Về “thoát Trung” cho Việt Nam

Thời gian gần đây chúng ta thường nói về khái niệm “thoát Trung” khá nhiều. Chắc chắn từ góc độ khác nhau sẽ có cái nhìn khác nhau. Vì thế mới cần đa nguyên, cần tranh luận, cần tránh độc đoán. Ở đây chỉ xin nêu một quan điểm hoàn toàn cá nhân, có thể rất phiến diện và lộn xộn nên mong bạn đọc lượng thứ, xin cứ coi như một thông tin để tham khảo khi tranh luận mà thôi, hoàn toàn không muốn và càng không thể khái quát hóa.  

Tôi hiểu khái niệm “thoát Trung” theo nghĩa rất gần đây, nghĩa là khái niệm rất mới khi, sau 1990 các “lều” lãnh đạo khả kính của chúng ta ký thỏa thuận Thành Đô mà cho đến ngày hôm nay, 22.4.2016, người dân hạng hai như tôi chỉ được biết qua mạng lề trái, còn các “đồng chí” đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam biết đến đâu tôi không rõ vì tôi chưa được diễm phúc đứng một giây nào trong cái đảng quang vinh ấy!

Cá nhân tôi hiểu là khái niệm “thoát Trung” chỉ đặt ra về mặt chính trị mà thôi, chứ còn gắn bó với Trung Hoa, nhất là văn hóa thì châu Âu cũng có, như in ấn, hội họa, tiểu thuyết, triết học, niên lịch… hay kỹ thuật như thuốc súng, tên lửa,… xin miễn bàn.

Nhưng có một điểm mà tôi nghĩ là hiện nay nhiều người hay muốn đánh tráo khái niệm hay nói một cách rõ ràng hơn là “ngụy biện” là “các vị ơi, “thoát Trung” thế nào được khi cái bàn chải đánh răng anh dùng, quả táo anh ăn cũng từ Trung Quốc đến”. Thật là một sự ngụy biện điên rồ. Thế giới ngày nay phẳng rồi các vị ơi.

Nước Trung Hoa to xác thế nhưng cũng cần nước Việt Nam nhỏ bé này đấy nhé, các vị không có “Cấm Thành” nếu không có người Việt đâu!

Dĩ nhiên tất cả các nước có biên giới chung với Trung Quốc đều có vấn đề với họ, tùy thời điểm, tùy cỡ lớn nước đó…

Việt Nam có chịu ơn Trung Quốc trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc vừa qua hay không? Có chứ! nhưng ngược lại, Trung Quốc có cám ơn Việt Nam để Nixon phải mời họ Đặng sang Hoa Kỳ để lập lại quan hệ hai bên để Trung Quốc phát triển như ngày nay hay không nhỉ?

Cá nhân tôi có vài trải nghiệm sau, xin được chia sẻ cùng bạn đọc, vì dù cho tôi vốn có gốc gác Tàu, họ Ngụy gốc Phúc Kiến với gia phả, mà không mấy đẹp đẽ về nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vì vốn biết nước này gắn với họ Mao!

Năm 1951 gia đình chúng tôi từ Việt Bắc sang Nam Ninh, dẫu còn nhỏ nhưng cũng thấy rằng họ không hơn ta là bao nếu không nói là còn nghèo hơn. Nhưng mà họ cưu mang chúng ta, vì chúng ta đang có chiến tranh, họ đã hòa bình. Nhưng ngay khi sang đó, ở làng quê hẻo lánh Tâm Hư mà chúng tôi đến, tôi mới 7 tuổi mà đã phải chứng kiến cảnh đem địa chủ ra đấu tố và bắn chết ngay giữa sân làng để làm gương, máu bắn vọt đi hàng mét. Kỷ niệm đó vào một đứa trẻ thơ như tôi, là cho tôi cả tuần đó hầu như không ngủ được vì luôn hiện lên cảnh đó trước mắt, thì bạn đọc hiểu cho tôi là tôi có ấn tượng gì về nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nói riêng và chủ nghĩa cộng sản nói chung mà sau này càng lớn lên, tôi càng hiểu rõ.

Các bạn lớn hơn tôi một chút ở Quế Lâm được theo học Thiếu sinh quân gần đây có dịp qua lại đó kể lại, họ cho xây dựng lại trường rất đẹp, treo biển mặt ngoài trang trọng đề đây là trường vốn dành cho học sinh Việt Nam. Thế nhưng mặt sau lại ghi, bọn Việt Nam nghèo đói chuyên đi ăn xin!

Dân Tàu hai mặt thế thì ai dám chơi!

Cha tôi khi ấy phụ trách Trường Cao đẳng Sư phạm được phép đi cùng ông bạn Tàu mua thiết bị cho trường, chứng kiến cảnh ông này lấy tiền đó dùng cho việc riêng ngán ngẩm quá mà bảo, họ coi thường chúng ta “đến thế là cùng”, trong khi thời ấy nước ta xử lý tham nhũng cứng rắn thế nào mà nước bạn, vốn muốn làm gương cho ta học, lại làm vậy.

Đó là những năm 50 thế kỷ trước.

Còn gần đây, mới 1996 tức 20 năm trước, khi chúng ta đã mở cửa, cho cán bộ khoa học thoải mái đi học nước ngoài (tôi sợ quá thoải mái đến lãng phí tiền thuế của dân, nhưng lại thuộc phạm trù sau mà tôi cũng chỉ xin nói vắn tắt ở phần cuối bài ngắn này). Cơ quan cho chúng tôi đến thăm Viện Quang học Thượng Hải thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc. Viện nguy nga, tráng lệ, thiết bị tối tân, hiện đại miễn chê mà tôi vốn có dịp qua Pháp phải kính nể, không thua kém gì bên đó. Thế nhưng ông bạn đồng nghiệp Trung Quốc lại bảo tôi: “Tâm ơi, tôi chưa bao giờ được ra nước ngoài, về nước hãy viết giấy mời để tôi được đi nước ngoài!”. Chuyện tuy cũ nhưng cũng chứng tỏ, chúng không phải lúc nào cũng phải lẽo đẽo theo sao ông bạn “vàng” này. Nhất là về chính sách, nói riêng, và về chính trị nói chung vì chắc chắn một nước đóng cửa lâu như Trung Hoa với các hoàng đễ cực kỳ hủ lậu, nước ta 80 năm  thuộc địa Pháp, dẫu nhiều mắt xấu, nhưng biết bao mặt tốt mà người Trung Quốc chưa học được, tại sao ta lại cứ phải theo đuôi họ? “Giấc mơ Trung Hoa” của họ Tập chắc chắn không chỉ nhằm vào Biển Đông, cửa ngõ ngôi nhà chúng ta, mà chính ngôi nhà đó. Thời gian chẳng chờ đợi nữa đâu!

Tôi xin trở lại với vài nhận xét về chính chúng ta, cả quan lẫn dân.

“Quan nhất thời dân vạn đại”. Lại có câu ngạn ngữ “Dân gian, quan tham”. Không thể trách dân được vì quan không những bịt thông tin của dân mà còn bịt miệng họ nữa kia! Riêng về “ngu dân”, bịt thông tin, chắc chắn ta và Tàu chẳng ai thua ai, vì cùng “môi hở răng lạnh” mà. “Một nửa sự thật sẽ chẳng phải là sự thật”, còn quá cả nói dối. Xin xem xếp hạng tự do báo chí ngày hôm qua ngay trên trang mạng boxitvn.net này, tôi xin miễn nhắc lại. Nhân đây, xin đòi hỏi, mà tôi nghĩ đòi hỏi này là chính đáng, của nhân dân toàn quốc, vì nó liên quan đến vận mệnh nước ta cả năm 36 qua và sẽ cả thời gian sắp tới: Bạch hóa Hội nghị Thành Đô 1990.

Trước khi trách dân, xin các quan làm gương, tự kiểm điểm và nhận trách nhiệm của chính mình đã. Nhân đây cũng xin nếu nhận xét sau về các quan mà ở đây chỉ kể một chi tiết để bạn đọc tự phán xét.

Anh PXY có nhắc lại chuyện cũ sau:

…Nhớ năm 1998 anh NVH có đưa tôi từ TPHCM về thăm các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Trên đường tôi chỉ  nói về Ông Trần Độ thì anh bảo “Ông ấy thực ra dại quá”, bực mình tôi bảo “Sao lại dại, trái lại ông đi trước những người “khôn lỏi” cả  bao năm”… Hoá ra trong đầu óc những đảng viên “khôn” như thế, đi ra ngoài nhiều mà không sao giác ngộ nổi, thực chẳng ngoa chút nào.

Anh H. này nguyên là “sếp” của tôi, xin miễn bàn thêm. Quan đã “gương mẫu” như thế thì người dân hòng nhờ gì?

Để kết thúc bài biết ngắn này, xin được nói vài lời với 19 vị trong BCT, BCHTW ĐCSVN, trong đó ngoài anh bạn Đại học Tổng hợp Hà Nội, còn có cả anh bạn trẻ học Đại học Kỹ thuật Otto von Guericke, Magedeburg, các “lều” lãnh đạo tối cao của một trong năm (xin được kể cả CHDCND Lào dù nhiều khi người ta hay quên vì diện tích đất đai khá nhỏ và số dân quá ít) nước duy nhất còn lại trên một thế giới phẳng, đã toàn cầu hóa, tất cả mọi người trên cái hành tinh nay đã kết nối  mạng nên trở nên nhỏ bé như một cái làng này, còn được trị vì bởi một (hay nhiều) ông (hay bà) vua mà nhà văn Andersen đã mô tả tuyệt diệu trong truyện cổ tích “Bộ quần áo mới của hoàng đế” của ông từ trước đây cả 179 năm, và những cái “nhà” nước như thế cũng đã được George Orwell mô tả quá hay từ 71 năm trước trong truyện ngắn “Chuyện ở nông trại”, Nhà sách Nhã Nam ấn hành 2013, mà xin các vị bỏ ra chắc chỉ một tiếng để đọc vì nó chỉ dày 161 trang! dẫu tôi biết các vị đều “của dân, cho dân, vì dân” cả nên thời gian rất hạn hẹp.

Người dân Việt Nam đã quá chán ngán, thậm chí căm thù cái thể chế (đảng lãnh đạo) toàn (diện) trị này rồi. Các vị khác tôi không rõ lý lịch lắm, nhất là có vị còn khai man nữa kia, chứ hai vị trên tôi khá rõ. Các vị Tây học cả, thậm chí cả có thời gian theo học  Đại học Harvard, thế mà các vị giở cái trò công an trị với nhân dân, đàn áp những người bất đồng chính kiến học lỏm của Tàu cộng. Rồi trò bầu “Cuốc” hội dỏm, ngay đề cử đã để cho các tổ dân phố “đấu tố” những người tự ứng cử, cứ như Cải cách ruộng đất 1953-54 ấy, các vị không thấy nhục nhã quá ư?

Cũng giáo sư, cũng bằng cấp này nọ đấy, làm ô danh cho những bằng cấp đó quá!

Các vị thừa biết, khi nước ta nằm trong năm nước đội sổ về tự do báo chí thì tai các vị chỉ còn nghe được tiếng nói của lũ nịnh thần, các vị sẽ điếc (hay giả bộ như vậy) trước tiếng nói chân thành của những người còn có lương tri chứ chưa nói tới tiếng nói tâm huyết của số đông người Việt, trong và ngoài nước, đang phẫn nộ trước những hành động gây hấn lộ liễu của giới cầm quyền Trung Quốc rất gần đây, và những điều hết sức chướng tai gai mắt ngay trong nước.

Các vị đã “chém gió” quá nhiều rồi đấy, hãy hành động đi! Hãy học Myanmar, nước bạn trong khối ASEAN chỉ cách nước ta qua Lào, hơn một giờ bay. Họ dám làm cái mà người dân nước họ mong đợi, và người dân Việt Nam cũng mong chờ, ít nhất là từ 41 năm nay!

Ông bạn già khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội và ông bạn trẻ Đại học Kỹ thuật  Otto von Guericke Magedeburg, và 17 vị còn lại trong BCT, các vị có dám đi trước Trung Quốc trong cuộc Trường Chinh tiến tới Thế giới văn minh của Tự do, Dân chủ, Pháp quyền. Hãy “dạy cho họ Tập một bài học”, chứ không phải ngược lại, không thể cứ mãi mãi theo đuôi họ, để cho họ khinh rẻ không chỉ cho chính các vị mà cả dân tộc 94 triệu dân anh hùng với bốn ngàn năm văn hiến này. Hay vì, xin nói thẳng vấn đề ra vì tôi vốn dân khoa học tự nhiên cần sự chính xác, các vị đã trót “ngậm miệng ăn tiền” rồi nên không thể làm khác được, để lại vết ô nhục cho con cháu?

Chỉ xin nhắc lại câu rất mới thôi của Tổng thống Mỹ Barack Obama “We need change”, cần lắm lắm rồi!

Và câu của văn hào Đức nổi tiếng J.W. von Goethe: “Tất cả mọi lý thuyết đều xám ngoét, chỉ có cây đời mới xanh tươi”.

Hãy hành động ngay đi, các vị giáo điều, bảo thủ ạ, đừng hèn và ác mãi thế!

N. H. T.

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in Đảng CSVN, Trung Quốc. Bookmark the permalink.