Ý kiến của một nhà khoa học ở Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam về đại thảm họa Vũng Áng  

Dù đã về hưu trên chục năm nay, nhưng với một nhà khoa học nói riêng, văn nghệ sĩ hay trí thức nói chung, không thể nói chuyện hưu trí được, nên ý kiến của nguyên Trưởng phòng Quang học, Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nên được lãnh đạo nhà nước và xã hội nói chung tôn trọng.

Năm nay, nhân dân ta kỷ niệm ngày 1/5 và lần thứ 41 lễ „Giải phóng Miền Nam“ không vui vẻ gì dù được nghỉ đến 4 ngày.

Bất cứ người có lương tri nào, không chỉ trên toàn quốc mà cả đồng bào ở hải ngoại và tất cả nhân loại cũng phải thương cảm cho đồng bào và đồng loại của mình ở bốn tỉnh Miền Trung Việt Nam trước đại thảm họa môi trường vừa xảy ra tại vùng biển Vũng Áng, Hà Tĩnh rồi lan ra ba tỉnh phía dưới do dòng hải lưu. Còn ai chót đặt chỗ đi du lịch những ngày này ở khu vực đó thì thực là tai họa.

Chỉ cần có trình độ trung học phổ thông, bất cứ ai cũng phải hiểu rằng, một khu công nghiệp, thậm chí lại là công nghiệp luyện thép với tất cả các công nghệ liên quan, tầm cỡ như Khu Công nghiệp Formosa, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, phải thải ra môi trường vô cùng nhiều chất độc hại. Xử lý chúng dĩ nhiên hết sức tốn kém. Thế nên Công ty Formosa, vốn đã nổi tiếng toàn cầu từ lâu về gây ô nhiễm môi trường, mà nay lại do Trung Quốc – „ông bạn 16 chữ vàng của Việt Nam“ – chi tiền phần lớn, xây cái ống ngầm đường kính 1,4 m chạy sâu dưới đất (và biển) và dài đến 1,5 km ra biển thì đến đứa trẻ con cũng phải hiểu là vì mục đích gì!

Khi cá, mà rất nhiều là cá và sinh vật sống sâu dưởi biển, chết rồi nổi lên bờ trải dài từ tỉnh Hà Tĩnh xuống bờ biển phía Nam qua 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, mọi người đều hiểu ngay chuyện gì xảy ra. Sau một thời gian dài chần chừ – để làm gì? – chính phủ mới cho Bộ Tài nguyên và Môi trường họp báo ngắn khủng khiếp để không nhà báo nào đặt câu hỏi gì được. Thế rồi ông Thứ trưởng Bộ TN & MT Võ Tuấn Nhân cho rằng việc cá chết hàng loạt hoặc do chất độc từ hoạt động của con người gây ra hoặc do hiện tượng tảo nở hoa. Không thấy nói đấy là kết luận từ kết quả kiểm tra của nhóm nhà khoa học nào.

Nhưng thực ra, câu trả lời cho nguyên nhân đại thảm họa này đã được Giám đốc đối ngoại của Formosa Chu Xuân Phàm thẳng thừng phát biểu trước đó rồi: “Hồi xưa, khi giải phóng mặt bằng đã tính phương án hỗ trợ ngư dân đánh bắt cá chuyển sang nghề khác rồi, sao cứ phải đánh bắt quanh vùng biển này. Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, hãy chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm Thủ tướng cũng không giải quyết được”.

Ở chừng mức nào đó, ông ta đã thay mặt Forrmosa xin lỗi rồi đấy. Và cũng chính vì câu nói quá thẳng ấy mà ông ta đã bị Formosa đuổi việc.

Một câu xin lỗi đâu có đủ, vì thảm họa môi trường chắc chắn không phải vài năm và không phải chỉ với bốn tỉnh đó, mà cho cả đất nước này, dân tộc này, với thời gian rất dài nếu không biết cách khắc phục, và chắc chắn rất tốn kém, khó tính nổi.

Vì vậy tôi đề nghị với Ông Thủ tướng, song song với việc đền bù thiệt hại cho ngư dân bốn tỉnh Miền Trung, phải tiến hành xác định nguyên nhân cả về mặt khoa học lẫn pháp lý – để giải quyết hậu quả với Formosa nói riêng và với môi trường không chỉ vùng biển đó mà cả Biển Đông, cửa ngõ ngôi nhà dân tộc chúng ta mà „ông bạn 16 chữ vàng“ hằng chiếm đoạt từ hàng ngàn năm nay.

Về mặt khoa học, chắc chắn một nhóm các nhà khoa học ở bất cứ một trường đại học nghiêm chỉnh nào trên nước Việt Nam, với thiết bị và kiến thức hiện đại tương ứng, thì việc đó chắc chắn không quá khó khăn.

Còn nếu Ông Thủ tướng và các chuyên gia của ông ở Bộ Tài nguyên và Môi trường thấy có khó khăn trong việc này, tôi xin đề cử một nhóm các nhà khoa học (đã về hưu, chứ nếu đương chức chắc chắn họ không dám nhận!) ở Viện Khoa học Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, mà sau 40 năm công tác tại viện khoa học này tôi vốn có quen biết.

Trách nhiệm của Ông Thủ tướng với môi trường của đất nước nói riêng, tương lai và vận mệnh ngư dân nói riêng và cả dân tộc này nói chung lớn lắm đấy!

N.H.T.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Lên Tiếng, Môi Trường. Bookmark the permalink.