Hà Nội chúng ta từng có hình vuông, thủ đô nước Mỹ có hình vuông. Hai thành phố cách nhau nửa vòng trái đất. Hà Nội đang mở rộng nên cần tìm hiểu đôi chút xem nước người làm gì để tránh những bài học đắt giá.
Quy hoạch Hà Nội – nẩy ra từ “chân”
Người bạn tôi đang làm cho một tổ chức quốc tế lớn nhằm giúp cải cách cơ cấu tại Việt Nam tâm sự rằng, mỗi khi bàn đến chuyện thay đổi, đối tác nhà ta thường có câu muôn thưở “Việt Nam đã trải qua chiến tranh, điều kiện rất đặc thù và hệ thống của chúng tôi rất đặc biệt”. Đại loại chúng ta khác người nên cái gì cũng khác.
Tư duy đó ăn sâu cả vào những quyết định quan trọng như mở rộng Thủ đô hai năm trước và dự định xây trung tâm hành chính gần đây.
“Đặc thù” ở chỗ là quyết đinh ra trước, cứ mở rộng lên tận Hòa Bình, nuốt Hà Tây, rồi… tính sau. Sau hai năm chưa biết việc mở rộng có hiệu quả kinh tế như thế nào thì mấy hôm nay bỗng rộ lên như nhà quê mổ bò, Ba Vì có nên là trung tâm hành chính quốc gia (?)
Đó là cung cách làm ăn với tư duy nẩy ra từ “chân”- đi tới đâu, nghĩ tới đó, thường được chúng ta nói rất hay là “lấy từ thực tiễn cuộc sống”.
Dân tưởng khi quyết định mở rộng Thủ đô với những lời phát biểu đầy mỹ từ thì đã có kế hoạch đâu là trung tâm hành chính quốc gia. Hóa ra hiện giờ mới mang ra góp ý.
Chưa biết những góp ý của dân có đóng vai trò gì hay Quốc hội cần biểu quyết không thì đùng một cái, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn hùng hồn tuyên bố “có thể xây dựng trục Thăng Long ngay từ năm 2011”.
Thế thì mang ra cho dân góp ý làm gì nhỉ? Các nhà hoạch định chính sách nghĩ hộ, làm hộ hết rồi.
Việt Nam có số dân gần 100 triệu thì Thủ đô cũng nên sắp xếp thế nào cho xứng tầm khu vực. Nhưng thực ra, chiều rộng, chiều dài, diện tích hàng ngàn km2, dân “đa dạng từ Mường tới Kinh” của Hà Nội chẳng nói lên sức mạnh của đất nước. Sức mạnh nằm trong thể chế chính trị, sức mạnh mềm, trong đó có văn hóa và kiến trúc.
Thú thật, người viết bài này rất sợ chuyện phong thủy, nhất là đưa “kiến thức mê tín” đó vào xây dựng đất nước hay Thủ đô. Thời đại khoa học tiên tiến của thế kỷ XXI không thể để vận mệnh, điểm huyệt quốc gia, tâm linh hay trục tụ khí cho vài “thầy” phán đại.
Tuy nhiên, “tâm linh hay điểm huyệt” dựa trên số liệu khoa học về đất, nước, lượng mưa, tầng địa chấn để giúp cho xây dựng lại rất cần.
Hãy áp dụng “tụ khí” sao cho khi người ta nhìn vào đó thấy chính quyền là tinh hoa của dân tộc, không phải quan trí thấp, quản lý yếu kém, tư duy nhiệm kỳ, ít tham nhũng hay lạm quyền.
Washington DC – thủ đô… vuông
Ai đến Washington DC (gọi tắt là DC) đều cảm thấy thủ đô nước Mỹ bé tý, không xứng tầm với cường quốc số 1 thế giới. So với Hà Nội chúng ta mở rộng đến Hòa Bình, Hà Tây thì DC chỉ bé bằng cụ Rùa đang bơi so với hồ Hoàn Kiếm. Số dân Hà nội “mới” gấp 15 lần DC.
Thủ đô Mỹ không có nhà cao tầng chót vót, nằm giữa hai bang Maryland và Virginia, với nửa triệu người. Vào ngày làm việc, “cán bộ nhà nước” ở hai bang lân cận đổ vào làm việc, DC “thành” hơn một triệu, nhưng chiều tối lại yên tĩnh, không sôi động như bờ Hồ Hà Nội, xe máy phóng như bay, còi inh ỏi.
Tìm hiểu kỹ mới biết, Washington có những quy định rất ngặt nghèo. Điều 1 trong Hiến pháp Hoa Kỳ đã ghi rõ từ năm 1790 rằng thủ đô phải là… hình vuông, mỗi cạnh 10 miles (16km), diện tích là 260km2. Các nhà quản lý thành phố từ thời đó đã đặt những cột bê tông, mỗi mile (1.6km) một cái, để đánh dấu thủ đô… giới, một số cột mốc hiện vẫn còn.
May mà có sông Potomac ngăn với bang Virginia, nếu không, có lẽ đây là thành phố vuông nhất trên thế giới.
Tổng thống Hoa Kỳ Thomas Jefferson (thời kỳ 1801-1809) luôn mơ ước DC là “Paris của người Mỹ”, nhà xây thấp, tiện lợi, phố rộng và sáng sủa. Quốc hội Mỹ quy định từ năm 1889, trong thủ đô DC không có tòa nhà nào được phép cao vượt nhà Quốc hội (cao 88m).
Mỗi chuyện chiều cao mà Quốc hội Mỹ phải họp rất nhiều lần. Năm 1899, họ đã qui định chiều cao các tòa nhà không quá 34 m. Nhưng năm 1910, các ông nghị thay đổi, cho phép xây nhà cao bằng chiều rộng của mặt phố. Khi khách sạn Cairo xây lên với độ cao 54m tương đương với chiều rộng của đại lộ trước Dupon Cirle thì Capitol Hill “giật nẩy mình”.
Họ lại quy định rõ hơn, nhà dành cho văn phòng, thương mại không cao quá 34m, nhà ở có chiều cao không vượt 27m, hoặc chỉ có thể cao bằng chiều rộng của phố trước mặt, độ dài nào nhỏ hơn thì lấy đó làm chuẩn.
Sau vài lần chỉnh sửa Hiến pháp, kể từ năm 1910 (100 năm trước đây), chiều cao các tòa nhà không vượt quá chiều rộng của đường phố cộng với 6m. Ví dụ, đường phố trước mặt rộng 28m có thể xây nhà cao tối đa 34m (28+6). Vì thế, những building trong DC cao nhất chỉ khoảng 10-12 tầng. Có vài nơi liên quan đến thương mại thì được phép cao tới 50m. Đó là luật bất di bất dịch trong kiến trúc thủ đô.
Nhà mới xây trên phố DC phải có kiến trúc bề ngoài giống hệt nhà đã xây cách đây một thế kỷ, từ mầu gạch, cửa sổ trang trí đến hoa văn trên tường. Nhà mới xây và nhà cũ cạnh nhau khó mà phân biệt.
Thủ đô DC không thể so sánh về sự đa dạng như Hà Nội, có tòa nhà Vietcombank đỏ loẹt, đến BIDV cao ngất, hàm cá mập bên hồ dọa cụ Rùa, rồi Melia xanh đỏ, nhà trên phố thi nhau khoe “sắc nước hương trời” của nền kiến trúc “lúa nước sông Hồng”, mạnh ai nấy làm.
Phong thủy kiểu… Mỹ
Nói chung, người Mỹ không biết mê tín là gì, chỉ dựa trên số liệu khoa học. Không hiểu dân kiến trúc xứ Cờ hoa có mang sách sang học thầy Tàu, nhưng có một chi tiết “phong thủy” của DC mang yếu tố chính trị và lịch sử rất ít người biết.
Một khu đất trống được dành cho Quảng trường Quốc gia (National Mall) dài vài km và rộng nửa cây số. Xung quanh là hệ thống bảo tàng, rồi nhà tưởng nhiệm, tượng đài khá hoành tráng. Một đầu là nhà tưởng niệm Tổng thống Lincoln, đầu kia nhà Quốc hội. Ở giữa là tượng đài Washington, gần đó có nhà tưởng niệm Tổng thống Jefferson nhìn ra hồ Tidal Basin.
Mắt của tượng Lincoln ở phía cuối National Mall nhìn thẳng vào cơ quan lập pháp cách đó khoảng 3km. Còn tượng Jefferson bên hồ Tidal Basin có đôi mắt “chiếu tướng” Nhà Trắng, cơ quan hành pháp Hoa Kỳ. Nơi giao ánh mắt của hai cụ chính là tòa tháp Washington bằng đá cẩm thạch cao vút mà dân DC vẫn gọi là cái bút chì – biểu tượng cho nền dân chủ vĩnh cửu của nước Mỹ.
Tuy ở thế giới bên kia, ông Lincoln và Jefferson vẫn theo dõi Chính phủ và Quốc hội làm gì để báo cáo với cụ Tổng thống đầu tiên George Washington đang ngồi trên nóc…bút chì. Người ta gọi đó là con mắt của dư luận, theo dõi mấy nhánh quyền lực “vì nước vì dân” hoạt động như thế nào.
Kiến trúc đi theo chính trị với thông điệp rất rõ, không tòa nhà nào cao hơn tòa Quốc hội. Hành pháp và lập pháp cần được giám sát chặt chẽ. Quốc hội có quyền cao nhất quốc gia. Hai đảng Cộng hòa và Dân chủ chỉ là đám Voi và Lừa trang trí.
Thủ đô DC không cần to nhất thế giới, rộng nhất thế giới, đông người nhất thế giới, nên không mang tiếng là nhốn nháo, kẹt xe, ô nhiễm nhất thế giới. Nơi đây là trung tâm chính trị, ngoại giao, hành chính và đầu não quân sự, không phải là trung tâm “của tất cả” như nhiều nước khác.
Quyền lực quốc gia nằm trong một thủ đô hình vuông 16km x 16km lại ảnh hưởng đến toàn cầu. Sức mạnh nằm ở khái niệm tam quyền phân lập và thêm báo chí là quyền lực thứ 4 để giám sát 3 nhánh quyền lực trên. Thủ đô to hay nhỏ chẳng nói lên điều gì về khả năng của quốc gia đó.
Lời kết
Quy hoạch Hà Nội của chúng ta, đến bao giờ thành hiện thực? Chỉ mong, Hà Nội có những con đường tươi sáng, không kẹt xe, thân thiện với dân, kiến trúc trăm năm không bị mai một, đúng như các bậc tiền nhân từng mơ về một thế giới đại đồng
Trung tâm hành chính quốc gia phải là nơi để cho dân đến được, nghe được tiếng dân và biết được nỗi đau nhân thế.
Nếu khi bỏ phiếu cho quy hoạch mà nghĩ, sau quả này, mảnh đất dành cho mấy thằng con mua từ mấy năm trước, nay “bỗng” rơi vào quy hoạch và giá lên cao ngất trời, thì Thủ đô hay trung tâm hành chính quốc gia sẽ thuộc vài dòng họ mà thôi. Và Thăng Long mãi mãi chỉ là con rồng đất.
Lá phiếu lợi cho mình hay lợi cho một dân tộc, đó chính là chìa khóa giúp Hà Nội tiến hay lùi.
Nguồn http://tuanvietnam.net/2010-05-14-tu-washington-dc-nghi-ve-ha-noi