“Đất nước mình ngộ quá phải không anh?”

Nguyễn Đình Nguyên

TS. Y khoa, Australia

Vào ngày 28/04/2016 trên trang facebook cá nhân, Trần Thị Lam, một giáo viên ở Hà Tĩnh đã đăng tải bài thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh?” Lập tức, sự ảnh hưởng của bài thơ đã gần như vượt quá tầm và quá sức nghĩ của tác giả.

Chỉ là đoán thôi, tôi cho rằng bối cảnh ra đời của bài thơ này chỉ là “giọt nước tràn ly” sau quá nhiều sự kiện xã hội làm cho cô giáo phải trăn trở. Đó chính là sự kiện đau lòng xảy ra ngay trên quê hương cô, cá chết hàng loạt dọc bờ biển mà nguyên nhân sâu xa được cho là tác hại môi trường gây ra từ nhà máy gang thép Formosa. Cô thể hiện trong đoạn thứ ba: “Đất nước mình buồn quá phải không anh / Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc / Rừng đã hết và biển thì đang chết / Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa”. Cô đặt câu hỏi “ngộ quá”, nhưng là một tiếng than bất lực của một tuổi trẻ thừa nhiệt huyết bằng lời kết: “Câu hỏi gởi trời xanh, gửi người sau, người trước / Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu”.

“Anh” ở đây là ai? Là người yêu của cô giáo, là anh trai cô giáo hay là anh bạn nào đó của cô giáo?

Tôi không cho là như vậy. “Em” ở đây đã vượt ra ngoài chủ thể cô giáo Lam. Em, một đại từ nhân xưng ngôi một trong tiếng Việt có thể là bất kỳ một ai trong xã hội từ trẻ thơ, thiếu nhi, thanh niên đến nam phụ lão, tất cả mỗi một người Việt Nam đều có thể là em của bất kỳ một ai đó. Những câu hỏi của cô giáo Lam đặt ra, tôi đoán chắc cũng là của bất kỳ một người Việt Nam trên thế giới này nếu còn lương tri. Chính vì lẽ đó, “anh” ở đây cũng không còn là một nhân vật cụ thể nào nữa. Có thể là một người dân bình thường, một anh lính, một viên chức, một trí thức, hay một lãnh đạo và kể cả lãnh đạo tối cao của đất nước này. Cô đã đặt các câu hỏi mà gần như có câu trả lời cho mình: “Anh không biết em làm sao biết được”.

Để liên tưởng thêm, thì chắc ai cũng nhớ. Không xa lắm đâu, trong một diễn văn bế mạc Đại hội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tái khẳng định tiếp tục sự nghiệp xây dựng CNXH bằng con đường “Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, mà chính ông và toàn Đảng của ông thừa biết là không thể thực hiện được. Vì ông đã từng than vãn “không biết đến hết thế kỷ này có xây dựng được chủ nghĩa xã hội hay không”. Vậy thì “anh” ở đây là ai, và “anh nào không biết” cũng có thể mường tượng được cụm từ “em-anh” sẽ còn có thể mở rộng ở mức nào trên mọi mặt trong xã hội Việt Nam hiện nay.

Bài thơ theo tôi, không phải là quá xuất sắc về văn chương, nghệ thuật hay về ý tưởng. Nhưng thơ không phải chỉ là văn chương và nghệ thuật hay những đột phá. Điều đặc sắc và độc đáo nhất của bài thơ là ở ngay khổ thơ đầu: “Đất nước mình ngộ quá phải không anh / Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn / Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm /Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi…”.

Cô đã đánh vào lòng tự trọng của chính cô và của bất kỳ một người Việt Nam nào. Cô đã đặt một câu hỏi lớn cho cả dân tộc và lịch sử. Tại sao Việt Nam, người Việt Nam đã có bốn ngàn năm, có bề dày lịch sử oai hùng như thế mà vẫn cứ còn đì đẹt, bì bõm trong vũng lầy của chính mình. Một đứa trẻ bú mớm tức là một đứa trẻ còn cứ bĩnh ra tã, còn vòi ăn kêu khóc mà chả biết làm gì nên chuyện, còn phụ thuộc vào quá nhiều và người khác và ngoại cảnh. Câu hỏi như dao chém vào tim!

Có lẽ vì thế mà bài thơ đã làm chao đảo cư dân mạng. Cư dân mạng hưởng ứng bao nhiêu thì làm cho chính quyền đau đầu bấy nhiêu. Một suy nghĩ cá nhân, một cảm nhận cá nhân mà Bảo vệ chính trị nội bộ (PA83) Công an Hà Tĩnh cũng phải vào cuộc và giải thích: “Sau khi có thông tin, cán bộ của phòng đã liên hệ thì cô giáo thừa nhận bài thơ đó là của mình nên anh em nhắc nhở, khuyên cô không nên phát tán, tạo hiệu ứng xấu cho xã hội”. Thôi, chả phải bàn về mấy anh cán bộ này làm gì, vì các ảnh cũng “còn bú mớm”.

Về sự lan truyền của bài thơ. Nhanh chóng ngay sau đó, bài thơ đã lan tỏa chóng mặt bằng nhiều hình thức, đăng lại, ngâm thơ. Nhưng ấn tượng nhất là bài thơ được Nhạc sĩ Ngô Tín phổ lại thành ca khúc gần như không thay đổi nguyên bản. Ca khúc này lại tiếp tục đưa cho bài thơ lan tỏa và trở nên nổi tiếng thêm.

Giờ nói về tác giả bản nhạc. Đối với người ái mộ âm nhạc ở hải ngoại thì có lẽ không lạ gì về nhạc sĩ Ngô Tín, hiện đang sinh sống tại Quận Cam, California, là tác giả của trên 200 bản nhạc các thể loại, chủ yếu là tình ca. Tuy nhiên gần đây nhạc sĩ Ngô Tín có những sáng tác liên quan đến vận mệnh của đất nước, như “Chúng ta phải hành động”, “Khúc ca cuồng nộ” (phổ thơ Nguyễn Hoàng Lãng Du) hay “Tổ quốc gọi ta lên đường” (ý thơ Nguyễn Thanh Huy) trước sự kiện bành trướng lấn chiếm biển Đông của chính phủ Trung Quôc

Ngô Tín sinh ra và lớn lên ở thành phố biển Quy nhơn, sống với ông bà ngoại. Học và chơi nhạc từ rất sớm. Từ khi lên 7 đã biết chơi Classic và Flamengo. Từ năm 1973, Ngô Tín bắt đầu sáng tác, tác phẩm đầu tay là “Uyên ương gãy cánh” khi tác giả mới tròn 18 tuổi. Bản nhạc này được ra đời trong sự đam mê câu chuyện tình có thật giữa nhà văn Kahlil Gibran và Selma Karamy được chính Kahlil viết trong tiểu thuyết thơ “Broken Wings” (Uyên ương gãy cánh). Nếu chưa đọc, có lẽ các bạn cũng nên tìm đọc cho biết, một bị kịch tình yêu bàng bạc tiếng thơ. Nhưng tác phẩm tình đầu đời của Ngô Tín có lẽ là “Nụ hôn đầu”, cũng viết năm lên 18, để kỷ niệm một tình yêu đơn phương với một cô nữ sinh.

Nhạc của Ngô Tín không xuất hiện nhiều trong thị trường nhưng khá quen thuộc trong các chương trình “nhạc bỏ túi” ở Cali. Nhạc sĩ Ngô Tín hiện là trưởng nhóm sáng tác ca khúc “Vòng tay”

Để hưởng ứng các cuộc tọa kháng ôn hòa bày tỏ sự lo ngại tới mối an nguy của biển và môi trường ở Việt Nam hiện nay, đang diễn ra ở Hà Nội và Sài Gòn trong các ngày cuối tuần vừa qua, mời các bạn nghe lại “Đất nước mình ngộ quá phải không anh?” do chính nhạc sĩ Ngô Tín đệm đàn.

Link: https://www.youtube.com/watch?v=SYc5YOhPDLs

N.Đ.N.

Tác giả gửi BVN.

______________

* http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/302022/khong-ky-luat-co-giao-lam-tho-dat-nuoc-minh-ngo-qua-phai-khong-anh.html

* http://www.daiduongdao.com/2010/07/huong-xua-41-nhac-si-ngo-tin.html

* https://citimedia.wordpress.com/2009/07/25/guitar-ngo-tin-1/

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.