Tâm Don
…rất nhiều ý kiến cho rằng cần phải tiếp tục biểu tình, cần phải tiếp tục duy trì sự đòi hỏi quyền lợi của nhân dân và đất nước. Bởi lẽ nếu dừng lại có nghĩa là chấp nhận thua trong cuộc chiến chống lại cái ác-cái đen tối, và điều đó đồng nghĩa với sự tiếp tay cho cái ác-cái đen tối…
Tiếp tục hay không?
Không thể phủ nhận một thực tế hiển nhiên là, sự trấn áp mạnh tay và tàn bạo của chính quyền Sài Gòn trong hai cuộc biểu tình ôn hòa vì môi trường biển trong hai ngày 01-5 và 08-5 vừa qua đã gây nên sự phẫn nộ tột cùng trong cộng đồng yêu chuộng tự do và dân chủ trong nước và cộng đồng quốc tế, kèm theo đó là những suy tư về sự sợ hãi về những lần biểu tình tiếp theo.
Nhiều tranh cãi đã diễn ra xung quanh chủ đề: có nên tiếp tục biểu tình ôn hòa vì môi trường trong ngày 15-5 và ngày 22-5 tới đây hay không trong bối cảnh chính quyền Sài Gòn, và có thể chính quyền Hà Nội nữa sẽ tiếp tục trấn áp mạnh tay đối với người biểu tình? Nhiều ý kiến cho rằng, nếu tiếp tục biểu tình sẽ là khiêu khích chính quyền, và đó là điều không nên. Cũng có ý kiến cho rằng, hai cuộc biểu tình vừa qua đã thành công vang dội khiến chính quyền hoảng hốt, và chắc chắn chính quyền đã lắng nghe nguyện vọng và đòi hỏi của người dân, vì vậy không nên biểu tình nữa. Có ý kiến nêu rõ: không nên biểu tình nữa để tránh đổ máu và mất mát khi mà chính quyền đã lộ rõ mặt thật hung bạo, và im lặng hoặc là phản kháng tại gia là cách biểu tình tốt nhất.
Bên cạnh đó, rất nhiều ý kiến cho rằng cần phải tiếp tục biểu tình, cần phải tiếp tục duy trì sự đòi hỏi quyền lợi của nhân dân và đất nước. Bởi lẽ nếu dừng lại có nghĩa là chấp nhận thua trong cuộc chiến chống lại cái ác-cái đen tối, và điều đó đồng nghĩa với sự tiếp tay cho cái ác-cái đen tối; nếu dừng lại có nghĩa là cộng đồng đấu tranh đã tỏ ra hèn yếu trước sự sợ hãi và vô tình nó sẽ tạo nên một làn sóng sợ hãi, tạo nên tính cách “cừu” trong con người Việt Nam, và, tính cách “cừu” sẽ trở thành miếng mồi ngon cho những con sói luôn đói và tàn bạo. Thông điệp Xuống Đường vẫn mạnh mẽ và rạo rực, vẫn có sức lan tỏa mạnh mẽ trên các mạng xã hội.
Tiếp tục trên con đường nhiều sợ hãi
Để đồng hành với Đồng bào Việt Nam trong cuộc xuống đường vì môi trường ngày 15-05 và 22-05-2016. (Linh mục Phê-rô Nguyễn Hữu Giải và Linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi, Thừa Thiên-Huế, Việt Nam)
Trả lời câu hỏi của VNTB “nên hay không nên xuống đường”, từ Sài Gòn, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Thị Bích Ngà cho rằng: Bất kỳ dân tộc nào, con người nào cũng phải trải qua giai đoạn chuyển tiếp từ cái xấu cũ sang cái mới tốt đẹp hơn. Quá trình đó là một quá trình con người, dân tộc bị giằng xé, mâu thuẫn giữa tư tưởng cũ và mới. Quá trình này diễn ra lâu hay mau là do mặt bằng dân trí chung và một phần do dân tộc tính và phần lớn do sự cố gắng tự thân của mỗi người. Việc của trí thức là thúc đẩy quá trình đó diễn ra nhanh hơn bằng cách hướng dẫn, cập nhật cái mới liên tục đồng thời với bài trừ cái xấu cũ bằng sự nhẫn nại, kiên trì, bền bỉ, yêu thương chứ không phải cô lập hoặc tự cô lập, tách rời họ hoặc chính mình ra khỏi nó. Theo nhà hoạt động xã hội này, từ nhận thức này, bà ủng hộ phương án tiếp tục xuống đường.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngà nói tiếp: “Trải dài suốt lịch sử tồn tại và phát triển của loài người, cuộc chiến giữa thiện và ác, minh bạch công chính và thủ đoạn dối lừa, nhân ái và tàn bạo… luôn luôn là cuộc chiến khó khăn, phần thua thiệt trước mắt luôn luôn lệch về bên thiện và công chính, nhân ái. Nhưng khi cái thiện, sự công chính, lòng nhân ái, yêu thương được giữ vững một cách kiên định không lay chuyển thì cái ác, cái xấu, cái dối lừa thủ đoạn, cái tàn bạo phải thua cuộc.
Nhắc nhở chính mình không được để cho sự phẫn nộ làm cho mình nuôi dưỡng sự thù hận, làm cho đánh mất đi tình yêu thương nhân ái và sự công chính. Nếu mình đánh mất đi sự công chính và tình yêu, có nghĩa là mình đã để cho ái ác, cái xấu, cái thủ đoạn, cái bạo tàn làm cho vẫn đục, lôi kéo thì mình đã thua trước khi lâm trận”. Với bà Ngà, biểu tình hay xuống đường không phải để trả thù mà là để thể hiện yêu thương và trách nhiệm.
Còn nhà hoạt động xã hội Phan Cẩm Hường ở Hà Nội tỏ ra quyết liệt và mạnh mẽ khi cho rằng: “Hèn nhát cũng là một sự lựa chọn. Tôi không lựa chọn sự hèn nhát. Tôi sẽ tiếp tục tuần hành với khẩu hiệu: Formosa hãy cút xéo!”
Nhà hoạt động xã hội Dũng Mai ở Hà Nội ủng hộ phương án tiếp tục biểu tình khi ông viết trên trang FB cá nhân của mình rằng: “Ngay hai chữ Biểu tình đã nói khá rõ: đó là biểu đạt, nói lên tình cảm, thái độ của mình trước những sự kiện của đất nước. Như vậy Biểu tình là thông điệp của từng cá nhân trao gửi tới người khác, nó cần có yếu tố Tôi và Bạn. Để không trở nên vô ích, Thông điệp (biểu tình) cần thoả mãn yếu tố Nhiều người. Càng nhiều người, thông điệp càng rõ ràng và có sức mạnh.
Thông điệp của chúng ta là: CÁ CHẾT DÂN CHẾT, CÁ CẦN NƯỚC SẠCH DÂN CẦN MINH BẠCH, CHÚNG TÔI CẦN MÔI TRƯỜNG KHÔNG BỊ ĐẦU ĐỘC.
Nhà hát lớn Thành phố trong ngày 8/5 bị phong toả dễ dàng bởi vị trí đó dễ kiểm soát. Tượng đài Lý Thái Tổ, quanh Bờ Hồ vẫn là địa chỉ hợp lý cho các cuộc biểu tình bởi những Thông điệp mong muốn đưa ra ở đây có hiệu quả nhất.
Biểu tình là quyền được Hiến pháp quy định. Chưa có luật biểu tình nên việc quy kết tội biểu tình là không có cơ sở. Thủ đoạn bẩn thỉu quy cho công dân tội ‘gây rối trật tự công cộng’ sẽ không có kết quả khi họ không có bất cứ một bằng chứng nào cho thấy bạn gây rối.
Thả lỏng, ôn hoà và lịch sự khi đi biểu tình là cách thức mạnh nhất đáp trả sự hung hãn. Hãy nhớ rằng: Những kẻ đi đàn áp cũng biết xấu hổ và lo sợ cho tương lai của chính họ”.
FBker Đinh Văn Hải cho rằng, nên tiếp tục biểu tình và gửi đi một thông điệp có ý nghĩa đối với nhiều phía: “Mọi Công Dân tham gia biểu tình và lực lượng công an, an ninh cần biết 2 điểm này:
1. Con người có trách nhiệm đạo đức để không phục tùng những luật lệ bất chính.
2. Nếu một đạo luật là bất công, thì người dân không những chỉ có quyền, mà còn phải có nghĩa vụ không tuân thủ nó.
Dựa vào hai điều này, các bạn công an, an ninh, lực lượng bị huy động đi đàn áp dân biểu tình có quyền từ chối thực thi các mệnh lệnh đàn áp dân chúng. Như vậy, các bạn sẽ không bị đối diện với nguy cơ đối diện với sự hồi tố trong tương lai gần, hoặc không bị biến thành con chốt thí cho các cấp lãnh đạo của các bạn. Các bạn cũng không bị người đời nguyền rủa hay lương tâm cắn rứt”.
FBker Nguyễn Viện cũng ủng hộ phương án tiếp tục biểu tình, nhưng cũng ủng hộ sự lựa chọn ngồi nhà của một số người. Tuy nhiên, FBker này kêu gọi những người ngồi nhà không nên im lặng: “Với các bạn đang im lặng, hoặc bất khả kháng không tham gia được trong cuộc đấu tranh bảo vệ cuộc sống này, các bạn cứ ‘đánh võ mồm’ bằng bất cứ phương tiện nào, vì truyền thông thật sự là một sức mạnh. Nó là bão có thể quét đi mọi thứ rác rưởi”.
FBker Nguyễn Hồng Anh ở Hà Nội lên tiếng kêu gọi Hãy Nói Tiếng Nói Của Chính Bạn-được hiểu là hãy can đảm đi biểu tình, và viết trên FB cá nhân của mình: “Chúng ta thường xuyên nhắc và mơ đến các mỹ từ ‘Công dân toàn cầu’, ‘thần đồng’ hay ‘giáo dục sớm’. Chúng ta dành hàng giờ, hàng ngày chỉ để dạy lũ trẻ những kiến thức, giá trị đạo đức vụn vặt nhưng không đủ nhận thức, chính kiến, dũng khí và sự can đảm để giáo dục chúng về Công lý, về Lẽ phải, về sự Dấn thân, về Thực trạng xã hội nơi chúng đang sống. Về những sự kiện, những biến động hàng ngày xảy ra trong và ngoài nước. Về Thể chế, Ý thức hệ. Về chính trị – vấn đề sống còn liên quan, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống con người.
Vì chính chúng ta không tìm hiểu, vì chính chúng ta hèn nhát. Để rồi, nhiều nhất lũ trẻ sẽ học được tất cả những gì vỏn vẹn đủ để chúng trở thành những công cụ, những con người chỉ biết im lặng, tuân phục, làm theo bất luận trong hoàn cảnh nào. Trở thành những con người thu vén chỉ biết đến cuộc đời mình và luôn sợ hãi nói lên sự thật.
Và cuối cùng, chúng không bao giờ có thể trở thành một công dân đúng nghĩa, tối thiểu chỉ trên mảnh đất quê hương chúng. Chúng đã và sẽ không bao giờ hiểu ý nghĩa đích thực của hai từ ‘Tự do’, ‘Dân chủ’. Không bao giờ có và tận hưởng được hạnh phúc xứng đáng của một cuộc làm người!”.
Bác sĩ Nguyễn Đắc Diên ở Sài Gòn cũng đồng tình với phương án tiếp tục đứng lên đòi quyền lợi: “Chính Hà Nội cùng với chủ thuyết lỗi thời và cách hành xử vừa thô bạo với dân vừa bạc nhược trước Trung Quốc đã đẩy người dân về phía đối kháng chứ chẳng vì thế lực thù địch nào cả.
Trước tình cảnh môi trường biển và ngư trường Việt bị đầu độc, người dân xuống đường thể hiện sự phẩn uất và yêu cầu đưa kẻ thủ ác ra ánh sáng, có gì sai? Thế mà HN thay vì khuyến khích, lại có những hành vi cản trở vừa ngu xuẩn vừa thô bạo với dân.”
Một FBker có nick là Kim Hoa bà bà dõng dạc: “Hỡi dân Việt, đừng hèn nhát nữa, mỗi lần tôi thấy một người tranh đấu bị công an vây đánh mà hàng ngàn người ở ngoài vẫn trơ mắt nhìn bất động … thì tôi đau xót và tủi nhục cho sự hèn nhát vô cảm của họ.”
Rất nhân bản, nhiều nhà tranh đấu ở Việt Nam cho biết, cũng như nhiều người dân Việt Nam khác, họ vẫn mang trong mình những nỗi sợ vu vơ đến từ sự tàn độc hèn hạ của những lực lượng chính quyền ẩn mình trong bóng tối. Họ sợ một tai nạn giao thông được ngụy tạo, một trận đòn từ đám côn đồ bịt kín khẩu trang, họ sợ người thân bị đe dọa, họ sợ mất công ăn việc làm và thu nhập từ áp lực và sự quấy rối của chính quyền… Nhưng họ cho biết, cho dù sợ họ vẫn sẽ tiếp tục đi trên con đường nhiều sợ hãi ấy, và, họ đang mạnh mẽ kêu gọi nhiều người rằng: “Hãy Cùng Tôi Đi Trên Con Đường Nhiều Sợ Hãi”.
T.Đ.
* Nguồn bài: http://www.ijavn.org/2016/05/vntb-bieu-tinh-moi-truong-dung-lai-hay.html
* Ảnh Linh mục Phê-rô Nguyễn Hữu Giải và Linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi: được Linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi gửi tới các đại diện chức sắc tôn giáo, nhân sĩ trí thức (trong đó có BBT BVN) cho phép đăng tải kèm chú thích như hình.