Đa số họ đã tự chuyển từ thành phần từ “liên minh” sang thành phần “công nhân” tại các khu công nghiệp. Họ được mệnh danh là “giai cấp tiên phong và có Đảng Cộng sản là của giai cấp công nhân, trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân”.
“Giai cấp tiên phong” và đảng của “giai cấp tiên phong”
Vài hôm nay, báo chí nêu vấn nạn người dân nông thôn bỏ nhà ra thành phố kiếm sống. Nguyên nhân hiện tượng này, được lý giải đơn giản như trong câu nói của bà Nguyễn Thị Quá (ngụ thôn Tân Mỹ, xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên): “Không đi thì lấy gì ăn? Vào trong ấy lê chân cả ngày còn kiếm được 50.000-100.000 đồng gửi về cho con, chứ ở đây lấy gì cho chúng học?”.
Hậu quả của hiện tượng này chưa ai thống kê được.
Trước hết, là cảnh gia đình ly tán, dẫn đến nhiều vấn đề xã hội phát sinh, trẻ em không được học hành, người già thiếu người chăm sóc. Sau đó, nông thôn dần biến thành những vùng đất hoang.
Báo chí nêu một ví dụ: “Ông Lê Duy Thắng, Chủ tịch UBND xã Thiệu Giao, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, cho hay toàn xã có khoảng 7.800 người nhưng nay chỉ còn 2.400 người ở lại địa phương gồm 900 người già, hơn 400 học sinh và các thành phần lao động khác” – Nghĩa là 2/3 số người ở xã này đã ra đi tìm đường cứu… gia đình.
Đến thành phố, những người nông dân làm đủ mọi nghề kiếm sống, hoặc hòa nhập vào tầng lớp “tiểu thương” như bán hàng rong, bán vé số, hoặc phục vụ trong các gia đình với vai trò “osin”, thậm chí nhiều thanh niên còn tham gia các hoạt động tệ nạn như nạn rải đinh, trấn lột… đủ cả.
Đa số họ đã tự chuyển từ thành phần từ “liên minh” sang thành phần “công nhân” tại các khu công nghiệp. Họ được mệnh danh là “giai cấp tiên phong và có Đảng Cộng sản là của giai cấp công nhân, trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân”.
Tại các khu công nghiệp, công nhân được các “ông chủ tư bản bóc lột” tùy thích, không ai bảo vệ họ. Họ “được” bóc lột thậm tệ về ngày công, về giờ làm và nhiều mặt đời sống tinh thần.
Công nhân công ty TNHH Bluecom Vina, cho biết: Cả tuần làm việc, nhiều anh chị em thường xuyên phải tăng ca đến tận 22h đêm nên quá sức chịu đựng. Bên cạnh đó, phía công ty có quy định rõ ràng về việc thứ bảy, công nhân không phải làm tăng ca, tuy nhiên thực tế vẫn thường xuyên phải làm thêm giờ.
Công ty có cả hàng ngàn công nhân, nhưng không tìm ra một tổ chức nào để bảo vệ họ. Vì thế, ngày 11/4/2016 gần 1.000 công nhân công ty TNHH Bluecom Vina tại KCN Tràng Duệ, An Dương, Hải Phòng đồng loạt nghỉ việc đòi thành lập công đoàn.
Hài hước hơn, là nơi có các tổ chức công đoàn hoạt động, thì các tổ chức này cũng là tổ chức của nhà nước quản lý, do đảng lãnh đạo nên hầu như không có tác dụng bảo vệ quyền lợi công nhân.
Hôm nay, 15/4/2016, bức xúc vì một ngày phải làm việc liên tục 12 tiếng đồng hồ nhưng vẫn không đủ chỉ tiêu sản lượng mà công ty đặt ra, các chế độ chính sách cho người lao động cũng không được đảm bảo, hàng ngàn công nhân công ty sản xuất giầy da KaiYang (Đài Loan, đóng trên đường Hoàng Quốc Việt, Thành phố Hải Phòng) đã đồng loạt bỏ việc.
“Mặc dù công nhân đã kiến nghị rất nhiều lần lên tổ chức công đoàn công ty trong 5-6 tháng nay nhưng tình trạng vẫn không được cải thiện, dẫn đến việc công nhân phải ngưng việc nhằm tạo sức ép lên công ty”. – Bài viết trên tờ Tuổi trẻ cho biết.
Xem ra, bây giờ đảng không mấy quan tâm đến “giai cấp tiên phong” của mình nữa thì phải? Có người nói rằng: Bản chất giai cấp của Đảng đã thay đổi từ lâu.
Chỉ là em mượn tí mà thôi
Còn nhớ, cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nói chuyện với Việt Kiều về tham nhũng ở Việt Nam rằng: “Ở Việt Nam của mình, không muốn tham cũng động lòng tham. Người thủ quỹ khi nào cũng giữ khư khư tiền, khi nào cũng có số dư, cho nên khi bí quá thì em mượn chút, mượn không thấy ai đòi hết, thì em mượn thêm chứ không phải Việt Nam tham nhũng nhất thế giới đâu” – Đây có lẽ là định nghĩa về tham nhũng hay nhất thế giới cần đưa vào giáo khoa cho toàn thế giới!
Hôm nay, báo chí đưa tin: Nữ kế toán Mặt trận tổ quốc “nuốt” hơn 6,1 tỉ tiền cứu trợ lũ lụt.
Chuyện ở Việt Nam tham ô tiền cứu trợ bão lụt, thiên tai thì đã quá nhiều. Từ 2002, Hà Tĩnh đã nổ ra vụ tham ô 24,4 tỷ đồng cứu trợ bão lụt ở Hương Sơn. Thế nhưng đến tận 2006 Bộ Công an mới chỉ đạo điều tra. Người dân nói rằng: Số tiền đó, nó đã ăn, thải ra và tiêu hóa lại biết bao lượt, làm sao mà điều tra. Sau 14 năm tham nhũng, 10 năm chỉ đạo của Bộ Công an, nay sự việc không thấy sủi tăm nữa.
Trước đó ở Nghệ An cũng đã bị Mặt trận xà xẻo mất 1 tỷ trong 3 tỷ đồng tiền cứu trợ.
Xem ra, cái khoản cứu trợ nhân đạo của người dân là khoản dễ kiếm và bỏ túi nên khắp nơi nở rộ. Chắc vậy nên mới có chuyện nhiều địa phương quy định: Muốn cứu trợ thiên tai, phải qua tổ chức nhà nước.
Tổ chức quốc tế Global Financial Integrity có một bản báo cáo: Từ năm 2004-2013, có tới 92,93 tỷ USD được chuyển phi pháp từ Việt Nam ra nước ngoài. Nghĩa là mỗi năm người Việt chuyển ra nước ngoài 200.000 tỷ đồng. Nhiều người thắc mắc là tiền ở đâu mà lắm thế?
Xin thưa, tiền từ mỗi người dân, từ tài nguyên, khoáng sản của đất nước, từ xăng dầu, đường đi, thuế má đủ loại và từ những tấm lòng nhân đạo của người dân chứ đâu.
Không chỉ tham nhũng về kinh tế, tiền của, mà những quyền cơ bản của công dân cũng đang bị trấn lột nghiêm trọng. Bản Báo cáo nhân quyền của Mỹ mới đưa ra có những nội dung như sau:
“Theo nhận xét chung của bộ ngoại giao Mỹ, trong lãnh vực nhân quyền, các vấn đề nghiêm trọng nhất tại Việt Nam bao gồm: (1) hạn chế nghiêm ngặt các quyền chính trị của công dân, “đặc biệt là quyền thay đổi chính phủ của họ thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng”; (2) hạn chế quyền tự do dân sự của người dân, trong đó có quyền tự do hội họp, lập hội, và ngôn luận; (3) không bảo vệ đúng mức quyền của người dân được xét xử công bằng, bao gồm quyền được bảo vệ chống lại các hành vi giam cầm vô lý”.
Có lẽ, những thứ này cũng chỉ là “em mượn tí mà thôi” – chỉ có thời gian mượn đã gần 1 thế kỷ nay.
Lãnh thổ giao bạn vàng “quản lý”
Thường, mỗi khi cướp đất của tôn giáo, của người dân, câu cửa miệng của nhà cầm quyền là “Đất đai do nhà nước quản lý” để giải thích việc muốn lấy đất đai, tài sản của dân khi nào là… tự nhiên. Có lần, tôi đã nói với một Phó chánh Thanh tra Thành phố Hà Nội rằng: Sinh ra nhà nước là để quản lý, điều đó không sai, ở đất nước Việt Nam này may ra có Hoàng Sa và một phần Trường Sa, nhà nước không chịu quản lý cho dân nhờ thôi” – Ông ta đánh trống lảng.
Báo Thanh niên cho biết: “Hai quan chức Mỹ cho hay đã có một loạt chuyến bay đến và đi từ đá Chữ Thập trong ngày 8 và 10/4, sử dụng các loại máy bay thường được dùng để chuyên chở các quan chức cấp cao Trung Quốc là Airbus 319 và Bombardier CRJ. Vì thế, đây rõ ràng là chuyến thăm của một quan chức thuộc hàng cấp cao đến Trường Sa”.
Thời gian qua, nhiều thông tin về biển đảo của Việt Nam đang bị Trung Cộng xâm lược, chiếm đóng, bồi đắp hiện ra sao, lại không đến từ hệ thống phát ngôn của nhà nước Việt Nam, hài hước thay lại từ Mỹ và quan chức Mỹ.
Trên báo Việt Nam hôm nay đưa tin: “Mỹ đã quyết định triển khai binh sĩ tới 5 căn cứ quân sự Philippines do ngày càng lo ngại về sự phô bày thanh thế của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi có tranh chấp chủ quyền biển gay gắt liên quan đến nhiều nước, bao gồm Việt Nam”.
Hoặc là: “Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm tàu sân bay ở biển Đông”.
Nhưng, không thấy xuất hiện các thông tin về việc quân đội Việt Nam, cảnh sát Việt Nam thực hiện bảo vệ biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa, cũng như các động tác của nhà nước như thế nào trước hành động ăn cướp lãnh thổ của Trung Quốc.
Hình như, cho đến nay, việc lãnh hải, lãnh thổ và biển đảo đang được giao cho “bạn vàng” quản lý đã là chuyện không cần bàn cãi. Và chuyện đó không còn thuộc trách nhiệm của nhà nước Việt Nam?
Cũng qua báo chí gần đây, người ta thấy những việc về nhân quyền, tù nhân chính trị…, khi động đến nhà nước cứ như đỉa phải vôi và la làng rằng đây là “can thiệp nội bộ”. 12 năm trước, tháng 10 năm 2004, bà Tôn Nữ Thị Ninh từng nói tại buổi họp báo tại CLB Báo chí Quốc gia Hoa Kỳ vào về chuyện người chống đối chính quyền bị bắt rằng: “Trong gia đình chúng tôi có những đứa con, cháu hỗn láo, bướng bỉnh thì để chúng tôi đóng cửa lại trừng trị chúng nó, dĩ nhiên là trừng trị theo cách của chúng tôi. Các anh hàng xóm đừng có mà gõ cửa đòi xen vào chuyện riêng của gia đình chúng tôi”.
Thế nhưng, việc chủ quyền, lãnh thổ bị “bạn vàng” cướp chiếm, thì lại để “hàng xóm” không chỉ gõ cửa đòi xen vào, mà còn đưa luôn cả súng đạn, quân đội đến thì lại im lặng?
Oái oăm thay, người đến giúp đỡ, lại chính là “kẻ thù trước mắt và lâu dài” (theo quan điểm của Đảng) là Đế quốc Mỹ.
Ngẫm đến từ “bạn 16 chữ vàng, bốn tốt” giữa Việt Nam và Trung Cộng mới thấy hài hước làm sao. Thực chất, cần phải nói rõ rằng đây là “bạn vàng” của Đảng Cộng sản Việt Nam chứ không phải của nhân dân Việt Nam. Hai chủ thể đó khác nhau và chọn lựa khác nhau. Bạn vàng của Đảng thường là các nhà, các chế độ độc tài như Saddam Hussein, Gadhaphi, Hugo Chavet, Kim Jong Un, Tập Cận Bình và cả Putin – một tên độc tài quân phiệt mới gốc cộng sản.
Trên thế giới, người ta đã bỏ cách kết bè, kết cánh theo kiểu “đồng chí” của cộng sản. Chỉ riêng mấy nước cộng sản còn sót lại vẫn bám theo kiểu “bạn bè đồng chí” hết sức u mê này mà coi nhẹ quyền lợi đất nước.
Mỹ, Nhật, Đức và các nước lớn, ngay cả Nga không có bạn bè, chỉ có đồng minh và quyền lợi của đất nước là trên hết. Do vậy họ đã hành động sáng suốt không hề nhầm lẫn theo kiểu ý thức cộng sản.
Mới đây, phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Nga – người bạn cũ của Việt Nam – về Biển Đông như một cái tát mạnh vào những người đang hóng hớt và hy vọng hão huyền về cái gọi là truyền thống hữu nghị một thời dĩ vãng nay vẫn bám riết đầu mấy vị lãnh đạo Việt Nam. Không hiểu những cái tát đó có làm tỉnh ra mấy cái đầu kia không?
Xem ra, với tư duy này, thì chuyện “Tàu hỏa phanh gấp nhường đường cho xe máy” không chỉ xảy ra trong đời sống xã hội, mà cả trong đời sống chính trị, đối ngoại của Việt Nam.
N.H.V.
Nguồn: http://www.ijavn.org/2016/04/vntb-giai-cap-tien-phong-en-uong-cung_16.html