm quyền ở Nga được hai, ba năm, lúc tôi qua Moskva anh chị đã báo động rằng chế độ độc tài đang được tái lập, Putin đang trở thành một “đại đế” mới! Khi tôi đề nghị anh viết một bài cho báo Người Việt phân tích tình trạng này, anh đồng ý. Nhưng khi tôi xin phép đưa trả trước tiền nhuận bút, anh lắc đầu gạt tay tôi, từ chối. Anh bảo khi nào anh viết xong, báo đăng rồi hãy trả tiền. Giọng nói gốc Huế của anh nghe đanh thép, tôi không dám cãi lời, không dám năn nỉ thêm. Anh Cần dáng hiền hòa, nhân hậu, nhưng rất cương quyết, anh có vẻ uy nghiêm của một chiến sĩ luôn biết mình phải làm gì, rất khó cãi lại anh.
Anh Cần làm cho tôi nhớ một người anh ruột tôi, đã bị Tây giết thời kháng chiến. Cứ nghĩ nếu anh tôi còn sống chắc cũng giống anh Cần. Cả một thế hệ thanh niên đã dâng mình cho Tổ quốc. Bao nhiêu người đã hy sinh. Câu thơ Thanh Tâm Tuyền: “Các con ơi, cha anh chết đều chưa đầy ba mươi!” Anh may mắn còn sống, đầy đủ nghị lực để tiếp tục sống và phụng sự.
Anh đã kể chuyện lần cuối cùng anh gặp Văn Doãn, người đã từng làm Tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân, năm 1964 cũng ở lại Nga. Sau khi Văn Doãn từ Tashkent trở về Moskva, anh Cần đã rủ Văn Doãn cùng làm việc, dịch thuật, viết, không để phí cuộc đời hoạt động. Một đêm mưa Văn Doãn nhất định đòi gặp Nguyễn Minh Cần. Hai người gặp nhau, trò chuyện ở công viên Gorki, không nói một chuyện nào quan trọng. Không ngờ, đó là đêm Văn Doãn gặp để từ biệt anh. Một lần trên Đại lộ Arbat (mới), tôi kể với anh đã đọc cuốn tiểu thuyết của Anatoly Rybakov về những đứa trẻ từng sống ở đại lộ này thời Cách mạng Nga. Một lúc sau, xe đang đi anh Nguyễn Minh Cần chỉ tay lên, bảo tôi: “Anh Văn Doãn nhảy từ tầng sáu ngôi nhà này xuống.” Không thể quên người đồng chí đã tuyệt vọng vì mất cả quê hương lẫn lý tưởng. Riêng anh, anh vẫn đủ nghị lực sống, tiếp tục theo đuổi lý tưởng cuộc đời mình thêm nửa thế kỷ nữa.
Lần đầu cháu Lan Hương đưa bố con chúng tôi tới ở nhà anh chị tại Moskva trước đây hơn 20 năm, anh chị đã đưa tôi và Bão Phác đi thăm trang trại cũ của nhà văn Tolstoi, ở Yasnaya Polyana. Tolstoi là một thần tượng của chị. Anh dạy tôi trong tiếng Nga cái tên Tolstoi phải đọc chữ “o” trong vần đầu như chữ “a.” Giống tên Moskva vần đầu đọc “Mo” là “Ma,” tên cháu Lan Hương là Tonia cũng vậy. Anh chị cho biết vào cuối đời nhà văn đã khám phá ra giáo lý “hiện pháp lạc trú” (an trú trong hiện tại) của Phật Thích Ca; nhưng chắc ông không có duyên thực tập. Trên con đường hơn 300 cây số, đi mất 6, 7 giờ, xe taxi lâu lâu dừng lại. Có lúc tôi hỏi lý do, anh Cần lắc đầu, vừa cười vừa chỉ tay, lông mày nhăn lại: Hễ thấy chó hoang là bà ấy phải cho chúng ăn, sợ chúng nó đói. Đi đâu cũng mang theo bọc thức ăn cho chó! Quả nhiên chị Inna đang đứng giữa một bầy chó nhẩy nhót, mắt hướng lên bàn tay chị chờ đón! Chị Inna đã lập hội những người bảo vệ chó, thấy chó hoang là chị muốn đem về nuôi, có lúc cả đàn chó đầy căn hộ nhỏ hẹp. Anh Cần ngồi trong xe gọi với ra xa: Inna! Inna! Một lát sau chị trở lại, bước vào xe, đôi mắt tươi cười sung sướng.
Sau khi thăm ngôi biệt thự và khu vườn trước, vườn sau nhà, thăm hai ngôi mộ của Lev và Sophia Tolstoi phủ cỏ tơ cắt gọn gàng, chúng tôi ra về. Trên con đường đi ra cổng trang trại, hai bên cây xanh che phủ, anh Cần đi trước, chị Inna và tôi đi sau. Đang bước đi tôi thấy một con sâu róm đang bò ngang đường. Tôi đi chậm lại, chú ý bước chân dài để không dẵm lên con sâu đen lông xù đang uốn mình di chuyển. Bỗng chị Inna dừng lại. Chị cúi xuống, nhón hai ngón tay cầm con sâu róm lạc đường nhấc lên, đặt trên lòng bàn tay trái. Rồi chị bưng con sâu, từ từ đi sang một bên đường, cẩn thận đặt con sâu trên một chiếc lá xanh. Làm xong, chị quay lại, tiếp tục bước đi. Chị Inna không yêu riêng loài chó, chị yêu tất cả các sinh vật chia sẻ trái đất với loài người.
Chị Inna Malkhanova và anh Nguyễn Minh Cần sống bên nhau gần nửa thế kỷ đã giống nhau trong tư tưởng, trong cách cư xử với mọi người, trong cách nói năng, bằng tiếng Việt. Sáu, bẩy năm trước đây, tôi tới Moskva gọi điện xin đến thăm anh chị. Anh nhất định đòi tới đón tôi tận khách sạn, giải thích rằng đường xe buýt rất tiện. Nghe anh nói mãi, tôi phải vâng lời, cũng vì nghe anh nói chị Inna đang nằm bệnh viện, trong nhà không có ai. Nhưng khi nhìn thấy anh tới, đang chờ bước qua đường, đứng nghiêng nghiêng một bên, tay chống gậy, tôi tự trách mình đã không cãi lời anh. Anh vẫn trấn an: Không, tôi vẫn khỏe, đi lại thế này càng khỏe hơn. Tôi xin anh đưa đi thăm chị nhưng anh gạt đi: Bất tiện lắm, bất tiện cho cả chị nữa. Lúc nào anh cũng nghĩ tới, cũng lo cho người khác.
Tuổi già giọt lệ như sương. Nhưng sáng nay mở email ra đọc tin anh Nguyễn Minh Cần qua đời, bao nhiêu bạn bè và các em của anh không thể cầm được nước mắt. Cành Nam ở Moskva bật khóc: “Trời cao đất dày ơi! Sao mà Tạo Hóa bất công thế này?” Chị Quản Mỹ Lan ở Pháp viết: “…anh Nguyễn Minh Cần ra đi …là nỗi mất mát kinh khủng nhất!” Nguyễn Mậu Trinh ở Mỹ chia sẻ: “Khi anh Nguyễn Ngọc Bích đi mình email cho anh Cần nói ‘…Thôi bây giờ chỉ còn anh em mình, ráng làm cho xong một số công việc anh Bích chưa làm xong…’. Nay cả hai ông bỏ lại tất cả cho chúng mình!” Linh mục Nguyễn Hữu Lễ ở New Zealand viết: “Nguyện cầu vong linh anh Nguyễn Minh Cần được an nhàn nơi cõi phước.”
Tôi đọc mấy thư anh chị em tỏ lòng thương tiếc anh Nguyễn Minh Cần, cũng nghẹn ngào ngưng làm việc, phải đứng dậy đi ra ngoài đường. Vừa bước đi vừa tự hỏi: Nếu năm ngoái mình đi Nga, được đến thăm anh Nguyễn Minh Cần và chị Inna thì mình sẽ làm gì nhỉ? Chắc cũng không có điều gì quan trọng. Chắc sẽ chỉ ngồi uống trà với anh chị, nhìn nhau, cảm thông trong hơi thở và nụ cười. Gặp anh chị, trò chuyện với anh chị, giống như được tắm gội trong một dòng suối ấm áp, trong trẻo, một bầu không khí nhân hậu do nhân cách hai con người đáng yêu và đáng kính trọng tỏa ra.
Trong lúc nghĩ về anh tôi chợt nhớ câu thơ “giọt lệ như sương” khi Nguyễn Khuyến khóc Dương Khuê. Rồi nhẩm lại bài thơ Thanh Tâm Tuyền viết khi Quách Thoại lìa đời 60 năm trước: “Còn người thi sĩ đi vào miền đất lạ – không nhớ mảy may biển gió cát muôn trùng.”
Chắc giờ này anh Nguyễn Minh Cần đang “được an nhàn nơi cõi phước” như Linh mục Nguyễn Hữu Lễ cầu nguyện. Anh đã chứng kiến và chia sẻ bao nhiêu nỗi khổ đau của đồng bào, của đất nước. Giờ đây anh đã đi xa trong ba ngàn thế giới, anh đã vượt ra ngoài cõi tục lụy trần gian, anh có thể quên, “không nhớ mảy may biển gió cát muôn trùng.” Anh đã hiến dâng cả cuộc đời chỉ mong quê hương được sống tự do, dân chủ. Bây giờ, hương hồn anh không còn bị trói buộc trong “biển gió cát muôn trùng” này nữa. Những người còn ở lại sẽ tiếp tục con đường anh đã cùng đi qua, mỗi người cố mang trong mình bầu máu nóng, nghị lực mạnh mẽ và đức trong sáng của Nguyễn Minh Cần. Anh sẽ sống mãi với đồng bào, với phong trào phục hưng Tổ quốc trong thế kỷ này. Cầu nguyện anh “an nhàn nơi cõi phước.”
N.N.D
Tác giả gửi BVN.
Ông Nguyễn Minh Cần, một nhân cách trong sáng
Đinh Quang Anh Thái
Tờ mờ sáng thứ sáu 13 tháng Năm, Nguyễn Văn Khanh đài RFA và Blogger Uyên Nguyên text: Anh Nguyễn Minh Cần mất rồi, lúc 5 giờ sáng giờ Moscow. Bật máy xem tin, RFI đã loan tin ông Cần mất.
Vẫn biết, trời đất mênh mang, ai rồi cũng chết, vậy mà vẫn buồn!
Năm 1997, trong chuyến công tác lúc còn làm cho RFA, từ California về lại Washington D.C, tôi đi cùng chuyến bay với ông Nguyễn Minh Cần. Lúc rời tòa soạn Người Việt, nhà báo Lê Đình Điểu, nay cũng không còn nữa, dặn dò, “anh Cần quốc tịch Nga, tên trên giấy thông hành là tên Nga và không nói được tiếng Anh, cậu giúp anh Cần thủ tục tại phi trường nhé.”
Trước đó, tôi đã có dịp trò chuyện và tìm hiểu về nhân vật từng một thời hy hiến tuổi trẻ cho công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc này.
Ông Nguyễn Minh Cần chào đời năm 1928 tại Huế, tham gia Cách mạng tháng Tám, tổ chức và lãnh đạo khởi nghĩa ở Huế và các vùng phụ cận Huế, gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1946. Ông đã từng giữ các chức vụ quan trọng như Uỷ viên Thường vụ Thành ủy Huế, ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên, Ủy viên Thường vụ Thành ủy Hà Nội, kiêm Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính Thành phố Hà Nội.
Năm 1962, ông đi Mạc Tư Khoa để theo học ở Trường Đảng Cao cấp của Liên Xô. Ông có mặt tại “cái nôi” của Cộng sản Quốc tế trong bối cảnh lãnh tụ Liên Xô lúc bấy giờ là Nikita Khrushchev chủ trương “xét lại” sau khi hạ bệ Stalin trong bài diễn văn đọc tại Đại hội 20 của Cộng sản Liên Xô năm 1956. Khrushchev cho rằng, không nhất thiết phải dùng bạo lực vũ trang mà vẫn có thể thắng “Đế quốc Mỹ” bằng con đường cạnh tranh kinh tế, khoa học và hòa bình.
Chủ trương của Khrushchev được ông Nguyễn Minh Cần và nhiều người nữa trong Đảng Cộng sản Việt Nam tán đồng, trong số đó, có ông Hoàng Minh Chính, Viện trưởng Viện nghiên cứu Mác-Lê; ông Vũ Đình Huỳnh, bí thư của Hồ Chí Minh; nhà văn Vũ Thư Hiên; thiếu tướng Đặng Kim Giang và nhiều nhân vật cao cấp khác của Đảng…
Tất cả những người ủng hộ chủ trương của Khrushchev như vậy là đã đương nhiên chống lại Nghị quyết 9 của Lê Duẩn: Dùng tổng lực quân sự đánh miền Nam. Mà chống Lê Duẩn vào thời điểm đó là “đụng cái vẩy ngược của con rồng” vì họ Lê nắm toàn quyền sinh sát trong Đảng.
Hậu quả, những ông Nguyễn Minh Cần, Hoàng Minh Chính, Vũ Đình Huỳnh, Vũ Thư Hiên, Đặng Kim Giang và hàng trăm người nữa bị khép vào tội “xét lại chống Đảng”. Tất cả đều bị bắt tù nhiều năm. Chỉ có một số ít lúc đó đang sống ngoài nước thì bị khai trừ khỏi Đảng.
Ông Nguyễn Minh Cần không cần đợi bị khai trừ, chính ông tự quyết định ly khai cái Đảng mà ông từng hết mực gắn bó với nó. Ông ở lại nước Nga, sống cuộc đời lưu vong.
Trong chuyến đi chung với ông Cần từ Quận Cam về D.C. Hơn 5 giờ bay ngồi cạnh nghe ông nói chuyện, tôi biết thêm và cảm được tấm lòng nhiệt huyết, chân thật, tử tế của ông.
Sống lưu vong ở nước Nga hơn nửa đời người, lấy vợ Nga, viết và nói tiếng Nga như tiếng mẹ đẻ, ông làm tự điển Nga-Việt, dịch nhiều tác phẩm văn học của hai dân tộc và viết sách. Cả hai ông bà ăn chay, tu tại gia và có công góp phần xây một Thiền đường Phật Giáo ngay tại Moscow. Những người từng đến thăm hai ông bà đều thích thú khi nhìn mấy chục con mèo hoang vô chủ được bà nhặt ngoài đường đem về nuôi nấng trong nhà. Ông Cần thường nói đùa, vợ ông quý đàn mèo hơn ông.
Bà Nguyễn Minh Cần sinh ra, lớn lên và trải nghiệm những năm tháng kinh khủng của xã hội trại lính dưới bàn tay cai trị tàn bạo của Stalin. Bà cũng là nhân chứng sự sụp đổ của Liên Xô và nhận rõ bộ mặt độc tài mới của Putin. Chính bà đã sát cánh bên người chồng Việt Nam trong suốt những năm tháng ông chịu cảnh lưu vong nghiệt ngã sau khi từ bỏ chế độ Hà Nội. Và cho tới lúc ông ra đi, bà lúc nào cũng là người để ông tựa vào đứng dậy.
Gần một tháng sống với ông trong căn phòng nhỏ ở Virginia gần D.C, nhiều người nghe tiếng ông tìm đến thăm nghe ông trò chuyện. Một buổi tối, anh Nguyễn Mạnh Hùng mang thức ăn đến, ba anh em nói chuyện đến quá khuya. Những chi tiết ông Cần kể hôm đó rất hữu ích đối với một việc nghiên cứu và giảng dạy môn Chính trị và Bang giao Quốc tế như anh Hùng.
Anh Hùng về lúc nửa đêm. Khoảng 3 giờ sáng, tôi thức giấc vì nghe tiếng thì thào. Nhỏm dậy, tôi thấy ông Cần ngồi quay lưng vào tường, miệng kê sát cái máy thâu âm và đang nói rất nhỏ. Tôi hỏi, anh cần em giúp gì không? Ông bảo, xin lỗi làm chú thức giấc, tôi quên vài chi tiết trong lúc nói chuyện nên thức dậy thâu ngay để sáng bổ túc cho anh Hùng.
Ông Cần là vậy đó! Ở tuổi gần 70 mà sức sống như một người trẻ.
Lần thứ nhì ông sang Mỹ cuối năm 1998 và cũng đến trọ với tôi ở Virginia. Lúc đó có cả nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến. Trạc tuổi nhau, người sống ở miền Nam, người lưu vong bên Nga trong lúc cuộc chiến khốc liệt diễn ra trên quê nhà thời thập niên 60, hai ông trò chuyện thâu đêm suốt sáng.
Một người bạn tôi quý mến ông Cần nhờ tôi chuyển món quà 1 ngàn Mỹ kim biếu ông. Ông thẳng thắn từ chối. Ông bảo, chú giữ lấy để giúp người nghèo hoặc những người đấu tranh tại Việt Nam. Tôi ép mãi, ông đành nhận nhưng nhờ tôi gửi thẳng cho Thiền viện Phật Giáo tại Moscow để “làm quỹ sinh hoạt cho Phật tử” .
Ông Cần là vậy đó! Đạm bạc. Trong sáng.
Có lần, tôi bị một người bạn phản ứng giận dữ khi tôi tặng anh cuốn “Vụ án Xét lại Chống Đảng” do ông Cần viết. Người bạn lớn tiếng, “hết khôn dồn đến dại” hay sao mà lại giao du với cộng sản.
Rõ ràng, cộng sản vẫn là bóng ma ám ảnh con người Việt Nam.
Anh Nguyễn Mạnh Hùng, khi tôi báo tin ông Cần mất, anh nói, anh Cần là người có nhân cách đáng quý. Anh Nguyễn Xuân Nghĩa cũng thốt lên một câu tương tự khi nghe tin ông Cần.
Với tôi, ông Cần tiêu biểu cho một lớp người trong hàng ngũ cộng sản yêu nước thật sự, họ dấn thân vì đất nước chứ chẳng vì cái gì khác, và một khi họ thấy được bề trái nhếch nhác của cộng sản thì họ tự quyết định chia tay cái đảng tôn thờ chủ nghĩa duy vật này và vẫn tận tụy mưu tìm một con đường khác hòng đem đến no ấm hạnh phúc cho con người và đất nước Việt Nam.
Và cuối cùng, tôi thật ân hận vì nhà xuất bản Người Việt chưa kịp hoàn tất việc tái bản cuốn “Ðảng Cộng sản Việt Nam qua những biến động trong phong trào Cộng sản Quốc tế” (xuất bản lần đầu năm 2001) của ông thì ông đã vĩnh viễn ra đi.
Anh Cần ơi, em vốn không tin tôn giáo nào nhưng tin là anh đang thanh thản nơi cõi Phật!
Đ.Q.A.T.