Những ngày này ở Hà Tĩnh, chuyện cá chết, biển ngộ độc, dân hoang mang tột độ gần như bị chùng lại để chờ đợi kết luận của các nhà khoa học như công báo của Chính phủ. Quan chức các cấp địa phương thì cố khuyên dân an tâm với môi trường biển, cứ ăn cá đi, cứ tắm biển đi và sau đó họ dồn toàn tâm toàn lực cho cuộc bầu cử các cấp sắp tới. Công việc hối hả, cấp bách và “nóng” đến nỗi tìm về xã xin gặp chủ tịch thì: đi họp huyện; tìm về huyện xin gặp lãnh đạo từ cấp phòng trở lên thì: bận báo cáo, tiếp tỉnh về…
Về tận xứ biển: biển xanh trong và đẹp vô cùng nhưng bãi tắm Hoành Sơn không một bóng người, không một bóng thuyền bè qua lại (nói chính xác là chiều nay, lúc 14h có một con thuyền cực nhỏ đậu cách bờ biển đoạn khách sạn Hoành Sơn chếch phía đèo Ngang khoảng chừng cây số, lăng yên trên biển biếc?). Những cánh đồng muối trơ nền xi măng trắng toát, tủi buồn. Bà con ngư dân, diêm dân sống ra sao, chỉ cần nhìn biển, nhìn đồng cũng hình dung được. Và thú thực, chúng tôi không dám gặp dân bởi đã hình dung được những gì dân sẽ nói, cả những lời ca ai oán và cả sự giận dữ, bất cần…
Về Thị xã Kỳ Anh gặp vài đồng nghiệp thì những thôn tin mới làm chúng tôi sửng sốt: hóa ra biển vẫn vô cùng độc hại, độc đến nỗi bơm nước vô hồ cá, chỉ một loáng sau cá chết trắng hồ. Những cánh đồng nuôi hàu, nuôi ngao giờ xung quang bờ đầm chất chồng thứ vỏ trắng hếu như ai đã tập kết chúng về cho lò nung vôi thời xưa cũ. Và để minh chứng cho thông tin này, chú em đồng nghiệp của tôi đã chuyển cho tôi bài báo và hình ảnh mà chú vừa kể lại. Chuyện cá chết cả hồ sau khi bơm nước là chuyện từ nhà của chú.
Xin trích đoạn bài báo này:
“Theo thông tin mà phóng viên báo Seatimes nhận được, sáng ngày 04/05/2016 tại Thị xã Kỳ Anh – Hà Tĩnh, hiện tượng cá chết hàng loạt hiện đang diễn ra tại khu vực này.
Theo anh Nguyễn Quang Sâm, xóm 8 – xã Kỳ Hà – Thị xã Kỳ Anh cho biết: Sau khi có kết quả quan trắc của nguồn nước của 4 tỉnh miền Trung nằm trong giới hạn cho phép, tối ngày 03/05 anh Sâm có bơm nước từ hệ thống kênh thuộc biển Kỳ Hà vào hồ nuôi cá, vài tiếng đồng hồ sau khi bơm, anh Sâm thấy cá có hiện tượng lờ đờ và chết hàng loạt ngay sau đó không rõ nguyên nhân. Ước tính thiệt hại ban đầu hơn 4 tạ cá (Thuộc giống cá hồng Mỹ), với tổng kinh tế hơn 500 triệu đồng.
Sau khi sự việc xảy ra, Chi cục Thú y tỉnh Hà Tĩnh cùng Chính quyền địa phương đã xuống kiểm tra và xử lý. Anh Sâm cho biết: sau khi kiểm tra, Chi cục Thú y đã đã tiến hành mổ cá để kiểm tra. Theo đó, hiện tượng cá chết hàng loạt tại hộ gia đình anh không phải do dịch bệnh mà do nguồn nước gia đình anh Sâm đang sử dụng. Toàn bộ lượng cá chết đã được cơ quan chức năng tiến hành chôn lấp tại gần khu vực hồ nuôi.
Nghịch lý cho thấy, Tổng cục Môi trường, Bộ TN – MT đã công bố kết quả qua trắc mẫu nước biển tại 4 tỉnh đang diễn ra hiện tượng trên đã đặt chỉ số an toàn trong đó có Hà Tĩnh, song thực tế cho thấy việc cá, nghêu chết hàng loạt, vẫn đang diễn ra với số lượng lớn như vậy thì việc người dân đang hoang mang lo lắng, cầu cứu các nhà chức trách để có một câu trả lời chính xác và cụ thể là vấn đề cần thiết.
Thiết nghĩ, việc lãnh đạo sở, ban, ngành có thẩm quyền các tỉnh đang diễn ra thực trạng trên lấy việc tắm biển và ăn hải sản để chứng minh cho việc “biển chết” đã “hồi sinh” không phải là câu trả lời thích đáng. Quan trong hơn là gì? Hàng vạn ngư dân bám biển mong mỏi một câu trả lời của giới chức trách mang tầm vóc khoa học.
Trở lại Kỳ Hà những ngày gần đây, một trong những nơi trực tiếp hứng chịu hiểm họa về ô nhiễm nguồn nước, chúng ta thấy rõ sự buồn bã lẫn chút lo âu của bà con ngư dân. Bởi lẽ, nguồn nước biển không chỉ ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy, hải sản mà còn tác động đến việc canh tác sản xuất muối của bà con nơi đây. Hiếm có nơi nào, diêm dân lại giữ nghề, yêu nghề như làng muối Kỳ Hà – Thị xã Kỳ Anh – Hà Tĩnh. Nơi đây thực sự là nguồn tài nguyên vô giá vì nó là vốn tư liệu sản xuất chính của bao thế hệ người dân xứ này.
Trao đổi với phóng viên, bác Nguyễn Thị Duyên – thôn Bắc Hà – Kỳ Hà chia sẻ: Sau thông tin nước biển bị ô nhiễm, bà con nơi đây gặp rất nhiều khó khăn trong việc sản xuất muối, có làm thì cũng không ai dám ăn. So với mọi năm trong cùng thời gian này, bà con trong làng tấp nập sản xuất nhưng năm nay ai cũng để hoang bãi muối, không biết làm gì để sinh sống. Chỉ mong cơ quan chức năng sớm tìm hướng giải quyết cho nông dân.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, bà Trần Thị Thái buồn bã tâm sự: Bà con nơi đây khổ lắm, ngoài việc làm muối ra thì không thể làm gì được, chỉ biết đi bắt những con sò, con nghêu để kiếm cái sinh nhai nhưng đem lên chợ bán lại không ái dám mua nên đành vứt bỏ.
Để sát với thực tế, phóng viên đã có cuộc làm việc với ông Lê Văn Luyện – Chủ tịch UBND xã Kỳ Hà, ông Luyện phân trần: Chúng tôi vẫn tiếp tục vận động người dân tham gia sản xuất vì hiện tại chúng tôi thấy các chỉ số mà các Cơ quan chức năng đưa ra đã đạt chỉ số bình thường.
Cần thiết hơn cho việc điều tra phía cơ quan chức trách về “thảm cảnh” môi trường dọc bờ biển thuộc các tỉnh Miền trung, thiết nghĩ cần phải bám sát thực tế, chúng ta cần khẩn trương vào cuộc thanh, kiểm tra tại nhà máy. Mặt khác, cần phải làm rõ việc thực thi pháp luật Việt Nam đối với nhà máy này, việc sử dụng hóa chất của nhà máy có đạt tới ngưỡng cho phép hay không, việc xử lý rác thải, nước thải có đúng quy định hay không… Từ đó, chúng ta có thể công bố một kết luận rõ ràng, minh bạch để trấn an dư luận…
Tăng Thành”
Ảnh theo bài: Cao Cường và Bùi Quang Thanh.
Cá trong hồ chết ngay sau khi bơm nước biển vào
Các cơ quan chức năng đã đến mổ ruột cá chết mang đi xét nghiệm.
Ngao, sò của ngư dân chết vỏ chất thành đống trên bãi.
Khoảng 400kg cá nuôi chết được địa phương vùi ngay bên cạnh ao chủ cá.
Người dân đào hồ chôn cá cho nhà báo lấy thông tin.
Lại một khu nuôi ngao, nhìn đống vỏ ngao mà ngán ngẩm.
Đồng muối của diêm dân sạch như sân nhà.
Biển vắng chiều nay mà không “hát” nổi một lời.
Biển Kỳ Nam phía bắc đèo Ngang chiều nay (11/5/2016)
Nguồn: https://www.facebook.com/quangthanh.bui.35/posts/622000811286383?pnref=story