Theo nghiên cứu, các nhà kinh tế đúc kết lại có ba động cơ chính mà các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trực tiếp (FDI) vào các nước khác, đặc biệt là các nước đang phát triển: tìm kiếm thị trường, tìm kiếm nguồn lực (tài nguyên và con người), và hiệu suất kinh doanh/sản xuất. Trong ba động cơ chính này, động cơ cuối cùng thường ít được xem trọng ở các nước đang phát triển. Vì động cơ này chỉ có tác dụng khi nước chủ nhà (được đầu tư) phải có sẵn cơ sở hạ tầng, thượng tầng, khoa học công nghệ tốt. Trong khi đó các nước đang phát triển thường không sẵn có các yếu tố này.
Việt Nam là nước đang phát triển, với dân số đầu năm 2016 chưa đến 92 triệu người, tầng lớp trung lưu chiếm khoảng 17 % dân số, và thu nhập bình quân đầu người là 2.300 USD (2015). Các nhà kinh tế dự đoán con số này sẽ tăng lên 3.000 USD năm 2020. Theo báo cáo năm 2014 của OECD (tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế), khoa học công nghệ Việt Nam còn yếu và manh muốn, năng lực sáng tạo thấp vì vậy khả năng cạnh tranh toàn cầu là không cao. Ở đây chỉ điểm qua vài nét như vậy để thấy FDI vào Việt Nam không phải vì tìm kiếm hiệu quả hoạt động kinh doanh, không phải thụ hưởng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội của Việt Nam. Họ đến Việt Nam để kiếm thị trường (trong nước), ASEAN, TPP và các hợp tác kinh tế ưu đãi khác của Việt Nam.
Hãy nhìn lại dự án kinh tế Vũng Áng ở Hà Tĩnh do Formosa đầu tư. Formosa là tập đoàn kinh tế được thành lập ở Đài Loan năm 1954 từ một khoản tiền vay của Mỹ. Công ty này, ban đầu là hoạt động chính trong sản xuất nhựa (PVC). Những năm sau này họ hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Formosa đầu tư ở Đài Loan, Mỹ, và hiện nay là Việt Nam. Lịch sử hoạt động của tập đoàn này cho thấy họ gây ra rất nhiều thiệt hại cho con người và môi trường nơi họ đầu tư. Năm 1999, họ mua chuộc quan chức Campuchia và xả 3000 tấn chất thải chứa thủy ngân (độc tố nguy hiểm) ở thành phố Sihanouville. Năm 2004 và 2005 đã xảy ra hai vụ nổ của tập đoàn này (ở Mỹ) khiến 5 người chết và nhiều người bị thương. Nhà quản lý ở Mỹ đã phạt Formosa 300 nghìn USD về vụ nổ năm 2004 ở Illinois. Về môi trường, từ 2003 đến 2013, Formosa vi phạm nhiều quy định bảo vệ môi trường (nước, không khí và chất thải). Trong thời gian này họ đã nộp phạt tại Mỹ với số tiền lên đến tầm 5 triệu USD (1). Theo tập đoàn này báo cáo, năm 2012, tại Mỹ có gần 2.500 người làm việc cho tập đoàn.
Hình 1. Tổng số tiền Formosa tại Mỹ nộp phạt tầm 5 triệu USD
Formosa được tổ chức bảo vệ môi trường Scorecard xếp vào tốp 10% công ty tại Mỹ có thành tích tồi nhất trong bảo vệ môi trường (xem Scorebard, the pollution information site).
Ở Mỹ, tập đoàn Formosa có rất nhiều cam kết liên quan đến bảo vệ môi trường sống, đóng góp cho cộng đồng dân cư nơi Formosa hoạt động. Các cơ quan quản lý của Mỹ cũng quản lý chặt chẽ hoạt động của Formosa.
Formosa tại Việt Nam thì sao?
Năm 2008, ông Hoàng Trung Hải (lúc đó là Phó thủ tướng) ký hai văn bản đồng ý cho Formosa đầu tư nhà máy liên hiệp luyện thép và cảng nước sâu tại Vũng Áng, Hà Tĩnh. Theo thông tin các báo cho hay, Formosa đầu tư tổng số tiền là 28 tỷ USD vào dự án này. Giai đoạn đầu họ đầu tư 8 tỷ USD. Họ được thuê đất 70 năm (theo luật tối đa chỉ được 50 năm), 15 năm đầu miễn phí thuê đất, những năm còn lại thu 80 nghìn VND/m2/năm, thuế thu nhập doanh nghiệp thấp (chỉ 10%) so với thuế thu nhập doanh nghiệp bình thường năm 2008 là 28%. Bên cạnh đó họ còn có nhiều ưu đãi khác. Chưa bàn đến việt công ty này mang người lao động Trung Quốc vào làm việc trái phép (2).
Tại sao Formosa lại được nhiều ưu đãi vậy?
Chắc là họ sẽ mang lại sự “đổi đời” cho dân Hà Tĩnh như báo Nhân Dân đăng năm 2011 (3) trong đó nêu ý kiến của một người dân về việc khởi công dự án Formosa tại Vũng Áng:
“Lâu nay nghe nói mà chưa thấy chi, bầy tui lo lo, phấp phỏm. Nay được nhìn tận mắt lễ khởi công là bà con vui rồi, sướng rồi. Nhất định dân tôi sẽ đổi đời, quê hương Ðèo Ngang sẽ không phải mang tiếng “đang nghèo” mãi nữa”.
Một cụ khác 83 tuổi thì nói:
“Tôi thay mặt tổ tiên, ông bà và cả linh hồn những người xưa sống vất vưởng ở chân núi, bìa rừng, nay được quy tập về trong nghĩa trang sạch đẹp, cảm ơn Nhà nước, cảm ơn dự án. Nhờ dự án mà người sống được đổi đời, dân quê tôi xưa có nằm mơ cũng chưa thấy nhà hai gác. Nay làng xóm ở như phố phường. Ðêm điện sáng tận vách núi. Câu thơ “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” xưa, nay phải đọc là… “Hoành Sơn cồn bãi, vạn đại vinh quang…” mới đúng!
Còn sau đây là mong ước của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng, nay đã cáo lão về quê, dự báo: “Giai đoạn một, ngân sách Hà Tĩnh sẽ đạt mức từ 5.000 – 7.000 tỷ. Giai đoạn hai sau năm 2015 nguồn thu ngân sách sẽ trên mười nghìn tỷ đồng/năm”.
Kết thúc bài báo Nhân Dân, hai tác giả Khắc Hiến và Võ Minh Châu vinh danh công trạng như sau: “Ðể có một khu kinh tế Vũng Áng và những dự án tầm cỡ quốc tế như Formosa là công lao của các thế hệ lãnh đạo, sự vào cuộc của toàn Ðảng bộ, quân và dân Hà Tĩnh. Mùa xuân là sự góp sức của nhiều cánh én, song không ai quên công lao của cánh én đầu đàn”.
Đối với Hà Tĩnh, dự án Formosa là động lực của Khu kinh tế Vũn Áng (4). Có một điều khá ngạc nhiên đó là khi Formosa vào Hà Tĩnh, các báo chỉ đăng tải công trạng của các cơ quan quản lý, vinh danh sự có mặt của Formosa như là cứu cánh cho dân trong vùng. Chẳng ai đém xỉa đến trách nhiệm hay cam kết của Formosa trong dự án này là gì và đặc biệt là các cam kết bảo vệ môi trường sống cho khu vực này. Formosa chỉ cam kết một việc là đảm bảo dự án đúng tiến độ (5). Năm 2015, một nghiên cứu ngắn của Viện Nghiên Cứu Chính Sách và Phát Triển đã quan tâm và khuyến cáo vấn đề bảo vệ môi trường tại Khu kinh tế Vũng Án. Nhưng chỉ dừng ở đó, về phía quản lý Nhà Nước không ai đoái hoài gì đến việc bảo vệ môi trường. Các nhà báo cũng quên luôn!
Hậu quả phá hoại môi trường của Formosa thì chúng ta đã bắt đầu thấy. Nhưng phải nói rõ, Formosa đến Việt Nam vì quyền lợi của họ chứ không phải vì Việt Nam, không phải vì Hà Tĩnh. Vậy Formosa không có trách nhiệm bảo vệ môi trường, trừ khi cơ quan quản lý yêu cầu họ một cách hiệu quả.
Trách nhiệm của Hà Tĩnh trong việc cá chết là gì?
Cho đến nay chưa có bằng chứng xác định nguyên nhân cá chết là gì, cho nên chúng ta không thể quy trách nhiệm này cho Formosa. Đó là lí do vì sao họ cho rằng họ vô can trong sự việc vừa qua. Tất cả những gì chúng ta có thể mong đợi kết quả phân tích của các nhà khoa học và các cơ quan làm điều tra.
Qua sự việc này, chúng ta thấy rõ sự vô trách nhiệm của Sở Tài Nguyên và Môi Trường của Hà Tĩnh. Họ đã không làm tròn trách nhiệm giám sát hoạt động của Formosa trong lĩnh vực Sở quản lý. Sở này cũng không biết Formosa mấy ngày qua xả ra chất gì và bao nhiêu. Tất cả những gì các cơ quan quản lý nói là hệ thống xử lý nước thải hiện đại có hệ thống quan trắc tự động, ống thải ngầm dưới biển đã được cấp phép… Vậy trách nhiệm của Sở là làm chi? Các ông/bà không đo đạc, kiểm tra thì làm sao biết họ thải ra chất có độc không? Chất độc có nhiều không? Và nếu các Ông/bà làm tròn trách nhiệm của mình thì ngay bây giờ đã biết được Formosa có liên can trong sự việc hay không. Cho nên trong sự việc này, Formosa không đáng trách, họ đến Việt Nam chỉ để kiếm tiền, trách nhiệm của họ là kiếm tiền. Còn bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cơ quan quản lý Hà Tĩnh. Vì vậy, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi Trường Hà Tĩnh nên tự thôi việc để chỗ lại cho người khác làm được việc hơn. Việt Nam sẽ không đánh đổi môi trường sống vì tiền.
Sự nhân nhượng của Chính phủ đối với các công ty nước ngoài
Các công ty nước ngoài đến đầu tư tại các nước phát triển họ được nhiều ưu đãi. Họ có thêm thị trường là một chuyện. Nhưng điều tệ hại là họ không có trách nhiệm bảo vệ môi trường sống, nếu có thì chỉ qua loa lấy lệ. Điều tệ hại tiếp theo là họ thường bóc lột người lao động trong nước, họ trả công với đồng lương chết đói. Hai điều tệ hại này các công ty nước ngoài sẽ không làm được trừ khi họ được cơ quan quản lý của Nước chủ nhà bật đèn xanh. Chính sự nhân nhượng của Nhà Nước là nguyên nhân sâu xa gây ra hậu quả ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở các quốc gia đang phát triển, đặc biệt nổi bật như Trung Quốc và Việt Nam. Doanh nghiệp nước ngoài họ chỉ muốn kiếm tiền, còn Nhà Nước phải biết giúp dân bảo vệ môi trường. Nếu không thì có Nhà Nước để làm gì?
T.M.T
Tài liệu tham khảo
- 2013 EHS Annual report (Formosa Plastic)
- Hà Tĩnh cấp phép đầu tư 70 năm cho Formosa khi chưa được Chính phủ đồng ý. Theo
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/746350/ha-tinh-cap-phep-dau-tu-70-nam-cho-formosa-khi-chua-duoc-chinh-phu-dong-y- (truy cập truy cập lúc 14h00 ngày 26/04/2016).
- Formosa – Dự án động lực của khu kinh tế Vũng Áng. Theo http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/goc-nhin-kinh-te/item/17800702-.html (truy cập lúc 14h00 ngày 26/04/2016).
- FORMOSA – dự án động lực của KKT Vũng áng. Theo
http://hatinh.gov.vn/tintucsukien/tintrongtinh/Pages/FORMOSA%E2%80%93d%E1%BB%B1%C3%A1n%C4%91%E1%BB%99ngl%E1%BB%B1cc%E1%BB%A7aKKTV%C5%A9ng%C3%A1ng.aspx (truy cập lúc 14h00 ngày 26/04/2016).
- Tập đoàn Formosa cam kết đảm bảo tiến độ tại KKT Vũng Áng.
http://hatinh24h.com.vn/tap-doan-formosa-cam-ket-dam-bao-tien-do-tai-kkt-vung-ang/ (truy cập lúc 14h00 ngày 26/04/2016).
Tác giả gửi BVN